Kỳ tích Mã Pí Lèng và 10 chiếc quan tài luôn để trống

09/01/2023

Mã Pí Lèng nằm ở cao nguyên đá Hà Giang và được mệnh danh là con dốc hiểm trở nhất vùng núi phía Bắc. Khi đến đây bạn sẽ cảm động bởi cảnh quan hùng vĩ cùng câu chuyện về kỳ tích Mã Pí Lèng và 10 chiếc quan tài để trống này.

Đèo Mã Pí Lèng hay còn gọi là Mã Pỉ Lèng, Mã Pì Lèng có nghĩa là “sống mũi ngựa”, đây là con đường đèo hiểm trở thuộc tỉnh Hà Giang. Con đèo có độ dài khoảng 20km trên đỉnh núi có độ cao 1200m và nằm trên con đường Hạnh Phúc thuộc cao nguyên đá Đồng Văn, là sức hút mãnh liệt đối với những ai muốn du lịch Hà Giang.

Đèo Mã Pí Lèng ấn tượng giữa cao nguyên Hà Giang. Ảnh: Sưu tầm

Những người đã đi qua con đường này hẳn là luôn tự hỏi về lịch sử đèo Mã Pí Lèng? Những ai có thể làm ra được con đường trên địa hình hiểm trở như thế này. Và khi đi đến Mã Pí Lèng nơi có tấm bia đá ghi “Thanh niên của 8 tỉnh, 16 dân tộc, đã mất 11 tháng theo mình trên vách đá để mở được chút đường qua Mã Pí Lèng” và trên tấm bia đá này cũng ghi “ mất hơn 2 triệu ngày công lao động, với bao nhiêu hy sinh thì con đường Hạnh Phúc được khai sinh”. Đến nơi đây đọc những dòng chữ được khắc trên bia đá, những người lữ khách mới vỡ lẽ ra rằng đã mất bao nhiêu công sức, vượt qua bao nhiêu gian khổ cùng ý chí bền vững mới tạo ra được con đường này.

Con đường uốn lượn hiểm trở với nhiều khúc cua. Ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

11 tháng ròng rã đục đẽo và 10 chiếc quan tài truy điệu sống

Con đường được xây dựng bởi 1300 thanh niên xung phong cùng hơn 1000 dân công thuộc 16 dân tộc nhằm giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi. Được khởi công bắt đầu từ ngày 29/3/1959, con đường cuối cùng cũng hoàn thành ngày 15/6/1965 sau 6 năm dày công đục đẽo mà không có sự hỗ trợ của máy móc.

Khó ai có thể hình dung ra được quá trình làm ra con đường này. Ảnh: Sưu tầm

Chỉ riêng đoạn đèo qua Mã Pì Lèng ròng rã mất 11 tháng mới làm xong bởi 17 thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi, lấn từng centimet mới có thể làm xong đoạn đường này. Để thể hiện lòng quyết tâm và tinh thần đối diện với hiểm nguy của mình, các công nhân đã đặt tại lán của mình 10 chiếc quan tài và truy điệu sống trong từng ngày làm việc.

Cung đường hiểm trở khó nơi nào có được. Ảnh: Đỗ Hoàng Việt

Mỗi buổi sáng, các thành viên của Đội Cơ dũng đều hô to “quyết thắng” để thể hiện lòng quyết tâm sau đó vác choòng, búa, thuốc nổ rồi trèo lên vách núi, treo mình giữa lưng chừng núi, quay lại cuồng quay làm việc. Tìm hiểu lịch sử đèo Mã Pí Lèng, chúng ta không khỏi xúc động trước những tấm gương anh dũng như thế.

Con đường hoàn thành và chiếc bia đá ghi lại lịch sử

Đèo Mã Pí Lèng Hà Giang sau khi hoàn thành đã trở thành cái tên của con đường đèo hiểm trở nhất vùng núi phía Bắc và được ví như “Vua của các con đèo” ở Việt Nam. Với địa hình hiểm trở và cảnh quan hùng vĩ, Mã Pí Lèng trở thành một trong “tứ đại đỉnh đèo” cùng với đèo Pha Đin, đèo Ô Quy Hồ và đèo Khau Phạ.

Mã Pí Lèng – Vua của các con đèo. Ảnh: Sưu tầm

Cung đường đèo ban đầu chỉ rộng đủ cho người đi bộ và đi xe ngựa thồ, sau đó được mở rộng thêm cho ô tô nhưng vẫn nguy hiểm bởi những đoạn cua uốn lượn và trên đường đầy những cục đá hộc lổn nhổn. Sau nhiều lần tu sửa, con đèo đã dần đỡ nguy hiểm hơn và đã trở thành di sản địa chất độc đáo giữa cao nguyên đá Đồng Văn. Với một bên là vực sâu sông Nho Quế, một bên là vách núi cao dựng đứng, con đèo xứng danh là con đèo hiểm trở và đẹp nhất Việt Nam.

Con đường lên Mã Pí Lèng. Ảnh: Cao Anh Tuấn

Trên đỉnh đèo hiện có một trạm dừng chân cho du khách thưởng ngoạn cảnh, và nơi đây cũng được đặt một tấm bia đá ghi lại dấu ấn của quá trình xây dựng đường đèo, lịch sử của con đường mang tên Hạnh Phúc. Tại trạm dừng chân, đứng trên đỉnh đèo, bạn sẽ được ngắm thỏa thích khung cảnh hùng vĩ, núi non trùng điệp của cao nguyên Hà Giang. Những người lữ khách lên tới nơi đây đều phải choáng ngợp trước không gian cảnh đẹp vô cùng này cũng như cảm động trước những hy sinh xương máu của thế hệ thanh niên dũng cảm tạo nên “kỳ tích Mã Pí Lèng” làm thay đổi cuộc sống của những người dân vùng cao nơi đây.

Khung cảnh tuyệt đẹp bên con đèo hiểm trở. Ảnh: Tí Lẩu

Khu vực Mã Pí Lèng năm 2009 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp là di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia. Con đèo này cũng đã được đưa vào những ca từ đầy lãng mạn và hào hùng của nhạc sĩ Nguyễn Trùng Thương trong ca khúc “Cung đường mùa xuân” và cũng được đưa rất nhiều lần vào những bài thơ văn của những nhà thơ nổi tiếng.

Nếu bạn chưa một lần đặt chân lên mảnh đất này thì sẽ chưa hiểu hết được vẻ đẹp và ý nghĩa của con đường đèo Mã Pí Lèng này. Một khi đặt chân lên đây rồi thì bạn sẽ chẳng nỡ rời, chỉ muốn ở lại đắm mình mãi vào trong khung cảnh nơi đây. 

Khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của Hà Giang cùng PYS Travel

Tour du lịch Hà Giang từ Hà Nội (3 ngày 2 đêm)

Tour du lịch Hà Giang từ TP.HCM (4 ngày 3 đêm)

Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây

Đăng ký nhận ưu đãi

Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn