Nhật Bản có phải là đất nước có nhiều ngày nghỉ lễ trong năm?

15/04/2022

Nhật Bản luôn được biết đến là một quốc gia chăm chỉ, nơi mọi người có thể "làm việc đến chết", vậy nên chắc chắn sẽ có nhiều người nghĩ rằng ở Nhật có rất ít ngày nghỉ lễ. Tuy nhiên, trên thực tế nếu so với các quốc gia khác thì số ngày nghỉ lễ ở Nhật Bản không hề ít như bạn vẫn nghĩ.

Hãy cùng xem lịch nghỉ lễ của Nhật Bản trong bài viết dưới đây của PYS Travel để lên kế hoạch cụ thể cho những chuyến du lịch nhé!

1. Ngày mồng một Tết (01/01)

Đây là ngày lễ quan trọng nhất ở Nhật bản. Là quốc gia ở Đông Bắc Á nhưng kể từ khi có cuộc Duy Tân Minh Trị do Thiên Hoàng Meiji tiến hành thành công vào năm 1868, nước Nhật đã có truyền thống đón mừng Tết Nguyên Đán theo năm mới dương lịch như các nước phương Tây.

Tết Nguyên Đán

Thông thường, người dân Nhật Bản bắt đầu chuẩn bị năm mới từ ngày 31/12 của năm cũ. Có khá nhiều công ty nghỉ từ ngày 30 tết đến hết ngày mồng 3 tháng 1. Các công ty Nhật bắt đầu làm việc từ ngày mùng 4 nhưng không khí tết nhiều khi còn kéo dài đến tận ngày Lễ thành niên 15-1 dành cho những thanh niên nam nữ tròn 20 tuổi.

2. Ngày lễ thành niên

Nhật Bản luôn được biết đến có khá nhiều ngày nghỉ cho ngươì lao động, đặc biệt vào trong những ngày đầu năm mới. Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày thứ 2 của tuần thứ 2 của tháng 1, những bạn trẻ đủ 20 tuổi (có sinh Nhật lần thứ 20 trước ngày lễ thành nhân) sẽ được tham dự. 

Ngày Lễ Thành Nhân tại Nhật

Ngày Lễ Thành Nhân (Seijin no hi) là một trong những quốc lễ của Nhật Bản, ngày có ý nghĩa trọng đại trong cuộc đời của mỗi chàng trai và cô gái Nhật Bản, ngày mà họ chính thức được coi đã bước sang tuổi trưởng thành với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân. 

Ngày Lễ Thành Nhân được tổ chức diễn ra vào ngày thứ hai của tuần thứ hai  vào tháng Giêng hàng năm, bắt đầu từ năm 1948.

Đây là một ngày lễ của Nhật Bản được tổ chức để chúc mừng và động viên tất cả những người đã đến tuổi thành niên (20 tuổi) trong năm qua, và để giúp họ nhận ra rằng họ đã trở thành người lớn.

Vào ngày này, các thiếu nữ Nhật Bản thường mặc furisode, một loại kimono nhiều màu sắc sinh động với tay áo rất dài dành cho phụ nữ chưa lập gia đình trong khi con trai mặc một bộ kimono tối màu hakama hoặc trang phục hiện đại. Bình thường, khi những cô gái Nhật đã đến tuổi trưởng thành, bố mẹ sẽ mua tặng họ một bộ kimono furisode để đánh dấu dấu mốc quan trọng này.

Ngày lễ thành nhân có ý nghĩa rất quan trọng đối với bản thân mỗi thanh niên Nhật Bản. Đó chính là cơ hội của họ để nói cho thế giới biết sự tới sự tồn tại độc lập của mình.

Sau bao năm sống một cuộc sống phụ thuộc, được bao bọc bởi gia đình, đến trường và mặc những bộ đồng phục giống nhau, giờ đây họ đã trưởng thành cả về thể xác lẫn tinh thần và được thừa nhận là những công dân thực thụ của xã hội.

3. Ngày Quốc khánh

Ngày quốc khánh hay còn gọi là Ngày lập quốc ( 建国記念の日- Kenkoku Kinen no Hi ) là một ngày đại lễ quốc gia của Nhật Bản được tổ chức hằng năm vào ngày 11 tháng 2 hằng năm nhằm ăn mừng ngày thành lập nên đất nước Nhật Bản và Thiên hoàng đầu tiên Jimmu (Thần Vũ Thiên Hoàng).

Ngày Quốc Khánh

Quốc khánh là một trong 4 ngày lễ lớn nhất của quốc gia. Mỗi một dân tộc đều có cách đón chào riêng. Nếu tại Việt Nam chúng ta treo cờ đỏ sao vàng chào mừng Quốc khánh thì tại Nhật, người dân xứ sở hoa anh đào chào đón bằng những lễ hội được tổ chức long trọng. Bên cạnh đó là các đoàn diễu hành tổ chức meeting chào mừng.

Trong ngày này, mọi người sẽ phất cờ Nhật không chỉ nhằm kỉ niệm ngày nước Nhật ra đời à còn mang ý nghĩa dân tộc Nhật Bản đoàn kết một khối, và cùng nhau xây dựng đấy nước, thay cho chủ nghĩa dân tộc.

4. Ngày Xuân phân

Không chỉ riêng Nhật Bản mà đa số các quốc gia khác đều có ngày xuân phân. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, ngày xuân phân được coi là một ngày nghỉ chính thức.

Theo quy luật, ngày Xuân Phân (春分の日) là ngày đầu tiên chính thức bước vào mùa xuân. Đây chính là ngày mà thời gian ban ngày và ban đêm bằng nhau. Điểm xuân phân là khi mặt phẳng xích đạo của Trái Đất đi qua tâm Mặt Trời. Tại điểm xuân phân, Mặt Trời sẽ mọc chính xác ở phía Đông và lặn chính xác ở phía Tây. Hay nói cách khác, ngày Xuân Phân chính là ngày mà Mặt Trời đi qua điểm xuân phân, do đó tùy thuộc vào từng năm mà ngày này cũng sẽ thay đổi. Cụ thể là vào ngày 20 hoặc 21/3.

Lễ xuân phân báo hiệu mùa xuân về ở Nhật Bản

Đối với người dân Nhật Bản, ngày xuân phân là một ngày lễ ca ngợi thiên nhiên và các sinh vật sống.

Vào ngày này, người Nhật thường đi đến thăm mộ của ông bà tổ tiên. Trong khoảng thời gian một tuần trước và sau 3 ngày kể từ ngày xuân phân sẽ được gọi là “higan”, “higan” có nghĩa là thế giới của những người đã mất, hay còn gọi là cõi bồng lai. Họ thường dùng hoa trắng để bày cúng.

5. Ngày Chiêu Hòa

Ngày 29 tháng 4. Đây là ngày sinh của cố Hoàng đế Chiêu Hoà. Trước năm 2007 ngày 29 tháng 4 được gọi là ngày Xanh. Sau khi Hoàng đế Chiêu Hòa tạ thế người ta lấy ngày này làm ngày lễ giữ gìn màu xanh của thiên nhiên (hiện nay người ta kỷ niệm ngày này vào ngày mồng 4 tháng 5). Ngày Chiêu Hòa là một phần của Tuần Lễ Vàng (Golden Week *).

6. Ngày Hiến pháp

Mồng 3 tháng 5. Từ năm 1947 ngày này được lấy để kỷ niệm ngày hiến pháp Nhật được thiết lập, đánh dấu và gợi nhớ một sự kiện – một thể chế mới được thiết lập và có hiệu lực sau chiến tranh thế giới lần thứ hai.

7. Ngày lễ Dân tộc

Là ngày mồng 4 tháng 5, còn được gọi là ngày Xanh. Từ năm 2006 trở về trước, ngày Xanh được kỷ niệm vào ngày sinh của cố Hoàng Đế Chiêu Hòa 29 tháng 4 như nói trên vì ông Vua này rất yêu cây cối và thiên nhiên. Ngày 4 tháng 5 cũng là một phần của Tuần Lễ Vàng.

8. Ngày Thiếu nhi (Kodomo no hi)

Ngày Thiếu nhi (Ngày trẻ em) là ngày lễ chúc mừng dành cho các bé. Ngày lễ thiếu nhi và truyền thống được tổ chức có sự khác nhau tùy theo mỗi nước, và phong tục của Nhật Bản có lẽ cũng rất thân quen song cũng không kém phần kinh ngạc đối với bạn. 

Ngày 5 tháng 5 hàng năm là Ngày Thiếu nhi tại Nhật Bản. Ngày này được công nhận là ngày lễ quốc dân từ sau năm 1948. Vào ngày lễ, mọi người sẽ cầu chúc cho các bé, đặc biệt là các bé trai phát triển khỏe mạnh, đồng thời tỏ lòng cảm ơn cha mẹ, những người đang nuôi dưỡng con nhỏ. Trước khi được công nhận là ngày lễ quốc dân, ngày này được biết đến với tên gọi “Tango no Sekku” và là một trong 5 nghi lễ hàng năm. Ngày lễ truyền thống “Tango no Sekku” nối tiếp từ thời đại Nara (năm 710 đến năm 794) nhằm cầu chúc cho các bé trai mau chóng trưởng thành và nhìn nhận cha mình.

