CEO đi "ship rau" nuôi công ty du lịch bước qua đại dịch và cái kết bất ngờ

25/03/2022

123Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngành du lịch. Nhiều doanh nghiệp đang “ăn nên làm ra” bỗng chốc rơi vào cảnh điêu đứng, “sống dở chết dở”, “thoi thóp” chờ đợi những động thái hỗ trợ mới từ Chính phủ … Đợt dịch thứ 4 bùng phát chính thức khiến nhiều doanh nghiệp du lịch bị “khai tử”, phải rút lui khỏi thị trường.

Thế nhưng, không ít các doanh nghiệp lại chủ động tìm hướng chuyển mình để vượt qua giai đoạn khó khăn. Họ không chỉ “cầm cự”, “sống sót” qua đại dịch mà còn “sống tốt”, “phát triển” trong đại dịch. Đó là kết quả của sự dám thay đổi, dấn thân, bước qua những rào cản của các CEO.

CEO
 

“Có lần, khi tôi vừa đến công ty thì thấy nhân viên quay cuồng tìm người giao hàng. Giãn cách xã hội khiến lượng shipper giảm trong khi số đơn hàng cần giao lại nhiều. Không ngần ngại, tôi nói nhân viên bê đồ lên xe, tôi sẽ đi giao. Khi thấy tôi giao rau củ bằng ô tô, nhiều khách tròn mắt ngạc nhiên. Có khách còn tip cho tôi 50.000 đồng làm tôi cùng thấy vui”, ông Trần Sỹ Sơn - CEO PYS Travel chia sẻ với báo. 

Công ty của ông Sơn được thành lập năm 2011. Sau hơn 10 năm thành lập, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty có 130 nhân sự full time, phục vụ 80.000 lượt khách một năm và đạt doanh số ấn tượng 250 - 270 tỷ đồng/năm.

Năm 2020, khi công ty đang chuẩn bị cho dịp kỉ niệm 10 năm thành lập thì dịch Covid-19 ập tới. “Tôi chưa từng nghĩ đến việc sẽ có một cơn đại dịch xuất hiện và làm đảo lộn mọi thứ”, ông Sơn nói. CEO trẻ thừa nhận bản thân rơi vào trạng thái hoang mang, căng thẳng, mất phương hướng.

CEO
 

Ngay khi hoạt động du lịch ngưng trệ vì đợt dịch đầu năm 2020, Sơn cùng ban lãnh đạo công ty đã ngồi lại, tìm hướng đi để “cầm cự” qua dịch. Khi công ty không bán được tour du lịch thì “suy đi tính lại”, cách chuyển đổi đơn giản nhất là bán đặc sản vùng miền vì công ty có sẵn những đối tác về ẩm thực, nông sản địa phương; nhân sự trong ngành du lịch nên đã có kiến thức, am hiểu ẩm thực vùng miền.

Ngay sau đó họ bắt đầu quảng cáo, giới thiệu đến khách hàng các sản phẩm rau, củ, đặc sản vùng miền, từ rau Mộc Châu, cá hồi Sa Pa, bánh chưng gù Hà Giang… đến bánh bột lọc Quảng Bình, cua Cà Mau, sầu riêng... Công ty du lịch này chuyển sang hoạt động như một “siêu thị”, phục vụ nhu cầu khách hàng mùa dịch.

“Ba đợt dịch đầu tiên bùng phát đều không kéo dài quá lâu nên việc kinh doanh ẩm thực như biên pháp giúp chúng tôi cầm cự qua mùa dịch, không phải thực hiện cắt giảm nhân sự. Khi dịch được kiểm soát, công ty trở lại phục vụ khách du lịch và xem ẩm thực như một mảng kinh doanh nhỏ song hành.Thế nhưng, đợt dịch thứ 4 tới và kéo dài ròng rã 4 tháng đẩy công ty vào tình trạng khó khăn thật sự”, ông Sơn cho hay.

Thời điểm đầu tháng 7/2021, công ty của Sơn rơi vào tình trạng “cạn kiệt” nguồn tài chính, không thể trả đầy đủ lương cho nhân viên. Việc kinh doanh bán lẻ ẩm thực, nông sản cũng gặp khó khi việc vận chuyển, giao hàng hạn chế vì giãn cách xã hội.

“Không thể trả lương cho nhân viên, tôi cảm thấy lo lắng. Nếu không thể trả lương thì ít nhất cũng phải hỗ trợ được gì đó cho các bạn, tôi nghĩ vậy. Đúng lúc này, một số đối tác tại các tỉnh gửi thực phẩm tặng công ty. Tôi nghĩ đến việc chia thực phẩm thành các thùng nhỏ, làm quà tặng nhân viên. Những thùng quà tương tự như trước đây cha mẹ vẫn gửi cho tôi khi đi học xa nhà”, ông Sơn cho biết.

CEO

Sau đó, ông Sơn vô tình chia sẻ hoạt động hỗ trợ nhân viên công ty mình tới một vài khách hàng thân thiết. Thật bất ngờ, một vị khách hàng ngỏ ý muốn đặt 500 box rau, củ, thực phẩm tặng nhân viên/khách hàng của công ty. Ông Sơn lập tức đồng ý và cùng nhân viên liên hệ triển khai. Cũng từ đây công ty lên ý tưởng, thực hiện kinh doanh những “box thực phẩm”.

Họ bắt đầu tiếp cận từ khách hàng cũ, sau đó quảng bá rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Những box thực phẩm đủ rau, củ, quả, thịt, cá,... xuất hiện khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khách hàng không thể thường xuyên đi chợ, siêu thị… đã tạo nên cơn sốt. Những box thực phẩm này không chỉ giúp PYS “cầm cự” qua đại dịch mà còn “sống tốt” giữa đại dịch.

Theo ông Sơn, mô hình kinh doanh này thành công phải nhờ tới sự đồng lòng của nhân viên công ty. Sau 2 năm, lượng nhân viên ở lại với công ty du lịch này chỉ còn khoảng 50% nhưng họ đều là những người không ngại khó ngại khổ, sẵn sàng vượt qua mặc cảm để đi giới thiệu, bán rau, ship hàng, làm việc từ sáng sớm tới 9 - 10 giờ đêm, bất kể cuối tuần, ngày lễ, Tết.

“Trước đây, có nhiều anh em nhận mức lương thưởng vài chục triệu mỗi tháng nhưng nay sẵn sàng đi giao hàng nắng nôi giữa trưa, nhặt nhạnh từng đồng. Từ làm du lịch chuyển sang bán nông sản, rau củ, họ phải vượt qua không ít rào cản. Tôi biết ơn họ vì sự đồng lòng đó”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Sơn cho biết thêm, kinh doanh nông sản, thực phẩm rất khó, bởi lẽ, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Vị CEO này xác định, khách hàng tìm đến PYS vì mua “tư duy dịch vụ” nên đơn vị này sẵn sàng hoàn trả khi sản phẩm không vừa ý khách hàng, không đảm bảo chất lượng. “Mình lấy giữ chữ tín làm đầu bởi một lượng lớn khách hàng mua thực phẩm của chúng tôi là những khách hàng cũ, từng sử dụng dịch vụ du lịch bên mình và dành sự tin tưởng nhất định”, ông Sơn cho hay.

CEO
 

Ông Sơn khẳng định, công ty sẽ tiếp tục thừa thắng xông lên, phát triển kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, nông sản, sẵn sàng hoạt động song song với du lịch. Trong năm 2022, công ty có thể mở thêm 20 - 30 điểm bán hàng ẩm thực, nông sản kết hợp làm điểm bán tour.