Mùa thu này, Hà Giang là một lựa chọn lí tưởng cho hành trình khám phá du lịch của rất nhiều bạn trẻ. Thế nhưng cũng không ít người đến Hà Giang mà chỉ biết tới hoa Tam giác mạch hay dinh thự họ Vương mà bỏ sót một phố cổ Hội An nhỏ giữa lòng Hà Giang; họ không biết rằng mình đã để lỡ những sản vật kiến trúc và văn hóa đáng đáng trân trọng của người dân Hà Giang.
Phố cổ Đồng Văn nằm trên địa bàn thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn. Thị trấn này nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc xung quanh.
Những ngôi nhà mang nét cổ kính, đâu đó theo kiến trúc Trung Hoa, Ảnh: PYS Travel
Khu phố cổ được hình thành từ đầu thế kỷ 20 với vỏn vẹn vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống, dần dần có thêm nhiều cư dân địa phương khác tìm đến. Nhìn tổng thể, khu phố cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng trình tường, lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng đỏ cao cao...
Ngôi nhà hai tầng trình tường lợp ngói âm dương - Ảnh: PYS Travel
Mỗi buổi sáng khi bình minh ló rạng, cả khu phố cổ được chiếu rọi bởi màu vàng rực của nắng kết hợp với màu xám của những ngôi nhà cổ khiến cho bạn như đắm mình vào khung cảnh của những năm đầu của thế kỉ 20. Không gian im lìm trong sương sớm như được ánh sáng ban mai, âm thanh náo nhiệt đánh thức. Và đó đây, nhộn nhịp những sắc màu rực rỡ trong trang phục của đồng bào người Mông, Hoa, Ráy, Tày, Nùng đi thảy chợ …
Ngồi trên tầng hai, ngước mắt lên bầu trời cao vời vợi để tận hưởng sự bình yên - Ảnh: PYS Travel
Còn khi hoàng hôn buông xuống, sự yên ả, thanh bình lại bao trùm khu phố cổ tạo nên một vẻ tịch mịch, tĩnh lặng như cảnh những con phố trong một bộ phim điện ảnh Trung Quốc những năm 90 ta thường thấy. Đêm đến, trong ánh sáng lờ mờ từ những chiếc đèn lồng, đâu đó lại phát ra âm thanh quen thuộc của tiếng kèn môi của các chàng trai Mông gọi bạn tình. Vào những đêm cuối tuần, không gian trong các quán chợ lại rộn ràng hơn với những bài hát dân ca, điệu múa giao duyên của các chàng trai, cô gái từ các bản tập trung về đây.
Một chút tình, một chút say - Ảnh: PYS Travel
Những năm 1880, khi chiếm đóng khu vực này, người Pháp đã có những quy hoạch và để lại những điểm nhấn quan trọng về kiến trúc, đặc biệt là chợ Đồng Văn, là một công trình được xây bằng đá trong những năm 1920 gần như còn nguyên vẹn đến ngày nay.
Phiên chợ miền cao náo nhiệt và rộn rã - Ảnh: PYS Travel
Nếu nhìn từ trên cao xuống, ba dãy của khu chợ Đồng Văn xếp thành hình chữ U lợp ngói âm dương, đằng sau là hai dãy phố cổ chạy vào chân núi. Một khu dân cư chủ yếu là người Tày với hàng chục ngôi nhà cũ dựng bởi những người thợ ở Tứ Xuyên sang làm thuê và được xem như một phần quan trọng của phố cổ Đồng Văn. Khu vực này hiện nay còn khoảng trên dưới 40 ngôi nhà cổ có tuổi đời trên dưới 100 năm, cá biệt có những ngôi nhà gần 200 năm như nhà ông Lương Huy Ngò, người Tày và được xây dựng từ khoảng năm 1860.
Khu chợ là nơi buôn bán, trao đổi của người dân nơi đây - Ảnh: PYS Travel
Những món ăn đặc sản vùng cao dễ dàng được tìm thấy trong những phiên chợ nhỏ - Ảnh: NAG Cao Anh Tuấn
Ở khu chợ Đồng Văn có nhiều nhà cổ kiểu ống để tận dụng mặt tiền giống như những ngôi nhà ở phố cổ Hà Nội. Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức 3 "đêm phố cổ" vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch hàng tháng. Theo đó các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ, một số hoạt động như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn và bán các món ăn truyền thống của các dân tộc với kỳ vọng thu hút khách du lịch theo kiểu một phố cổ Hội An.
Những sản phẩm đa dạng sắc màu đặc trưng của những con người vùng núi - Ảnh: PYS Travel
Chợ Đồng Văn không chỉ là nơi giao thương của đồng bào các dân tộc trong vùng, mà hơn thế nữa, vào các phiên chợ, nơi đây như đang tổ chức lễ hội. Từ những thiếu nữ Mông đến đồng bào Pu Péo, Lô Lô, … xúng xính trong các bộ trang phục truyền thống xuống chợ chơi, kết bạn, mua sắm và trao đổi hàng hóa. Nét giao thoa tinh tế, độc đáo của kiến trúc Việt– Hoa được xây dựng trong khoảng từ những năm 1925 – 1928, khu chợ Đồng Văn như một nét vẽ đẹp và ấn tượng trong lòng cao nguyên. Và...nếu có cơ hội tới Hà Giang ghé thăm khu chợ thưởng thức cho bằng hết những đặc sản nổi tiếng của vùng cao nguyên đá này.
Ở Hà Nội, mỗi buổi chiều thư thái hay mỗi cuối tuần, chúng ta thường vi vu, lang thang nơi phố cổ, ghé vào một quán cà phê nào đó nhấm nháp một ly thưởng thức ngày cuối tuần, ấy cái đó nó đã thành hương vị quen thuộc khó bỏ rồi. Lên Hà Giang, và nhất là lại đi thăm phố cổ Đồng Văn thì cũng có một địa chỉ nhâm nhi cà phê cho bạn đó là "Cà phê Phố cổ", cái quán nhỏ níu chân tất cả những ai bước chân vào!
Thưởng thức cafe sáng cũng là một trải nghiệm đáng nhớ khi đến Hà Giang - Ảnh: NAG Cao Anh Tuấn
Những nét cổ xưa nơi góc phố cổ - Ảnh: PYS Travel
Là một trong số ít những ngôi nhà cổ vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ trong khu phố cổ Đồng Văn đang xuống cấp nghiêm trọng, “Cà phê Phố cổ” giống như một điểm sáng mời gọi, càng đúng hơn với chức năng quán xá mà nó đang giữ. Đây vốn là nhà của một địa chủ họ Lương người Tày, rất có thế lực ở vùng Đồng Văn khi xưa. Ngôi nhà ngót trăm năm này cũng trải qua nhiều thăng trầm cùng khu phố cổ, và may mắn là vẫn còn gần như nguyên vẹn.
Ngôi nhà được cải biến thành quán cafe "hot" nhất nơi phố cổ - Ảnh: PYS Travel
Được trang trí bằng rất nhiều những chiếc đèn lồng đỏ, vừa cổ kính nhưng cũng có nét đẹp rất riêng - Ảnh: PYS Travel
Về quy mô, ngôi nhà khá lớn so với các ngôi nhà khác cùng thời ở Đồng Văn, với mặt tiền rộng, nhiều lớp nhà và có sân trong. Kiến trúc công trình có nét giống với Dinh họ Vương của vua Mèo Vương Chính Đức ở thung lũng Sà Phìn, chịu ảnh hưởng của kiến trúc nhà Thanh (Trung Quốc) với nhiều lớp nhà theo nguyên tắc ngoài thấp trong cao, có sân trong, bố cục bốn phía khép kín và hướng vào sân chính.
Khám phá mảnh đất cao nguyên đá Hà Giang đầy hùng vĩ cùng PYS Travel
Tour Hà Giang 3 ngày 2 đêm từ Hà Nội
Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn