Du lịch Hà Giang Tết âm lịch - Tận hưởng không khí năm mới CÓ MỘT KHÔNG HAI

09:48 05/01/2023


Du lịch Hà Giang Tết âm lịch - Tận hưởng không khí năm mới CÓ MỘT KHÔNG HAI

Không phải ngẫu nhiên người ta chọn Hà Giang là điểm dừng chân cho những ngày đầu du xuân. Hà Giang dịp Tết âm lịch luôn có nét thu hút rất lạ. Bởi mỗi độ xuân sang, người ta lại mơ về chốn cao nguyên đá cằn khoác lên mình chiếc áo mới - chiếc áo mùa xuân, của sắc hồng, trắng hoa đào hoa mận, và bởi những lễ hội độc đáo, khác lạ chỉ có tại nơi đây.

1) Thưởng hoa ngắm cảnh nơi Hà Giang mùa xuân

Hà Giang Tết âm lịch dường như chìm trong sắc thắm của hoa cỏ. Sắc tinh khôi của mùa hoa mận trắng Hà Giang, bung nở rực rỡ trong ánh nắng mặt trời những ngày đầu xuân như khiến cho Hà Giang bừng lên sức sống mới. Hoa nở rộ hai bên đường, hoa tràn vào trong bản. Những cánh hoa chốc chốc lại rơi nhẹ, buông mình theo những cơn gió thoảng, đẹp tựa chốn thần tiên không tên.

 

Không chỉ Mộc Châu, mùa hoa mận trắng Hà Giang cũng khiến bao người say mê (Ảnh: Vũ Minh Quân)

Tiếng chim hòa cùng sắc hoa mận tạo nên bức tranh thiên nhiên sinh động, rực rỡ (Ảnh: Vũ Minh Quân)

Nơi đây còn được biết đến nhiều hơn cả vào mỗi dịp xuân sang đó chính là mùa hoa đào Hà Giang. Giữa sắc trắng tinh khôi của mùa hoa mận ấy, điểm xuyết lên là sắc hồng của hoa đào. Hà Giang thuộc Đông Bắc do vậy hoa nở muộn hơn so với những tỉnh miền núi Tây Bắc một chút, thế nhưng sắc hoa thắm đủ làm siêu lòng bất cứ ai.

Mùa hoa đào Hà Giang nở rộ cả hai bên đường, thơm dịu dàng (Ảnh: Nguyen Thanh Tuan)

Sắc hoa tràn về bên bản, bung nở (Ảnh: Văn Song Nguyễn)

Những cánh hoa hồng thắm nổi bật lên bên vách nhà trình tường, rơi rụng bên sân đất đầu hè. Dọc hai bên đường đi, ta có thể dễ dàng bắt gặp những em nhỏ cùng nhau chơi đùa dưới gốc đào thắm. Để rồi, trót say trong xúc cảm ngọt ngào nơi cuộc sống bình dị của người Hà Giang lúc nào không hay.

 

Tết âm lịch đến, đâu đây vẫn còn sót lại sắc vàng của hoa cải. Không nở rộ như vào những ngày tháng 12, đầu tháng 1, thế nhưng những vườn hoa ấy vẫn đủ làm người ta thổn thức không thôi. Bức tranh Hà Giang mùa xuân với những ngôi nhà vách đất, bên trên là mái nhà rêu phong, đung đưa trong gió những cành  đào, cành mận khoe sắc, xa xa, là sắc thắm của hoa  cải vàng, xa xa vang lên tiếng hát của mẹ ru em, thực sự đẹp tựa tranh vẽ vậy.

Tiếng em cười vang giữa đồng hoa cải vàng như đọng lại trong không gian

 

Bức tranh Hà Giang mùa xuân

2) Hòa cùng không khí rộn ràng đón Tết với những lễ hội mùa xuân ở Hà Giang

Không chỉ có mùa hoa, Hà Giang Tết âm lịch còn là thời điểm những lễ hội mùa xuân diễn ra sôi nổi, với vô vàn những hoạt động văn hóa đặc sắc. Hà Giang tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bao gồm: người H’Mong, người Dao, người Tày, người Pà Thẻn, người Lô Lô, người Phù Lá,… Mỗi dân tộc lại có một nề văn hóa riêng biệt, độc đáo và những lễ hội Hà Giang mùa xuân khác tại nơi địa đầu Tổ Quốc.

2.1. Lễ hội Gầu Tào

Đây là lễ hội mùa xuân ở Hà Giang đặc sắc nhất, đồng thời cũng lớn, quan trọng nhất của dân tộc H’Mong. Lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày, tuy nhiên cũng có những khi gộp 3 năm và được tổ chức 9 ngày liên tiếp. Lễ hội thường diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày mùng 1 đến ngày rằm tháng Giêng và từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa mà ít nơi nào có được. 

Lễ cúng hết sức giản đơn

Lễ hội Gầu Tào Hà Giang được tổ chức để để tạ ơn tổ tiên và thần linh đã phù hộ cho gia đình khỏe mạnh cho mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, cuộc sống đủ đầy, ấm no. Đặc biệt, lễ Gầu Tào còn là dịp họ cầu phúc cho gia đình nhân dịp đầu xuân năm mới, cầu cho gia đình làm ăn thuận lợi, may mắn và con cháu đầy đàn. Sau đó là các hoạt động vui chơi giải trí, nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Họ cùng nhau nhấp chén rượu ngô ấm nồng, ăn bữa cơm truyền thống, giao lưu với nhau qua những điệu kèn, điệu múa, những câu hát giao duyên tình tứ.

 

Họ giao lưu với nhau qua những điệu kèn, điệu múa, những câu hát giao duyên tình tứ

2.2. Lễ hội Lồng Tồng của người Tày

Nếu có cơ hội đến Hà Giang Tết âm lịch, đừng bỏ lỡ lễ hội Lồng Tồng của người Tày, diễn ra vào những ngày đầu tiên của tháng Giêng. Lễ hội diễn ra cầu mong về một năm mới sung túc, gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc.

Đến Hà Giang Tết âm lịch không thể bỏ lỡ lễ hội Lồng Tồng của người Tày

Đến với lễ hội, du khách sẽ được trải nghiệm, tận mắt chứng kiến những nghi thức độc đáo của người dân nơi đây, hay tham gia các trò chơi dân gian đặc trưng của người Tày như: kéo co, đẩy gậy thi càng ruộng và đặc biệt là "đặc sản" ném còn.

Thưởng thức giọng hát ngọt ngào của các chị các anh cùng tiếng đàn Tính Tẩu rộn ràng

Hay lắng nghe tiếng hát ngọt ngào, tình tứ của những chị, các cô, các chú vang vọng trong không gian, hòa vào cùng với tiếng chim râm ran gọi mời mùa xuân tới. Tiếng hát cùng tiếng đàn Tính Tẩu vui nhộn rộn ràng cất lên, dù không biết tiếng nhưng khiến ai ai cũng đu đưa theo nhịp ca.

2.3. Ngỡ ngàng trước lễ hội Cấp Sắc chỉ dành cho nam của người Dao

Người Dao quan niệm rằng, dù là trẻ em hay người lớn, nếu như chưa Cấp Sắc thì sẽ không thể nào được tham gia các lễ hội tại làng, bất kể to nhỏ ra sao, và sau khi chết không được đoàn tụ với tổ tiên. Do vậy, đây là một trong những lễ hộ hết sức quan trọng của người Dao. Lễ thường tổ chức vào thời gian rảnh rỗi, tuy nhiên, thường họ sẽ chọn làm lễ vào những ngày đầu năm mới.

 

Lễ hội Cấp Sắc đặc biệt quan trọng dành cho bất cứ nam thanh niên nào trong làng

Chẳng những là một nét văn hóa độc đáo tô điểm cho những lễ hội mùa xuân ở Hà Giang, lễ Cấp Sắc của người Dao còn là môt nét tín ngưỡng mang đầy tính giáo dục cần được bảo vệ và lưu giữ.

Bất cứ trai tráng từ lớn đến nhỏ, nếu chưa Cấp Sắc thì không thể tham gia các lễ hội của làng

2.4. Tết của người Lô Lô - Trải nghiệm có một không hai tại Hà Giang mùa xuân sang

Ăn Tết cùng người Lô Lô đã trở thành một trải nghiệm cực kì độc đáo, có một không hai khi ghé thăm Hà Giang Tết Âm lịch. Nếu muốn tận hưởng vị Tết khác, thì  tìm về ăn Tết cùng người Lô Lô tại Hà Giang, bạn sẽ được tận hưởng những giây phút an yên, những xúc cảm rất khác tại một nơi xa.

 

Nụ cười các chị người Lô Lô bừng trong nắng sớm, bên hoa cải vàng càng thêm rực rỡ

Chiều 30 Tết, tất cả các thành viên sẽ được tổ chức cúng sức khỏe, gọi hồn ông bà, tổ tiên về sum họp đón mừng năm mới, đàn ông cúng bằng gà mái, đàn bà cúng gà trống. Những đồ đạc của gia đình như cái cày, con dào, cái chổi cũng được niêm phong bằng giấy quét màu vàng để chúng được “nghỉ Tết” và con người không được chạm đến hay di chuyển nơi khác.

Đến Hà Giang Tết âm lịch nhất định phải ghé trải nghiệm Tết của người Lô Lô

Thanh niên nam nữ thì đi qua các nhà xin lộc bằng cách bẻ trộm vài ngọn rau, cành ngô, lấy trộm vài thanh củi đem về nhà. Khắp nơi hương khói, nhà nhà sáng tỏ, ngoài đường, đuốc sáng rực trời, trẻ em, người lớn đổ xô ra đường, chơi bên sân chờ gà gáy sáng.

Điểm đặc biệt của ngày Tết của người Lô Lô so với những dân tộc khác chính là, họ đón giao thừa bắt đầu từ tiếng gà gáy đầu tiên trong làng, bất kể gà nhà ai đi nữa. Sau khi thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, học sẽ cử người đi gáy nước, cho lợn ăn, khua động vật thức dậy, ầm ỉ, náo nhiệt cả làng bản.

 

Sắc màu sặc sỡ của những bộ váy cho dịp năm mới

Hà Giang vốn đẹp đến lạ lùng, từ cảnh sắc hùng vĩ của núi non, đến những mùa hoa ngập trời khi xuân sang, hay nết độc đáo, khác lạ của Tết người dân Tày, Lô Lô, H’Mong, những trò chơi dân gian, những món ẩm thực độc đáo, hay chỉ là sắc váy sặc sỡ của các chị, các cô cũng khiến bao người say mê. Nếu có cơ hội, hãy đến, tận Hà Giang Tết âm lịch, hưởng những giây phút năm mới rất riêng ở nơi đây.

Khám phá mảnh đất cao nguyên đá Hà Giang đầy hùng vĩ cùng PYS Travel

Tour Hà Giang 3 ngày 2 đêm từ Hà Nội

Tour Hà Giang 4 ngày 3 đêm từ TP.HCM

Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây

Đăng Ký Nhận Ưu Đãi

Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn