Hà Giang: Có một đất trời làm của riêng, người ta sống thanh bình trong đó

04/11/2020

Hơn một năm trôi qua nhưng mỗi lần nhìn lại tấm hình tôi chụp đứa bé gái ở Hà Giang năm ngoái, đứa bé có khuôn mặt tủi thân và màu da của một con giun chết, tôi lại bồi hồi buồn. Tôi vẫn chưa quên nó, vẫn băn khoăn một ngày nào phải trở lại tìm nó trên núi Hà Giang.

Hôm nay tôi đăng lại bài viết này bởi vì khi xem một thước phim tài liệu National Geographic Nepal: The Last Honey Hunter về chuyến săn mật ong cuối cùng ở trên núi Nepal của người dân tộc Nepal, tôi chạnh lòng đến người dân tộc ở Hà Giang. Họ đã khuất phục được thiên nhiên khắc nghiệt và sống hồn nhiên như không biết kham khổ là gì. Clip xem xong chảy nước mắt thương những cùng cực ở những góc xa xôi trên thế giới, nhưng tôi biết họ không cảm nhận được cái kham khổ như tôi đã gán cho họ. Trong họ có một sức mạnh mãnh liệt giúp họ thích ứng với thiên nhiên mà tôi không thể nào hiểu được.  Những người săn mật ong ở Nepal có thể để cho hàng trăm con ong vần vũ trên da trần nhưng tỉnh như không;  cũng như những đứa bé vùng Tây Bắc Việt Nam phong phanh quần áo, chân trần đạp lên đất lạnh trong mùa đông giá rét cũng tỉnh như không. Tôi vừa phục vừa thương vừa xót xa.

Tâm hồn bình yên của những đứa trẻ - Hãy để cho nó vận hành theo dòng chảy - Ảnh: NAG Vuong Viet Vu

 Ánh mắt ngây thơ chứa đựng cả một câu chuyện dài - Ảnh: ANG Vuong Viet Vu

Tôi vẫn còn nghe loáng thoáng tiếng bạn tôi khuyên nhủ … không Mai à, tâm hồn họ đơn giản nên họ bình yên, họ không biết rằng mình khổ như em nghĩ đâu, khi không có ý niệm về sự no đủ hay xa xỉ của thành thị để so sánh thì họ cũng không biết mình đang sống khổ, chính em đã gán cho họ sự khốn khổ đó dựa trên căn bản đời sống sung túc văn minh. Chính sự bình dị đơn giản của họ là sự giải thoát của họ đấy. Họ có một đất trời làm của riêng và họ sống thanh bình trong đó, thế giới sẽ tồn tại tự nó, em hãy để cho nó vận hành theo dòng chảy, đừng mong thay đổi hay đem văn minh phù du để làm phiền đời sống an bình đó của họ.

Họ có một đất trời làm của riêng - Ảnh: Hoàng Tú VCB

HÀ GIANG: HỌ CÓ MỘT ĐẤT TRỜI LÀM CỦA RIÊNG, VÀ HỌ SỐNG YÊN BÌNH TRONG ĐÓ

Tôi không sao quên được tiếng khóc của nó

Tiếng khóc níu lòng

Đứa bé có một khuôn mặt tủi thân và màu da của một con giun chết …

Nếu em có thể tìm lại được nó … tôi òa ra khi kể cho bạn tôi nghe đứa bé tôi gặp tháng trước trong chuyến về thăm quê nhà của mình … giữa những tiếng nấc tôi giật mình tưởng như đó là tiếng khóc của nó, có phải của tôi đâu.

Tôi gặp nó trên đường từ Đồng Văn về thành phố Hà Giang. Không biết từ đâu hiện ra, nó phóng xuống đường, lưng cõng em bé, rồi ngừng lại bên hông xe của chúng tôi, ngước mặt lên nhìn vào xe và bật khóc. Tôi gặp nó chớp nhóang không đủ nhanh trí để ghi nhớ nó ở đâu, chặng nào trên Hà Giang, ở Đồng Văn hay Lũng Cú, hay Mèo Vặc để rồi giờ đây giận mình muốn tìm lại nó nhưng không biết làm sao.


Những em bé Hà Giang với đôi mắt long lanh khiến người lữ khách thổn thức - Ảnh: NAG Vuong Viet Vu

Chuyến đi đã qua, tôi đã về nhà bình yên nhưng buồn lắm, không làm gì được khi về lại nhà, một tuần, hai tuần rồi một tháng trôi qua, thời gian đủ để nguôi ngoai mọi vui buồn phù du, nhưng không, mỗi lần ngồi xuống để ghi lại hành trình của mình thì tôi ngồi sững. Bao nơi rong ruổi từ Bắc xuống Nam ở quê nhà của tôi trở thành hỗn độn trong đầu, nằm sau một lớp sương mù mà sừng sững chắn phía trước là thân hình nhỏ bé của đứa trẻ áo quần xốc xếch, mặt mày nhem nhuốc, cùng tiếng khóc thiệt thòi và tủi thân của nó. Sức mạnh của nước mắt trẻ thơ đè lên những hình ảnh khác trong trí tôi vỡ nát vụn vặt. Nếu tôi viết ra được về nó tôi sẽ nhẹ người, đám sương mù sẽ mỏng đi cho tôi thấy lại được những nơi tôi vừa đi qua, những bạn bè thân yêu tôi đã gặp. Một người anh của tôi đã ái ngại khi thấy tôi im lặng quá lâu khi trở về, thì đây là lý do, làm sao tôi định tâm khi khuôn mặt đứa bé và tiếng khóc của nó cứ níu lấy tôi. Nếu biết nó ở đâu, để trở lại làm được một cái gì sau này thì tôi không quá ray rứt.

Những tâm hồn thơ ngây miền sơn cước - Ảnh: NAG Cao Anh Tuấn

Tôi không quên được nó.

Hình ảnh trẻ thơ duy nhất tôi gặp trên đường Hà Giang, mà lại là một hình ảnh tội nghiệp.

Tôi đến Hà Giang ước mong một cách thơ mộng sẽ được gặp trẻ thơ nô đùa, nhưng không như tôi nghĩ, may mắn lắm tôi mới thấy được những hình bóng ẩn hiện như những chấm phá rải rác quanh đường núi, không nhan nhản như những nơi tôi đã đi qua ở các vùng Tây Bắc khác. Trẻ con ở đây cũng nghèo nàn hơn, rách rưới hơn, mang nặng kham khổ sương gió của tuổi thơ nhảy cóc. Suốt quãng đường Hà Nội – Hà Giang, tôi căng mắt qua cửa kính xe để tìm những con người nhỏ xíu đó, nhưng hiếm lắm tôi mới thấy được dăm ba đi trên sườn núi hay dưới lũng sâu.


Trẻ con ở Hà Giang - Ảnh: Dũng Lại

Thế rồi tôi gặp nó trên đường đèo khi xe qua một ngôi nhà trên núi. Mừng lắm khi thấy những đứa trẻ đang chơi trước sân nhà, tôi xin Tiến ngừng xe, hạ cửa kính để chụp hình. Thấy xe ngừng, chúng chạy xuống đứng bên xe nhìn vào. Hương lấy những bao bánh nướng mua từ dinh vua Mèo ở Sà Phìn phát cho chúng rồi đi. Nhưng khi xe đang chầm chậm rẽ ra đường thì một đứa bé gái lưng cõng em không biết từ xó xỉnh nào chạy nhào xuống đường, đứng ngay hông xe nơi tôi ngồi và bật khóc, thảm như vũ trụ của nó đang bể vỡ.

Ngẩn người trước tiếng khóc vô lý đó, tôi mở vội cửa xe nhảy xuống lấy bao bánh còn lại đưa cho nó, nó nín khóc cầm bánh giấu vào áo. Thì ra nó khóc vì thấy các đứa khác có bánh trong khi nó chưa có phần mà xe đã bỏ đi. Hương, Thảo và Hà cũng xuống xe vây quanh những đứa bé này, trông chúng thật tội nghiệp, toát ngay ra vẻ thiếu thốn, đói meo đói mốc. Phần tôi để ý đến đứa bé gái, một hình ảnh ngây thơ khổ tôi chưa từng thấy, nó chừng sáu, bảy tuổi, mặt buồn xo, lông mày nhíu lại, hai khóe miệng cong xuống như mếu, áo thì không cài nút để trần ngực, chật quá có vừa nó đâu mà cài được nút.

Lạ một điều, đang đứng giữa mọi người, nó bỗng cúi đầu, đưa hai bàn tay lên chăm chú khảy những ngón tay của mình, không để ý gì đến chung quanh nữa, hoàn toàn chìm trong những gì nó đang làm. Tôi im lặng quan sát, khảy móng tay xong, nó lại ngơ ngác nhìn ra đường, vẻ lạc lõng như chung quanh không có ai. Thương quá, tôi lại gần vuốt tóc, ép đầu nó vào ngực mình, dù biết xoa đầu trẻ con người dân tộc là một điều kỵ bởi vì cha mẹ chúng nó tin là sẽ làm cho chúng dễ mắc bệnh, con ok không, tôi hỏi mà không cần nó hiểu hay không, nó ngước nhìn tôi mắt vô hồn. Phía sau, xe bóp còi inh ỏi vì bị xe chúng tôi chắn đường, thôi tôi phải đi thôi. Huơng, Hà, Thảo và tôi leo lên xe, bỏ lại đằng sau nhấp nhô những khuôn mặt bé nhỏ.

Tôi im lặng sau đó, tiếng khóc và khuôn mặt đáng thương, màu da giun chết, cái cúi đầu của đứa bé gái vẫn còn trong đầu mình. Tôi biết nó cũng đang nằm trong đầu của Hương, Hà và Thảo.


Đứa bé có một khuôn mặt tủi thân và màu da của một con giun chết - Ảnh: PYS Travel


Nhưng đâu đó vẫn ánh lên những nụ cười hồn nhiên - Ảnh: NAG Cao Anh Tuấn

Không biết điều gì làm tôi buồn đến thế khi về lại Mỹ. Có đêm tôi nghe tiếng trẻ con khóc văng vẳng trong giấc ngủ, có đêm nằm nhìn trời đêm qua cửa sổ, trải nghiệm bóng đêm chuyển dần qua ánh sáng bình minh, hình ảnh những đứa bé có màu da giun chết trên vùng đất Hà Giang hoang sơ đẹp vô cùng ấy hiện ra mà buồn chi lạ.

Thôi … cùng với câu chuyện về đứa bé đó, tôi muốn bắt đầu câu chuyện Hà Giang của tôi để gởi đến các em Hương, Tiến, Thảo, Hà và đến người anh đã làm nên chuyến đi thiên đường này cho tôi. Thời gian trôi qua đã lâu, tôi phải trở về với hôm nay với chuyến đi của tôi mà trong đó có:

Một người anh

Các em trong Công Đoàn

Quản Bạ, Đồng Văn, Lũng Cú, Mèo Vặc, Yên Minh, Hà Giang

Hà Giang Resort

Bản làng dân tộc

Hoàng hôn trên ruộng lúa

Tháng Hai, ngoài Bắc vẫn còn mùa đông, lạnh và hay mưa. Huơng lên chương trình đi Hà Giang xong nói với tôi hy vọng tiết xuân sẽ ấm áp để ủng hộ cho chuyến đi của đoàn mình. Nhưng Hà Giang lại rất có lòng. Ngày tôi về, trời xanh, hoa đào nở trên núi, và hoa gạo đỏ rải rác quanh những đường đèo.


Mong manh cánh đào Hà Giang - Ảnh: Dũng Lại

Trước đó một tháng, tôi viết cho người anh của tôi ở Hà Nội nói em sắp về và có được 4 ngày ở Hà Nội anh cho em đi Hà Giang và Mộc Châu được không. Được chứ, anh Tùng nói, nhưng 4 ngày thì em chỉ có thể đi được Hà Giang thôi nên anh sẽ để dành Mộc Châu sang năm em về lại anh sẽ tổ chức đi cùng. Mùa hoa tam giác mạch năm nay đã hết, nếu về tháng Mười Một thì em mới thấy được nhưng bây giờ thì mùa hoa đã qua. Tôi vui lắm, càng vui hơn khi anh nói lần này anh sẽ nhờ Hương đưa tôi đi. Có tiếng huýt sáo trong không khí, thế là mộng Hà Giang của tôi sắp thành, tôi cám ơn anh biết bao.

Tôi đến Hà Nội vào buổi chiều cuối tháng Hai, trời se lạnh lất phất mưa và mặc dù đang còn chao đao vì những chuyến bay dài nhưng tôi cũng đội mưa ra Hồ Gươm và Phố Cổ, hai nơi mà năm nào về tôi cũng ra thăm, tôi không đi được lâu vì phải trở về khách sạn nghỉ để sớm mai lên đường. 5 giờ sáng chưa đến giờ điểm tâm, nhưng các em trong khách sạn cũng lo được cho tôi một bữa ăn sáng đàng hoàng. Hương đến đón tôi lúc 6 giờ sáng. Cùng với Hương là Hà, Thảo và Tiến. Tôi ấm lòng ngay khi thấy các em thật dễ thương. Cái dịu dàng, duyên dáng xinh xắn và ân cần của các em đã chiếm cảm tình tôi rất nhanh. Càng vui khi nhận ra Tiến, người đã đưa tôi đi Hạ Long và làng cổ Đường Lâm năm kia, khi đến Đường Lâm tôi chỉ có một tiếng để tham quan nên đi như chạy trong đó để xem được càng nhiều càng tốt trong một tiếng đồng hồ, kỷ niệm đó tôi nhớ mãi.


Vẻ đẹp Hà Giang, những cao nguyên đá gập ghềnh trắc trở - Ảnh: PYS Travel

Mình sẽ đi Đồng Văn hôm nay chị Mai ạ, em đổi chương trình một chút thay vì ở lại phố Hà Giang đêm nay thì mình sẽ ở lại Đồng Văn trước, Hương nói với tôi khi vào xe, ok Huơng, chị mù tịt về vùng này nên Hương dẫn chị đi đâu thì chị theo đó. Khi xe rời Hà Nội, tôi dán mắt vào cửa kính thu hết vào đầu mình những gì hai bên đường … Hà Nội – Vĩnh Phúc – Hàm Yên – Hà Giang – Bắc Quang – Vị Xuyên – Hà Giang – Quản Bạ – Yên Minh – Đồng Văn. Đã từng đi những chuyến như thế này ở miền Bắc nhưng tôi vẫn yêu nó từng gang tấc. Vùng đất xa lạ với tôi nhưng cũng gần gũi biết bao qua những mơ mộng lịch sử, những gì tôi đọc được trong văn thơ ngày xưa, qua Tự Lực Văn Đoàn, qua Hoàng Cầm, Quang Dũng, Văn Cao … thời lãng mạn của tuổi học trò sống trong những giấc mơ đẫm thơ của một sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc hay một sông Lô oai hùng để nghe mình trôi trong những vang dội của những trang thơ sử đó. Tôi nhìn hai bên đường, ghi vào cảnh sắc, rặng núi, con sông, làng quê, ruộng xanh, những gì đã kết tinh thành hồn đất nước và tôi không ngăn được cảm xúc dâng tràn mắt.

Vô tình bắt gặp một khoảnh khắc trên miền cao nguyên - Ảnh: PYS Travel

Xe qua rất nhiều con cầu có những tên thi vị, nhưng khi đến cầu sông Lô thì tôi thẳng người chú ý. Ôi, đây là con sông mà Lê Quí Đôn gọi là Mã Giang thời kháng chiến năm xưa ghi dấu trong trường ca … vùng Việt Bắc, sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang, ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa…. Chị Mai muốn em ngừng lại đâu để chụp hình thì cho em biết nhé. Tiến cắt đứt dòng tư tưởng của tôi … Chị vừa thấy sông Lô nhưng để khi về lại Hà Nội thì cho chị dừng lại cũng được vì bây giờ mình phải đến Đồng Văn trước. Tôi nói như vậy vì kinh nghiệm đi Sa Pa năm ngoái tôi la cà quá nhiều hai bên đường nên chuyến đi chỉ mất ba tiếng rưởi mà thành bốn tiếng rưởi nên tôi không dám trì trệ lần này nữa vì phải đi nhiều nơi trong thời gian hạn hẹp.

Từ Vị Xuyên, con đèo đầu tiên xe leo lên là Pắc Xum 20 km dẫn đến Cổng Trời Quản Bạ, điểm cao nhất của Đồng Văn và là cửa ngõ vào cao nguyên đá này. Người ta gọi là con đường mây vì nằm trên núi phủ mây. Đây là một con đường nguy hiểm mà ai đi Hà Giang cũng chùng lòng, nó uốn lượn ngoằn ngoèo, lên xuống bò quanh những ngọn núi đá cao thủng trời rồi oằn mình xuống lũng sâu, rồi lại leo núi, xuống lũng sâu. Một bên đường là vách núi cao một bên là vực sâu, chỉ cần lệch tay lái một chút thì có thể rơi xuống vực trong tích tắc. Nhưng trời ơi, cảnh đẹp vô cùng, tôi rộn rã không để ý gì đến sự nguy hiểm, có lẽ cũng vì tôi tin tưởng hoàn toàn vào tài lái xe tài tình của Tiến, em ấy lái cách gì mà trong xe không cảm thấy cái quanh co của đường đèo chi mấy, ngay cả Hà hay bị say sóng cũng điềm nhiên. Khung cảnh kỳ diệu như những bức tranh phi thực, núi tai mèo cao lởm chởm, mây trắng, thảo nguyên … hiện ra trùng trùng chạy như đèn cù trước mặt tôi, cảm giác nhỏ bé giữa bao la trời đất thật kỳ diệu. Khi xe lên trên cao nhìn xuống thì con đèo nhỏ một đường chỉ như ai đã dùng phấn trắng để vẽ nét quanh co, tôi rùng mình ôi chao mình vừa đi trên con đường li ti nguy hiểm ấy hay sao.


Cung đường Hà Giang - Ảnh: PYS Travel

Xe qua khỏi đèo thì đến Quản Bạ. Phải leo những bậc cấp nhỏ hẹp và cao lắm. Tiến bảo chúng tôi leo lên, nhưng cao quá chị không lên được, tôi nói với Tiến, chị Mai đã đến đây thì phải cố cho đến đích, cơ hội chỉ có một lần, Tiến thúc dục… Các em không ai ta thán, chỉ có mình tôi chùng bước vì tim không thích độ cao, chị cứ đi, em ở sau lưng đừng sợ, Tiến nói, nhưng những bậc cấp khuất quanh co trong những lùm cây đánh lừa thị giác làm tôi tưởng sắp lên đến đỉnh, không ngờ càng leo thì những bậc cấp càng hiện ra, có lúc tôi muốn đứng lại vì tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực nhưng Tiến không bỏ cuộc, chỉ vài bậc nữa thôi sắp đến đỉnh rồi, Tiến nói như vậy, nhưng không càng leo thì bậc cấp càng hiện ra. Và cứ thế, tôi tiếp tục cho đến khi lên được đến đỉnh thì thở phào.

Nhưng ôi, thần tiên đang vỡ òa trước mắt tôi một khung cảnh đất trời phi thực, tôi sững sờ … mênh mông bên dưới là trùng trùng những ngọn núi cùng làng mạc êm đềm nép mình vào những cánh đồng xanh. Trời cao có thấu tôi đang cảm kích biết bao, quê hương tôi đẹp quá, điều này tôi đã biết từ lâu, nhưng có một Hà Giang đẹp như thế con mắt trần gian chưa thấy được một lần của tôi đã làm tôi tắt thở. Nơi đây mây núi ruộng đồng giao hòa tạo nên nhất thể uyên nguyên. Từ trên đỉnh cao của núi khi xuống đến lũng sâu thì mới thấy cái khác biệt của thế giới trên núi cao kia với chốn lũng sâu ngút ngàn những ruộng bậc thang xanh mướt hay những ruộng cải vàng óng dưới ánh mặt trời. Nhờ không khí loãng nên tất cả đều linh động rõ nét, tôi có thể phóng tầm mắt xa đến những nếp nhà thô sơ có những con gà đi lững thững ở sân sau và trẻ con chơi ở sân trước.


Nét đẹp kỳ vĩ của đồi Hà Giang - Ảnh: PYS Travel

Đứng trên cao có thể nhìn xuống toàn thung lũng Quản Bạ, Quyết Tiến, Thái An, Đông Hà, Cán Tỷ và nơi đây đánh dấu một thú vị nữa là trái núi Đôi hay núi Cô Tiên, có màu xanh ngắt, hình dáng như một bầu sữa. Hà nói nhỏ, kỳ lạ ghê nhìn thấy giống bộ ngực của một người con gái, tôi mỉm cười đồng ý.

Sau này tìm hiểu thêm tôi mới biết huyền thọai của hai trái núi này. Truyện kể mối tình của một nàng tiên vì say mê tiếng đàn môi của một chàng trai người H’Mong nên theo gió trốn xuống trần để ở lại với chàng và sinh được một bé trai. Ngọc Hòang biết chuyện nổi giận cho người xuống bắt nàng về. Nàng bị bắt về nhưng vì thương con nên để lại hai bầu sữa cho con bú. Sau này trở thành hai quả núi mang dòng sữa nuôi một vùng đất Quản Bạ, còn nước mắt thương chồng con của nàng thì biến thành dòng sông Miện xanh màu ngọc bích trôi sau cổng trời Quản Bạ.

Từ giã Quản Bạ, chúng tôi leo đèo Cán Tỷ để đến Đồng Văn. Trời đã chiều khi vào thị trấn, người chủ khách sạn nơi chúng tôi ở ân cần đưa chúng tôi đi một vòng giới thiệu khu phố cổ. Phố núi đơn sơ nghèo nàn có những căn nhà cả hàng trăm tuổi di sản cổ kính nhưng lại chen vào đó những khách sạn nhấp nháy ánh đèn làm tôi ái ngại cho sự tương phản.

Buổi tối Huơng, Tiến, Thảo và Hà dẫn tôi vào một quán ăn với những món cải và gà luộc, tôi ăn ngon lành những món ăn mộc mạc này. Đêm hôm đó trời lạnh nên tôi ngủ với quần áo đi đường Mông Cổ độn bông của mình.


Náo nhiệt chợ phiên vùng cao - Ảnh: PYS Travel

Sáng hôm sau thì tôi thức dậy sớm để đón chợ phiên Đồng Văn. Trời còn mờ mờ khi tôi ra đường. Chỉ cần băng qua đường là đến chợ. Tôi dừng lại hàng đầu tiên mua một cái bánh tam giác mạch của một người đàn bà H’Mong nướng lửa than trên hai que sắt ngay trên sàn xi măng. Đói lắm nhưng tôi không ăn, mua xong thì đưa tặng lại cho bà bán bánh, chiếc bánh tròn trắng ngộ nghĩnh nhìn rất thương, ở giữa vàng cháy rất mời gọi nhưng tôi không dám ăn, sợ bụng mình sẽ làm cách mạng không chịu tiếp nhận món ăn lạ giữa đường.

Tôi dạo quanh chợ một lúc ngắn thôi bởi vì tôi đã có một ý niệm về chợ phiên của người dân tộc khi đến chợ Bắc Hà ở Lào Cai, một chợ phiên lớn nhất ở vùng Tây Bắc nên thay vào đó tôi dùng thì giờ hạn hẹp của mình tản bộ lên khu phố cổ. Trời hơi lạnh và đẫm sương, con đường lên phố mờ nhạt ẩn hiện những nếp nhà đá ngói âm dương. Tôi ghé quán cafe phố cổ mà tôi nghe đã già hơn trăm tuổi, nán lại dưới chân núi Đồn Cao, rồi định phiêu lưu xa hơn nữa lên con dốc trước mặt cafe thì Hương gọi tôi về để đi Lũng Cú. Trước khi lên đường, Huơng dẫn cả đoàn đến một quán bánh cuốn trứng và chả chấm với nước gà luộc hiền lành nóng bốc khói trời lạnh ăn rất ngon.

Rời khỏi phố cổ Đồng Văn để lên đường đi Lũng Cú, chúng tôi gặp những đoàn người dân tộc lũ lượt trên sườn núi đổ về chợ phiên Đồng Văn. Họ đi cả gia đình thì phải, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em đua nhau đi như đi lễ hội. Chợ Đồng Văn mỗi tuần chỉ nhóm một phiên ngày Chúa Nhật, lúc đó tôi mới biết Hương thật chu đáo khi thay đổi tuyến đường để tôi có thể dự chợ phiên này.

Nơi đây có đủ sắc màu người Mông, Dao, Tày, Giáy, Nùng, Lô Lô… là nơi không những chỉ để mua bán mà cũng để cho mọi người giao tiếp và cho các ông chồng uống rượu. Họ lần lượt xuất hiện, rực rỡ xiêm áo rất vui mắt, tung tăng chân chim trên đường đèo. Tôi xin Tiến ngừng xe cho tôi xuống rồi cầm máy hình đuổi theo. Chao ơi, chưa bao giờ tôi may mắn thấy nhiều người dân tộc như vậy trong một buổi sáng, trời trong lành, đứng đợi những bóng người đủ màu tràn xuống đường, tôi vui như mở hội. Tôi chụp vội vàng và chạy trở lại xe sợ các em đợi lâu nhưng các em nói chị cứ thoải mái chụp hình đi, bọn em đợi được mà. Tôi chạy trở lại đường đèo, chọn một khúc quành và đứng đợi, giấu máy hình sau lưng, đợi họ đi qua rồi chụp sau lưng họ, để họ không biết là tôi chụp hình họ. Nhìn họ tôi thấy vui quá, những niềm vui đơn giản, hồn nhiên như mây trời, lành như khoai sắn. Tôi trở lại xe, ok chị xong rồi.  Chị chụp được nhiều không? Có chị chụp được rất nhiều.

Chút hương xuân gói lại trong khung trời Hà Giang - Ảnh: Dũng Lại

Xe lại leo đèo, có đọan tôi thấy có người nằm bên sườn núi hay trên cột mốc cây số cong queo. Tôi ái ngại hỏi thì Tiến cho biết đó là những người đi chợ phiên uống rượu say gục giữa đường. Sau này khi đến resort Trường Xuân ở Hà Giang, Hải, người chủ của resort kể cho chúng tôi nghe các ông chồng đi chợ phiên uống rượu trong khi người vợ phải ngồi đợi chồng, chồng say thì các bà phải ngồi chờ cho chồng tỉnh để đưa chồng về. Tiến kể cô chủ quán một hàng lưu niệm trên đường đèo nói là buổi sáng có khi nhìn xuống vực cô hay thấy xác người dưới đó.

Khi đến cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh Lũng Cú còn có tên là đỉnh núi Rồng, địa đầu và là biểu tượng thiêng liêng của đất nước thì Hương, Tiến, Hà và Thảo nhất quyết phải leo lên đến đỉnh cho bằng được. Tôi thì chỉ lên được chân cột thì tắt thở chỉ đứng dưới đợi các em. Từ cột cờ nhìn xuống thung lũng tôi có thể thấy li ti những bóng người giặt áo bên hồ nước màu xanh có tên là mắt Rồng mà người ta nói quanh năm không bao giờ cạn..

Sau đó Tiến dẫn chúng tôi đến nhà của vua Mèo ở Lũng Cú. Tôi chỉ vào trong rất nhanh, không theo các em và đoàn hướng dẫn giải thích lịch sử của ngôi nhà mà đi quanh khu làng dân tộc bên cạnh. Nơi đây có những căn nhà đá xưa nghèo nàn nhưng có cổng và trước cửa có những cây đào hoa nở hồng rất nên thơ. Tôi không nghĩ tâm hồn của họ đơn giản bởi vì tôi gặp rất nhiều khung cảnh như tranh vẽ, cách kiến trúc của làng mạc của họ mà chỉ có nghệ thuật mới tạo được những khung cảnh đó.

Tham quan xong dinh vua Mèo, chúng tôi dừng lại các gánh bán bánh hai bên cổng dinh, Hương mua bánh tam giác mạch rán và tam giác mạch nướng chỉ 10,000 đồng một cái và chia cho mọi người ăn ngay trong xe. Bánh rán tròn như một trái ping pong và vàng rượm, cắn vào dòn ở ngoài và dẻo bên trong thơm lừng, ngon quá, lần đầu tiên tôi được ăn loại bánh này nên ăn một lúc hai cái. Nhìn nó giống bánh cam ở Mỹ nhưng bên trong làm bằng bột lấy từ hạt hoa tam giác mạch. Hương mua một ít bánh chưa chiên cho tôi đem về Hà Nội, nhưng khi rời Hà Nội tôi lại quên mất trong tủ lạnh của khách sạn nên khi vào Sài Gòn thì tiếc lắm.

Trời xế chiều khi chúng tôi về Hà Giang. Đường vào thành phốphải qua con đèo Mã Pi Lèng hay còn gọi là “con đường Hạnh Phúc”  chạy dài 184 km. Thọat tiên tôi tưởng cái tên Hạnh Phúc mang ý nghĩa lứa đôi, nhưng khi tìm hiểu mới biết con đường xây mất 8 năm này lúc 1959 đã đem thuận tiện giao thông đến cho dân tộc sống khốn khó giữa lòng núi ở đó. Con đường nối Hà Giang và bốn huyện ở phía bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc và gắn liền với con sông Nho Quế màu ngọc bích thơ mộng chạy dọc theo đèo ôm chân núi chia biên giới bên này Việt Nam bên kia Trung Quốc. Tôi rất lạ kỳ với màu ngọc bích của con sông, có lẽ nó phản ảnh màu xanh của trời hay sao. Tiến cho ngừng ở nơi lookout của đèo, Hà và tôi leo xuống để chụp hình, đây là một góc đá cheo leo giữa trời trông rất nguy hiểm nhưng từ đây tôi có thể thấy rõ màu ngọc bích của sông, xanh ghê lắm tôi cứ đứng nhìn mãi thôi miên.

Khi về đến Hà Giang thì trời đã tối. Hà, cô chủ của khu resort Trường Xuân đón chúng tôi ở cổng và dẫn cho đi quanh một vòng resort trước khi đưa chúng tôi đến phòng. Tôi rất ấn tượng về khu resort này. Nó nằm bên núi và phía sau là giòng sông Miện thuần tịnh trước bóng núi. Hải và Hà, chủ của resort có một tâm hồn nghệ sĩ, mỗi phòng là một căn nhà nhỏ sơn vàng nằm giữa cây lá nên thơ. Hai người nuôi gia súc, cá và trồng rau tự túc để phục vụ khách. Hà rất dễ thương, thân tình và hiếu khách. Hà dành cho chúng tôi căn nhà chính giữa resort và cho biết mặt tiền bằng đá của nhà là đá người dân tộc đẻo từ núi đá Đồng Văn. Tối hôm đó Hương, Tiến, Hà, Thảo và tôi được Hà và Hải đãi một bữa cơm thịnh soạn đầy những đặc sản của Hà Giang. Trong bàn ăn, Hải kể chuyện rất thu hút hấp dẫn về sông Miện, về tập quán của người dân tộc vùng Hà Giang, từ đó tôi mới biết chế độ mẫu hệ của dân tộc Tày. Ăn tối xong, mọi người đến phòng karaoke, ôi, ai cũng là ca sĩ hát rất hay. Sau đó, Hà cho đi tắm nước lá thuốc nhưng mặc dù tôi mê tắm lá thuốc lắm nhưng vì quá mệt, nên xin kiếu về phòng nghỉ sớm để sáng mai dậy đón mặt trời mọc trên sông.

 Một mình về phòng trong khi các em đi với Hà, tôi nán lại ngoài hiên hít thở mùi sương núi, lòng tỉnh lặng không gợn một chút buồn cố hữu những khi được đứng trước một cảnh đẹp.  Sự yên bình của đời sống ở đây giữ cho tâm tôi yên ổn. Người dân hiền hòa thiếu vắng sự tranh giành chen chúc cho tôi thấy rõ họ vượt hẳn văn minh. Đi khỏi đây rồi tôi không biết mình có chịu đựng được không khi trở lại cái chen chúc của đô thị và cái chật hẹp của lòng người.

Bình minh ở Hà Giang, giản dị, đơn sơ mà gần gũi - Ảnh: Dũng Lại

Tôi không ngủ yên đêm đó, lòng bồn chồn đợi trời sáng và thèm ra ngoài để trải nghiệm được trời sông núi. Hải và Hà đã chọn địa điểm lý tưởng này làm say lòng khách trọ, chỉ cần mở của phòng ra là tôi đã thấy núi sừng sững trước mặt, sao đầy trời, cảm giác thân gần lẫn xa lạ làm tôi ngộp thở.  Núi rừng ở đây có khác gì núi rừng ở nơi tôi ở đâu, nhưng sao tôi lại xúc động đến ứa nước mắt khi ở dưới bầu trời quê hương, nơi mà tôi đến thăm chứ không ở lại.

Thế rồi trời cũng sáng, 5 giờ, tôi ngồi dậy rất nhẹ trong bóng tối để không thức giấc Hương, nhưng lúc đó Hương cũng đã dậy và mở tin tức để nghe. Tôi nhắn tin cho Hà ở phòng bên cạnh hẹn Hà ra sông với tôi. Chỉ mất dăm phút là ra đến sông Miện. Mặt trời ló ra chầm chậm sau đính núi còn phủ sương, tôi đã thấy chút ánh hồng nhưng không đủ để soi sáng mặt nước vẫn còn mơ màng. Đẹp quá, thơ mộng quá làm tôi và Hà rất im lặng, nói rất khẽ để không phiền dòng sông đang còn trong giấc ngủ. Hà và tôi chờ cho mặt trời ra khỏi đỉnh núi rồi mới đi vào. Đã đến giờ ăn sáng.

Mang trong mình một vẻ man mác buồn - Ảnh: PYS Travel

Hải đưa chúng tôi ra bản làng Tiến Thắng sau khi ăn sáng xong. Chúng tôi vào làng trên những con đường đất sạch thơm mùi rơm rạ và cả mùi phân bò. Khi ra đến bờ ruộng thì tôi sung sướng lắm. Lần đầu tiên trong đời tôi có được khung cảnh ruộng đồng xa xa bóng núi và cả người cấy lúa trong tầm mắt của mình. Một bức tranh tôi mơ được thấy bao lâu nay. Đây là một bản làng của người Tày, tươm tất quy hoạch rất thứ tự.


Nếp nhà Hà Giang - Ảnh: Hoàng Tú VCB

Chúng tôi ghé thăm một ngôi nhà của người dân tộc, nhìn trông nghèo lắm, trong nhà chỉ có bà mẹ già và đứa cháu trai còn bé. Cụ bà đang nấu cơm trên bếp củi ngay trong nhà. Trên tường nhà treo vỏn vẹn hai khối thịt mỡ khô nhỏ nhưng dưới sàn thì chất đầy bao gạo hay bột tôi không rõ. Họ nghèo lắm, xơ xác quá đi thôi, căn nhà tiều tụy nhưng sạch, ngoài sân là ruộng có nước máy dẫn nước vào ruộng và dười sàn nhà dăm ba con gà. Tôi xin cụ cho tôi chụp một tấm hình nhưng khi xin bà cười thì bà che miệng lại e lệ bày hàm răng đen thật thương.

Tạm biệt Hà Giang chiều hôm đó, chúng tôi lên đường về lại Hà Nội. Tiến nhớ và dừng xe ở sông Lô cho tôi chụp hình. Nhưng khi qua sông Đáy tôi muốn ngừng thì quá muộn, không dừng lại được trên đường cao tốc xe cộ ngược xuôi, tôi đã để mất cơ hội chụp hình dòng sông tôi rất thương từ bài thơ “Đôi Bờ” đêm đêm sông Đáy lạnh của Quang Dũng. Buổi chiều xế bóng mặt trời đỏ xa xa sau những ruộng lúa bát ngàn hai bên đường. Tôi bồi hồi nhìn, Hương biết ý nói Tiên ngừng xe lại cho tôi chụp hình. Tôi yêu mặt trời lặn, chiều nào tôi cũng ngóng hoàng hôn trước cửa nhà mình mà không chán, bỏi vì không có hoàng hôn nào giống hoàng hôn nào, và hoàng hôn trên quê hương tôi thì đẹp xé lòng. Màu đỏ của ánh trời lấp lánh trên thửa ruộng làm tôi nao nao nghe những giọt nước mắt đang rơi trong lòng. Tôi ước được dừng lại tản bộ theo bờ ruộng chờ cho đến khi hoàng hôn gác núi.  “Tu sais… quand on est tellement triste on aime les couchers de soleil… 

Về đến Hà Nội, tôi để một ngày để gặp bạn bè và thơ thẩn ở Hồ Gươm và Phố Cổ và một ngày để đi Chùa Hương. Sau đó tôi bay vào Sài Gòn, mang theo khuôn mặt của đứa bé gái tôi gặp ở Hà Giang, và những ngày vui cùng các em trong Công Đoàn rong ruổi các khung cảnh phi thực. Tôi viết cho anh Tùng và Hương ngay sau khi vào Sài Gòn, trong cái lặng lẽ ít nói cố hữu của tôi, tôi cám ơn anh Tùng và Hương mà trong lòng tràn ngập một mối cảm kích sâu xa cơ hội được đến Hà Giang mà anh Tùng và Hương đã đem đến cho tôi. Cùng các em Hương, Tiến, Thảo, Hà, có lẽ sẽ không bao giờ tôi quên được sự toàn vẹn tràn đầy của các em đối với tôi. Các em cùng Hải và Hà của Trường Xuân đã để lại trong lòng tôi một cảm tưởng rất đẹp.

Những nét đẹp đơn sơ, mộc mạc của Hà Giang - Ảnh: Hoàng Tú VCB

Với Đồng Văn, tôi muốn gởi đến cao nguyên đá này cùng những con người với sức sống mãnh liệt ý chí can cường khắc phục thiên nhiên sự thán phục của tôi. Họ sống như thế nào trong khung cảnh hoang sơ hiểm trở đó tôi không hiểu, càng không hiểu tôi càng khâm phục. Mùa đông họ sẽ ra sao tôi không dám nghĩ đến khi có những thân hình co ro trong giá lạnh. Một dân tộc sống trên một vùng đất lạ lùng, núi đá vây quanh, đục núi để trồng lúa mà văn minh không thể sánh bằng.

Với những người dân tộc tôi gặp, khi tôi mủi lòng kể lại cho bạn tôi nghe thì bạn tôi an ủi, không Mai à, tâm hồn họ đơn giản nên họ bình yên, họ không biết rằng mình khổ như em nghĩ đâu, khi không có ý niệm về sự no đủ hay xa xỉ của thành thị để so sánh thì họ cũng không biết mình đang sống khổ, chính em đã gán cho họ sự khốn khổ đó dựa trên căn bản đời sống sung túc văn minh. Chính sự bình dị đơn giản của họ là sự giải thoát của họ đấy. Họ có một đất trời làm của riêng và họ sống thanh bình trong đó, thế giới sẽ tồn tại tự nó, em hãy để cho nó vận hành theo dòng chảy, đừng mong thay đổi hay đem văn minh phù du để làm phiền đời sống an bình đó của họ.

Viết đến đây, tôi cảm thấy yên tĩnh, thế giới sẽ tồn tại tự nó, đất trời của họ có nhiều màu, núi gạch, trời xanh, nước bạc, hoa vàng, ruộng xanh đã mang lại hạnh phúc trong cái nghèo nàn của họ. Trời cao có mắt, đã rèn cho con người sức chịu đựng để những đôi chân trần đạp trên đất lạnh mùa đông chai lì đi giá rét. Trên núi cao và thảo nguyên bát ngát đó là một dân tộc kỳ lạ can đảm và nhờ sự hiểm trở của núi non, con người trần thế ngại chen lấn lên đó nên Hà Giang vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ của đất trời.

Khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của Hà Giang cùng PYS Travel

Tour du lịch Hà Giang từ Hà Nội (3 ngày 2 đêm)

Tour du lịch Hà Giang từ TP.HCM (4 ngày 3 đêm)

Theo tự truyện của Tống Mai 

Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây

Đăng ký nhận ưu đãi

Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn

Gọi tổng đài
Chat ngay
Gọi tổng đài
Chi nhánh HN
Chi nhánh HCM