Tây Bắc từ lâu đã nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ cùng những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số. Mỗi mùa, Tây Bắc lại khoác lên mình một chiếc áo mới, mang đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt. Và tháng 3, chính là thời điểm Tây Bắc bừng sáng với sắc hoa ban rực rỡ, vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Vùng Tây Bắc là vùng miền núi phía tây của miền Bắc Việt Nam, có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc. Vùng này có khi được gọi là Tây Bắc Bắc Bộ và là một trong 3 tiểu vùng địa lý tự nhiên của Bắc Bộ Việt Nam (2 tiểu vùng kia là Vùng Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng).
Bản đồ Tây Bắc (Ảnh: Sưu tầm)
Tây Bắc có trên 20 tộc người cư trú, văn hóa Tây Bắc đa dạng và độc đáo chính là sản phẩm của sự kết hợp và đan xen các bản sắc riêng. Trong đó các dân tộc Thái, H’mông, Dao có thể xem là những đại diện tiêu biểu, góp phần quan trọng hơn cả trong việc hình thành văn hóa của khu vực.
Biểu tượng cho vùng văn hóa này là hệ thống mương phai dẫn nước vào đồng; là nghệ thuật trang trí tinh tế trên chiếc khăn piêu Thái, chiếc cạp váy Mường, bộ trang phục nữ H’Mông; là âm nhạc với các loại nhạc cụ bộ hơi (khèn, sáo…) và những điệu múa xòe…
Ở Tây Bắc, người ta dường như không tính thời gian theo tuần theo tháng mà theo mùa hoa. Hết mùa này sang mùa khác, hàng nghìn sắc hoa phương Bắc e ấp quyến rũ bước chân lữ khách du lịch Tây Bắc. Từng màu sắc chẳng thể tìm thấy ở đâu, cái lạ là bông hoa nhỏ màu hồng lại chỉ có ở giữa thiên nhiên Tây Bắc mới nhìn ra được màu hồng ấy, mới ngửi ra được hương thơm ấy và trong lòng bỗng dưng ngây ngất đến kỳ diệu!
(Ảnh: Sưu tầm)
Thiên nhiên đã ban cho vùng đất đai trù phú nơi đây vẻ hùng vĩ nhưng cũng thật hoang sơ. Tất cả những điều đó khiến người ta luôn có ấn tượng thật sâu về Tây Bắc và cũng ước ao một lần đặt chân mảnh đất đó.
Hoa ban nở trắng xóa trên các vạt đồi huyện Mường An, Tủa Chùa
Tháng 3 về, đất trời Điện Biên lại miên man trong sắc trắng tinh khôi của loài hoa ban rừng. Khi những ngày xuân âm lịch đã qua đi, hoa mận đã thôi không còn nở rực là lúc hoa ban bung nở trên khắp sườn đồi. Từ trên các đỉnh núi, vạt đồi, con đường về bản đến những ngôi nhà nhỏ đều ngập trong sắc hoa ban dịu dàng, trong trẻo.
(Ảnh: PYS Travel)
Từng bông hoa ban trắng ngần khoe sắc trong gió khiến lòng người dâng lên một cảm xúc khó tả. Ai đi Điện Biên mùa hoa ban nở cũng không thể quên được vẻ đẹp tinh khôi, dịu dàng của loài hoa ấy.
Ngoài rừng ban trắng muốt, những con suối, lòng hồ xanh trong thì Điện Biên còn có cánh đồng Mường Thanh xanh ngút ngàn lúa đương thì con gái. Đây là cánh đồng rộng nhất Khu vực Tây Bắc, cho hai vựa lúa gạo Điện Biên thành danh với gạo tám Hải Hậu.
Những cánh hoa ban tinh khôi đẹp nao lòng (Ảnh: PYS Travel)
Điện Biên ban nở rồi lên Tây Bắc đi thôi..! Không lên Điện Biên mùa này là bạn có lỗi với thiên nhiên.
Trắng tinh khôi với mùa hoa ban
Đã từ lâu, hoa ban được được coi là biểu tượng của núi rừng Tây Bắc. Vẻ đẹp của loài hoa này được ví như nét đẹp của người con gái vùng cao, cũng được xem là biểu trưng cho sự thủy chung son sắt khiến người ta phải say đắm. Hoa ban Mộc Châu đẹp nhẹ nhàng, mong manh, hương thơm không quá nồng với những cánh hoa trắng, phớt thêm chút màu tím thủy chung đã tạo nên một loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây bắc nói chung và du lịch Mộc Châu tháng 3 nói riêng.
(Ảnh: Sưu tầm)
Hoa ban Mộc Châu không rợp trời như hoa đào hoa mận cũng chẳng trải dài ngút mắt như cải trắng mùa đông, hoa ban e ấp giấu mình như người thiếu nữ còn ngại ngùng, e thẹn. Để rồi khi lang thang trên những con đường bất chợt thấy màu hoa người lữ khách không khỏi vỡ òa vui sướng.
Màu hoa ban trắng tím nhẹ nhàng nhưng đâu dễ nhạt nhòa trong tâm trí những người đã từng một lần chiêm ngưỡng. Cứ thế hoa đi vào nỗi nhớ, niềm thương của những người khách lạ, để mỗi dịp xuân qua ta lại muốn tìm về mùa ban xưa cũ.
Hoa ban mang một nét đẹp khiêm nhường, không phô trương nhưng sâu sắc và đầy tinh tế. Mộc Châu đầu tháng 3, đó đây đã có những cây hoa ban đang nở bung rực rỡ nhưng hoa ngại ngùng chẳng dám phô trương. Hoa ẩn khuất đâu đó trên sườn núi, trong những cánh rừng phủ rợp cây xanh. Nếu như hoa đào, hoa mận mọc nhiều trong bản, hoa cải phủ trắng cánh đồng thì hoa ban chỉ thích nơi triền núi. Hoa ban trông mỏng manh dịu dàng là thế, sao lại chọn sườn đèo dốc núi làm chốn sinh sôi để người lữ khách trót “phải lòng” hoa phải nhọc công tìm kiếm.
Khi Sapa đang chìm trong khí lạnh buốt của mùa xuân thì ánh nắng dịu dàng của tháng 3 về làm cho sắc đào có dịp nở muộn bung tỏa hương thơm khắp không gian. Hoa đào nở muộn khiến cho khung cảnh nơi đây trở nên rất thơ, rất tình, cả đất trời bỗng rộn ràng hơn trong sắc hồng ngọt ngào, dịu dàng như cô thôn nữ nhà bên. Du khách có thể bắt gặp được hoa đào ở các bản làng, cung đường đi, trước các ngôi nhà,...
(Ảnh: Sưu tầm)
Nếu đi du lịch Sapa vào tháng 3 bạn sẽ được đắm chìm trong sắc hoa đỗ quyên nở rực rỡ nhất trong năm. Loài hoa này nở đẹp nhất là ở trên dãy Hoàng Liên Sơn. Đây chính là thiên đường hoa đỗ quyên với khoảng 40 loài khác nhau cùng sinh trưởng. Đỗ quyên Sapa sở hữu nhiều màu sắc khác nhau như: đỏ, hồng, vàng,... khiến mùa xuân ở Sapa trở nên tràn đầy nhựa sống. Được ngắm nhìn hoa đỗ quyên trên đỉnh Hoàng Liên Sơn chính là một trải nghiệm tuyệt vời.
(Ảnh: Sưu tầm)
Vào tháng 3, ở Sapa đã hết mùa hoa mận nhưng thay thế là sắc trắng tinh khôi của hoa lê. Được biết, lê là một giống quả ưa lạnh bởi thế mà Sapa chính là một trong ít các vùng có thể trồng được loại cây này. Vào tháng 3, cây lê bắt đầu ra hoa khiến cảnh sắc Sapa trở nên thật đẹp và cuốn hút. Nếu bạn đã lỡ thời gian check in trong vườn hoa mận trắng thì có thể sống ảo vào mùa hoa lê nhé!
Không thể bỏ lỡ cơ hội chụp ảnh với hoa lê Sapa (Ảnh: Sưu tầm)
Tháng 3 là thời điểm lý tưởng để khám phá vẻ đẹp của Bắc Hà khi hoa lê nở rộ. Bắc Hà, một huyện nằm tại tỉnh Lào Cai, nổi tiếng với vùng đất hùng vĩ và vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời của nó. Mùa hoa lê bắt đầu từ cuối tháng 2 và kéo dài đến tháng 3, khi cây lê trắng muốt nở rộ trên khắp các thôn làng, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp mê hồn.
Du khách đến Bắc Hà vào thời điểm này sẽ được trải nghiệm không gian yên bình, trong lành và cảm nhận hương thơm dịu dàng từ những cánh hoa lê. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để khám phá văn hóa dân tộc độc đáo của các dân tộc thiểu số sinh sống tại địa phương này thông qua các lễ hội, nghi lễ truyền thống và các hoạt động văn hóa đặc sắc.
Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên không chỉ được biết đến là mảnh đất ghi dấu chiến thắng lịch sử “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà còn được mệnh danh là xứ sở của hoa ban – loài hoa sinh ra từ tình yêu, là biểu tượng của núi rừng và con người Tây Bắc. Lễ hội hoa ban được tổ chức vào tháng 3 tại Điện Biên chính là dịp để tôn vinh vẻ đẹp cũng như giá trị của loài hoa này trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc tại Tây Bắc.
(Ảnh: Sưu tầm)
Với mục đích tôn vinh, ca ngợi vẻ đẹp hoa ban, khẳng định giá trị, vị trí của hoa ban trong đời sống văn hóa, tinh thần các dân tộc ở Điện Biên, từ năm 2014, tỉnh Điện Biên đã tổ chức thường niên Lễ hội hoa ban vào dịp tháng 3 – mùa ban nở. Lễ hội là dịp để quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng 19 dân tộc anh em tỉnh Điện Biên tới du khách cũng như bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó bảo tồn và phát triển các loại hình di sản văn hóa dân tộc tiêu biểu; biến các giá trị di sản thành nguồn lực nội tại để thúc đẩy du lịch; kết nối với những tiềm năng, thế mạnh khác nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên.
Hoạt động diễu hành văn hóa đường phố Lễ hội Hoa Ban 2023 (Ảnh: Sưu tầm)
Lễ hội hoa ban chứa đựng những nét đẹp văn hóa tâm linh đặc trưng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái với các nghi thức thỉnh bái “Then” – vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái; thỉnh bái “nàng Ban” – một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thuỷ chung; thỉnh bái ma trời, ma mường, ma núi, ma sông… phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và phù hộ cho cuộc sống của dân bản luôn đầm ấm, yên vui.
Tham khảo thêm >>Lễ hội hoa Ban Điện Biên 2023: Mùa xuân rạng rỡ
Bên lề những hoạt động trong khuôn khổ lễ hội, đến với Điện Biên vào mùa ban nở, du khách có thể tham quan các điểm di tích lịch sử và văn hóa; thăm các bản văn hóa du lịch với những nếp nhà sàn truyền thống, cùng thưởng thức ẩm thực dân tộc, ngất ngây trong men rượu thịnh tình đãi khách và hòa mình trong nhịp trống chiêng của những vòng xòe đắm say… Nơi đây còn có rất nhiều danh lam thắng cảnh, điểm du lịch nghỉ dưỡng để du khách thưởng ngoạn như: Suối khoáng nóng Uva, Pe Luông, động Pa Thơm, hồ Pá Khoang và một số điểm di tích gắn với tín ngưỡng, tâm linh như di tích lịch sử Mường Phăng, đền thờ Hoàng Công Chất, điểm văn hóa Linh Sơn, khu văn hóa tâm linh Linh Quang... Đặc biệt, Điện Biên còn được đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế biết đến với di tích chiến trường Điện Biên Phủ - nơi ghi dấu chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Suối khoáng nóng Uva gây sốt (Ảnh: Sưu tầm)
Di tích chiến trường Điện Biên Phủ (Ảnh: Sưu tầm)
Lễ hội Hoa Ban (hay còn gọi là lễ hội Sên bản, Sên mường) là lễ hội cầu mưa, cầu phúc cho bản, mường của đồng bào dân tộc Thái. Lễ hội thường được tổ chức vào mùng 5 tháng 2 âm lịch, khi hoa ban bắt đầu nở trắng núi rừng Tây Bắc. Theo quan niệm của người Thái, hoa ban không chỉ tượng trưng cho tình yêu, mà còn là biểu tượng của lòng hiếu thảo, biết ơn.
(Ảnh: Sưu tầm)
Lễ hội Hết Chá ( kết thúc mùa ban nở), thường diễn ra từ 23-26/3 hàng năm. Đây cũng là dịp để người dân tạ ơn đất trời, tạ ơn đấng sinh thành, giáo dưỡng, cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, cuộc sống yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, mọi người ấm no hạnh phúc. Lễ hội còn thể hiện ý thức gắn kết cộng đồng dân tộc Thái, cùng nhau bước vào mùa vụ mới. Cũng từ Lễ hội Hết Chá, đã có rất nhiều đôi trai gái bén duyên, rồi nên nghĩa vợ chồng.
(Ảnh: Sưu tầm)
Đến với Sơn La, điểm du lịch đầu tiên bạn không thể bỏ qua đó là Mộc Châu. Là nơi được thiên nhiên ưu đãi, Mộc Châu được nhiều người biết đến với những đồi chè xanh mướt, những thung lũng hoa mận nở trắng đồi.
Hình ảnh những đồi chè xanh ngát ở Mộc Châu trải dài tít tắp, bao trọn những quả đồi hình tròn, hình trái tim, hình nón… cùng với khung cảnh bình yên của người nông dân đang làm vườn trong nắng sớm sẽ thực sự xua tan mọi mệt mỏi của bạn. Bạn có thể tham quan và chụp ảnh đồi chè ở nông trường chè Mộc Sương, đồi chè trái tim Đài Loan, Tân Lập…
Đồi chè trái tim Mộc Châu (Ảnh: PYS Travel)
Mận hậu là một trong những nông sản thế mạnh của vùng đất Sơn La, đặc biệt ở Mộc Châu mận được trồng hơn 3.200ha. Những năm gần đây, Sơn La đã biến mận trở thành ưu thế du lịch khi phát triển các loại hình du lịch vào mùa hoa mận nở hay mùa quả chín. Các điểm ngắm hoa mận trắng nhất định bạn nên tới, đó là thung lũng mận Nà Ka, bản Ba Phách, bản Ôn, rừng mận – rừng mơ 82.
Tháng 3 là thời điểm thung lũng mận Nà Ka phủ màu trắng xóa (Ảnh: Sưu tầm)
Thời điểm đến Sapa tháng 3 trời đã có phần ấm áp và dễ chịu, trời quang mây và thường hay có nắng. Đây là lúc thích hợp cho những chuyến săn mây trên đỉnh núi, trải nghiệm cảm giác đi xuyên qua làn mây mù và ngắm từng đụn mây dưới chân. Sapa cũng thường được ví von là thị trấn mù sương bởi quanh năm lúc nào cũng có làn sương mờ ảo bao bọc.
Du khách hào hứng chinh phục đỉnh Fansipan (Ảnh: PYS Travel)
Một số điểm tham quan hấp dẫn với những bạn muốn đi săn mây: Đỉnh Fansipan, đỉnh núi Hàm Rồng, xã Y Tý… Từ đây phóng tầm mắt ra xa chúng ta có thể ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh thị trấn như đang trôi bồng bềnh trong áng mây trời. Bên cạnh đó là khung cảnh núi non trùng điệp, những tia nắng mai đang cố vươn mình khỏi những tán cây khiến ta có cảm giác đơn sơ biết mấy.
Cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 60km, cao nguyên Sìn Hồ nằm trên độ cao hơn 1500m. Được xem như Sapa thứ hai của khu vực Tây Bắc, thời tiết trong ngày ở đây mang đặc điểm của 4 mùa trong năm, nhiệt độ trung bình năm khoảng 18 độ C. Với khí hậu quanh năm mát mẻ cao nguyên Sìn Hồ rất thích hợp cho các loại cây dược liệu như: tam thất, táo mèo, atiso, cây tắm lá thuốc…cùng nhiều giống rau, hoa quả ôn đới đặc sắc như mận, đào, lê…phát triển.
Biển mây ở cao nguyên Sìn Hồ (Ảnh: Sưu tầm)
Cao nguyên Sìn Hồ nằm giữa trập trùng núi đá, bạt ngàn rừng nguyên sinh, giữa biển mây mù, nơi đây với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những bản làng nằm thấp thoáng bên sườn núi…
Lên thăm cao nguyên Sìn Hồ du khách sẽ có dịp được ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, được khám phá những phong tục tập quán độc đáo trong đời sống sinh hoạt của bà con dân bản và đặc biệt là được thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị của núi rừng như thịt trâu cuốn lá lốt, dê hấp, lợn bản, cá suối, thắng cố, xôi nếp nương …
Chợ phiên Bắc Hà không đơn thuần chỉ là nơi mua và bán như các chợ khác. Ngay từ khi tỉnh Lào Cai được thành lập thì chợ Bắc Hà được hình thành tại Châu Bắc Hà. Từ đó đến nay, chợ Bắc Hà bao giờ cũng chỉ họp mỗi tuần một phiên vào ngày Chủ nhật.
(Ảnh: Sưu tầm)
Chợ Bắc Hà là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa địa phương với hàng hóa ngoài tỉnh, và là nơi giao lưu gặp gỡ về văn hoá giữa các dân tộc ở địa phương. Khi xuống núi, bao giờ người dân cũng mặc những bộ váy áo mới sặc sỡ đủ màu để đến chợ Bắc Hà, họ xem đây như ngày hội xuống núi, phong tục này vẫn duy trì đến ngày nay.
Chợ Bắc Hà được chia ra những khu chợ nhỏ mang tính đặc trưng trao đổi như: Chợ thổ cẩm, chợ ẩm thực, chợ ngựa (ngựa Bắc Hà), chợ gia cầm, chợ thực phẩm, chợ chim, chợ rèn đúc…
Những người phụ nữ địu con cùng bán hàng ở chợ phiên (Ảnh: PYS Travel)
Mỗi khu chợ đều phong phú đa dạng và mang đậm bản sắc dân tộc địa phương, đặc biệt Chợ Bắc Hà là nơi hẹn hò tốt nhất để nam nữ thanh niên dân tộc gặp nhau sau mỗi tuần lao động vất vả.
Chợ Tủa Chùa là một trong những phiên chợ nổi tiếng của tỉnh Điện Biên, thu hút sự chú ý của đông đảo người yêu du lịch và văn hóa. Đến với Tủa Chùa ngoài phiên chợ Tả Sìn Thàng (họp vào các ngày Tý và Ngọ); Xá Nhè (họp vào ngày Mão và ngày Dậu) du khách sẽ được trải nghiệm chợ phiên ngay tại thị trấn Tủa Chùa vào mỗi tối thứ 7 và ngày chủ nhật hàng tuần.
(Ảnh: Sưu tầm)
Chợ phiên không chỉ là nơi trao đổi, mua bán mà còn là ngày hội của bà con vùng cao. Bà con đi chợ để gặp gỡ, giao lưu sau một tuần lao động mệt nhọc. Chợ còn là nơi để các nam thanh nữ tú tìm đến nhau để rồi kết duyên. Chị em phụ nữ tụm năm, tụm ba chuyện trò vui vẻ. Hàng hóa được bày bán tại chợ rất phong phú và đa dạng, từ trang phục thổ cẩm với những hoa văn, họa tiết trang trí cầu kỳ, tinh xảo đến các mặt hàng nông sản, vật dụng gia đình, các loại vật chăn nuôi như gà, lợn... Hầu hết đều là “cây nhà lá vườn”, do những người dân trong vùng tự trồng, nuôi, hay hái trong vườn, trong rừng, các vật dụng sản xuất nông nghiệp... và không thể thiếu những đặc sản của người dân tộc Mông ở huyện Tủa Chùa đó là gà đen và rượu Mông Pê nấu từ ngô.
(Ảnh: Sưu tầm)
Huyện Vân Hồ là huyện cửa ngõ của tỉnh Sơn La, cũng là miền đất biên cương vùng Tây Bắc, nơi hòa quyện bởi những dòng sông, con suối cùng những dãy núi cao hùng vĩ, thác nước trong xanh, cánh rừng hoa bốn mùa khoe sắc… Cảnh vật, thiên nhiên tươi đẹp cùng với nền văn hóa độc đáo và đa dạng của cộng đồng các dân tộc. Độc đáo hơn khi du khách đến đây vào dịp cuối tuần sẽ được trải nghiệm, khám phá và thưởng thức những nét đặc sắc về văn hóa, ẩm thực, đặc sản truyền thống, những trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mông tại chợ phiên Chiềng Đi, xã Vân Hồ.
Chợ phiên Chiềng Đi mộc mạc, giản dị (Ảnh: Sưu tầm)
Đều đặn vào thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, nơi đây lại nhộn nhịp phiên chợ mang bản sắc vùng cao. Trên đường đến chợ phiên, những chàng trai, cô gái dân tộc Mông trong trang phục truyền thống trang phục rực rỡ sắc màu, ai nấy đều hân hoan tụ họp về chợ phiên.
Cách bày bán các mặt hàng ở đây cũng mộc mạc, không cầu kỳ, những chiếc lán nhỏ được làm bằng tre, nứa dựng lên giữa vườn mận mang đậm cảnh sắc thiên nhiên, những người dân nơi đây bán hàng đều rất thân thiện, cởi mở. Phiên chợ ngoài bán những mặt hàng quen thuộc còn có những đồ vật mang nét đặc trưng của người dân vùng cao, các món đồ được bán ở chợ đều có giá phù hợp. Đến với chợ phiên, ngoài việc mua sắm, du khách có thể thưởng thức những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, như: Mèn mén, bánh dày, thịt nướng, thắng cố... nhâm nhi cùng chén rượu ngô thơm nồng không thể nào quên.
Tây Bắc tháng 3 đẹp đến nao lòng với sắc hoa ban rực rỡ, với những lễ hội độc đáo và những món ăn đặc sản hấp dẫn. Nếu bạn đang tìm kiếm một điểm đến lý tưởng cho tháng 3, hãy đến với Tây Bắc để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của đất trời và con người nơi đây.
Các tour du lịch của PYS Travel dành cho du khách khám phá Tây Bắc
Tour Tây Bắc: Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sapa 5 ngày 4 đêm từ Hà Nội
Tour Tây Bắc: Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sapa 5 ngày 5 đêm từ TP.HCM
Tour Điện Biên 3 ngày 2 đêm mùa hoa ban trắng
Tour Sơn La - Điện Biên 4 ngày 4 đêm từ TP.HCM
Tour Mộc Châu 2 ngày 1 đêm từ Hà Nội
Tour Mộc Châu 3 ngày 3 đêm từ TP.HCM
PYS Travel luôn tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ về tác phẩm nhiếp ảnh, ảnh chụp của các cá nhân và tổ chức. Chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực liên hệ với tất cả các tác giả có ảnh được sử dụng để xin sự cho phép sử dụng ảnh. Nếu có sự sơ xuất hay thiếu sót nào, chúng tôi xin được gửi lời xin lỗi tới các tác giả, chủ sở hữu hình ảnh. Các anh/chị cũng vui lòng gửi phản hồi lại cho PYS Travel: https://pystravel.vn/ban-quyen-hinh-anh
Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn