Nhịp sống doanh nghiệp: CEO PYS Travel: Muốn thành công, phải luôn trong trạng thái “đói”

11/03/2022

Sinh ra trong một gia đình tiểu thương ở Nam Định, sớm có niềm đam mê với lĩnh vực kinh doanh và bén duyên với ngành du lịch, từ mô hình quản trị doanh nghiệp khác biệt đã đem đến cho Trần Sỹ Sơn, một doanh nhân trẻ thế hệ 8x những thành công nhất định.

Công ty TNHH Du lịch và truyền thông giải pháp cho giới trẻ PYS Travel được thành lập từ năm 2010, là một trong những công ty du lịch đầu tiên “khai phá” vùng đất du lịch nổi tiếng cho giới trẻ hiện nay như Cô Tô hay Mộc Châu. Sau 6 năm đi vào hoạt động, PYS Travel đã trở thành một trong những công ty du lịch uy tín.

Ông Trần Sỹ Sơn

Ông Trần Sỹ Sơn, CEO PYS Travel

Báo Nhịp sống doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện trực tiếp với anh Trần Sỹ Sơn - CEO Công ty TNHH Du lịch và truyền thông giải pháp cho giới trẻ PYS Travel. 

Anh bắt đầu khởi nghiệp khi nào?

Tôi học ngành kinh tế đối ngoại, đại học Ngoại Thương. Sau khi ra trường thì làm việc tại trường đại học FPT. Hồi đó tôi làm trưởng phòng tuyển sinh của trường, thu nhập cũng khá ổn nhưng do sẵn máu kinh doanh nên tôi rủ vài người bạn cùng mở công ty riêng. Vậy là năm 2010, chúng tôi mở PYS Travel. Hai năm đầu tôi vừa làm FPT vừa điều hành công việc kinh doanh công ty riêng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, do công việc quá nhiều nên tôi đã quyết định nghỉ việc tại FPT để tập trung cho công việc kinh doanh tại PYS.

Tại sao anh lại chọn khởi nghiệp ngành du lịch?

Tôi cùng một số người bạn (sau này là co-founder của PYS Travel) thường đi làm tình nguyện, chúng tôi thường phải đi xin tài trợ, sau đó quyết định đi làm kinh doanh, tự kiếm tiền để làm tình nguyện. Chúng tôi lại hay tổ chức những chuyến đi phượt, 1 tháng/lần, đó cũng là ý tưởng dẫn đến việc mở công ty du lịch.

Chúng tôi muốn tạo ra một điều gì đó rất khác với các công ty du lịch khác về sản phẩm, chiến lược đi. Năm 2009, 2010, các công ty du lịch nhỏ và vừa trong nước chủ yếu đi theo hai hướng, một là phục vụ khách nước ngoài đi du lịch Việt Nam, thứ hai là phục vụ các tour du lịch của các công ty. Hồi đó, Cô Tô, Mộc Châu, Hà Giang đẹp lắm, nguyên sơ nhưng đâu có mấy ai biết tới đâu. Vậy là chúng tôi quyết định mở tour đến những địa danh này. Và rất may mắn, đây là những tour rất thành công và chúng tôi tự hào là một trong những người đầu tiên mở tour “khai phá” những vùng đất này.

Từ đó, chúng tôi mở ra nhiều tour khác, lập ra phòng nghiên cứu phát triển thị trường, nghiên cứu tiềm năng các vùng đất du lịch mới.

Thời gian đầu khởi nghiệp anh gặp nhiều khó khăn không?

Nhiều lắm chứ. Nếu quay trở lại mà biết khó khăn nhiều đến vậy chắc tôi không dám bắt đầu luôn ý chứ. Tôi cùng các co-founder khởi nghiệp gần như không có đồng nào trong tay.

Tưởng mấy năm làm việc tại FPT anh đã tích cóp được một số vốn kha khá chứ?

Ồ không. Tôi có tiền riêng, nhưng không cho vào start-up. Tư duy của tôi là ngành dịch vụ, nhất là ngành du lịch này khởi nghiệp không cần quá nhiều vốn, chúng ta chủ yếu đầu tư chất xám thôi. Tour đầu tiên của chúng tôi là hồi 30/4/2010, tôi cùng một người nữa, mỗi người góp mỗi người 500 nghìn sau đó đặt cọc tiền xe, rồi đi kêu gọi anh em, bạn bè đi tour Đà Nẵng. Sau tour ấy, chúng tôi được lời 8 triệu, chia về mỗi người 500 nghìn, còn lại 7 triệu để lại mở tour tiếp, cứ thế lấy lãi làm vốn. Từ việc tự chạy việc, văn phòng đi mượn rồi chúng tôi dần tuyển được người rồi thuê văn phòng riêng.

Công việc kinh doanh của anh có vẻ khá trơn tru nhỉ?

Không hề trơn tru chút nào. Nói chung ở Việt Nam mình, trong làm ăn, chữ tín chưa được đặt lên cao lắm, nên đôi khi làm mình “mếu dở khóc dở”. Năm 2012, chúng tôi có hợp tác với hotdeal để làm chương trình đi thiền viện. Lúc đó chúng tôi ký được gần 1 nghìn khách. Ngay sát ngày đi, một số đối tác của chúng tôi đột ngột hủy hợp đồng cho thuê nhà trong khi sư thầy nơi chúng tôi định đưa khách đến thăm cũng hủy không cho vào thăm vì sợ số lượng khách đến thăm quá lớn sẽ làm ảnh hưởng đến thiền viện. Lúc đó hotdeal thì chưa chuyển tiền về cho chúng tôi trong khi lại đang nợ rất nhiều tiền xe, khách hàng thì phải đợi để được đi, chúng tôi phải chạy ngược chạy xuôi tìm liên hệ với các thiền viện khác. Cũng may sau đó được một số thiền viện giúp đỡ, đồng ý cho khách đến thăm rồi còn nấu cơm chay cho khách nữa.

Là một trong những công ty mở đường tour Cô tô, Mộc Châu, Hà Giang, anh có khó khăn và thuận lợi gì?

Khó khăn là do những người dân ở những nơi này chưa quen làm du lịch, nên chúng tôi phải đến tận nơi để hướng dẫn, hỗ trợ họ. Nhưng một khi đã hợp tác được với nhau, đối tác sẽ rất trân trọng.

Hiện nay những địa danh này đã trở thành điểm đến rất có sức hút với giới trẻ, vậy đã có nhiều đối thủ nhảy vào chưa, thưa anh?

Đúng là hiện nay, Cô Tô hay Hà Giang đã trở thành những điểm đến ưa thích của các bạn trẻ. Tới mùa hoa tam giác mạch, mỗi ngày Hà Giang đón tới hàng nghìn khách tới tham quan, còn Cô Tô lại có nét hoang sơ, quyến rũ riêng nên rất hút khách vào mùa hè. Điều này cũng khiến rất nhiều các công ty du lịch khác quyết định mở tour tại đây và cạnh tranh với chúng tôi bằng cách giảm giá.

Vậy công ty anh có chiến lược gì để cạnh tranh?

Quan điểm của tôi đã là thị trường thì phải có cạnh tranh. Đây là thị trường do chúng tôi khai phá, có đối thủ nhảy vào có nghĩa là mình đã làm tốt, là thị trường có tiềm năng để phát triển. Do đó, chúng tôi giữ vị trí của mình bằng cách đẩy mạnh marketing online, mang đến cho các khách hàng những giá trị gia tăng, và quan trọng nhất chính là chất lượng dịch vụ. Do đó, chúng tôi rất chú ý vào yếu tố con người. Hướng dẫn viên có cảm thấy vui vẻ, thoải mái mới có thể làm tốt công việc, mang đến sự hài lòng cho khách hàng.

Anh có kế hoạch gọi vốn để tăng cường năng lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh không?

Chúng tôi đang xây dựng một số dự án mới về du lịch và có kế hoạch gọi thêm partner, đóng góp về vốn và quan trọng hơn là đóng góp về mặt quản trị. Vì bạn thấy đó, chúng tôi tự tin về sức trẻ, chúng tôi có những con người trẻ trung, năng động, nhiệt tình, đó là yếu tố quan trọng để PYS có được ngày hôm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi đã đi được một quãng đường nhất định, chúng tôi cần thêm những người có kinh nghiệm quản trị để giúp công ty đi được xa hơn.

Anh có lời khuyên gì đối với các bạn trẻ có ý định làm start-up? Đâu là yếu tố cần và đủ để khởi nghiệp?

Tôi cho rằng yếu tố đầu tiên chính là đam mê. Trong quá trình lập nghiệp, bạn sẽ gặp vô vàn khó khăn, thử thách, nếu không có đam mê, bạn sẽ dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng.

Yếu tố thứ hai, và quan trọng không kém chính là việc bạn phải trả lời được câu hỏi “mình đang giải quyết vấn đề gì cho xã hội”. Nếu trả lời được, bạn sẽ đi đúng hướng.

Tôi khuyên các bạn muốn khởi nghiệp, sau khi ra trường hãy dành từ 3-5 năm đi làm tại các doanh nghiệp lớn để trải nghiệm, làm phong phú thêm vốn sống cũng như tìm ra đam mê thực sự của mình trước khi bắt đầu tự kinh doanh.

Còn vấn đề về tài chính thì sao? Tôi có đọc về một vị doanh nhân làm startup khá nổi tiếng, và người đó nói rằng, không có tiền thì đừng mơ khởi nghiệp, anh nghĩ sao về điều này?

Tuỳ thuộc về chiến lược và bước đi của từng người. Đối với startup, tôi không nghĩ tiền là yếu tố quan trọng nhất, có nhiều startup về công nghệ hay dịch vụ không cần quá nhiều vốn, cái quan trọng nhất là chất xám bạn bỏ vào, niềm đam mê và kinh nghiệm sống của bạn tới đâu. Tất nhiên, nếu bạn muốn bùng nổ trong một thời gian ngắn thì vấn đề lại khác.

Tôi cho rằng, người đứng đầu doanh nghiệp phải là người luôn luôn cảm thấy đói, có đói thì mới có động lực để làm việc tiếp còn nếu cảm thấy no đủ thì bạn sẽ có tư tưởng muốn hưởng thụ. Mà khi mình hưởng thụ thì nhân viên sẽ chẳng còn tinh thần làm việc. Còn làm startup thì đương nhiên bạn sẽ đói, nhưng chính điều đó sẽ là động lực tập cho bạn thói quen nhìn người khác để phấn đấu.

Xin cảm ơn anh và chúc anh thành công!