Sau giai đoạn bị kìm nén, du lịch sẽ nhanh chóng bật dậy như chiếc lò xo được “giải nén”.
Đó là niềm tin của anh Trần Sỹ Sơn – CEO PYS Travel khi chia sẻ về những kì vọng thăng hoa của ngành du lịch sau khi đại dịch COVID-19 tạm lắng xuống.
Trong những ngày tháng có chút lạnh lẽo và buồn tẻ của dịch COVID-19 với ngành du lịch,báo diễn đàn doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với anh Trần Sỹ Sơn – CEO PYS Travel. Báo diễn đàn doanh nghiệp chia sẻ với độc giả rằng nhìn anh Trần Sỹ Sơn không giống như một người đang “thất trận” vì đại dịch, bởi anh vẫn vững tin “cơ hiện hữu trong nguy”.
Chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh nhưng Đại dịch COVID-19 đang có tác động tiêu cực lên gần như toàn bộ tất cả các ngành nghề kinh doanh mà trong số đó du lịch được đánh giá là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, PYS Travel đã bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
Với tôi, cuộc khủng hoảng này đúng là một “trải nghiệm” cuộc sống rất lý thú”. Dịch COVID-19 bùng phát, doanh thu tháng 2 và 3 của PYS Travel đã sụt giảm tới 80-90%. Khi đó, chẳng dám nghĩ tới điều gì tích cực bởi “nỗi sợ” và “nỗi ám ảnh” vì dịch bệnh đã chiếm hết tâm trí tôi.
Đầu tháng 3, Ban lãnh đạo công ty đã có 1 buổi chia sẻ rất cởi mở với toàn bộ nhân viên về tình hình khó khăn của công ty cũng như những thách thức mà thời gian tới ngành du lịch sẽ gặp phải.
Và bất đắc dĩ, Ban lãnh đạo công ty đã buộc phải dùng phương án “ngủ đông” đồng thời xác định khoảng thời gian này cả ban lãnh đạo cũng như toàn bộ nhân viên cùng bình tĩnh, chậm lại để xem xét và đánh giá tình hình.
Bản thân tôi, khi đó, đã dành 1 tuần thử… sống chậm: không lên mạng,không đau đầu với những kế hoạch kinh doanh, không lo lắng vì cơm áo cho hơn 100 con người của PYS Travel. Thay vào đó, tôi tham gia các thử thách “stay home”, tập chống đẩy, tập plank, tự nấu ăn, chăm con, dạy con…những điều không thể làm khi mải mê với công việc.
Sau 1 tuần “ở ẩn” đó, tinh thần thoải mái và tôi đã nảy ra được thêm nhiều ý tưởng để chế ngự nỗi sợ và luôn tin tưởng rằng chúng tôisẽ bật lên mạnh mẽ.
Với đội ngũ nhân viên, PYS Travel đã cùng đối mặt thử thách này như thế nào?
Nhiều đêm thức trắng, tôi luôn trăn trở nếu “ngủ đông” thì nhân viên của công ty sẽ ra sao. Nếu dịch bệnh kéo dài 1-2 tuần thì không sao nhưng kéo dài 2-3 tháng thì thực sự ám ảnh.
Chúng tôi rất hiểu, đằng sau mỗi con người là một gia đình với những lo toan riêng đang đè nặng.
Lên kế hoạch “ngủ đông” vậy làm sao ông có thể giữ chân được đội ngũ nhân sự của mình?
Thực sự ngay trong những lúc khó khăn, tôi nhận được rất nhiều những lời động viên, chia sẻ của các bạn nhân viên về niềm tin của các bạn với công ty.
Có nhiều bạn sẵn sàng xin lên công ty làm không nhận mức lương cứng. Các nhân sự chủ chốt thì chỉ nhận 1/3 tháng lương. Thậm chí, có bạn có tiết kiệm tài chính thì sẵn sàng hùn vốn cho công ty mượn để có thể duy trì được qua giai đoạn khó khăn này.
Mỗi người nỗ lực một chút nhưng cái quan trọng nhất đó là NIỀM TIN mà các bạn đã dành cho công ty đã khiến cho SỨC MẠNH của PYS Travel được nâng lên rất nhiều.
Mọi người trong công ty không còn cấp bậc trên dưới mà là cộng sự của nhau, cùng nhau cố gắng vượt khó khăn. Những điều đóchúng tôi đều rất trân quý và ghi nhận để sau này có dịp sẽ mong được đền đáp các bạn.
Và thực tế là, sau 1 tháng “ngủ đông” 100% nhân viên công ty đều vẫn đi làm, thậm chí công ty vẫn đang tiếp tục tuyển dụng thêm nhân sự.
Ngủ đông nghĩa là mọi hoạt động sẽ bị ngưng trệ, vậy ở PYS Travel thì sao, thưa ông?
Bạn thấy đấy, một chú gấu khi ngủ đông giữa những ngày giá lạnh, không ăn uống, tim đập chậm lại nhưng không phải chú ta chờ đợi cái chết mà chỉ là đang kiên trì âm thầm chờ đợi sự trở lại kỳ diệu của mùa xuân, để sinh sôi nảy nở và tận hưởng những ngày nắng tươi đẹp nhất. PYS Travel cũng thế.
Tôi luôn tin, chú gấu PYS Travel chỉ đang tạm ngủ đông để vùng lên mạnh mẽ nhất với tất cả năng lượng dự trữ ngay khi COVID-19 lùi đi, và sẵn sàng chiếm lĩnh một vị thế lớn hơn trên thị trường.
COVID-19 và những hệ quả của nó cũng là một trận chiến cam go nhưng tôi tin rằng thử thách này không hạ gục được chúng tôi mà còn giúp chúng tôi mạnh mẽ hơn bội phần khi trở lại.
Tháng 5 này là kỷ niệm 10 năm thành lập PYS Travel, món quà lớn nhất của sinh nhật năm nay là Tất cả nhân viên công ty được đi làm đầy đủ!
Có thể nói COVID-19 là “thuốc thử” với nhiều doanh nghiệp. Có phải vì vậy màPYS Travel có một bước chuyển hướng rất sáng tạo sang hình thức “du lịch ẩm thực”?
Thực ra, từ trước tới nay, mục tiêu của PYS Travel là phải làm được gì đó cho khách hàng.
Khi không thể làm du lịch, chúng tôi luôn đau đáu làm sao có thể cung cấp một giải pháp nào đó cho khách hàng. Làm sao để khách hàng không thể trực tiếp đi du lịch nhưng vẫn có thể có những trải nghiệm, cảm giác được một phần không khí, âm hưởng của những vùng đất mới.
Từ đó, tôi đã nghĩ tới việc sẽ cung cấp các món ăn đặc sản cho khách hàng.
Dự án đầu tiên là “Mang cá hồi Sapa xuống phố”. Thật bất ngờ bởi ngay sau 24h hơn 1 tạ cá hồi Sapa được bán ra và hiện tại sau hơn 01 tháng, rất nhiều các mặt hàng được phát triển thêm.
Ông có nghĩ rằng, đây sẽ là một dự án mới cho PYS Travel ngay cả khi dịch đi qua?
Thú thật, khi bắt đầu dự án này, tôi chỉ nghĩ đây sẽ là kênh để PYS Travel vượt “bão”, còn lại nó đi xa được đến đâu thì phải chờ vào sự ủng hộ và phản hồi của khách hàng.
Nhưng một tháng thử thách vừa qua, tôi nghĩ rằng, thời gian tới, bên cạnh việc tập trung toàn bộ nguồn lực của mình vào ngành du lịch, PYS sẽ triển khai thêm các dự án miễn sao mang lại giá trị cho khách hàng và được khách hàng ủng hộ.
Mong mỏi của khách hàng chắc chắn sẽ không dừng lại ở ẩm thực, vậy PYS Travel sẽ làm gì tiếp theo để “níu” chân họ?
Thực ra không chỉ có ẩm thực, thời gian qua, chúng tôi còn lên rất nhiều các ý tưởng khác để triển khai và vẫn theo một tư duy làm sao để có thể “phục vụ” được khách hàng của mình nhiều nhất.
Thế rồi, PYS thành lập ra các team dự án khác nhau.
Điển hình là triển khai team tổ chức lớp học Tiếng Anh online dành cho các bé với các nội dung topic là chia sẻ về kiến thức đi du lịch nước ngoài. Lớp học thực hiện qua zoom, buổi học được thiết kế dành cho cả bố và mẹ và chỉ có từ 8-10 thành viên. Lớp học này có sự hỗ trợ của các giảng viên nước ngoài và các bạn hướng dẫn viên của công ty.
Một team khác thì triển khai game “bước nhảy thế giới” dựa trên mô hình trò chơi cá ngựa. Tình hình dịch bệnh, các bé phải ở nhà, không được ra ngoài chơi nên thông qua game với nhiều câu hỏi, câu đố về địa lý, về thủ đô các nước trên thế giới chúng tôi hi vọng sẽ giúp các bé và bố mẹ vừa kết nối vừa có thể cập nhật các kiến thức về du lịch.
Một vài dự án phát triển tức thời trong đại dịch đã giúp tôi nhận thấy, đội ngũ nhân sự của PYS Travel rất sáng tạo và chăm chỉ.
Bất cứ dự án nào giúp mang giá trị cho khách hàng và liên quan tới du lịch tôi đều ủng hộ.
Du lịch đang “ấm” dần lên, vậy định hướng của công ty sẽ như nào?
PYS Travel sẽ tập trung nhiều hơn vào việc du lịch an toàn.
Trước tiên, phải làm cho khách hàng có cảm giác thật an toàn khi đi du lịch, có như vậy họ mới sẵn sàng trải nghiệm các dịch vụ mà mình mang lại.
PYS Travel hiện đang triển khai chiến dịch “du lịch an toàn” thông qua 05 bước.
Thứ nhất, chúng tôi không chọn các vùng có nguy cơ lây nhiễm để làm tour. Thứ hai, toàn bộ tổ phục vụ gồm hướng dẫn viên và lái xe đều liên tục được nhắc nhở “khử trùng” các điểm tiếp xúc với khách hàng trước khi khách sử dụng như tại cửa xe oto, ghế ngồi của khách. Thứ ba, toàn bộ khách hàng đều phải được mua bảo hiểm 100% (điều này trước đây PYS đều làm rất chặt). Thứ tư, toàn bộ khách hàng khi tham gia tour đều yêu cầu được kê khai y tế trong 21 ngày. Thứ năm, khách hàng được yêu cầu đeo khẩu trang y tế và mũ chắn giọt bắn để đảm bảo an toàn cho người đồng hành.
Như vậy có đủ cho 1 chuyến đi du lịch không thưa ông?
Dịch bệnh lắng xuống chúng ta không được chủ quan, tuy nhiên cũng không nên hoang mang, lo lắng quá. Nếu bạn chưa yên tâm với các biện pháp an toàn khi đu lịch thì chúng ta có thể chờ đợi thêm 1 thời gian nữa. Vì đi du lịch, điều quan trọng nhất là bạn phải cảm thấy thoải mái để trải nghiệm, nếu không chuyến đi sẽ không cò nhiều ý nghĩa.
Trước khó khăn, nhiều công ty chọn cách cắt giảm chi phí, du lịch sẽ có thể là một phần được cắt giảm đầu tiên, ông có đồng ý với quan điểm này không?
Tôi thực sự hiểu và đồng cảm với sự khó khăn này.
PYS Travel đã thiết kế thêm một số các chương trình team building 4.0 dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chương trình này được ứng dụng trải nghiệm trên một app mobile.
Khách hàng sẽ được chia thành nhiều nhóm nhỏ để có thể thực hiện các thử thách được đưa ra, sau đó quay/ chụp lại và được tính điểm gửi về ứng dụng. Ban giám đốc hoặc Ban Tổ chức sẽ là người chấm điểm này.
Cái hay của chương trình này đó là giải quyết được vấn đề về chi phí và thời gian của khách hàng. Các CEO các công ty vẫn muốn cắt giảm về chi phí, nhưng vẫn cần phải có nhiều hoạt động kết nối các thành viên trong công ty lại với nhau.
Nếu như trước đây để làm 1 chương trình team building thì chi phí bỏ ra hàng triệu đồng và phải đi từ 1-2 ngày trở lên thì với chương trình này, chỉ trong một buổi sáng, nhân viên có thể chơi ngay tại văn phòng, hạn chế di chuyển xa và cũng giúp mọi người có cảm giác an toàn hơn. Điều quan trọng là các công ty vẫn đạt được mục đích với các gói game thử thách về sự đoàn kết hoặc nâng tinh thần sáng tạo…
Có vẻ PYS Travel cũng bắt “trends” rất nhanh về việc ứng dụng xu hướng 4.0? Anh có thể chia sẻ thêm về việc ứng dụng CN 4.0 trong ngành du lịch của mình?
Hiện tại PYS Travel đã làm việc được 10 năm trong ngành, chúng tôi mỗi năm đang kế hoạch sẽ phục vụ hàng trăm ngàn lượt khách. Do đó việc quản lý dữ liệu, chuyển đổi số là điều rất cần thiết.
Việc xây dựng hệ thống này đã được chúng tôi khởi động từ năm 2015, chúng tôi coi việc phát triển hệ thống đó là một khoản “đầu tư” dài hạn chứ không thể là một “chi phí”.
Vào giai đoạn hiện tại, khi du lịch đang dần bình ổn thì đây cũng là một cơ hội để giúp chúng tôi tăng tốc và đẩy nhanh xây dựng hệ thống quản trị tốt hơn, cũng như xây dựng một app (ứng dụng) tiếp xúc với khách hàng khi đi tour một cách thân thiện hơn.
Ông có kiến nghị gì về gói vay tín chấp dành cho các doanh nghiệp du lịch không?
Theo tôi; với vai trò là 1 ngành đóng góp tới gần 5 triệu lao động; chiếm gần 10% tổng số lao động cả nước. Du lịch đã thực sự thể hiện là 1 ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước. Việc mà tung ra gói tài chính hỗ trợ lúc này thực sự là cần thiết cho ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, thực hiện gói hỗ trợ như nào thì ý kiến cá nhân của tôi; xin có 1 vài kiến nghị.
Vừa qua, Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất Chính phủ bảo lãnh gói tín dụng riêng 150.000 tỉ đồng, áp dụng cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành có vốn điều lệ tối thiểu 3 tỉ đồng, 10 lao động, thực hiện các nghĩa vụ thuế đầy đủ có thể vay tối đa tương đương tổng số thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp đó đã nộp cho Chính phủ trong năm 2019.
Hiện tại toàn ngành, số lượng các công ty đăng kí làm du lịch lên tới 15.000 công ty. Số lượng công ty có giấy phép lữ hành (có ký quỹ outbound hoặc inbound) khoảng 3.500 công ty. Với số lượng công ty như vậy là khá đông dẫn tới tình trạng bị phân tán khách. Theo tôi, nên tập trung phần hỗ trợ nguồn lực tài chính vào các công ty có kế hoạch theo đuổi và phát triển các giá trị mới cho ngành, bên cạnh chỉ phát triển mỗi “thương mại”. Các giá trị mới đó được hình dung như việc đầu tư khai phá 1 tuyến tour mới, hoặc 1 hình thức tour mới; hoặc 1 cách tổ chức, xu hướng đi tour mới. Phát triển một tuyến tour mới có thể bằng cách tổ chức đều đặn các tour ghép khách, khởi hành hàng tuần/ hàng tháng tới các địa điểm mà nhà nước và chính phủ đang định hướng dần vào làm du lịch. Cần phải nhìn nhận rằng, để tổ chức được 1 tour thành công, được khách hàng ủng hộ thì chi phí đầu tư không ít. Bởi thời gian đầu tiên, để ghép được 1 tour mới thì điều không dễ. Trong khi giá bán tour thường các công ty du lịch sẽ dựa trên giá “giả định” 10 người đi là điểm hòa vốn. Nếu tour chỉ có 4-5 người đi thì số tiền lỗ là rất cao. Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp du lịch sẽ có những chương trình du lịch na ná nhau; và việc cạnh tranh nhau về giá là điều tất yếu; dẫn đến phần giá trị tạo ra cho ngành sẽ không nhiều. Nhưng nếu các công ty được đầu tư nhân sự, áp lực tạo thêm về giá trị thặng dư cho ngành. Làm được điều này, ngành du lịch sẽ có thêm nhiều dịch vụ và chất xám hơn.
Hoặc như hiện tại chúng ta mới có chuẩn sao, chuẩn dịch vụ với khách sạn hoặc hàng không mà chưa có chuẩn của ngành lữ hành. Thế nào là tour 3 sao, 4 sao hay tour vip. Cần xây dựng lộ trình 1 chuẩn dịch vụ, để khách hàng được trải nghiệm đúng với giá trị chi phí mà họ sẽ bỏ ra
Việc giải ngân tới các công ty này sẽ theo lộ trình và theo các đề án mà các công ty này sẽ đăng ký và được duyệt. Nếu công ty nào không thực hiện được mục tiêu đó, thì nên dừng việc vay mới tiếp. Có như vậy thì tôi nghĩ ngành du lịch chắc chắn sẽ được phát triển mạnh hơn và đi nhanh hơn trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Link bài viết gốc tại báo: https://enternews.vn/xoay-truc-vuot-bao-covid-19-174166.html