Lên Hà Giang những ngày năm mới, ngắm hoa mận trắng, ngắm hoa đào hồng, thổn thức, đắm mình trong thiên nhiên tươi đẹp, đầy sức sống. Nhưng... cũng chớ quên "thưởng thức" trọn vẹn những lễ hội mùa xuân ở Hà Giang vô cùng đặc sắc mà chẳng nơi nào có này.
Tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nào người H'Mông, người Dao, người Tày, dân tộc Pà Thẻn, Lô Lô, Pu Péo, Phù Lá...Mỗi dân tộc lại có một nền văn hoá riêng biệt, độc đáo mang đậm nét đặc trưng vùng núi Đông Bắc. Bởi vậy lên với cao nguyên đá này những ngày xuân, năm mới bạn vừa có cơ hội được chiêm ngưỡng, đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp lại vừa được "thưởng thức" những lễ hội mùa xuân ở Hà Giang vô cùng đặc sắc.
Lễ Gầu Tào là một trong những lễ hội lớn và quan trọng nhất của người Mông ở Hà Giang những Tết đến, xuân về. Lễ Gầu Tào chẳng biết từ bao giờ, chỉ biết rằng trải qua bao nhiêu năm lịch sử, nó vẫn được lưu truyền và giữ được nguyên đó nét đặc sắc và độc đáo riêng có của đồng bào dân tộc Mông. Lễ Gầu Tào đầu năm là một nghi lễ không thể thiếu của bà con vùng cao nơi này, hội thường được tổ chức hàng năm diễn ra trong 3 ngày, cũng có khi được tổ chức gộp 3 năm một lần và được tổ chức liên tiếp trong 9 ngày. Lễ hội thường diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày mùng 1 đến ngày rằm tháng Giêng và từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa mà ít nơi nào có được.
Treo cây Nêu trong ngày lễ Gầu Tào. Ảnh: Sưu tầm
Nếu có cơ hội lên Hà Giang dịp lễ hội mùa xuân, bạn có thể sẽ thấy hình ảnh những cây nêu cao được treo chùm ngô, chùm thóc và được dựng trên ngọn đồi hay những mô đất cao thì đây chính là dấu hiệu của gia chủ, rằng họ làm lễ Gầu Tào.
Họ làm lễ cúng tổ tiên để tạ tơ tổ tiên và thần linh đã phù hộ cho gia đình khỏe mạnh cho mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, cuộc sống đủ đầy, ấm no. Đặc biệt, lễ Gầu Tào còn là dịp họ cầu phúc cho gia đình nhân dịp đầu xuân năm mới, cầu cho gia đình làm ăn thuận lợi, may mắn và con cháu đầy đàn.
Trải nghiệm nhiều văn hóa đặc sắc khi đến Hà Giang dịp đầu năm. Ảnh: Sưu tầm
Trong truyền thống của người Mông, lễ Gầu Tào sẽ gồm 2 phần. Phần lễ với các nghi lễ cúng bái trang trọng để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, tạ ơn với thần linh và cầu phúc cho gia đình. Gia chủ sẽ phải chuẩn bị một mâm cơm lễ với đầy đủ 3 món thịt, rượu và bánh ngô, ngoài ra còn có giấy tiền, thóc ...và món xôi ngũ sắc - đặc sản của nơi vùng cao Việt Nam này.
Cùng nhau chơi các trò chơi dân gian truyền thống. Ảnh: Sưu tầm
Phần hội với những hoạt động vui chơi, giải trí. Là dịp cho họ nghỉ ngơi sau một năm dài hăng say lao động. Họ giao lưu với nhau bằng điệu khèn, điệu múa và những câu hát giao duyên truyền thống. Cùng nhau nhâm nhi chén rượu ngô ấm nồng, thưởng thức những món ăn đặc sản, cười nói kể chuyện râm ran, gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp cho năm mới. Đặc biệt, thu hút nhất sự quan tâm của mọi người và khách du lịch là phần trò chơi dân gian đầy thú vị hòa lẫn trong váy áo rực rỡ của những chàng trai, cô gái đi chơi hội.
Giao lưu điệu khèn, câu hát. Ảnh: Sưu tầm
Sau những ngày lễ vui chơi thỏa thích, lễ Gầu Tào kết thúc, thầy cúng sẽ thay mặt gia chủ tạ ơn tổ tiên, trời đất và xin phép hạ cây nêu, đốt giấy sớ, đem bầu rượu buộc trên ngọn nêu tưới khắp các hướng của đồi núi.
Giờ đây, lễ Gầu Tào không chỉ đơn giản là một nghi thức tâm linh vô cùng đặc sắc và quan trọng của người Mông trong lễ hội mùa xuân ở Hà Giang mà còn là một nét văn hóa cần được lưu giữ và bảo tồn.
Nếu như người Mông có lễ Gầu Tào truyền thống thì Lễ Lồng Tồng của người Tày cũng là một hoạt động được người dân và săn đón nhiều nhất. Thường được tổ chức vào những ngày đầu tiên của tháng Giêng, người Tày tổ chức lễ Lồng Tồng với ước mong về một năm mới sung túc, cuộc sống đủ đầy, gia đình ấm no hạnh phúc.
Lễ hội Lồng Tồng là một trong những lễ hội truyền thống đặc trưng của người Tày. Ảnh: Sưu tầm
Trong quan niệm của người Tày, lúa thóc có đầy bồ, thời tiết thuận hòa, chăn nuôi có thuận lợi là do có các vị thần bảo vệ và phù hộ. Vì vậy, trong các nghi thức cúng lễ Lồng Tồng họ sẽ chọn ra vị thầy cúng giỏi và được mọi người tin tưởng để đọc các bài khấn và thay mặt gia chủ cầu các vị thần, cầu thần Nông bảo vệ ruộng đồng cho mùa màng bội thu, cầu thần Suối cho mưa thuận gió hòa, cầu thần Núi, tổ tiên cho sức khỏe và bình yên của gia chủ và cả một bản làng.
Lễ vật cúng và tạ ơn tổ tiên, thần linh. Ảnh: Sưu tầm
Đặc sắc không kém gì lễ Gầu Tào, hoàn thành nghi thức lễ, họ cũng đổ ra trung tâm của lễ hội để liên hoan vui mừng. Là nét đặc sắc trong điệu hát then, hát cọi của những chàng trai cô gái đi du xuân. Là những tiết mục văn nghệ đặc sắc, là sắc hoa, sắc váy áo rực rỡ của bà con dân tộc ngày Tết về.
Những trái còn đầy sắc màu của người Tày. Ảnh: Sưu tầm
Không thể thiếu trong các hoạt động lễ hội mùa xuân ở Hà Giang, lễ Lồng Tồng còn có rất nhiều các trò chơi dân gian truyền thống nào kéo co, đẩy gậy thi càng ruộng và đặc biệt là "đặc sản" ném còn - thứ trò chơi vô cùng ý nghĩa và đặc sắc trong quan niệm của người Tày
Những quả còn nhỏ xinh với nhiều tua rua có màu sắc sặc sỡ được tung lên trời hướng tới tâm của vòng tròn được dán giấy hồng 2 mặt uốn trên đỉnh cây mai cao khoảng 25m dựng giữa mảnh ruộng. Ảnh: Sưu tầm
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Ảnh: Sưu tầm
Trong văn hóa của người Tày thì nếu ngày năm mới nếu vòng trong được ném trúng thì có nghĩa là mang lại một năm mới thật may mắn, đủ đầy và ấm no cho tất cả người dân trong bản. Và...tất nhiên người nào ném lọt được quả còn qua vòng tròn đó thì sẽ là người may mắn và hạnh phúc nhất trong năm.
Lễ Lập Tịnh hay còn gọi là lễ Cấp Sắc là một trong những nghi lễ truyền thống vô cùng độc đáo của người Dao. Khá giống với nghi thức thành đinh của một số các dân tộc thiểu số khác, lễ Lập Tịnh là lễ chỉ dành cho nam giới trong bản và mang một ý nghĩa đặc biệt trong quan niệm của người Dao. Lễ Lập Tịnh thường được tổ chức vào thời gian rảnh rỗi, ví dụ gia chủ thường chọn vào những ngày tháng 11, tháng 12 hoặc chọn làm lễ vào đầu năm mới.
Nghi lễ Lập Tịnh trong phong tục của người Dao. Ảnh: Photo Tour PYS Travel
Trải qua bao nhiêu năm lịch sử nhưng những nghi lễ vẫn còn nguyên vẹn, thể hiện được đời sống tâm linh của người Dao nói riêng và nét độc đáo trong văn hóa của người dân Hà Giang nói chung. Người Dao quan niệm rằng, người con trai trong nhà phải trải qua lễ cấp sắc thì mới trưởng thành mới đích thực là con cháu Bàn Vương và quan trọng khi chết đi hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Người nào mà chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù có ở tuổi nào thì cũng vẫn là trẻ con và không được tham gia vào các nghi lễ quan trong làng.
Thầy cúng làm nghi lễ mời gia tiên về dự. Ảnh: Photo Tour PYS Travel
Bởi là một tín ngưỡng vô cùng quan trọng trong quan niệm truyền thống của người Dao, vì vậy những nghi lễ trước, trong và sau của lễ cấp sắc cũng rất được chú trọng và chuẩn bị kĩ càng.
Theo truyền thống, gia đình nào quyết định làm lễ cho con trai trong nhà sẽ phải lựa ngày tốt xin gặp thầy cúng để xem tuổi có được ngày làm lễ. Rồi sau đó trong 20 ngày liên tiếp về nhà xem chân giò, nếu chân giò đẹp, tức là làm được bởi thần linh đã đồng ý.
Nam giới người Dao phải trải qua nghi lễ này mới được công nhận là đã trưởng thành. Ảnh: Photo Tour PYS Travel
Trong lễ cấp sắc, người con trai thụ lễ sẽ được thầy cúng cấp cho đạo sắc, một tên âm và được giáo huấn về lẽ phải trái ở đời. Họ sẽ phải lập lời thề sống đứng đắn, hướng tới việc thiện và tuyệt đối không làm việc ác dưới sự chứng kiến của tổ tiên và các quan âm binh.
Chẳng những là một nét văn hóa độc đáo tô điểm cho những lễ hội mùa xuân ở Hà Giang, lễ Lập Tịnh của người Dao còn là môt nét tín ngưỡng mang đầy tính giáo dục cần được bảo vệ và lưu giữ.
Tuy là một dân tộc thiểu số có dân số ít nhất của Việt Nam, người Lô Lô sống xen kẽ lâu đời với các dân tộc khác nhưng bản sắc văn hóa độc đáo của người Lô Lô trải qua bằng ấy năm lịch vẫn còn nguyên đó nét truyền thống mà không ở đâu có được.
Xuân về trên bản (Ảnh: Việt Quốc Hoàng)
Nếu bạn đang tìm về một chốn an yên, nơi không có tiếng còi xe inh ỏi, không có bộn về công việc. Nếu bạn đang "chán" vị Tết thành thị và muốn tìm lại dư vị Tết ngày xưa thì hãy về Hà Giang trải nghiệm Tết truyền thống của người Lô Lô một lần.
Từ hôm 28 – 29 tháng Chạp, mọi nhà đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ để chuẩn bị đón tài lộc năm mới. Họ hoàn thành hết mọi công việc đến trước đêm 30 Tết và "phong” cho tất cả những công cụ lao động. Từ những cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, hay chuồng trại…đều được dán giấy màu đỏ, màu vàng và được người dân làm lễ cúng với xôi, thịt, rượu.
Du khách có cơ hội được thử mặc trang phục dân tộc người Lô Lô. Ảnh: Sưu tầm
Không sáng bừng lung linh những ánh đèn như ở trên phố, là không khí ấp áp, những ánh đèn đỏ đèn vàng mờ mờ trong màn đêm nơi bản làng. Tết của người Lô Lô đơn giản chỉ là bữa cơm quây quần, sum họp của cả nhà. Chẳng có đêm giao thừa với pháo hoa rực rỡ, họ chỉ đơn giản quan niệm rằng tiếng gà gáy đầu tiên là dấu hiệu của một năm mới bắt đầu. Mộc mạc và giản dị nhưng Tết của người Lô Lô vẫn đầy sức sống và hấp dẫn.
Sắm sửa trang phục ngày Tết. Ảnh: Sưu tầm
Tiếng nói tiếng cười, tiếng râm ran nói chuyện của chờ tiếng gà gáy. Ông bà, bố mẹ thì quây quần bên nhau quanh mâm cỗ Tết, cạn chén rượu ngô nồng, thanh niên, trẻ con trong bản thì thi nhau đổ ra các ngả đường. Đợi khi thời khắc năm mới chuyển giao, họ chúc nhau những lời tốt đẹp, với ước mong về một năm sung túc, đủ đầy. Các chàng trai, thiếu nữ thì xin lộc bằng cách “lấy trộm” vài thanh củi, mấy ngọn rau hay vài cành ngô khô của các nhà khác để đem về nhà.
Về Hà Giang tháng 3 đắm say trong sắc hoa đào nở muộn trên cao nguyên đá, bạn còn có cơ hội được tham gia phiên chợ tình Khâu Vai (hay còn gọi là chợ Phong Lưu) đầy sắc màu và nổi tiếng duy nhất trên đời. Chợ tình Khâu Vai truyền thống của Hà Giang tổ chức một năm một lần vào ngày 27/3 âm lịch. Phiên chợ với lịch sử lâu đời mang một giá trị nhân văn sâu sắc trong đời sống tinh thần của người dân là chốn về cho "người cũ" gặp nhau.
Chợ tình Khâu Vai – Điểm hẹn cho những "người cũ" tìm về. Ảnh: Sưu tầm
Người dân cho biết Khâu Vai có nghĩa là song mây, ý chỉ về tình cảm của đôi trai gái gắn bó, quấn quýt như cây song, cây mây trên các ngọn núi quanh vùng. Phiên chợ bắt nguồn từ sự tích lãng mạn của câu chuyện tình giữa nàng Út và chàng Ba yêu nhau say đắm nhưng không lấy được nhau vì đường đời trắc trở.
Chợ tình Khâu Vai trở thành một nét đặc sắc không thể thiếu ở Hà Giang được bao người săn đón. Ảnh: Sưu tầm
Năm nào cũng thế, những chàng trai, cô gái yêu nhau mà không lấy được nhau thì hẹn gặp ở Chợ tình để tâm sự về cuộc sống riêng của mỗi người, để ôn lại những tình cảm thuở nào, thể hiện cảm xúc nhớ nhung, nghẹn ngào và quyến luyến. Có đôi vợ chồng cùng nhau đi phiên chợ Khâu Vai để gặp lại người xưa mà không chút ghen tuông, đến nơi vợ tìm bạn vợ, chồng tìm bạn chồng để mà trò chuyện, chia sẻ để hỏi xem bây giờ có khỏe không, có hạnh phúc không, con lợn, con gà năm nay nuôi như thế nào thôi...
Phiên chợ giao duyên, gắn kết đôi lứa vùng cao. Ảnh: Sưu tầm
Rồi lâu dần, phiên chợ không chỉ còn là nơi gặp mặt của những người từng yêu nhau mà không đến được với nhau mà còn là nơi hội tụ của những đôi trai gái tìm bạn tình, của đôi lứa yêu nhau hay đơn giản chỉ là gặp bạn bè để cùng nhau uống chén rượu sau những mùa nương rẫy...Cả phiên chợ rực rỡ trong sắc váy áo của nườm nượp đoàn người. Là tiếng nói cười, tiếng kể chuyện râm ran, là tiếng khèn, điệu hát trầm bổng hay những câu hát đối đáp tình tứ của những chàng trai, cô gái người dân tộc.
Hà Giang Hà Giang vốn dĩ mùa nào cũng đẹp nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là Hà Giang những ngày xuân. Thiên nhiên đua nhau khoe sắc, hoa đào, hoa mận, hoa lê nở rợp trời, sắc rực rỡ trong váy áo thổ cẩm của bà con vùng cao và trong không khí tưng bừng hân hoan, háo hức của những lễ hội mùa xuân ở Hà Giang.
Khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của Hà Giang cùng PYS Travel
Tour du lịch Hà Giang từ Hà Nội (3 ngày 2 đêm)
Tour du lịch Hà Giang từ TP.HCM (4 ngày 3 đêm)
Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn