Lễ hội đền Cửa Ông đưa du khách đắm chìm vào không gian linh thiêng, khám phá giá trị văn hóa thời Trần. Cùng PYS Travel tìm hiểu chi tiết về lễ hội này nhé!
Lễ hội đền Cửa Ông là một di sản văn hóa độc đáo của Quảng Ninh, không chỉ là dịp tri ân các danh tướng thời Trần mà còn tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Trong bài viết này PYS Travel sẽ cung cấp các thông tin chi tiết từ thời gian, địa điểm tổ chức, ý nghĩa tâm linh đến những lưu ý khi tham gia lễ đền Cửa Ông để du khách có hành trình tham quan trải nghiệm lễ hội trọn vẹn và ý nghĩa nhất!
Đền Cửa Ông tọa lạc trên đồi khu 9A, phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng 40km. Đền nằm trên một ngọn đồi cao khoảng 100m với tầm nhìn bao quát vịnh Bái Tử Long, hai bên có hai ngọn đồi nhỏ hộ vệ, phù hợp với quy tắc “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”, sau lưng là dãy núi xanh chạy dài qua Cẩm Phả, Mông Dương. Nơi đây có sự hòa quyện giữa núi non, rừng, biển tạo nên cảnh quan hữu tình, hùng tráng nhưng cũng đầy trang nghiêm, tĩnh mịch.
Lễ hội đền Cửa Ông diễn ra hàng năm tại Quảng Ninh (Ảnh: quangninh.gov.vn)
Năm 2018, đền Cửa Ông được Thủ tướng chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông gồm: Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ và Đền Cặp Tiên. Trong đó:
- Đền Hạ: Gồm đền Mẫu và đền Trung Thiên Long Mẫu;
- Đền Trung: Thờ Khâm Sai Đông Đạo Tiết Chế Hoàng Cần và Sơn thần, Thủy thần;
- Đền Thượng: Gồm đền Thượng, đền Quan Chánh, đền Quan Châu, chùa và lăng mộ Trần Quốc Tảng. Truyền rằng Hưng Nhượng Đại Vương đã hiển thánh tại đây, dân gian đã lưu truyền và lập đền thờ tự.
- Đền Cặp Tiên: Thờ một vị tiểu thư - con gái Trần Quốc Tảng (còn gọi là “Cô bé Cửa Suốt”), quan Chánh, các vị nhân thần, Phật, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu và Tiên Thiên Thánh Mẫu.
Lễ hội đền Cửa Ông là một trong những lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 3 - 4/2 âm lịch và mùng 3 - 4/8 âm lịch. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức, cuộc đời và sự nghiệp của Đức Ông Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, cùng các tướng lĩnh nhà Trần đã có công đánh giặc, bảo vệ vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Lễ hội đền Cửa Ông diễn ra vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch (Ảnh: Sưu tầm)
Lễ hội Đền Cửa Ông không chỉ tôn vinh giá trị lịch sử mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh và văn hóa của cộng đồng địa phương. Đồng thời, lễ hội còn là điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách thập phương tham gia các hoạt động tâm linh đầy ý nghĩa.
Lễ hội Đền Cửa Ông được tổ chức nhằm tri ân và tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, con trai thứ ba của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ông là người có công lớn trong việc bảo vệ biên cương quốc gia, đặc biệt là tại Cửa Suốt, một trong những vị trí chiến lược quan trọng ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Để ghi nhớ công lao to lớn của ông, người dân đã xây dựng Đền Cửa Ông, nơi hàng năm tổ chức lễ hội để tụ họp, tưởng nhớ và tôn vinh vị anh hùng này.
Lễ hội đền Cửa Ông tri ân vị anh hùng dân (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Trải qua những biến cố lịch sử và thăng trầm của hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Lễ hội Đền Cửa Ông từng bị gián đoạn trong một thời gian dài. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, lễ hội đã ngừng tổ chức và dần mai một. Đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân cùng sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, lễ hội được khôi phục vào năm 1996 và tổ chức bài bản, quy mô hơn vào năm 2002.
Lễ hội Đền Cửa Ông không chỉ là dịp tái hiện lịch sử hào hùng và công lao to lớn của các bậc "khai quốc công thần", người anh hùng dân tộc thời Trần - Trần Quốc Tảng, những người đã có đóng góp quan trọng đối với dân tộc và đất nước, mà còn là cơ hội để mỗi người dân thể hiện sâu sắc đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".
Lễ hội mang thông điệp cầu mong cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc, đồng thời khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng nhân ái, và trách nhiệm của mỗi công dân đối với quê hương, đất nước. Đây là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử và những phẩm chất tốt đẹp của cộng đồng.
Lễ hội đền Cửa Ông mang ý nghĩa đặc biệt với người dân Quảng Ninh nói riêng (Ảnh: Sưu tầm)
Lễ hội Đền Cửa Ông đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa tâm linh của người Quảng Ninh, không chỉ giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo cơ hội để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử và di sản dân tộc.
Tham khảo ngay tour lễ hội đền Cửa Ông của PYS Travel:
Tour Đền Cửa Ông - Chùa Cái Bầu - Chùa Ba Vàng 1 ngày từ Hà Nội - Du Xuân 2025
Phần lễ đền Cửa Ông được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, tuân thủ đầy đủ các nghi thức truyền thống. Các nghi lễ chính bao gồm: lễ dâng hương xin rước kiệu, lễ rước kiệu Đức Ông và các nhân thần vi hành, lễ khai mạc và tế tại Đền Thượng, cùng lễ dâng hương tại Đền Mẫu và Đền Trung Thiên Long Mẫu. Đặc biệt, lễ rước tượng Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng bắt đầu từ Đền Thượng, đi qua dãy phố chính của phường Cửa Ông, tiếp theo là hành trình theo đường bao biển (bến tàu xưa), dừng chân tại khu vực Đền Hạ, trước khi hoàn cung trở về Đền Thượng, tạo nên một hành trình thiêng liêng và đầy ý nghĩa. Sau lễ rước là nghi thức tế lễ, dâng hương cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Phần lễ đền Cửa Ông (Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam)
Phần hội đền Cửa ông được tổ chức ở khu vực đền Thượng và đền Hạ trong khuôn viên đền Cửa Ông, với các trò chơi dân gian như: Thi bày mâm quả; Hội thi kéo co nam, nữ; hội thi đẩy gậy; thi đấu cờ người và cờ bỏi; trò chơi bịt mắt đập bóng, bịt mắt đánh trống; thi chọi gà; hội thi tổ tôm điếm; trưng bày ảnh nghệ thuật; thi đua thuyền rồng. Trong đó, đua thuyền rồng không chỉ mang ý nghĩa gắn bó với đời sống sông nước mà còn tượng trưng cho tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm và ước vọng một năm may mắn, thuận buồm xuôi gió.
Mỗi trò chơi dân gian đều mang nét độc đáo riêng, thu hút du khách không chỉ tham gia giải trí mà còn trải nghiệm những giá trị văn hóa, phản ánh quan niệm sống của người Việt: cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, đồng thời khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó của cộng đồng, dân tộc.
Phần hội đền Cửa Ông (Ảnh: quangninh.gov.vn)
>>Xem thêm: Du lịch chùa Ba Vàng Quảng Ninh - Hành trình tìm về miền đất Phật
Nếu du khách dự định thăm và dâng hương tại Đền Cửa Ông, hãy chọn những thời điểm sau để tận hưởng trọn vẹn không gian văn hóa và lịch sử đặc sắc nơi đây:
- Chính hội: Diễn ra từ ngày 3/2 đến 4/2 âm lịch hoặc từ ngày 3/8 đến 4/8 âm lịch, chính hội là dịp lý tưởng để trải nghiệm không khí lễ hội sôi động với nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng độc đáo. Đặc biệt, khoảng thời gian từ ngày 3/2 đến 4/2 âm lịch, khi tiết trời mát mẻ, dễ chịu và ít mưa, là thời điểm lý tưởng để du xuân đầu năm, hòa mình vào không khí lễ hội truyền thống.
- Ngày mùng 1 và rằm hàng tháng: Đây là những ngày thanh tịnh, thích hợp để dâng hương, cầu may mắn và bình an cho gia đình.
Mỗi thời điểm đến Đền Cửa Ông đều mang lại những trải nghiệm riêng, từ sự nhộn nhịp của lễ hội đến không gian tĩnh lặng, thiêng liêng của những ngày thường.
Đền Cửa Ông tọa lạc tại phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng 40km. Du khách có thể lựa chọn các phương tiện di chuyển phù hợp như sau:
Du khách có thể chọn xe khách tuyến Hà Nội - Cẩm Phả với giá vé dao động từ 80.000 - 120.000 VNĐ/lượt, tùy thuộc vào nhà xe. Khi đến bến xe Cẩm Phả, du khách có thể tiếp tục hành trình bằng taxi hoặc xe công nghệ để đến Đền Cửa Ông.
Du khách có thể tự lái xe máy hoặc ô tô riêng từ Hà Nội hoặc Hải Phòng đến Quảng Ninh theo đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh hoặc quốc lộ 18. Cung đường này thuận tiện, dễ đi và tiết kiệm thời gian di chuyển. Quãng đường đi từ Hà Nội đến Cẩm Phả là khoảng 250km, dự kiến mất khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ.
Lễ hội đền Cửa Ông là dịp để tưởng nhớ và tri ân các vị anh hùng dân tộc, là cơ hội để du khách khám phá những giá trị văn hóa, tâm linh đặc sắc của Quảng Ninh. Dưới đây là những lưu ý cần thiết để du khách có thể tham gia lễ hội một cách suôn sẻ và ý nghĩa:
Lưu ý khi tham gia lễ hội đền Cửa Ông (Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam)
- Trang phục: Nên mặc trang phục gọn gàng, kín đáo và thoải mái để thuận tiện cho việc di chuyển và tham gia các nghi lễ tại đền.
- Hành vi ứng xử: Tôn trọng không gian linh thiêng, tránh các hành động thiếu nghiêm túc. Tuân thủ các quy định của ban quản lý đền và ứng xử đúng mực khi tham gia các hoạt động lễ hội.
- Đồ lễ và cầu nguyện: Khu di tích Đền Cửa Ông Quảng Ninh gồm cả khu đền và chùa nên khi đi dâng hương, để đi đầy đủ các ban, du khách nên sắm cả lễ chay, lễ mặn và lễ đồ sống. Đồ lễ cần chuẩn bị có thể chọn trong các loại: Lễ chay (hương, hoa, bánh kẹo, hoa quả, tiền vàng mã) hoặc lễ mặn. Lễ vật không cần quá cầu kỳ, quan trọng là lòng thành kính, tránh gây lãng phí.
- Giữ gìn vệ sinh và bảo vệ di tích: Giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi trong khuôn viên đền. Tôn trọng di tích và hiện vật, tránh chạm tay, viết, vẽ lên các công trình kiến trúc khi tham quan.
- Chú ý an toàn giao thông: Trong mùa lễ hội, lượng du khách rất đông, nên khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân, cần đảm bảo an toàn và gửi xe đúng nơi quy định.
Lễ hội đền Cửa Ông không chỉ lưu giữ những giá trị truyền thống đặc trưng của một lễ hội cổ truyền, mà còn đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của xã hội hiện đại. Đó là giá trị biểu thị sức mạnh cộng đồng; sự đoàn kết, liên kết giữa các tộc người trong tỉnh; giá trị hướng về cội nguồn. Hy vọng những chia sẻ từ PYS Travel sẽ giúp du khách có những thông tin hữu ích để có một mùa lễ hội đền Cửa Ông, cũng như một chuyến du xuân ý nghĩa và đáng nhớ!
Khám phá ngay tour lễ hội đền Cửa Ông của PYS Travel:
Tour Đền Cửa Ông - Chùa Cái Bầu - Chùa Ba Vàng 1 ngày từ Hà Nội - Du Xuân 2025
Tham khảo chùm tour du lịch lễ chùa đầu năm của PYS Travel:
Chùm tour Du xuân Lễ chùa đầu năm 2025
Tour du lịch Du xuân Lễ chùa đầu năm mới 2025
Bản Quyền Hình Ảnh:
PYS Travel luôn tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ về tác phẩm nhiếp ảnh, ảnh chụp của các cá nhân và tổ chức. Chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực liên hệ với tất cả các tác giả có ảnh được sử dụng để xin sự cho phép sử dụng ảnh. Nếu có sự sơ xuất hay thiếu sót nào, chúng tôi xin được gửi lời xin lỗi tới các tác giả, chủ sở hữu hình ảnh. Các anh/chị cũng vui lòng gửi phản hồi lại cho PYS Travel: https://pystravel.vn/ban-quyen-hinh-anh
Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn