Miền đất của sương sớm mù giăng, của thơm nồng men rượu ngô lúy túy, của bạt ngàn trắng muốt sắc mận tam hoa, của những chợ phiên khi chưa xa đã nhớ… xứ sở non cao điểm tô những nét quyến rũ đến kỳ lạ ấy là Bắc Hà, một điểm đến lạ quen – quen lạ trong sổ tay kẻ lữ hành miền xuôi.
Một cung đường ở Bắc Hà.
Vòng cung Đông – Tây Bắc luôn là một hành trình hấp dẫn không chỉ bởi những thử thách từ cung đường núi “lật bánh tráng – đổ bánh xèo” ở tứ đại đỉnh đèo, để rồi thăng hoa với cảm giác chinh phục, mà ở các mùa trong năm, mỗi thời khắc lại định hình nên những cung khám phá mới như rong ruổi theo mùa hoa tam giác mạch, theo dấu trà cổ thụ, lên miền cao nguyên đá, đi dọc Hoàng Liên Sơn… Còn với những hành trình ngắn ngày, nếu chọn khởi hành dịp cuối tuần, cung đường Bắc Hà – Si Ma Cai sẽ là một trong những điểm đến để có thể chạm vào những nét duyên khác lạ của miền non cao sơn cước xa xôi.Cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 300km, thị trấn Bắc Hà nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, phía bắc giáp huyện Si Ma Cai (Lào Cai), phía nam giáp huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, phía đông giáp huyện Xín Mần (Hà Giang), phía tây giáp huyện Mường Khương. Không quá sầm uất như ở Sa Pa, cũng không quá hoang sơ và vắng lặng như ở Tà Xua; Bắc Hà là vừa đủ cho những tín đồ ưa xê dịch muốn tìm kiếm một địa điểm nằm ở giữa những tiêu chí trên, vừa đủ dịch vụ để nghỉ ngơi lại vừa đủ tự nhiên để khám phá.
Trong thị trấn Bắc Hà có khá nhiều nhà nghỉ với giá dao động từ khoảng 300.000 – 500.000 đồng/ngày. Điểm đặc biệt là đa phần các nhà nghỉ ở đây đều không có điều hòa vì khí hậu ở Bắc Hà rất mát mẻ. Các bạn nên chọn những nhà nghỉ nằm ở gần khu chợ văn hóa của thị trấn để tiện cho việc tham quan và khám phá ẩm thực, văn hóa ở thị trấn. Và đặc biệt hơn nữa, du khách còn có thể đặt phòng nghỉ tại dinh vua Mèo Hoàng A Tưởng (xây dựng từ năm 1921) với giá 500.000 đồng/ngày cho 2 người.
Ở khắp vùng Đông – Tây Bắc, có hai ông “vua Mèo” nổi danh là Vương Chí Sình (Hà Giang) và Hoàng A Tưởng (Bắc Hà), cả hai đều có những dinh cơ bề thế, hoành tráng, nhưng trong giới lữ hành khám phá, dinh thự vị vua họ Vương ở thung lũng Sà Phìn quen thuộc hơn.Tọa lạc trên cung đường từ Bắc Hà vào Si Ma Cai, dinh thự Hoàng A Tưởng dễ khiến lữ khách bất ngờ ngay khi nhìn thấy nó, bởi thật khó để hình dung ở một nơi xa xôi lại xuất hiện công trình kiến trúc mang phong cách đậm dấu ấn Tây Âu, với độ bề thế vào bậc nhất toàn vùng Đông – Tây Bắc đến vậy.Để phô trương thanh thế gia phong, vua Mèo Hoàng A Tưởng đã tạo nên công trình kiến trúc đặc biệt, ông thuê 2 kiến trúc sư Pháp và Trung Quốc thiết kế bản vẽ và giám sát thi công. Dinh thự là sự kết hợp giữa thuật phong thuỷ Á Đông trong cách chọn vị trí xây dựng và kiến trúc Tây Âu kiểu thuộc địa trong các chi tiết trang trí.Công trình xây dựng năm 1914 và hoàn thiện 1921 với tổng thể rộng đến 10.000 mét vuông. So với các công trình bề thế khác của người miền cao thường sử dụng chất liệu gỗ là chủ đạo, dựng nhà sàn, riêng dinh thự Hoàng A Tưởng được thiết kế hoàn toàn bằng các vật liệu bền vững như xi măng, sắt thép… mang các công năng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, ăn ở của Hoàng A Tưởng, gia đình và đội quân bảo vệ, để lại cho cả miền cao Tây Bắc hôm nay một di sản kiến trúc đáng để tìm hiểu và khám phá.
Chợ phiên Bắc Hà
Du khách nên tới Bắc Hà vào ngày có chợ phiên để khám phá những nét văn hóa và sản phẩm đặc trưng của Bắc Hà. Chợ phiên Bắc Hà chỉ họp duy nhất vào ngày chủ nhật hàng tuần. Đây là phiên chợ quê độc đáo, thuộc hàng quy mô và nổi tiếng nhất vùng biên ải. Đó là chợ phiên Bắc Hà, từng được tạp chí du lịch Serendib xếp hạng 1 trong 10 phiên chợ nổi tiếng nhất Đông Nam Á.Bao lâu nay, phiên chợ Bắc Hà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống với những nếp sinh hoạt và phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, chưa bị pha tạp trong xu hướng thương mại hóa của lối sống hiện đại. Vì vậy, du lịch chợ phiên Bắc Hà mang đến cho du khách cảm giác mộc mạc, nguyên sơ của núi rừng, sự gần gũi, dân dã và dễ mến của con người vùng cao bên những sắc áo hoa thổ cẩm.Dù bận rộn đến đâu, người Bắc Hà cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Tày, Nùng, Giáy, Dao, Lô Lô... từ các bản làng xa gần cũng không quên tề tựu về tham dự chợ phiên mỗi sáng chủ nhật hàng tuần ở trung tâm huyện. Với họ, chợ phiên Bắc Hà không chỉ đơn giản là nơi trao đổi, mua bán hàng hoá mà còn là dịp gặp gỡ, kết bạn, giao duyên, chia sẻ tâm tình.
Bản phố
Vườn hoa oải hương Bắc Hà
Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn