Kinh nghiệm du lịch Sa Pa từ A đến Z

20:04 24/09/2018


    Kinh nghiệm du lịch Sa Pa từ A đến Z

    Sa Pa thị trấn trong mây, nằm phía Tây Bắc Tổ Quốc ẩn chưa bao điều bí ẩn, với thiên cảnh hữu tình, cuộc sống đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây. Sa Pa hàng năm thu hút đông đảo khách du lịch khám phá và trải nghiệm.

    Nằm phía Tây Bắc tổ quốc, Sa Pa ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên, con người. Thị trấn trong mây hấp dẫn du khách với quang cảnh núi non hùng vĩ cùng trải nghiệm độc đáo với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

    Tổng quan du lịch Sa Pa

    Sa Pa là một huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Phong cảnh thiên nhiên của Sa Pa được kết hợp với sức sáng tạo của con người cùng với địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng, như bức tranh có sự sắp xếp theo một bố cục hài hoà tạo nên một vùng có nhiều cảnh sắc thơ mộng hấp dẫn. Từ trung trung tâm thành phố bạn có thể phóng tầm mắt của mình thoả thê ngắm nhìn những đỉnh núi ngút ngàn…

     

    sa pa

    sa pa

    Du lịch Sa Pa du khách sẽ có cơ hội chinh phục đỉnh Phan Xi Păng nổi tiếng là thực hiện một chuyến du lịch bụi đến những bản làng ẩn hiện trong sương. Khung cảnh núi rừng với trăm hoa đua nở, “mây ôm ấp núi, núi ôm mây” chắc chắn sẽ làm nức lòng du khách khi đã đặt chân đến nơi này.

     

    Tham khảo Tour Free & Easy khách sạn U SaPa Hotel 4 sao 3 ngày 2 đêm

     

    Khí hậu

    Sa Pa có thứ tài nguyên vô giá đó là khí hậu trong lành mát mẻ, mang nhiều sắc thái đa dạng. Nằm ở độ cao trung bình 1.500m – 1.800m, khí hậu Sa Pa ít nhiều mang sắc thái xứ ôn đới, với nhiệt độ trung bình 15-18°C. Từ tháng 5 đến tháng 8, Sa Pa có mưa nhiều. Cuối năm, khi mùa đông đến, nhiệt độ ở Sa Pa có thể xuống dưới 0 độ, đôi khi có tuyết rơi.

    Du lịch Sapa mùa nào đẹp nhất?

    - Thời điểm thích hợp để đi du lịch Sapa là từ tháng 9 đến tháng 11 hoặc từ tháng 3 đến 5. Thời điểm này thời tiết Sapa ổn định, ngày nắng khô, đêm lạnh.

    - Tháng 4 – 5, là thời điểm đồng bào dân tộc thiểu số cấy lúa trên những thửa ruộng bậc thang. Và đây cũng là mùa nở của rất nhiều loài hoa đẹp. Cảnh cấy lúa rất đẹp, cánh thợ săn ảnh thích đi vào mùa này và mùa lúa chín.

    - Tháng 9 – 10 là mùa lúa chín, khi ấy thì khắp mọi góc nhìn Sapa đều rực vàng. Vào khoảng thời gian này, Sapa như khoác lên mình màu áo mới – màu vàng óng trên khắp những quả đồi. Nhưng bạn nên đi vào giữa hoặc cuối tháng 9, sang tháng 10 nhiều nơi đã gặt xong.

     

    sa pa

    Tháng 12 đến tháng 2 trời rất lạnh, có thể xuất hiện băng và thỉnh thoảng có tuyết rơi. Đây cũng là mùa nở của hoa đào. Thời điểm này được rất đôi bạn trẻ chọn để đi du lịch tại Sapa, để một lần được thấy tuyết rơi ngay trên quê hương Việt Nam.

    sa pa

    Di chuyển đến Sa Pa

    Thị trấn Sa Pa nằm cách thành phố Lào Cai 38km và cách Hà Nội 376km. Để du lịch Sa Pa bạn có thể chọn phương tiện là tàu hỏa hoặc ô tô.

    Di chuyển từ Hà NộiĐi bằng ô tô kháchXe giường nằm giá từ 230.000 – 280.000VND/vé/chiều, xuất phát từ bến xe Mỹ Đình, Lương Yên hoặc Gia Lâm (Hà Nội) lên thẳng Sa Pa sau 8 – 9 tiếng.

    Các hãng xe có thể tham khảo:

    • Hải Vân: ĐT: 0203.872.606

    • Hà Sơn: ĐT: 04 66.62.62.62

    • Hưng Thành: ĐT: 0989.294.294

    • VietBus: ĐT: 043-627.27.27

    Mỗi hãng có nhiều chuyến đi Sa Pa, chuyến sớm nhất từ 17h00.

    Lưu ý: Ưu điểm của đi ô tô là đến thẳng thị trấn Sa Pa chứ không phải dừng lại trạm nào cả, xe cũng chạy chuyến đêm tương tự như tàu hỏa. Tuy nhiên đi bằng ô tô có thể gặp trở ngại về mùa mưa. Ngoài ra, đường lên Lào Cai, Sa Pa khá nhiều đèo dốc gập ghềnh.

    Thuê xe du lịchNếu đi nhóm đông người, các bạn có thể thuê 1 chiếc ô tô khách riêng, xe sẽ đưa các bạn đến khách sạn cũng như các địa điểm tham quan theo yêu cầu.

    Tại Hà Nội có rất nhiều hãng cung cấp dịch vụ cho thuê xe du lịch như:

    – Thuexe.net: ĐT: 04 66.80.85.87

    - Tuấn Linh: ĐT: 04-22.16.80.07

    Phí thuê xe có rất nhiều mức, tùy vào kích cỡ xe và thời gian đi. Chẳng hạn một chuyến đi Sa Pa 3 ngày phí thuê xe 12 – 16 chỉ là 6.300.000VND, đã bao gồm lương lái xe, nhiên liệu và phí cầu đường.

    Đi bằng tàu hỏaTàu hỏa có nhiều loại ghế như ghế mềm, giường nằm điều hòa… Tàu chạy lúc 9 hoặc 10 giờ tối đến nơi vào sáng sớm hôm sau.

    Tàu nhanh (tàu du lịch): SP1, SP2, SP3, SP4, SP5, SP6, SP7, SP8.

    Tàu chậm: LC1, LC2, LC3, LC4.

    Tàu tăng cường (chỉ chạy dịp cao điểm): LC5, LC6, LC7, LC8, LC9, LC10.

    (Tàu lẻ chạy chiều Hà Nội – Lào Cai, tàu chẵn chạy chiều Lào Cai – Hà Nội.)

    Giá vé tàu tham khảo:

    - Tàu ngồi:

    • Ngồi cứng khoảng 150.000 VND/Chiều/Khách

    • Ngồi mềm khoảng 280.000 VND/Chiều/Khách

    - Tàu nằm:

    • Khoang 6 người từ khoảng 480.000 VND/Khách/Chiều

    • Tàu nằm khoang 4 người từ khoảng 560.000 VND/Khách/Chiều

    • Tàu nằm khoang 2 người cao cấp khoảng 3.200.000 VND/Khoang/Chiều.

    - Giá trẻ em:

    • Dưới 5 tuổi được miễn phí. Trẻ em từ 5 – 9 tuổi: Phải mua vé trẻ em với giá vé bằng 50% giá vé quy định cho người lớn áp dụng chỉ đối với vé ngồi. Để sử dụng riêng một giường ngủ thì phải mua vé nằm với giá vé bằng tiền vé nằm của người lớn.

    Địa chỉ ga Hà Nội: 120 Lê Duẩn, Hoàn Kiếm. ĐT: 0.43.9423697.

    Địa chỉ ga Lào Cai: Đường Yên Khánh, P. Phố Mới, thị xã Lào Cai, ĐT: 020 3830093

    Lưu ý:

    • Sa Pa là điểm du lịch hút khách vì vậy có tình trạng các đại lý vé tàu và công ty du lịch “ôm” hầu hết các chỗ ngồi đẹp, đặc biệt là vào cuối tuần và mua cao điểm, khách tự mua tại ga thường chỉ mua được ghế cứng. Để có chỗ ngồi ưng ý trên tàu, bạn có thể đặt qua trung gian (đại lý vé tàu và công ty du lịch), phí thường là 8 – 10%.

    • Vé tàu từ Hà Nội lên Lào Cai mua dễ, nhưng để mua vé từ Lào Cai về Hà Nội khó mua hơn, tốt nhất nên chuẩn bị trước.

    Bạn có thể tham khảo Tàu Victoria Express: Hà Nội – Lào Cai

    Victoria Express là tàu du lịch hạng sang với các toa giường nằm và cabin riêng tư chỉ có 2 giường. Trên tàu có toa nhà hàng, quầy bar, bếp đầy đủ tiện nghi.

    • Tàu hướng Hà Nội – Sa Pa chạy thứ 2, 4, 6, 7, mỗi ngày một chuyến. Khởi hành 21h50, đến nơi lúc 6h00.

    • Tàu hướng Sa Pa – Hà Nội chạy th 3, 5, 6, 7, mỗi ngày 1 chuyến. Khởi hành: 21h00, đến nơi lúc 5h30.

    • Giá vé tàu Victoria dao động từ 1.800.000 VND/khách/chiều hoặc từ 2.375.000 VND/khách/2 chiều.

    • Bạn có thể đặt vé tàu Victoria thông qua các công ty du lịch có tour đi Sa Pa hoặc các đại lý vé tàu lớn như:

    - website: vetaudulich.com. ĐT: 04 39960199

    - Buffalo Tours: ĐT: 04 3828 0702. Địa chỉ: 94 Mã Mây, Hoàn Kiếm, Hà Nội

    Đi từ Lào Cai về Sa Pa• Đến ga Lào Cai bạn đi xe khách về thị trấn Sa Pa (30km) hết khoảng 50.000 – 60.000 VND/người, ra khỏi ga là có rất nhiều xe chờ sẵn.

    • Tiết kiệm hơn, bạn có thể đi xe bus ngoài đường lớn, thường là 10.000VND/vé nhưng phải đi bộ một đoạn và đợi xe đến.

    • Sang nhất là đi xe taxi, từ ga Lào Cai lên Sa Pa giá khoảng 350.000VND, bạn có thể vừa đi vừa ngắm cảnh và cảm nhận đèo Sa Pa.

    Đi lại tham quan tại Sa Pa• Cách 1: Đến Sa Pa thuê xe máy giá khoảng 120.000 VND/xe, chưa bao gồm xăng để tự lái đi tham quan các địa điểm. Lưu ý cách tính ngày ở Sa Pa là chỉ tính trong 1 ngày (6h00-18h00), nên thuê sáng cũng như chiều đều áp dụng một giá. Khách phải trả xe lúc 6h00, muộn có thể là là 8h00 tối.

    • Cách 2: Bạn thỏa thuận với một bác xe ôm, nhờ chở đi một vài điểm du lịch nổi tiếng, thường là khoảng 100.000VND cho 4 – 5 địa điểm gần nhau.

    • Cách 3: Tham gia tour của các đơn vị cung cấp dịch vụ tại Sa Pa. Có thể hỏi khách sạn hoặc người địa phương để biết thêm về dịch vụ này.

    Só điện thoại cần biết- Công an tỉnh Lào Cai: 020 3869103

    - Bưu điện huyện Sa Pa: 020 3871474

    - Bệnh viện đa khoa huyện Sa Pa: 020 3871116

    Những địa danh không thể bỏ qua khi du lịch Sa Pa

    Để không bỏ lỡ cơ hội khám phá thị trấn miền núi xinh đẹp này, iVIVU.com giúp bạn lên danh sách những điểm đến hấp dẫn nhất.

    KHU VỰC XUNG QUANH THỊ TRẤN SA PA

    NÚI HÀM RỒNG

    Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng, bạn được ngắm toàn cảnh Sa Pa, thung lũng Mường Hoa, xã Sa Pả , Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.

    Vị trí: Cách thị trấn Sa Pa 3km, có thể đi bộ.

    NHÀ THỜ ĐÁ SA PA

    Nhà thờ Đá Sa Pa xây dựng từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến thị trấn Sa Pa mù sương.

    Vị trí: Trung tâm thị trấn Sa Pa.

    sa pa

    BẢN CÁT CÁT

    Là một bản lâu đời của người Mông, nơi đây còn lưu giữ nhiều nghệ thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải. Hiện nay nơi đây đã được xây dựng thành khu du lịch Cát Cát.

    Vị trí: Cách trung tâm thị trấn Sa Pa 2km.

    sa pa

    THUNG LŨNG MƯỜNG HOA – BÃI ĐÁ CỔ SA PA

    Điều đặc biệt tại thung lũng này là bãi đá cổ có khắc nhiều hình khác nhau, nằm xen giữa cỏ cây và những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc. Hàng trăm tảng đá sa thạch có khắc những hình vẽ, những ký tự kỳ lạ đến nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc và ý nghĩa. Ngày nay, khu chạm khắc cổ này đã được xếp hạng di tích quốc gia, là di sản độc đáo của người Việt cổ. Tại thung lũng Mường Hoa còn có con suối xinh đẹp trải dài khoảng 15 km, qua các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào và kết thúc ở Bản Hồ.

    Vị trí: Xã Hầu Thào, cách thị trấn Sa Pa 8 km về phía Đông Nam. Từ thị trấn Sa Pa, vượt qua một con đèo men theo dãy núi cao (có trạm thu phí 80.000 VND/người), bạn sẽ đến thung lũng Mường Hoa.

    CHỢ TÌNH SA PA

    Mỗi tuần họp chợ một lần vào sáng chủ nhật. Tuy nhiên, đêm hôm trước (tối thứ 7), các nam thanh nữ tú đến trước để giao lưu gặp gỡ (thường là chơi trò kéo co, thổi kèn lá, hát giao duyên… Đây là phiên chợ của người dân tộc Dao. Sau đêm đi chơi chợ phiên, nhiều đôi trai gái đã trở nên thân thiết và hẹn gặp lại trong các phiên chợ sau hoặc trở thành bạn đời trăm năm.

    Vị trí: Trung tâm thị trấn SaPa.

    sa pa

    MỘT SỐ ĐIỂM THAM QUAN PHẢI DI CHUYỂN XA

    THẮNG CẢNH HANG TIÊN

    Ngược dòng sông Chảy khoảng 6 km, từ trung tâm xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) thuyền sẽ đưa bạn qua thành cổ Trung Đô với nhiều huyền thoại. Dòng sông Chảy đến đây thắt lại tạo thành dòng sâu, hiền hoà, len lỏi giữa hai bờ vách thành dựng đứng. Thắng cảnh Hang Tiên là một Hạ Long thu nhỏ, gắn liền với sự tích về miếu thờ Ba Cô xã Bảo Nhai. Nhiều du khách đến đây vãn cảnh, tắm suối Tiên đắm mình trong ánh ban mai bên đảo hoa, đều cầu mong được ban phúc cho sắc đẹp, sức khỏe và phú quý.

    Vị trí: Cách trung tâm xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) 6km.

    CHINH PHỤC ĐỈNH PHAN XI PĂNG – NÓC NHÀ ĐÔNG DƯƠNG

    Phan Xi Păng là ngọn núi cao nhất của bán đảo Đông Dương (3.143 m), nằm ở trung tâm dãy Hoàng Liên Sơn. Nếu đi bộ, leo núi bạn phải mất 6 đến 7 ngày mới chinh phục được đỉnh núi này. Bạn có thể đi theo tour của các công ty du lịch hoặc tự tổ chức với sự dẫn đường của dân địa phương người dân tộc Mông, Dao (Bản Cát Cát). Trên đường lên đỉnh núi, du khách sẽ được khám phá hệ động thực vật và thiên nhiên kỳ thú. Tại đó có rất nhiều cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý, các loại gỗ quý, chim thú như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương, các loài chim…

    Vị trí: Cách thị trấn Sa Pa 9 km về phía Tây Nam.

    sa pa

    BẢN TẢ PHÌN

    Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Dao Đỏ với nghề thổ cẩm. Đến bản Tả Phìn, bạn có thể ghé thăm hang động Tả Phìn ngay gần đó. Trong hang có nhiều nhũ đá kỳ thú hình tiên múa, đoàn tiên ngồi, cánh đồng xa, rừng cây lấp lánh…

    Vị trí: Cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17 km về hướng Đông.

    THÁC BẠC – ĐỈNH ĐÈO

    Trên đường đi Lai Châu, bạn sẽ gặp Thác Bạc ào ào chảy xuống từ độ cao 200m vào dòng suối dưới thung lũng Ô Quy Hồ, tạo nên âm thanh núi rừng đầy ấn tượng. Tuy nhiên vào mùa xuân du khách nên cân nhắc trước khi tham quan Thác Bạc vì thác rất ít nước. Đi thêm 3 km nữa từ Thác Bạc, bạn đến với địa danh Đỉnh Đèo. Nơi đây có tầm nhìn tuyệt đẹp lên Phan Xi Păng, dưới sâu là con đường độc đạo đi sang Bình Lư.

    Vị trí: Từ thị trấn Sa Pa, đi về phía Tây khoảng 12 km, trên đường đi Lai Châu.

    sa pa

    CỔNG TRỜI

    Đường lên cổng trời ngoằn ngoèo uốn lượn giữa lưng chừng núi trùng trùng điệp điệp. Con đường đèo này có tên là Trạm Tôn, len lỏi giữa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Và cổng trời chính là đỉnh của con đèo này. Đứng giữa cổng trời Sa Pa, bạn có thể phóng tầm mắt bao quát cả thung lũng rộng lớn phía dưới với những ruộng nương xanh rì, con đường ôtô xuôi ngược, xa xa là Thác Bạc. Cũng ở cổng trời này bạn mới cảm nhận được vẻ kiêu hùng của đỉnh Phan Xi Păng vời vợi lưng trời, bên dưới là những vực sâu thăm thẳm.

    Vị trí: Cách thị trấn Sa Pa 18km về hướng Bắc.

    sa pa

    CỐC SAN

    Cốc San là một hệ thống các thác nước và các hang động to nhỏ khác nhau. Từ quốc lộ 4D, có một con đường đất nhỏ dài khoảng hơn 1km dẫn vào Cốc San. Đường vào Cốc San rất ngoằn ngoèo, tối và bị lấp bởi những tảng đá, vẻ đẹp của Cốc San vẫn hoàn toàn mang tính chất tự nhiên, hoang sơ. Có một điều rất đặc biệt là hầu như ở mỗi gầm một con thác, sau làn nước đổ từ trên cao xuống lại có một hang động. Phong cảnh Cốc San hài hoà và khoáng đạt. Mọi người mỗi khi đến đây đều cảm nhận được sự huyền bí diệu kỳ toát lên từ những ngọn thác, những mô đá và những hang động.

    Vị trí: Xã Cốc San, huyện Bát Xát, cách thành phố Lào Cai 7km.

    DINH HOÀNG A TƯỞNG

    Kiến trúc Dinh Hoàng A Tưởng theo phong cách Á – Âu kết hợp, tạo sự hài hoà, bố cục hình chữ nhật liên hoàn khép kín. Đây là một công trình kiến trúc đẹp mang dấu ấn vùng cao.

    Vị trí: Trung tâm huyện Bắc Hà, Lào Cai.

    sa pa

    CHỢ PHIÊN BẮC HÀ

    Bắc Hà là chợ phiên thuộc loại lớn nhất vùng cao biên giới. Chợ họp vào ngày chủ nhật hàng tuần, thu hút đông đảo bà con quanh vùng tới buôn bán, vui chơi. Đây vẫn là nơi trao đổi, mua bán của bà con dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc từ khắp các bản làng xung quanh kéo về. Những gian hàng bày đủ vật dụng thiết yếu như quần áo, cuốc xẻng hay đồ dùng trong nhà.

    Vị trí: Trung tâm thị trấn huyện Bắc Hà, cách thành phố Lào Cai 60km.

    sa pa

    Lễ hội tại Sa Pa

    Du lịch Sa Pa vào mùa du lịch cuối năm, bạn có cơ hội tham gia những lễ hội độc đáo của đồng bào nơi đây. Mỗi lễ hội đặc trưng cho nét văn hóa của từng dân tộc thiểu số, lạ và vô cùng thú vị.

    HỘI ROÓNG POỌC CỦA NGƯỜI GIÁY

    Hàng năm vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch, người Giáy ở Tả Van (huyện Sa Pa) lại mở hội Roóng Poọc cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hoà. Tuy vẫn là lễ hội dân tộc truyền thống của người Giáy Tả Van, nhưng nhiều năm nay đã lan rộng, trở thành lễ hội chung của cả thung lũng Mường Hoa. Trong hội Roóng Poọc ngoài những nghi lễ độc đáo còn diễn ra các trò chơi, nhảy múa và biểu diễn dàn nhạc trống chiêng, kèn pí lè rất sôi nổi.

    sa pa

    LỄ HỘI “NÀO CỐNG”

    Hàng năm vào ngày Thìn, tháng 6 âm lịch, các làng người Mông, người Dao, người Giáy Mường Hoa đều tập trung về miếu thờ ở bản Tả Van làm lễ “Nào Cống”. Mỗi gia đình cử một người đại diện, không phân biệt nam, nữ, già, trẻ. Lễ “Nào Cống” cầu mong các thần phù hộ người yên vật thịnh, mùa màng bội thu. Ngoài ra, trong lễ hội, người đứng đầu sẽ công bố những bản quy ước chung và kết thúc bằng buổi ăn uống vui vẻ.

    LỄ TẾT NHẢY

    Tết nhảy là lễ hội quan trọng và được chuẩn bị khá công phu của người Dao Tả Van, thường được tổ chức vào ngày mùng 1 hoặc mùng 2 Tết âm lịch. Nội dung chính của buổi lễ là cầu mong “Người yên vật thịnh”, “Uống nước nhớ nguồn”. Các hoạt động tế lễ trong Lễ Tết nhảy vô cùng đặc sắc với 14 điệu nhảy múa của một số nam thanh niên được chọn, hay những nghi lễ độc đáo do thầy cúng thực hiện.

    LỄ HỘI “NHẶN SỒNG” VÀ “NÀO SỒNG”

    Đây là Lễ hội của người Dao đỏ làng Giàng Tả Chải (Tả Van – Sa Pa) mang ý nghĩa giáo dục cao với dân làng, phòng chống nạn phá rừng. Hiện nay, chỉ năm nào rừng bị phá nhiều, trâu ngựa thả rông phá vườn tược hoa màu, người Dao mới tổ chức lễ “Nhặn Sồng”. Trong buổi lễ ,”Chẩu chiếu”- người đứng đầu trông coi rừng do dân làng bầu ra đứng lên công bố những điều luật ngăn chặn nạn phá rừng, trừng phạt những ai vi phạm. Sau khi dân làng thảo luận xong Chẩu chiếu sẽ tổng hợp thành quy ước, mỗi người tự giác tuân theo.

    Người Mông ở Séo Mí Tỷ, ở Dền Thàng Tả Van cũng như Lao Chải, Hầu Thào, trước đây đều tổ chức một lễ hội tương tự gọi là lễ “Nào Sồng”, ngày cúng thường là ngày Thìn của tháng giêng. Nội dung quy ước của lễ “Nào Sồng” có sự mở rộng phạm vi điều chỉnh hơn làng người Dao. Bên cạnh việc bảo vệ rừng, chống thả rông gia súc, quy ước còn đề cập đến các vấn đề phòng chống trộm cắp, bảo vệ mùa màng, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau…

    LỄ QUÉT LÀNG CỦA NGƯỜI XÁ PHÓ

    Hàng năm, người Xá Phó tổ chức lễ quét làng vào ngày ngọ, ngày mùi hoặc ngày con người vào tháng hai âm lịch, với mục đích để năm mới mọi người được bình yên, hoa màu tươi tốt, súc vật nuôi không bị ốm chết. Trong lễ quét làng, mỗi người góp lợn, gà, dê, chó, gạo… để làm mâm cúng các loài ma, thầy cúng làm lễ, cùng dân làng vẽ mặt nhảy múa cầu mong bình yên. Cuối buổi lễ, mọi người cùng nhau ăn uống vui vẻ. Các thức ăn cúng ma đều phải ăn hết không được mang vào trong làng.

    HỘI GẦU TÀO CỦA NGƯỜI MÔNG

    Lễ hội mở ra nhằm một trong hai mục đích cầu phúc hoặc cầu mệnh. Một gia chủ nào đó không có con, thưa con hoặc sinh con một bề, sẽ làm lễ nhờ thầy cúng bói xin cho mở hội Gầu Tào để cầu con – đó là hội cầu phúc. Một gia chủ khác nếu thường ốm đau bệnh tật, con cái yếu ớt, thậm chí có con bị chết, mùa màng, vật nuôi lụi dần, cũng nhờ thầy cúng bói xin mở hội Gầu Tào – đó là hội cầu mệnh. Lễ hội cũng thường được tổ chức dịp đầu năm.

    LỄ HỘI XUỐNG ĐỒNG SA PA – LÀO CAI

    Lễ hội xuống đồng đầu xuân của đồng bào dân tộc Tày, Dao xã Bản Hồ – Sa Pa (Lào Cai) khai hội sáng ngày mồng 8 Tết hàng năm. Phần lễ được bắt đầu từ tục rước đất, rước nước rồi đến lễ cúng giao linh với thần linh. Phần hội được bắt đầu bằng các điệu múa và các tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc của người Tày, người Dao.

    Nhưng nổi bật nhất, vui nhất, nhiều người tham gia nhất là những màn xoè, khi tiếng kèn trống vang lên các cô gái Tày mở đầu màn xoè với những động tác xoè duyên dáng, điệu nghệ mời mọi người tham gia, vòng xoè cứ rộng mãi đi đều trong tiếng kèn, tiếng trống dập dìu. Khi các màn xoè kết thúc mọi người lại đổ tới khu chơi trò chơi. Các trò chơi ở đây đa số là trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, kéo co, đánh quay, đánh bóng, bịt mắt bắt dê, leo cột mỡ…

    Ăn gì khi du lịch Sa Pa?

    Du khách du lịch Sa Pa để được tận mắt ngắm nhìn những khung cảnh đẹp như mơ của mây, núi, rừng, ruộng bậc thang nhưng cũng không bỏ lỡ cơ hội nếm hết các đặc sản ẩm thực tuyệt vời của phố núi. Danh sách đặc sản Sa Pa , Lào Cai rất dài, iVIVU.com chỉ xin giới thiệu một số món đặc sắc nhất như sau:

    RAU TƯƠI XỨ LẠNH

    Trên nền khí hậu se lạnh, Sa Pa là xứ sở của các loại rau đặc trưng vùng ôn đới như súp lơ trắng, hoa lơ xanh, củ cải đỏ, su su, ngồng tỏ i, ngồng cải. Rau trồng tại Sa Pa khi ăn có vị ngon đặc biệt, ngọt mềm hấp dẫn. Các món rau nổi tiếng nhất Sa Pa gồm: Su su luộc chấm muối vừng, ngồng cải xào tỏi, lẩu gà ăn với các loại rau…

    CÁ HỒI, CÁ TẦM TƯƠI

    Khác với cá hồi, cá tầm nhập khẩu thường hơi béo, cá nước lạnh nuôi ở Sa Pa thịt chắc, thớ săn, không có mỡ. Trong cái lạnh Sa Pa, một nồi lẩu cá hồi/cá tầm nóng hổi ăn cùng các loại rau tươi roi rói, thực khách không nhớ suốt đời mới là chuyện lạ. Cá hồi hoặc cá tầm cũng có thể thái lát thật mỏng để trộn gỏi, nướng…

    LỢN CẮP NÁCH

    Đây là giống lợn của người Mông bản địa nuôi theo kiểu thả rông, thỉnh thoảng đồng bào tóm một con kẹp vào nách, đem ra chợ bán nên được gọi là lợn cắp nách. Một chú “lợn cắp nách” trưởng thành cũng chỉ nặng 4 – 5 kg. Lợn được làm sạch, tẩm ướp rồi để nguyên con mà nướng hoặc quay. Miếng thịt mỏng tang, từ ngoài vào trong chỉ có một lớp bì giòn tan, rồi đến một lớp thịt nạc thật mềm, ngọt lịm, dày không đến 2 cm; và trong cùng là xương, thường là cũng rất nhỏ và mềm, ăn được luôn nếu không phải là xương ống. Thịt “lợn cắp nách” nhâm nhi với rượu táo mèo Sa Pa , nhậu xuyên đêm chưa chán.

    sa pa

    CÁC MÓN NƯỚNG

    Có thể cũng bởi khí hậu lạnh nên ở Sa Pa , bất cứ món gì cũng đều được đem ra để nướng. Từ trứng gà, trứng vịt, thịt xiên, rau cải quấn thịt, cơm lam, chân cánh gà tới ngô, khoai và nhiều món đặc biệt, do chính người dân Sa Pa tự nghĩ ra. Vào buổi tối, khu bán đồ nướng gần nhà thờ đá Sa Pa là nơi thu hút đông khách du lịch nhất vì không gian quán ấm áp và những món ăn ngon miệng phù hợp với thời tiết lành lạnh phố núi.

    sa pa

    CÁ SUỐI

    Cá suối có nhiều loại và điều đáng nói là không hề có vị tanh. Cá suối chỉ việc nướng chín trên than củi, rồi ăn nóng ngay. Nhiều người chỉ nướng qua hoặc rán giòn rồi đem sốt cà chua cùng gia vị bột cà ri, bột hồ tiêu là trên mâm cơm đã có một món ăn ngon lành.

    NẤM HƯƠNG

    Vào chợ Sa Pa bất kỳ mùa nào, bạn cũng được mời mua nấm hương khô, đặc sản của núi rừng Sa Pa, giá khoảng 50.000 VND/0,5 kg. Nấm khô ngâm qua nước, sẽ nở ra mà vẫn giữ nguyên mùi hương của đất núi, phong vị của cây rừng. Là người sành ăn, bạn có thể yêu cầu nhà hàng cho ăn món chân nấm xào thịt hoặc một số món ăn từ nấm rất hấp dẫn.

    THẮNG CỐ

    Với những người dân tộc, thắng cố thường nấu chung các loại thịt trâu, bò, lợn… Thắng cố ngon cần đến 27 loại gia vị khác nhau như quế, hồi, thảo quả, lá thơm… Các loại rau rừng là phần quan trọng thứ hai của món thắng cố. Thật khó diễn tả hương vị đặc biệt, vừa ngọt lừ, béo ngậy, vừa đậm đà, thơm phức của món đặc sản này. Không gì thú vị bằng ngồi bên chảo thắng cố sôi sùng sục, vừa ăn vừa nhâm nhi chén rượu ngô, cảm thấy ấm áp hơn trong khí lạnh, gió núi tê buốt. Quán thắng cố nổi tiếng Sa Pa là thắng cố Mã Lệ, chuyên thắng cố ngựa; quán thắng cố A Quỳnh: 015 Thạch Sơn, Sa Pa.

    GÀ ĐEN SAPA

    Gà ác rất nhỏ tầm 1,2kg/con có “làn da” đen sì, ai mới nhìn lần đầu thì hơi… ghê. Gà ác có thể chế thành nhiều món nhưng khoái khẩu nhất là nướng mật ong. Gà ác nướng xong còn nóng hổi vừa thổi vừa ăn với lá bạc hà chấm muối tiêu chanh ngon tuyệt. Bất kì du khách nào đến đây mà chưa ăn món này thì chuyến đi Sapa chắc chắn sẽ không thể gọi là hoàn hảo được.

    THỊT SẤY “KHĂNG GAI”

    Các loại thịt trâu, bò, ngựa, lợn thường được người Mông treo lên gác bếp để sấy. Thịt trâu, bò được thái dọc thành từng miếng khoảng 2 – 3kg, xâu lại và treo lên gác bếp để làm thức ăn dự trữ. Các loại thịt khi treo lên gác bếp sẽ khô dần và để được hàng năm. Khi ăn, cọ rửa sạch mùi bồ hóng và bụi rồi cho vào xào với cà chua, măng… Thịt có mùi thơm và bùi.

    Ngoài ra, ở Sa Pa, Lào Cai còn có những đặc sản như: mận hậu Bắc Hà có vỏ màu xanh, nấm chân chim Bắc Hà, thịt rừng của người Nùng Dín, rượu Bắc Hà, rượu Sán Lùng, cuốn sủi, bột ngô hấp, rau thơm, bánh ngô “Páu pó cừ”, bánh đao “Páu cò”, bánh dày “Páu plậu”, đậu xị “Tẩu lư”, măng chua “chua cau”, nhái nấu rau “ua gai ờ ráu áu”, xúc xích lợn hong khói…

    ĐỊA CHỈ MỘT SỐ NHÀ HÀNG TẠI SA PA

    • Nhà hàng Anh Dũng Sa Pa: 69 phố Xuân Viên, thị trấn Sapa – gần bến xe.

    • Nhà hàng Hoa Đào Sa Pa: 33 Phố Xuân Viên, thị trấn Sa Pa

    • Nhà hàng Chapa: 40 Cầu Mây, thị trấn Sa Pa

    • Nhà hàng Lotus (Anh Đào): 34 Cầu Mây, thị trấn Sa Pa.

    Một số mẹo hữu ích

    • Không nên mua thuốc hoặc nấm linh chi, củ tam thất dọc đường lên Hàm Rồng vì chủ yếu là của Trung Quốc mang sang – không tốt như quảng cáo và giá cao.

    • Có thể mua quà lưu niệm tại khu chợ đêm sát chân nhà thờ Đá tuy nhiên nhớ mặc cả cẩn thận.

    • Các loại đồ thổ cẩm màu sắc bắt mắt thường là của Trung Quốc.

    • Nếu có ý định tự lái xe đi bụi, bạn nhớ mua bản đồ du lịch Sa Pa cho tiện nhé, có bán tại các văn phòng du lịch hoặc tại quầy bán vé lên núi Hàm Rồng. Lưu ý là đường ở Sa Pa nhiều đèo dốc, chỉ phù hợp với những tay lái cứng cáp.

    • Muốn biết về các tour khám phá Sa Pa , có thể hỏi ngay tại quầy lễ tân khách sạn. Nếu bạn mua tour có ngủ đêm tại bản, hỏi khách sạn xem có giảm tiền phòng hôm đó không?

    • Du lịch Sa Pa, bạn tránh đi giày cao gót, quần bó, thay vào đó nên đi giày thể thao, quần vải rộng và có đội mũ…

    • Nếu không phải mùa đông, ban ngày không cần thiết phải mang áo quá ấm (vì lúc đấy nhiệt độ không quá thấp và bạn đi bộ khá nhiều nên rất nóng). Chỉ nên chú ý mặc ấm vào buổi tối mà thôi.

    • Dù quyết định đi bụi, bạn cũng nên thuê một hướng dẫn viên đi cùng. Họ có kinh nghiệm, sẽ dẫn du khách theo các cung đường rất thú vị.

    • Sau chuyến đi bộ thăm thú các nơi, để tiết kiệm sức, bạn nên thuê xe ôm hoặc ô tô lúc đi về.

    • Khi từ Lào Cai lên Sa Pa là đoạn đường có độ chênh cao rất lớn, bạn nên dùng bông bịt tai để đỡ bị ù.

    Quỳnh Thơ

    (Tổng hợp)

    Các tin liên quan
      Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây

      Đăng Ký Nhận Ưu Đãi

      Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn