Chi tiết bản đồ Chùa Tam Chúc: Hành trình khám phá kỳ quan tâm linh lớn nhất Việt Nam

09:36 21/01/2025


Chi tiết bản đồ Chùa Tam Chúc: Hành trình khám phá kỳ quan tâm linh lớn nhất Việt Nam

Khám phá chi tiết bản đồ chùa Tam Chúc - ngôi chùa lớn nhất Việt Nam. Hướng dẫn đầy đủ các khu vực, địa điểm nổi bật và mẹo tham quan giúp bạn tận hưởng trọn vẹn kỳ quan tâm linh đặc sắc này.

Chùa Tam Chúc là một trong những điểm đến tâm linh nổi bật tại Việt Nam, nổi tiếng với kiến trúc kỳ vĩ và khung cảnh thiên nhiên hữu tình. Để giúp bạn có một chuyến tham quan trọn vẹn và dễ dàng, PYS Travel mang đến bài viết chi tiết về bản đồ chùa Tam Chúc. Hãy cùng chúng tôi khám phá từng khu vực, tìm hiểu những điểm đến không thể bỏ qua và lên kế hoạch chi tiết cho hành trình khám phá kỳ quan tâm linh đặc sắc này!

1. Giới thiệu tổng quan về Chùa Tam Chúc

Chùa Tam Chúc, tọa lạc tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách Hà Nội khoảng 60km, là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi bật của Việt Nam. Được xây dựng trên nền chùa cổ hơn 1.000 năm tuổi, chùa Tam Chúc hiện được coi là ngôi chùa lớn nhất thế giới, với tổng diện tích quần thể lên đến 5.100 ha, trong đó khu vực chùa chiếm 144 ha.

bản đồ chùa Tam Chúc
Tổng thể chùa Tam Chúc (Ảnh: VnExpress)

Quần thể chùa Tam Chúc bao gồm nhiều công trình kiến trúc độc đáo như cổng Tam Quan, Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, Điện Quan Âm và Tháp Ngọc. Đặc biệt, chùa nằm giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với lưng tựa núi Thất Tinh và mặt hướng ra hồ Tam Chúc, tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Một góc chùa Tam Chúc mùa hoa gạo
Một góc chùa Tam Chúc mùa hoa gạo (Ảnh: Fanpage Chùa Tam Chúc)

Với sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại, cùng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, chùa Tam Chúc không chỉ là nơi hành hương linh thiêng mà còn là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Đặc biệt, vào mùa lễ hội đầu xuân, chùa đón tiếp một lượng lớn khách tham quan, tạo nên không khí nhộn nhịp và trang nghiêm. Với những giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh đặc sắc, chùa Tam Chúc xứng đáng là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá miền Bắc Việt Nam.

2. Vì sao du khách nên nắm rõ bản đồ Chùa Tam Chúc

Việc nắm rõ bản đồ Chùa Tam Chúc sẽ giúp bạn tận hưởng trọn vẹn chuyến tham quan và tạo cơ hội khám phá sâu hơn vẻ đẹp văn hóa và tâm linh tại kỳ quan này. Chùa Tam Chúc là ngôi chùa lớn nhất thế giới với diện tích lên tới 5.100 ha, bao gồm nhiều khu vực. Để khám phá toàn bộ quần thể, việc nắm rõ bản đồ sẽ giúp du khách định hình được lộ trình di chuyển, tiết kiệm thời gian và công sức.

Tổng thể chùa Tam Chúc nhìn từ trên cao
Tổng thể chùa Tam Chúc nhìn từ trên cao (Ảnh: Fanpage Chùa Tam Chúc)

Việc hiểu rõ bản đồ còn giúp du khách lên kế hoạch tham quan hợp lý, lựa chọn lộ trình phù hợp với thời gian và sức khỏe. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn đảm bảo bạn không bỏ lỡ những địa điểm quan trọng trong quần thể chùa.

3. Chi tiết bản đồ các khu vực chùa Tam Chúc

Để khám phá trọn vẹn vẻ đẹp và quy mô ấn tượng của chùa Tam Chúc, việc tìm hiểu chi tiết bản đồ là yếu tố quan trọng giúp du khách dễ dàng định hướng và lên kế hoạch tham quan hiệu quả. Quần thể này có diện tích lên tới hơn 5000ha với nhiều công trình nổi bật được chia thành 4 khu bao gồm: Khu tiếp đón, khu tâm linh, khu trải nghiệm và khu bảo tồn thiên nhiên. 

Bản đồ chi tiết các khu vực chùa Tam Chúc
Bản đồ chi tiết các khu vực chùa Tam Chúc (Ảnh: Sưu tầm)

3.1. Khu Đón tiếp

Đây là khu vực đầu tiên mà du khách sẽ tiếp cận khi bước vào chùa Tam Chúc. Khu vực này bao gồm các điểm quan trọng như:

Tam Quan Ngoại: Cổng chính dẫn vào quần thể chùa Tam Chúc. Công trình có thiết kế ba lối đi, với kiến trúc đồ sộ và tinh xảo. Từ đây, bạn có thể ngắm toàn cảnh hồ nước và những dãy núi bao quanh.

Bãi đỗ xe: Nằm gần cổng Tam Quan Ngoại, là nơi du khách gửi xe trước khi bắt đầu hành trình tham quan. Khu vực này rộng lớn, có thể đáp ứng lượng lớn phương tiện.

Nhà Khách Thủy Đình chùa Tam Chúc
Nhà Khách Thủy Đình chùa Tam Chúc (Ảnh: Fanpage Chùa Tam Chúc)

Nhà khách Thủy Đình: Điểm dừng chân để du khách nghỉ ngơi, mua vé tham quan hoặc tìm hiểu thông tin về các địa điểm trong khuôn viên chùa. Tại đây, bạn cũng có thể chiêm ngưỡng khung cảnh hồ Tam Chúc và các đảo nhỏ.

Bến thuyền Tam Chúc: Từ bến thuyền này, du khách có thể đi thuyền qua hồ Lục Nhạc để đến khu tâm linh. Đây là cách di chuyển lý tưởng cho những ai muốn tận hưởng không gian thiên nhiên.

Cổng Tam Quan Ngoại chùa Tam Chúc
Cổng Tam Quan Ngoại chùa Tam Chúc (Ảnh: Fanpage Chùa Tam Chúc)

3.2. Khu Tâm linh

Khu vực này là trung tâm của chùa Tam Chúc, nơi tập trung các công trình kiến trúc Phật giáo đặc sắc, nổi bật như:

Đình Tam Chúc: Nằm giữa hồ Lục Nhạc, đình Tam Chúc là một công trình cổ kính trên đảo nhỏ. Đây là nơi linh thiêng để cầu nguyện và ngắm nhìn toàn cảnh hồ nước bao quanh.

Đình Tam Chúc
Đình Tam Chúc (Ảnh: Kenh14.vn)

Tam Quan Nội: Cổng nằm trên trục thần đạo, là lối vào chính dẫn du khách vào khu vực tâm linh của chùa. Được xây dựng với ba cổng lớn, mỗi cổng mang ý nghĩa tượng trưng cho "ba cách nhìn" trong Phật giáo: hữu quan, không quan và trung quan, thể hiện cái sắc (giả), cái không (vô thường) và trung dung của cả hai.

Cổng Tam Quan Nội chùa Tam Chúc
Cổng Tam Quan Nội chùa Tam Chúc (Fanpage Chùa Tam Chúc )

Điện Quan Âm: Đây cũng là một trong ba chính điện quan trọng của chùa Tam Chúc, nằm trên trục thần đạo, phía sau Điện Pháp Chủ. Đây là nơi thờ Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, biểu trưng cho lòng từ bi và hỉ xả trong Phật giáo. Điện Quan Âm được xây dựng với kết cấu cột, dầm, xà, mái cong bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ, tạo nên vẻ đẹp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống. Với chiều cao 30,5 mét và diện tích sàn 3.000 m², không gian bên trong điện rộng rãi, thoáng đãng, mang đến cảm giác thanh tịnh cho du khách.

Điện Quan Âm chùa Tam Chúc
Điện Quan Âm chùa Tam Chúc (Ảnh: Vietnamplus.vn)

Điện Pháp Chủ: Là một trong ba chính điện quan trọng của chùa Tam Chúc, nằm trên trục thần đạo, phía dưới Điện Tam Thế. Đây là nơi thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, với điểm nhấn là pho tượng Phật bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn, được coi là một trong những pho tượng lớn nhất Đông Nam Á.

Điện Pháp Chủ chùa Tam Chúc
Điện Pháp Chủ chùa Tam Chúc (Ảnh: Sưu tầm)

Điện Tam Thế: Là công trình lớn nhất và quan trọng nhất trong quần thể chùa Tam Chúc, tọa lạc tại vị trí cao nhất trên trục thần đạo, nơi thờ ba vị Phật đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Đây là nơi hội tụ linh khí, vừa mang giá trị tâm linh sâu sắc, vừa tạo nên điểm nhấn nổi bật cho toàn bộ quần thể chùa.

Điện Tam Thế chùa Tam Chúc
Khu vực bên ngoài Điện Tam Thế (Ảnh: Fanpage Chùa Tam Chúc)

Vườn Cột Kinh: Là một trong những điểm nhấn độc đáo của chùa Tam Chúc, nằm trên trục thần đạo dẫn từ cổng Tam Quan đến các điện thờ chính. Với ý tưởng lấy cảm hứng từ cột kinh chùa Nhất Trụ ở cố đô Hoa Lư, Vườn Cột Kinh chùa Tam Chúc được xây dựng quy mô lớn, tạo nên không gian linh thiêng và ấn tượng cho du khách.

Vườn cột kinh chùa Tam Chúc
Vườn cột kinh (Ảnh: Fanpage Chùa Tam Chúc)

Các nhà thờ tổ: Gồm Nhà Tổ Bi, Nhà Tổ A Nan và các công trình phụ trợ khác, là nơi thờ cúng các vị tổ sư của Phật giáo.

Tháp Ngọc: (Hay còn gọi là chùa Ngọc) là một trong những công trình độc đáo và quan trọng trong quần thể chùa Tam Chúc, nằm trên đỉnh núi Thất Tinh, cao 468 mét so với mực nước biển. Để đến được Tháp Ngọc, du khách phải vượt qua 299 bậc thang, tạo nên một hành trình đầy thử thách nhưng cũng rất thú vị.

Tháp Ngọc chùa Tam Chúc
Tháp Ngọc (Ảnh: Sưu tầm)

>>Xem thêm: Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự Hà Nam - Điểm hẹn tâm linh cho chuyến du xuân đầu năm

Chùa Ba Sao: Là ngôi chùa rất linh thiêng trong quần thể văn hóa tâm linh Chùa Tam Chúc. Chùa gắn liền với sự tích thiền sư Nguyễn Minh Không đi tìm cây thuốc cứu người. Hơn cả một nơi chiêm bái, khi ghé đến đây, quý Phật tử sẽ được đắm chìm vào phút giây bình lặng trên chính những cung đường rợp bóng cỏ cây nơi đây.

 Chùa Ba Sao
Chùa Ba Sao (Ảnh: Fanpage chùa Tam Chúc) 

>> Xem thêm: Gợi ý các Tour Lễ Chùa đầu năm từ Bắc vào Nam cho bạn cầu an, cầu tài

3.3 Khu Trải nghiệm

Đây là khu vực dành riêng cho các hoạt động nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa và ẩm thực:

Hệ thống nhà hàng: Nhà hàng An Lạc, Như Ý, Cát Tường: Phục vụ các món chay thanh đạm và đặc sản địa phương.

Chợ quê Tam Chúc: Không gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, nơi bạn có thể tìm thấy các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản vùng miền và các món ăn truyền thống.

Trung tâm hội nghị Vesak: Là nơi tổ chức các sự kiện lớn của Phật giáo, với kiến trúc hiện đại kết hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.

Trải nghiệm chèo thuyền kayak và SUP: Các hoạt động thú vị trên mặt hồ, phù hợp với những du khách yêu thích thể thao và thiên nhiên.

3.4. Khu Bảo tồn thiên nhiên

Khu vực này là nơi bảo tồn hệ sinh thái đặc biệt của Tam Chúc, với các điểm nổi bật:

Hồ Tam Chúc: Hồ nước tự nhiên rộng lớn, được ví như "vịnh Hạ Long trên cạn". Hồ bao quanh bởi sáu ngọn núi mang hình dáng chiếc chuông úp, tạo nên khung cảnh thơ mộng.

Hồ Tam Chúc
Hồ Tam Chúc (Ảnh: Fanpage Chùa Tam Chúc)

Khu vực bảo tồn thiên nhiên: Vọng Nguyệt Trắng, Cỏ Lau: Là nơi lý tưởng để khám phá thiên nhiên hoang sơ, hệ sinh thái phong phú và chiêm ngưỡng các loài động, thực vật quý hiếm.

4. Gợi ý hành trình tham quan Chùa Tam Chúc hợp lý nhất

Để tham quan đầy đủ và tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của nơi đây, dưới đây là lịch trình hợp lý và chi tiết nhất cho hành trình của bạn.

4.1. Bắt đầu hành trình tại Khu Tiếp đón

Cổng Tam Quan Ngoại: Khi đến Chùa Tam Chúc, điểm đầu tiên bạn sẽ gặp là cổng Tam Quan Ngoại – công trình lớn và đồ sộ. Tại đây, bạn sẽ đi qua ba lối đi chính, mỗi lối tượng trưng cho Tam Bảo (Phật – Pháp – Tăng). Cổng này cũng là nơi bắt đầu hành trình khám phá khu du lịch. Nếu bạn đi xe máy hoặc ô tô, hãy gửi xe tại bãi đỗ xe ngay cạnh Tam Quan Ngoại.

Nhà khách Thủy Đình: Sau khi qua Tam Quan Ngoại, hãy ghé Nhà khách Thủy Đình. Tại đây, bạn có thể nghỉ ngơi, mua vé tham quan, tìm hiểu các thông tin về chùa và ngắm cảnh hồ Tam Chúc với tầm nhìn tuyệt đẹp. Nếu muốn di chuyển bằng thuyền để trải nghiệm hồ Tam Chúc, hãy mua vé tại đây.

Mua vé ở nhà khách Thủy Đình
Bắt đầu hành trình bằng việc đi thuyền trên hồ Tam Chúc (Ảnh: Fanpage Chùa Tam Chúc)

Bến thuyền Tam Chúc: Tiếp theo hành trình, bạn có thể lựa chọn: Đi thuyền từ bến thuyền Tam Chúc, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác thư thái khi di chuyển qua hồ Lục Nhạc để đến khu Tâm Linh. Hoặc đi xe điện nếu muốn tiết kiệm thời gian đi thẳng lên đến Tam Quan Nội.

4.2. Tiếp tục hành trình đến với khu Tâm Linh 

Nếu bạn lựa chọn đi thuyền để tiếp cận vào cổng Tam Quan Nội trong khu tâm linh chùa Tam Chúc, bạn sẽ được ngắm trọn vẻ đẹp Hồ Tam Chúc và có thể ghé vào đảo CòĐình làng Tam Chúc nằm ngay phía bên trái khu đón tiếp theo chiều đường đi vào. 

Đi thuyền trên hồ Tam Chúc
Đi thuyền trên hồ Tam Chúc (Ảnh: Fanpage Chùa Tam Chúc)

Sau khi du khách rời khỏi thuyền hoặc đi xe điện đến cổng Tam Quan Nội, tiển thẳng qua cổng này sẽ đến Vườn Cột Kinh ngay trước mặt, nằm dọc theo trục đường thần đạo với 32 cột đá khổng lồ, mỗi cột nặng đến 200 tấn, khắc kinh Phật tỉ mỉ. Đây là biểu tượng đặc biệt, thể hiện tinh hoa Phật giáo. Hai bên cổng Tam Quan nội là nhà Hỷ Xánhà Từ Bi. Du khách có thể ghé qua đó để tham quan và thực hiện các lễ nghi tâm linh đơn giản. 

Vườn cột kinh ngay gần cổng Tam Quan Nội
Vườn cột kinh ngay gần cổng Tam Quan Nội (Ảnh: Fanpage Chùa Tam Chúc)

Sau khi khám phá Vườn Cột Kinh, bạn có thể đi thẳng lên trực đường thần đạo tới điện đầu tiên đó là điện Quan Âm. Tiếp theo là đến Điện Giáo Chủ nằm ngay trên trục đường.

Bên trong khu vực Điện Tam Thế
Bên trong khu vực Điện Tam Thế chùa Tam Chúc (Ảnh: Fanpage Chùa Tam Chúc) 

Trước khi tiến đến Điện tiếp theo trên trục đường, du khách sẽ bắt gặp cây bồ đề thiêng và đối diện 2 bên trái phải là Nhà Thờ TổNhà Tứ Ân. Đi thẳng qua cây bồ đề, thẳng trục đường thần đạo sẽ đem bạn tới với Điện Tam Thế, là Điện to nhất trong 3 điện chính tại quần thể chùa Tam Chúc.  

Quang cảnh trong chùa Tam Chúc
Đường di chuyển đến các điện thờ chính trong chùa (Ảnh: Fanpage Chùa Tam Chúc)

Sau khi đi qua Điện Tam Thế, điểm tiếp theo du khách nên ghé có thể là chùa Ba Sao hoặc Chùa Ngọc. Chùa Ba Sao nằm phía bên phải Điện Tam Thế, muốn lên Chùa Ba Sao, bạn có thể phải đi bộ một đoạn ngắn. Còn Chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh ngay phía sau Điện Tam Thế. 

Đường lên Tháp Ngọc
Đường lên Tháp Ngọc (Ảnh: Sưu tầm)

Từ Chùa Ngọc, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh chùa Tam Chúc và khu vực xung quanh, bao gồm hồ Tam Chúc và các ngọn núi hùng vĩ. Đặc biệt, Tháp Ngọc còn được biết đến là đàn tế trời, nơi tổ chức các nghi lễ tâm linh quan trọng, mang đậm giá trị văn hóa và tâm linh của chùa Tam Chúc.

4.3. Khám phá Khu Trải nghiệm với nhiều hoạt động thú vị

Khu trải nghiệm chủ yếu tập trung phía bên phải trục đường thần đạo là nơi du khách có thể tham gia các hoạt động văn hóa, nghỉ ngơi và thưởng thức ẩm thực.

Chợ quê Tam Chúc tái hiện không gian chợ quê truyền thống, nơi bày bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm và đặc sản địa phương. Bên cạnh đó, hệ thống nhà hàng bao gồm các nhà hàng An Lạc, Như Ý, Cát Tường phục vụ các món chay thanh đạm và một số đặc sản như bánh đa cá rô, cơm chay, chè kho.

 Hồ Tam Chúc mùa lễ hội
Hồ Tam Chúc mùa lễ hội với các hoạt động chèo thuyền (Ảnh: Fanpage Chùa Tam Chúc)

Trải nghiệm chèo thuyền kayak và SUP tại hồ Tam Chúc nằm ngay gần nhà khách Thủy Đình giúp du khách có thể tham gia các hoạt động thú vị như chèo thuyền kayak hoặc SUP để tận hưởng không gian thiên nhiên hùng vĩ.

4.4. Khám phá nét đẹp hoang sơ của khu Bảo tồn Thiên nhiên

Khu Bảo tồn Thiên nhiên là nơi dành cho những du khách yêu thích sự hoang sơ và yên bình của thiên nhiên.

 Khu bảo tồn thiên nhiên Vọoc mông trắng
Khu bảo tồn thiên nhiên Vọoc mông trắng (Ảnh: TTXVN)

Du khách có thể tham quan Hồ Tam Chúc rộng lớn với sáu ngọn núi nổi lên giữa mặt hồ, tạo nên cảnh quan "Tiền Lục Nhạc – Hậu Thất Tinh". Ngoài ra, khu bảo tồn thiên nhiên Vọoc mông trắng và cò là khu vực lý tưởng để du khách tản bộ, ngắm cảnh và khám phá hệ sinh thái đặc biệt của khu vực.

Quầy hàng nước trong chùa
Quầy nước nhỏ trong chùa (Ảnh: Fanpage Chùa Tam Chúc)

Kết thúc hành trình, đừng quên thưởng thức các món ăn đặc sản của Hà Nam tại khu nhà hàng hoặc quầy ăn uống trong khuôn viên. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua quà lưu niệm như đồ thủ công mỹ nghệ hoặc các sản phẩm tâm linh làm kỷ niệm.

Với lịch trình này, bạn sẽ có trải nghiệm trọn vẹn khi khám phá vẻ đẹp tâm linh, thiên nhiên và văn hóa độc đáo của quần thể chùa Tam Chúc mà không sợ bị bỏ lỡ bất kỳ công trình nổi bật nào.

5. Một số lưu ý khi tham quan Chùa Tam Chúc

Để chuyến tham quan trở nên suôn sẻ và ý nghĩa, du khách có thể tham khảo một số kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc ngay sau đây:

5.1. Lựa chọn thời gian phù hợp

Chùa Tam Chúc đẹp quanh năm, nhưng nếu bạn muốn tận hưởng không gian thanh bình và ngắm sen nở, hãy đến vào mùa hè (tháng 5 - tháng 7). Nếu muốn trải nghiệm không khí lễ hội, bạn có thể ghé thăm vào dịp đầu năm hoặc các ngày lễ Phật giáo. Các ngày cuối tuần và lễ hội lớn thường đông khách. Nếu muốn tránh đông đúc, hãy đến vào buổi sáng sớm hoặc các ngày trong tuần.

5.2. Trang phục lịch sự

Chùa Tam Chúc là một địa điểm tâm linh, vì vậy, du khách cần ăn mặc lịch sự, kín đáo. Tránh mặc trang phục quá ngắn hoặc hở hang để thể hiện sự tôn trọng.

5.3. Chuẩn bị phương tiện di chuyển và vé tham quan

Khuôn viên chùa rất rộng, bạn có thể chọn xe điện hoặc thuyền để di chuyển giữa các khu vực. Vé tham quan có thể mua tại nhà khách Thủy Đình. Nên kiểm tra lịch trình hoạt động của thuyền và xe điện để không bị gián đoạn hành trình.

5.4. Giữ gìn vệ sinh và trật tự

Không xả rác bừa bãi, luôn tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường trong khuôn viên chùa.
Tránh gây ồn ào, giữ thái độ nghiêm trang tại các khu vực thờ cúng.

5.5. Lưu ý về sức khỏe và an toàn

Nếu bạn dự định leo lên chùa Ngọc, hãy chuẩn bị giày dép thoải mái và một sức khỏe tốt vì phải leo 299 bậc đá. Mang theo nước uống, ô dù, mũ nón để phòng thời tiết nắng nóng hoặc mưa.

5.6. Không quay phim, chụp ảnh tại khu vực cấm

Một số khu vực trong chùa có quy định cấm quay phim hoặc chụp ảnh, đặc biệt là tại các khu vực thờ tự. Hãy chú ý các biển báo để tuân thủ.

Chùa Tam Chúc quả thực là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích du lịch tâm linh và khám phá thiên nhiên hùng vĩ. Với bản đồ chùa Tam Chúc được cập nhật trong bài viết này, hành trình tham quan sẽ trở nên dễ dàng và trọn vẹn hơn. Hãy để PYS Travel đồng hành cùng bạn, mang đến những trải nghiệm du lịch chất lượng và ý nghĩa tại quần thể chùa lớn nhất Việt Nam này!

Tham khảo ngay tour chùa Tam Chúc của PYS Travel:

Tour Chùa Tam Chúc - Chùa Địa Tạng Phi Lai 1 ngày từ Hà Nội - Du Xuân 2025

Tham khảo tour du xuân đang HOT của PYS Travel:

Chùm tour Du xuân - Lễ chùa đầu năm 2025

Tour du lịch Du xuân đầu năm mới 2025

Bản Quyền Hình Ảnh:

PYS Travel luôn tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ về tác phẩm nhiếp ảnh, ảnh chụp của các cá nhân và tổ chức. Chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực liên hệ với tất cả các tác giả có ảnh được sử dụng để xin sự cho phép sử dụng ảnh. Nếu có sự sơ xuất hay thiếu sót nào, chúng tôi xin được gửi lời xin lỗi tới các tác giả, chủ sở hữu hình ảnh. Các anh/chị cũng vui lòng gửi phản hồi lại cho PYS Travel: https://pystravel.vn/ban-quyen-hinh-anh 

Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây

Đăng Ký Nhận Ưu Đãi

Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn