Báo diễn đàn doanh nghiệp: CEO PYS Travel Trần Sỹ Sơn: “Đã làm thì hãy là số 1”

25/05/2020

“Biết người, biết ta”

Bao diễn đàn doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện trực tiếp với CEO PYS Travel Trần Sỹ Sơn 

PV: Được biết, sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế đối ngoại đại học Ngoại Thương, anh đầu quân cho trường đại học FPT ở vị trí trưởng phòng tuyển sinh, thu nhập khá ổn. Tại sao anh lại bỏ?

Chỉ do sẵn máu kinh doanh thôi. Tôi đã cùng vài người bạn mở một công ty riêng vào năm 2010. Hai năm đầu, tôi vừa đi làm ở FPT vừa điều hành công ty. Đến cuối năm 2011, để tập trung hơn cho việc kinh doanh nên tôi đã quyết định nghỉ việc tại FPT để chăm lo cho “con đẻ” là PYS Travel.

PV: Theo thống kê chưa đầy đủ thì 90% các start up khởi nghiệp là thất bại. Anh nằm trong 10% có phải do may mắn hay lý do nào khác?

Từ câu chuyện khởi nghiệp của bản thân, tôi nghĩ khi khởi sự kinh doanh, thì đam mê là yếu tố đầu tiên. Lập nghiệp, chắc chắn bạn sẽ gặp vô vàn khó khăn, thử thách nên nếu không có đam mê, bạn sẽ dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng.

Điều thứ hai, và quan trọng không kém chính là việc bạn phải trả lời được câu hỏi thế mạnh của mình là gì. Các cụ nói “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Nếu trả lời được, bạn sẽ đi đúng hướng.
Không con đường start up nào trải hoa hồng, vì vậy không phải ai cũng có thể làm được start up. Nên khi đã hiểu được mình cộng với đam mê, sáng tạo, có bản sắc, tôi tin rằng tỷ lệ các bạn khởi nghiệp thành công sẽ cao hơn. Ngoài ra, các bạn muốn khởi nghiệp sau khi ra trường hãy dành từ 3-5 năm đi làm tại các doanh nghiệp lớn để trải nghiệm, làm phong phú thêm vốn sống cũng như tìm ra đam mê thực sự của mình trước khi bắt đầu tự kinh doanh.

Hiện đã có hàng loạt vườn ươm, quỹ hỗ trợ, chế tài, chính sách được đặt ra để hỗ trợ các bạn trẻ làm start-up. Đây là một tín hiệu đáng mừng, nhưng đồng thời đòi hỏi phải có bản lĩnh vững vàng. Các bạn thường ngại chia sẻ ý tưởng vì sợ bị đánh cắp, cũng thường phản ứng tiêu cực khi người khác chỉ ra những nhược điểm của mình. Các bạn trẻ đừng quá tự tin và đặt cái tôi quá lớn. Bởi như vậy, bạn sẽ không thể tiếp thu được kinh nghiệm từ thất bại mà chỉ nghe một chiều những bài học thành công. Đến khi đối mặt với thử thách thực sự, hầu như các bạn đều không chống chọi được và phải dừng lại, dù ý tưởng ban đầu rất khả thi.

PV: Anh từng nói, tài sản lớn nhất của mỗi công ty gồm nguồn vốn và con người. Vậy, cái nào quan trọng hơn?

Tùy vào từng giai đoạn mà vấn đề vốn hay con người được đặt lên hàng đầu.
Trong 5 năm đầu tiên của start up, theo tôi, con người là yếu tố quyết định. Trong giai đoạn sinh tồn này, cần xây dựng được một đội ngũ nhân sự tốt, chất lượng và sẵn sàng gắn bó với công ty. Nguồn vốn lúc này là để xây dựng đội ngũ nhân sự.

Bước sang giai đoạn 5 năm tiếp theo, khi đã kinh doanh ổn định, có doanh thu và cần mở rộng kinh doanh thì vốn lại trở thành yếu tố quyết định. Trong giai đoạn tăng tốc này, cần vốn để đẩy mạnh đầu tư. Trong giai đoạn này, nguồn nhân sự cũng cần nhưng với nguồn vốn lớn và ổn định thì cơ hội tìm được nhân sự chất lượng cũng cao hơn.

PV: Anh đã học làm tour như thế nào?

Tôi đi tour của công ty bạn để học hỏi những kinh nghiệm cũng như ý tưởng mới và tôi cũng đặt mục tiêu ở càng nhiều khách sạn, đi càng nhiều nơi của càng nhiều công ty càng tốt.

PV: Nhưng hình như anh lại không bao giờ đi tour của mình?

Nhiều người quan niệm cần phải ăn, ngủ cùng sản phẩm của mình, nhưng theo quan điểm của tôi, điều đó là vô nghĩa. Bởi mình sẽ bị ý nghĩ chủ quan và khó có thể đánh giá nhân viên cũng như dịch vụ của chính công ty mình.

Tìm ngách để lách

PV: Từ những chuyến đi tour của công ty bạn, điều gì khiến anh tâm đắc nhất?

Làm kinh doanh, dịch vụ doanh nghiệp cần phải hiểu thị trường và điều khiển được cuộc chơi chứ không chạy theo bất cứ mô hình nào. Vì vậy, đã làm thì hãy là số 1. Đó cũng là lý do tôi luôn theo đuổi những sản phẩm mới, những dịch vụ mới làm hài lòng và thỏa mãn khách hàng và có chỗ đứng trên thị trường.

PV: PYS Travel đã chọn ngách “khai phá” những điểm du lịch hoang sơ?

Năm 2009 - 2010, các công ty du lịch nhỏ và vừa trong nước chủ yếu đi theo hai hướng, một là phục vụ khách nước ngoài đi du lịch Việt Nam, thứ hai là phục vụ các tour du lịch của các công ty.

Nếu đi theo “lối mòn” thì phải có đủ lực để đứng số 1 thì mới làm còn không thì phải có một con đường riêng.

Khi đó, PYS Travel lại chọn khai thác tuyến tour nhắm vào đối tượng là dân văn phòng. Đối tượng khách hàng này rất yêu thích khám phá nhưng lại có yêu cầu cao hơn về chất lượng dịch vụ. Và các điểm đến như Cô Tô, Mộc Châu, Hà Giang đẹp, nguyên sơ nhưng chưa có mấy ai biết tới. Thời điểm đó, chưa đơn vị nào làm được điều này và PYS Travel đã “mạnh dạn” đẩy mạnh hướng kinh doanh vào phân khúc khách hàng này và tuyến tour đến những địa danh này. Rất may mắn, đây là những tour rất thành công và chúng tôi tự hào là một trong những người đầu tiên mở tour “khai phá” những vùng đất này.

Đối với khách hàng, chúng tôi cũng nhận bớt lợi nhuận để tạo thêm giá trị cảm xúc cho khách hàng, như tặng áo cờ đỏ sao vàng, dịch vụ “quà tặng âm nhạc” trên xe hay những bức ảnh khung gỗ đáng yêu.
Đến nay, khách hàng của PYS Travel cũng đa dạng hơn, nhiều doanh nghiệp du lịch chỉ kinh doanh được theo mùa từ tháng 3 đến tháng 9, còn đối với PYS Travel, các sản phẩm được khai thác triệt để: “mùa nào thức nấy”.

PV: Đi theo phân khúc khách hàng mới khi đó có phải hơi liều lĩnh với một doanh nghiệp còn rất trẻ như PYS Travel?

Thời điểm năm 2010, Cô Tô, Mộc Châu và Hà Giang là những vùng đất đẹp, hoang sơ và còn khá ít công ty du lịch khai thác tuyến tour. Trong khi khách hàng PYS Travel nhắm tới là dân văn phòng với vốn thời gian hạn hẹp nên chúng tôi đã xây dựng tuyến tour rút gọn từ 4 ngày 3 đêm còn 3 ngày 2 đêm tập trung vào các ngày cuối tuần.

Là một trong những đơn vị đầu tiên khai phá tuyến tour mới, chúng tôi đã gặp khá nhiều khó khăn về cách tổ chức tour sao cho độc đáo, hấp dẫn cũng như đối mặt với rủi ro về địa hình của địa phương đó. Tuy nhiên, ngay từ đầu chúng tôi xác định được tinh thần “vạn sự khởi đầu nan” nên đã cùng nhau vượt qua chứ không chọn con đường dễ dàng là “copy” của công ty khác.

PV: Đây vẫn là con đường mà PYS Travel lựa chọn trong thời gian tới?

Trong thời gian tới, PYS Travel vẫn sẽ đi tìm những hướng mới. Tôi nghĩ, nếu đi theo “lối mòn” thì phải có đủ lực để đứng số 1 thì mới làm còn không thì phải có một con đường riêng, một thị trường ngách và phát triển thành thế mạnh của công ty mình, như vậy doanh nghiệp mới có thể phát triển và có bản sắc.
Bên cạnh đó, cũng cần nắm được tâm lý khách hàng. Đó là thích được tận hưởng những dịch vụ đầy đủ, tiện nghi với giá cả phải chăng để đáp ứng và nắm rõ từng thị trường .

PV: Nhưng thị trường đi lên thì việc các công ty khác đi theo mô hình của mình là điều khó tránh khỏi?

Thách thức cũng chính là cách để PYS Travel xây dựng thế mạnh của mình.

Đến thời điểm này tôi có thể tự tin khẳng định các tuyến tour Mộc Châu, Hà Giang, Cô Tô... PYS Travel đang đứng đầu về số lượng khách.

Hiện tại, PYS Travel vẫn đang chú trọng xây dựng các điểm đến mới, các gói tour mới, cung cấp dịch vụ hoàn hảo cho từng đối tượng khách hàng và không quên tìm hiểu, chăm sóc và đáp ứng từng nhu cầu của khách hàng.

Còn ở tour truyền thống, chúng tôi đẩy mạnh vào chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng và chắc chắn rằng khách hàng đã đi thì sẽ thích và ủng hộ những lần sau đó.

PV: Được biết, PYS Travel vừa ra sản phẩm mới mang tên Tago chuyên bán vé máy bay và book phòng khách sạn trực tuyến. Anh có tự tin khi lĩnh vực này đang bị chiếm lĩnh bởi các đối thủ ngoại sừng sỏ?

Đối tượng khách hàng trong lĩnh vực này rất tiềm năng và còn phát triển bùng nổ trong thời gian tới nên chúng tôi cũng xác định sẽ đầu tư mạnh mẽ cho phân khúc này. Chúng tôi không ngại bất cứ đối thủ nào, mà chúng tôi coi họ như đối tác để mình học hỏi.

Link bài viết tại báo Diễn đàn doanh nghiệp: https://enternews.vn/ceo-pys-travel-tran-sy-son-da-lam-thi-hay-la-so-1-120294.html