Giới thiệu về Hà Tĩnh
Hà Tĩnh, một vùng đất trên dải miền Trung đầy mộng mơ, luôn khiến người ta trầm trồ, thích thú bởi những bãi cát dài trắng xóa, bờ biển chạy dài xanh mượt, những làng nghề truyền thống nơi những người dân chài hằng ngày cần mẫn ra khơi kiếm sống. Hà Tĩnh đẹp một vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc, chưa được khai phá, khai thác nhiều. Tuy du lịch Hà Tĩnh chưa được phát triển mạnh mẽ nhưng không vì vậy mà Hà Tĩnh mất đi sức cuốn hút của mình.
Hà Tĩnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, mảnh đất nổi tiếng với địa danh Ngã Ba Đồng Lộc lịch sử, quê hương của nhiều nhân vật nổi tiếng như Mắc Hắc Đế, Đặng Tất, Phan Đình Phùng. Nơi đây cũng nổi tiếng với những điểm đến làm say lòng người như biển Thiên Cầm êm ả, Hồ Kẻ Gỗ trong xanh, chùa Hương Tích uy nghiêm trên núi Hồng Lĩnh. Dân tộc chủ yếu tại Hà Tĩnh là người Kinh và một số dân tộc thiểu số như Chứt, Thái, Mường, Lào sống ở các huyện: Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê.
Vị trí địa lý
Hà Tĩnh nằm ở Bắc Trung Bộ, thủ phủ là thành phố Hà Tĩnh, phía bắc giáp Nghệ An, phía nam giáp Quảng Bình, phía đông giáp biển và phía tây giáp hai tỉnh Borikhamxay và Khammouan của Lào. Hà Tĩnh là nơi có địa hình đa dạng nhờ vị thế giáp biển và dãy Trường Sơn.
Địa điểm du lịch Hà Tĩnh
1. Biển Thiên Cầm
Biển Thiên Cầm thuộc huyện Cẩm Xuyên, cách trung tâm thành phố khoảng 20 km, đường đi thuận tiện. Bãi Thiên Cầm hình cánh cung với ba bãi tắm chính, dài khoảng 10 km, nước trong xanh và cát trắng. Đây là một trong những bãi biển đẹp nhất miền Trung.
Thời điểm thích hợp nhất để đến Thiên Cầm là mùa hè từ tháng 4 đến tháng 8 khi biển lặng, thời tiết thuận lợi để tham gia các hoạt động vui chơi cũng như nghỉ dưỡng.
2. Hồ Kẻ Gỗ
Hồ Kẻ Gỗ là hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Hà Tĩnh, một phần của khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ thuộc địa phận 3 huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Hương Khê. Hồ được xây dựng năm 1976 và hoàn thành sau 3 năm, do người Pháp quy hoạch và thiết kế. Trên hồ là cây cầu hình chữ C nối vào đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đường đến hồ Kẻ Gỗ khá vắng vẻ, có một đoạn đất khá trơn nếu trời mưa, du khách nên cẩn thận khi di chuyển. Hiện nơi đây là địa điểm lý tưởng cho các buổi cắm trại cuối tuần hay những buổi giao lưu cùng gia đình, bạn bè.
3. Ngã ba Đồng Lộc
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn, thuộc địa phận huyện Can Lộc. Trong chiến tranh, đây là một trong những điểm giao thông quan trọng nên quân đội Mỹ thường tập trung máy bay thả bom nhằm cắt đứt đường hành quân của quân đội ta.
Khi đó, ở đây có một tiểu đội nữ thanh niên xung phong, tuổi từ 17 đến 24, làm nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường. Tất cả đã hy sinh vào ngày 24/7/1968 khi một trong số những quả bom đã rơi ngay sát miệng hầm nơi các cô tránh bom. Năm 2013, Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
4. Chùa Hương Tích
Chùa Hương Tích nằm ở núi Hương Tích, xã Thiên Lộc, huyện Cam Lộc, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII. Theo lịch sử, địa danh này gắn liền với truyền thuyết Thần Hổ giải cứu công chúa Diệu Thiện. Ngôi chùa được bao quanh bởi núi rừng hùng vĩ. Để đến được chùa, du khách chọn cung đường trekking qua các rừng thông, rừng trúc, vừa đi vừa ngắm cảnh, nghe tiếng suối chảy hoặc sử dụng cáp treo.
5. Thành cổ Hà Tĩnh
Thành cổ Hà Tĩnh là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng vào năm 1833 và vẫn còn bảo tồn được cho đến tận ngày nay. Thời gian đã bào mòn đi phần lớn công trình này và các phần còn sót lại đã được tái thiết kế sao cho phù hợp với cảnh quan xung quanh. Đứng từ vị trí trên cao nhìn xuống, bạn hoàn toàn có thể quan sát được 3 cạnh của thành cổ Hà Tĩnh với bờ hào bao quanh đã được cải tạo xây thành bờ kè rất thoáng mát. Địa điểm du lịch mang đậm dấu ấn lịch sử này chắc chắn sẽ là một tọa độ mà bạn nhất định không nên bỏ qua trong chuyến du lịch Hà Tĩnh đấy.
6. Vườn quốc gia Vũ Quang
Vườn tọa lạc tại thị trấn Vũ Quang, xã Vũ Quang, giáp biên giới Việt - Lào với tổng diện tích lên đến hơn 55,000ha. Vườn là nơi sinh sống của hàng nghìn loài động thực vật, trong đó có các loài thuộc danh sách quý hiếm. Nếu bạn yêu thích thiên nhiên và muốn ngắm phong cảnh đẹp thì hãy tìm đến nơi đây nhé!
Bên trong vườn quốc gia còn có đập thủy lợi Ngàn Trươi với sức chứa lên đến 7 triệu m3 nước. Đập đóng vai trò quan trọng trong việc sinh hoạt, sản xuất của người dân trong khu vực nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Đến đây, bạn có thể tham quan hồ và nhiều hoạt động hấp dẫn khác như tắm thác, đi thuyền, cắm trại…
7. Đồi chè Kỳ Trung
Chính xác là chè đấy, bạn không cần phải phượt lên Mộc Châu để check-in với cánh đồng chè xanh bạt ngàn đâu nhé! Đồi chè Kỳ Trung tọa lạc tại xã Kỳ Trung, được mệnh danh là đồi chè đẹp nhất khu vực phía Nam Hà Tĩnh.
Có tuổi đời hơn 40 năm với diện tích canh tác khoảng 160 m2, đồi chè là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Bên cạnh hoạt động sản xuất, người dân cũng kết hợp với dịch vụ du lịch. Bạn có thể thoải mái đến tham quan nơi này và check-in vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 1. Đây là lúc vườn chè tươi xanh nhất, từng lá chè mơn mởn dưới ánh nắng luôn chờ được xuất hiện trong khung hình lung linh của bạn.
8. Công viên nước Vinpearl Cửa Sót Hà Tĩnh
Công viên nước Vinpearl Cửa Sót Hà Tĩnh nằm tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 30km, trải dài trên khuôn viên với diện tích hơn 7ha, là công viên nước hiện đại đầu tiên và lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ, có rất nhiều trò chơi thú vị và hấp dẫn.
Công viên nước Vinpearl Cửa Sót Hà Tĩnh có vô vàn những trò chơi vận động dưới nước mới lạCông viên nước Vinpearl Cửa Sót Hà Tĩnh gồm 2 phân khu là khu cảm giác mạnh và khu vui chơi gia đình, cùng 10 trò chơi cực kì hấp dẫn như: Đường trượt nhiều làn, boomerang, đường trượt siêu lòng chảo, đường trượt xoắn ốc, bể tạo sóng, đường trượt lốc xoáy cho du khách chơi thả ga.
9. Biển Xuân Thành
Du lịch Nghệ An Hà Tĩnh đừng bỏ qua bãi biển Xuân Thành, nằm ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Qua cầu Bến Thủy – ngã tư sông Lâm nối liền hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đi khoảng 5km về phía đông, bạn sẽ đến được bãi biển Xuân Thành. Bãi biển Xuân Thành thu hút du khách với vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ bí, đến đây, bạn sẽ được khám phá hệ thống đảo Ngư, đảo Mắt có cảnh sắc thiên nhiên đẹp như chốn thiên đường.
Kinh nghiệm du lịch Hà Tĩnh
Hành lý cần chuẩn bị
- Quần áo: Tùy từng thời điểm bạn lựa chọn đi du lịch để lựa chọn những bộ trang phục phù hợp. Nếu du lịch mùa khô bạn nên chuẩn bị những bộ đồ gọn nhẹ, mát mẻ. Vào mùa mưa bạn nên đưa thêm một số áo khoác nhẹ để phòng trường hợp thời tiết trở lạnh và những bộ đồ thật ấm bạn nhé.
- Giày dép: Để tiện cho hành trình du lịch khám phá bạn nên chuẩn bị cho mình những đôi giày, dép đế thấp giúp di chuyển dễ dàng và thoải mái nhất.
- Các vật dụng khác: Bạn nên mang theo một số thuốc cảm thông thường, đau bụng,... phòng tránh trường hợp xấu ảnh hưởng đến sức khỏe và đừng quên đưa thêm ô, mũ nón và mỹ phẩm cần thiết.
Du lịch Hà Tĩnh mùa nào đẹp và thời tiết các mùa trong năm
Hà Tĩnh nằm ở vùng Bắc Trung Bộ, do đó chịu ảnh hưởng lớn của khí hậu từ cả miền Bắc và miền Nam. Điều này làm cho khí hậu ở Hà Tĩnh phân thành 4 mùa rõ rệt:
Mùa xuân (Tháng 2 - tháng 4)
Nằm ở giữa mùa hè và mùa đông, mùa xuân không quá nóng như mùa hè, cũng không lạnh như mùa đông. Trong mùa xuân, nhiệt độ thường dao động khoảng 20 độ, lý tưởng cho việc du xuân, lễ chùa đầu năm. Đây cũng là thời gian của nhiều lễ hội, khi thời tiết dễ chịu và mọi người không bận rộn với công việc. Theo quan niệm dân gian, mùa xuân là thời điểm cây cối đâm chồi nảy lộc, tượng trưng cho sự khởi đầu mới.
Mùa hạ (Tháng 5 - tháng 7)
Thời tiết Hà Tĩnh từ tháng 5 trở đi cho đến cuối tháng 7 trở nên rất nóng vào buổi sáng và thường xuyên có mưa vào những lúc cuối ngày, khiến không gian lúc này trở nên rất oi bức và khó chịu. Thế nhưng, với tiết trời nóng bức thì mùa hè chính là thời gian lý tưởng để đi nghỉ mát, tổ chức các chuyến du lịch dã ngoại. Thưởng thức những làn không khí trong lành, mát rượi thổi lên từ hồ, từ biển hay thư thái ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp là những trải nghiệm mà du khách nhất định nên thử.
Mùa thu (Tháng 8 - tháng 10)
Vào mùa thu, nhiệt độ giảm dần, không còn nắng nóng như trước. Dấu hiệu nhận biết mùa thu dễ nhất là sáng sớm sẽ xuất hiện sương mù nhẹ, buổi tối se se lạnh. Khoảng thời gian này, cây cối bắt đầu rụng lá, chuẩn bị cho thời kỳ ngủ đông. Mùa thu cũng là mùa nhiều loài hoa nở rộ, nhiệt độ lại mát mẻ, thích hợp cho những chuyến cắm trại.
Mùa đông (Tháng 11 - tháng 1 năm sau)
Nhiệt độ hạ xuống giao động trong khoảng 15 độ, cái lạnh thấu da thịt của mùa đông Hà Tĩnh khiến mọi hoạt động thường nhật của người dân trở nên chậm chạp hơn, bớt ồn ào, vội vã như những tháng mùa hè. Trời Hà Tĩnh mùa đông thường trắng xóa sương mù, những con đường ẩm ướt thưa người qua lại. Du lịch Hà Tĩnh mùa đông bạn có thể thưởng thức ẩm thực mùa đông hấp dẫn, tham gia những hoạt động vui chơi trong nhà.
Ăn gì khi đi du lịch Hà Tĩnh?
1. Gỏi cá đục
Cá đục có lớp vảy màu xà cừ, hình dạng khá giống cá bống nước ngọt nhưng phần thịt dai và thơm hơn, phổ biến ở vùng biển Lộc Hà. Cá đục được chế biến thành nhiều món ngon, trong đó nổi bật nhất là gỏi. Cá được sơ chế sạch sẽ, sau đó phần thịt được ướp với nước cốt chanh để chín tự nhiên. Món ăn có vị ngọt tự nhiên của thịt cá, ăn kèm với rau thơm, rau sống như lá đinh lăng, lá khế chua, chuối xanh thái mỏng. Nước chấm được pha theo công thức riêng, từ 15 loại gia vị khác nhau.
2. Dê núi Hương Sơn
Các món ăn từ thịt dê ở Hương Sơn thường được chế biến từ những con dê trên dưới một tuổi. Thịt dê được bán chủ yếu vào buổi sáng và để nguyên con. Các nhà hàng thường làm thịt và thui dê ngay trước sân. Dê được ăn kèm các loại lá như đinh lăng, sắn, sung hay trái khế, chuối xanh, sung muối cùng bánh đúc, bánh gói, bánh mướt, bún, cơm. Các món dê phổ biến: tái chanh, xào lăn, nướng, hấp gừng.
3. Mực nhảy
Mực nhảy Vũng Áng được coi là đặc sản của Hà Tĩnh. Những con mực ở đây to, tươi rói, sau khi được đánh bắt sẽ mang đi chế biến ngay để giữ được vị ngọt. Loại mực này có thể làm nhiều món như gỏi, xào, hấp. Mỗi món ăn đều mang hương vị riêng, thịt luôn giữ được độ dai ngon vừa phải. Tùy mùa và sản lượng thu hoạch mà giá mực nhảy Vũng Áng dao động từ 400.000 đến 700.000 đồng một kg.
4. Cháo canh
Món ăn phổ biến ở vùng Nghệ An - Hà Tĩnh, đúng như tên gọi là sự kết hợp của cháo và bánh canh. "Linh hồn" của món ăn là nước dùng từ xương heo cùng các gia vị, sánh và mùi thơm. Nước dùng phải nấu từ sáng sớm, ninh xương càng lâu nước càng ngọt. Nước dùng phải đạt độ sánh như cháo, sợi bánh cho vào đun sôi vài phút rồi vớt ra chứ không chỉ nhúng qua nước sôi như phở. Ăn kèm với sợi bánh còn có vài lát thịt heo, chả, trứng cút luộc, thịt cá hoặc tôm.
5. Ram bánh mướt
Ở Hà Tĩnh, du khách dễ dàng bắt gặp nhiều quán ăn với biển hiệu "Ram - Bánh mướt". "Ram" tương tự như nem rán, "bánh mướt" là cách gọi khác của "bánh cuốn" hoặc "bánh ướt". Món ăn hấp dẫn nhờ sự kết hợp đối lập giữa lớp bánh mướt dẻo, mỏng, thơm mùi gạo và chiếc ram giòn, nóng. Ngoài ra, người ăn thường rải thêm một ít hành phi để tăng hương vị. Món ăn có thể dùng bất kỳ thời điểm nào trong ngày, chấm nước mắm tỏi. Mỗi phần ram bánh mướt giá trung bình 30.000 đến 40.000 đồng.
6. Bánh bèo Hà Tĩnh
Khác với bánh bèo của Huế, bánh bèo Hà Tĩnh được làm từ bột lọc (bột sắn), nhân bánh làm từ tôm non bóc vỏ hoặc thịt nạc trộn với mộc nhĩ được xào lên. Bánh bèo Hà Tĩnh thưởng thức theo hai cách: bánh bèo chan nước mắm pha, rắc thêm hành khô và bánh bèo nước từ nước xương hầm được chan sin sít vào với bánh. Chính nguyên liệu và cách thưởng thức đã tạo nên hương vị riêng cho món bánh bèo Hà Tĩnh.
Du lịch Hà Tĩnh mua gì làm quà?
1. Bánh gai làng Khóng
Những chiếc bánh gai đen bóng mang hương vị ngọt thơm của mật mía, cái dẻo dính của nếp, quyện vị béo của đậu xanh, cùi dừa từ lâu đã là một sản vật nức tiếng của vùng đất Đức Thọ, Hà Tĩnh. Đặc biệt là những bạn nào đã có kinh nghiệm du lịch Hà Tĩnh thì nhất định sẽ biết đến làng Khóng. Nghề làm bánh gai ở làng Khóng có truyền thống khoảng hơn 50 năm nay. Mọi nguyên liệu làm bánh đều được người dân sản xuất ngay tại địa phương. Đây là thứ bánh ăn nguội, thường được người dân dùng vào các dịp ăn hỏi, làm quà biếu.
2. Kẹo cu đơ
Kẹo cu đơ là một đặc sản của Hà Tĩnh, được nấu từ mật mía, đường, mạch nha, gừng, đậu phộng làm nhân và được kẹp giữa hai miếng bánh tráng. Loại kẹo này dẻo và dính, có thể thưởng thức cùng với trà xanh. Kẹo cu đơ nằm trong danh sách "top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam" năm 2020-2021 của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.
3. Ruốc Rươi Nghi Xuân
Với người dân ven sông Lam, ruốc rươi từ lâu là món ăn không thể thiếu với từng gia đình mỗi độ tết đến. Trước đây, người dân muối rươi chỉ để phục vụ gia đình, biếu người thân, nhưng những năm gần đây đã trở thành món hàng đặc sản, mang về nguồn thu lớn mỗi dịp Tết đến xuân về.
4. Rượu nếp Can Lộc
Rượu nếp tại Can Lộc được chế biến từ nguyên liệu chính đó là gạo nếp, một loại lúa nếp ngon và đặc trưng được trồng tại vùng đất Can Lộc, Hà Tĩnh. Nước tinh khiết kết hợp với đất đỏ tạo nên môi trường sống lý tưởng cho những cây lúa nếp phát triển, từ đó tạo nên những hạt nếp thơm, trắng ngần. Đây không chỉ là một loại đồ uống truyền thống mà còn là một biểu tượng văn hoá của vùng đất này khi được thường xuyên xuất hiện trong các lễ cưới hỏi, bữa tiệc trọng đại. Đây cũng là cách mà người dân Can Lộc thể hiện sự tự hào của họ với loại đồ uống đặc sản này.
Một số lưu ý khi đi du lịch Hà Tĩnh
- Quần áo, giày dép, phụ kiện: Tùy theo số ngày bạn ở lại Hà Tĩnh mà cân nhắc đem số lượng quần áo. Ngoài ra, hãy nhớ mang theo dép xốp để tiện cho những buổi dạo biển hoặc thay ra khi cần.
- Một số loại thuốc phòng: Bạn cần lường trước những vấn đề có thể xảy ra và mang theo một số loại thuốc cần thiết.
- Đồ dùng cá nhân: nên mang theo những đồ dùng cần thiết cho chuyến đi
- Tìm hiểu các thông tin về những điểm du lịch trên biển lên sẵn lịch trình nếu như bạn đi tự túc
- Đặt phòng khách sạn hay nhà nghỉ trước, nếu như thích tắm biển thì nên đặt gần các bãi biển cho tiện việc đi lại
- Nếu có thể thì nên đi các ngày trong tuần để tránh phải chen chúc vào dịp cuối tuần hay những ngày lễ, Tết
Hy vọng thông qua bài viết này PYS Travel đã đem đến cho bạn những kinh nghiệm du lịch Hà Tĩnh vô cùng thú vị giúp bạn có được chuyến đi chơi thật vui vẻ!