Sau 2 năm đối mặt với dịch Covid, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã có những bước thay đổi như thế nào? Hãy tham khảo một bài viết trên Cafebiz có chia sẻ về câu chuyện của PYS Travel nhé các bạn.
Tháng 8/2021, anh Trần Sỹ Sơn và 1/4 số nhân viên của công ty du lịch PYS Travel (khoảng 20-25 nhân sự) vẫn ngày ngày đi qua các chốt kiểm dịch, tới kho cặm cụi kiểm kê, đóng gói và ship thực phẩm đến tay khách hàng. Trong đó, nhiều hướng dẫn viên được "tận dụng" thực hiện vai trò mới - shipper vận chuyển hàng hoá, các nhân sự tại văn phòng đều chuyển qua nhặt rau củ, chặt thịt, chặt cá...
Thời điểm ấy, mỗi ngày, anh Sơn tiết lộ dự án Bếp Bụng Bự nhận được khoảng 100 đơn. Chuyển sang kinh doanh thực phẩm, công ty anh lựa chọn những mặt hàng liên quan đến đặc sản vùng miền bởi doanh nghiệp này trước đó vốn có tiếng trong lĩnh vực du lịch vùng Tây Bắc như cá hồi Mộc Châu, cá tầm Sa Pa, bánh chưng gù Hà Giang...
Khi ấy, anh Sơn đã chia sẻ những lời "gan ruột" như thế này: "Hơn 10 năm trong nghề, chưa bao giờ chúng tôi lại trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần lớn đến vậy. Thực tế, những người làm du lịch như chúng tôi đã bị ảnh hưởng từ Tết âm năm 2019. Cho đến làn sóng dịch lần thứ 4 này tại Hà Nội, tinh thần các bạn nhân viên gần như kiệt quệ, mệt mỏi."
Những khó khăn "chưa bao giờ kể"
Đại dịch Covid-19 giống như một phép thử vậy. Là người đứng đầu, anh Sơn thường xuyên phải đặt những phép tính mới để đảm bảo sự sống còn của công ty. Nhưng cũng chính vì sự quyết đoán của ban giám đốc mà PYS Travel đã có nhiều tín hiệu khởi sắc khi tour trong nước và nước ngoài mở lại.
Ngày 26/2, tour nước ngoài đầu tiên sang Dubai sau 2 năm Covid của công ty anh Sơn khởi hành. Từ giữa tháng 2/2022, doanh nghiệp bắt đầu chào bán tour du lịch Dubai 6 ngày 5 đêm khởi hành từ Hà Nội và tour Dubai 5 ngày 4 đêm khởi hành từ HCM với giá tour chỉ từ 28.990.000 đồng/khách, lịch khởi hành đều đặn hàng tuần kể từ 15/3.
Anh Sơn bày tỏ: "Khi ấy, nhận thấy thị trường du lịch quốc tế sẽ "ấm lại", với một tệp khách hàng có mức chi trả cao, sẵn sàng xuất ngoại sau một thời gian không được bay, chúng tôi đã tập trung đẩy một số điểm đến an toàn như Dubai, Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đều mang chung một cảm giác rất khó tả cho những tour đầu tiên được bán, nó giống như bạn được ăn lại sau một quãng thời gian "detox" vậy... Tựu trung lại là hạnh phúc."
Cùng thời điểm đó, trong nước, Hà Giang và Tà Xùa là hai địa điểm được các khách hàng của PYS Travel yêu thích nhất, có những giai đoạn luôn kín chỗ, không nhận thêm khách. "Thời điểm ấy vào tháng 4, đầu hè, lượng khách tìm hiểu về tour du lịch cao, đa phần các bạn có thể ở văn phòng tới 12 tiếng, nhiều bạn trẻ chưa có gia đình còn đăng ký ở lại luôn", anh Sơn nhớ lại.
Khó khăn thứ hai, do sự trở lại của ngành du lịch vào đúng mùa cao điểm trước hè nên khả năng cung ứng của nhiều khách sạn/nhà hàng/nhà xe còn bị hạn chế. Vì cầu lớn hơn cung, đôi khi có khách nhưng không có dịch vụ hoặc dịch vụ không đảm bảo nên doanh nghiệp của anh Sơn buộc phải từ chối khá nhiều.
Để kích cầu du lịch, công ty của anh Sơn vẫn tập trung vào việc phát triển các sản phẩm trong nước mà ít công ty khai thác như tuyến Bắc Hà - Hoàng Su Phì. Còn đối với các đối tác nước ngoài, nhờ việc duy trì liên lạc trong suốt mùa dịch mà doanh nghiệp đã mở thêm tuyến mới tới Ấn Độ phục vụ nhu cầu khám phá thế giới của du khách.
"Covid có lẽ đã cho chúng ta quá nhiều bài học, tuy nhiên, bài học lớn nhất mà tôi đúc kết lại được đó là mọi thứ đều nằm ở lựa chọn của chúng ta. Mọi thứ luôn bất ổn và chúng ta không kiểm soát dễ dàng được nó, tuy nhiên chúng ta có "quyền" được lựa chọn để đối mặt/hành xử với nó theo cách phù hợp nhất với mình", anh Sơn cho biết.
Còn về dự án kinh doanh thực phẩm, anh cho hay vẫn duy trì dự án nhưng hiện chỉ tập trung vào một số sản phẩm đặc sản tại Sơn La, Lào Cai do cần sử dụng số lượng nhân sự lớn để phục vụ khách đi tour trở lại.
Anh Sơn chia sẻ: "Việt Nam đã quá đẹp rồi, tuy nhiên không chỉ dựa vào cảnh đẹp tự nhiên và thiên nhiên được. Cần có nhiều sự đầu tư hơn vào tư duy dịch vụ, nâng cấp chất lượng, cải thiện quản lý của người làm du lịch, định hướng tập trung cho 1-2 chiến lược/hành động cụ thể. Có như vậy tôi nghĩ rằng, du lịch Việt Nam sẽ tạo ra thêm nhiều giá trị thặng dư hơn nữa".
Xem bài viết chi tiết trên Cafebiz: Công ty du lịch từng chuyển sang bán thực phẩm mùa dịch, đến CEO cũng làm shipper ngày ấy bây giờ ra sao?