Batubulan nằm về phía Đông Bắc của Bali đi từ phía thủ phủ Denpasar, làng Batubulan trước đây chỉ là một vùng nông thôn hoang sơ hẻo lánh nay đã trở mình thành địa điểm du lịch nổi tiếng nhất nhì tại Bali.
Ngôi làng nhỏ bé giữ trọn trong mình hàng nghìn năm văn hóa - lịch sử, từ lâu đã trở thành “tiếng nói đại chúng” của Bali - vùng đất thiêng của xứ sở vạn đảo.
Miền đất hứa phía Đông chân trời
Giữa biển khơi và rừng già, mỗi tấc đất thuộc 5000 thước vuông Bali đều ẩn giấu một bí ẩn huyễn hoặc, mê say. Batubulan cũng vậy. Người Batubulan thưở khai hoang lập ấp là hậu duệ của Dewa Agung Kalesan, con nuôi vua Badung.
Lang thang trong hành trình tìm kiếm miền đất hứa phía đông chân trời, Dewa Agung Kalesan vô tình bắt gặp một phiến đá khổng lồ sáng ngời như ánh trăng. Quá sửng sốt trước vẻ đẹp thánh thần và tin vào điều kỳ diệu mà nó mang theo, Ngài quyết định dừng chân và bắt tay gây dựng làng mạc.
Batubulan ra đời, với “Batu’ - là đá và “Bulan” - là mặt trăng, “Đá mặt trăng”. Ấy chỉ là tích cũ hoang đường, hay phải chăng, Batubulan thực sự sống trong linh khí của đá mặt trăng huyền thoại, để rồi nhanh chóng trở thành cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật Bali cổ xưa, hút lấy ánh mắt quan tâm của cả thế giới, làm say lòng những người lữ khách vô tình ghé thăm, như PYS, như nhiều người khác nữa?
Đến Batubulan vào ngày thứ 3 lưu trú tại Bali và ngay lập tức được diện kiến nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao. Trên phố chính, trong quảng trường, trước cổng đền,... ở khắp mọi nơi, người Batubulan trưng bày thành quả lao động bằng cả khối óc và con tim của họ - những tượng “vật”, “người” và “thần” sống động tinh tế.
Đọc hàng chục lời truyền về sự tài tình trong điêu khắc của người Batubulan, nhưng chỉ khi đứng đây, ngay trước thần Ganesha mình người đầu voi bằng đá núi lửa được tạo ra bởi bàn tay tài hoa của một nghệ nhân nào đó chúng tôi không thể biết, ngay trước những người Batubulan mệt mài với đục và đẽo, mặc kệ ánh mắt tò mò của vòng tròn to nhỏ những khách lữ hành, mới hiểu, mới thực sự tin nghệ thuật điêu khắc Batubulan nổi danh là một lẽ dĩ nhiên tất yếu.
Bởi với Batubulan, điêu khắc không phải là công việc; điêu khắc là linh hồn, là sinh mệnh, là cuộc sống. Sự say mê sáng tạo, niềm khát khao được biến hư không thành hình hài của họ khiến PYS ngưỡng mộ đến trầm trồ. Giá mà mỗi cá nhân của thế giới này đều lao động bằng cả tấm lòng như người Batubulan, thì thế giới… Thế giới sẽ đẹp đến mức lặng thinh!
Nghệ thuật ca múa độc nhất vô nhị
Batubulan là thế! Vẻ đẹp của Batubulan là vẻ đẹp của những linh hồn chìm đắm trong vinh quang lao động. Nhưng vẻ đẹp của Batubulan cũng là vẻ đẹp của những trái tim sâu sắc, giàu suy tư. Muôn đời xưa nay, người Batubulan luôn tâm niệm về tính cân bằng của sự sống, rằng: “Thiện và ác, tốt và xấu luôn song hành tồn tại trong một thể thống nhất”.
Khi phần ác - cái xấu hoành hành, người Batubulan sẽ mạnh mẽ chiến đấu để giữ gìn sự cân bằng mà họ sùng bái. Ấy là lúc khúc Barong trứ danh ra đời, cũng là lúc Batubulan chiêu đãi cả thế giới thứ nghệ thuật ca múa độc nhất vô nhị của mình.
Mỗi ngày, tại 5 sân khấu: Puseh Temple, Tegal Tamu, Denjalan, Sahadewa và Sila Budaya, người Batubulan trong trang phục đặc biệt sặc sỡ, toàn tâm toàn ý mô phỏng cuộc chiến hào hùng giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu, giữa Barong và Rangda.
Sinh ra là một người thiện lương, nhưng trái tim yếu đuối đã dẫn lối cho bóng tối nuốt chửng tâm hồn Rangda - mẹ của Erlangga - vua của miền Kahuripan. Ả tu tập tà thuật, triệu hồi quỷ ma, lợi dụng cái chết của người chồng mà khống chế Erlangga.
Vùng vẫy trong hiểm cảnh, Erlangga tuyệt vọng cầu cứu thần Barong. Giữa cao trào mâu thuẫn, dưới lời nguyền xấu xa của Rangda, binh lính Erlangga lao vào nhau trong một cuộc chiến sinh tử đẫm máu. Khó khăn trăm bề, nhưng bằng sức mạnh của chính nghĩa, Barong hóa giải lời nguyền, xua đuổi Rangda, trả lại bình yên vĩnh viễn cho Erlangga và vùng đất của Ngài.
Trước đền Pura Puseh, giữa đám đông chung duyên kỳ ngộ, lắng nghe giai điệu bi tráng của tổ hợp 10 nhạc cụ truyền thống Bali, và say mê thưởng thức sự xuất hiện mạnh mẽ của Barong, với mặt nạ sư tử và hình hài đôi ba phần tương tự hỏa lân.
Khoảng 30 phút trôi qua, lừ lừ từ phía sau ngôi đền, Rangda gia nhập vũ điệu như một nỗi kinh hoàng của bóng đêm: “Vuốt dài 10 ngón, lưỡi đỏ lửa và cổ đeo vòng ruột người”. Khi tranh đấu của Barong và Rangda đi đến hồi kết thúc, hơi thở của hàng trăm lữ khách nén chặt trong lồng ngực từ 5’ trước bất ngờ phá tung lồng ngực, hiện hữu thành âm thanh của một rừng hoan hô không ngớt.
Dưới cái lý do cầu an “giả dối”, người Batubulan che giấu ý nghĩa thực của vũ điệu Barong, ấy là khẳng định với trời đất sự bất khả hoành hành của cái ác. Bởi vẫn luôn và sẽ luôn có một phần thiện can trường đâu đây, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ cân bằng mọi thành tố của sự sống.
Qua con mắt người lữ hành, một phần nào đó của khúc Barong mang trọng trách can gián: “Hỡi con người, hãy cảnh giác. Vì cái ác có thể thình lình đẩy ngã bất cứ ai. Khi ấy, tổn thương nặng nề nhất vẫn là người thân cận với ta”.
Đến với Batubulan, để thưởng thức cuộc sống người bản địa và chiêm nghiệm một tam quan rất khác, để âm thầm ngưỡng mộ bề dày lịch sử văn hóa và trầm trồ thán phục ý thức bảo tồn giá trị bản thể của họ.
Link bài tại báo Diễn đàn doanh nghiệp: https://enternews.vn/ai-den-bali-cung-co-mot-moi-tinh-169564.html