Vào Ngày Thiếu nhi tại Nhật Bản, có rất nhiều sự kiện và cách trang trí đậm chất cổ truyền. Nổi tiếng nhất là dàn cờ cá chép treo lơ lửng Koinobori. Thường thì những con cá được trang trí sẽ được treo ngoài trời, đu đưa theo gió như những lá cờ. Khi gió thổi lên và không khí tràn ngập đầy miệng cá, bạn sẽ thấy chúng như đang bơi lội trong không trung vậy. Mọi người tin rằng cờ cá chép mang lại may mắn cho sự phát triển của trẻ em, vì việc cá chép bơi lên nguồn thượng lưu, vượt qua thác cao thể hiện cho sức mạnh và năng lượng.

Cờ cá chép treo lơ lửng Koinobori

Ngoài cờ cá chép, mũ đội đầu kabuto, samurai cũng được dùng để trưng bày. Có cả sự kiện để các bé tự tay làm mũ kabuto bằng giấy và đội chúng lên đầu. Mũ kabuto là vật dùng để bảo vệ đầu, nên tượng trưng cho việc “hộ thân”. Thế nên, việc trang trí mũ kabuto được tương truyền giúp bảo vệ trẻ em khỏi nguy hiểm, lớn lên trong sự an toàn.

Món ăn đặc biệt cho ngày lễ Thiếu nhi tại Nhật Bản là bánh dẻo kashiwa mochi. Loại bánh dẻo này có nhân đậu đỏ bên trong, và được bọc ngoài bằng lá sồi. Chúng ta không thể ăn lá vì nếu lá mới không sinh trưởng thì những chiếc lá cũ không thể lìa cành, tượng trưng cho việc nối tiếp con cháu đời đời vô hạn.

Vì đây là ngày lễ nên các bé có thể dành thời gian vui chơi bên gia đình, chẳng hạn như gấp giấy xếp origami hoặc giấy báo để làm cờ cá chép Koinobori, mũ Kabuto, ngâm mình bằng loại hoa diên vĩ,...

Mặc dù Ngày Thiếu nhi là dành cho các nhóc tì bé xinh, song bạn vẫn có thể trải nghiệm hoạt động truyền thống này vì đây cũng được xem như một phần văn hóa Nhật Bản. Bạn có thể tự tay làm thử cờ cá chép hoặc mũ kabuto chẳng hạn. Hãy thử xem qua các phong cách trang trí cờ cá chép vô cùng độc đáo và thưởng thức bánh dẻo kashiwa mochi nhé!

9. Ngày của biển

Thứ Hai của tuần thứ ba của tháng 7. Đây là ngày dành để cảm ơn những gì mà biển đã ban tặng. Ngày này đánh dấu việc Hoàng Đế Meiji trở về an toàn sau chuyến đi Hokkaido trên một con thuyền năm 1876.

10. Ngày kính lão

Thứ Hai của tuần thứ ba của tháng 9. Là ngày dành để tỏ lòng kính trọng đối với người già và chúc thọ, được đặt ra từ năm 1966.

Ngày thu phân: Ngày 23 tháng 9. Là ngày để tưởng nhớ về những người đã khuất và tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Người ta thường đi thăm mộ người thân vào những ngày này.

11. Ngày thể dục thể thao

Thứ Hai của tuần thứ hai của tháng 10. Được áp dụng từ năm 1966 nhằm kỷ niệm sự kiện thể thao lớn – Olympic Tokyo 1964, đây là ngày lễ nhằm khuyến khích phong trào luyện tập thể dục thể thao.

12. Ngày Văn hóa

Mồng 3 tháng 11. Ngày lễ khuyến khích cho sự hưng thịnh và phát triển của nền văn hóa truyền thống và tình yêu tự do, hoà bình. Vào ngày này, các trường học và chính phủ Nhật lựa chọn và ken thưởng những người có thành thích đặc biệt xuất sắc.

13. Tuần lễ vàng

Quốc gia có nhiều ngày nghỉ lễ nhất trên thế giới là Thái Lan với 23 ngày nghỉ, tiếp đến là Trung Quốc (21 ngày), Hàn Quốc, Ấn Độ và Colombia xếp thứ 3 với 17 ngày nghỉ. Còn Nhật Bản thì sao? Tổng số ngày nghỉ lễ trong năm ở Nhật Bản là 16 ngày, đứng thứ 4 trong danh sách những quốc gia có nhiều ngày nghỉ lễ trong năm nhất thế giới. Nếu bạn đang sinh sống, làm việc và học tập ở Nhật chắc bạn cũng nhận thấy được Nhật Bản có nhiều ngày lễ như thế nào.

Tuần lễ vàng Nhật Bản

Người Nhật quá bận bịu với công việc do đó thời gian nghỉ ngơi đối với họ là vô cùng quan trọng. Có lẽ trong 1 năm thì vào dịp tháng 5 là dịp họ có thể có kỳ nghỉ dài nhất vì thế họ gọi đây là “Tuần lễ Vàng”. Là tuần lễ cầu cho quốc thái dân an.

Đối với người Nhật, đặc biệt những người đi làm việc cho các công ty thì đây là một tuần lể vô cùng đặc biệt.

Tuần lễ Vàng tại Nhật Bản bao gồm 4 ngày quốc lễ trong vòng một tuần, kể từ 29/4 đến 5/5. Tuần lễ Vàng là một trong ba kỳ nghỉ nhộn nhịp nhất bên cạnh kỳ nghỉ nhân dịp năm mới và tuần lễ Obon (tuần lễ tín đồ đạo Phật).

Các ngày quốc lễ trong tuần lễ Vàng gồm có: ngày 29 tháng 4 – ngày sinh của cố Hoàng đế Chiêu Hòa, ngày 3 tháng 5 là ngày Hiến pháp, ngày 4 tháng 5 là ngày Xanh – ngày nghỉ của dân chúng, ngày 5 tháng 5 là ngày thiếu nhi. Cả 4 ngày này đều là ngày nghỉ ở Nhật. Do đó nếu trước hoặc sau 4 ngày này là ngày quốc tế lao động hay ngày Thứ 7 hoặc Chủ nhật thì sẽ có cơ hội có khoảng 5 ngày nghỉ liên tiếp và nhiều công ty cố tình điểu chỉnh các ngày nghỉ để cho nhân viên được nghỉ luôn 1 tuần. Ngoài ra, tháng 5 là mùa xuân và khí hậu không quá nóng, cũng không quá lạnh, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp nên đây là một dịp lý tưởng cho các cuộc du ngoạn.

14. Tuần lễ Obon

Lễ Obon còn gọi là lễ Lễ Vu lan (hay còn gọi là Lễ xá tội vong nhân vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm của Việt Nam) diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 7 âm lịch ( tháng 8 dương lịch). Nhiều người kết hợp nghỉ Obon và nghỉ hè để thời gian nghỉ được liên tục. Đây cũng là lễ Phật, với người Nhật Bản, đạo Phật có ý nghĩa rất quan trọng, lễ Phật cầu nguyện cho bình yên, an lạc trong cuộc sống.

Lễ Obon còn gọi là lễ Lễ Vu lan

Vào kỳ nghỉ lễ Obon, các gia đình Nhật Bản thường quây quần lại với nhau trong một đợt nghỉ khá dài. Kỳ nghỉ này thực sự là những ngày gia đình đối với những người Nhật Bản. Trong dịp này, hầu hết những người đang ở xa đều về thăm cha mẹ, ông bà của mình, hoặc đi viếng mộ những người thân trong gia đình. Đây còn là lễ hội của toàn nước Nhật, mang sắc màu linh thiêng và một chút huyền bí được tổ chức tại cố đô Kyoto thơ mộng.

Lễ hội Obon mang ý nghĩa là linh hồn của những người đã khuất sẽ quay trở lại nơi trần thế, nó cũng giống như ngày rằm tháng bảy là ngày Xá tội vong nhân (hay còn gọi là Lễ Vu lan) ở nước ta. Việt Nam ta có tục đốt vàng mã để dâng đến Tổ tiên, ông bà và những người đã khuất, thì ở Nhật Bản phong tục này cũng gần như vậy. Đồ cúng của các gia đình Nhật Bản là những chiếc bánh khảo, làm từ bột gạo nhiều màu sắc cùng với những giỏ hoa quả gồm nhiều chủng loại được trình bày rất đẹp mắt. Trong dịp lễ Obon, một số lễ hội pháo hoa lớn cũng được tổ chức ở các nơi trên đất nước Nhật Bản.

Lễ hội của toàn nước Nhật, mang sắc màu linh thiêng 

Nhiều hoạt động tín ngưỡng được người Nhật Bản tổ chức để kỷ niệm Lễ hội Obon này. Đặc biệt nhất là Lễ dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất quay trở về trời (sau khi ghé về thăm trần thế trong dịp Obon) vào đêm 16 tháng 8. Lễ hội này thu hút rất nhiều người Nhật Bản cũng như du khách từ khắp các nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng. Trong Lễ dâng lửa linh thiêng này, 5 đám lửa lớn sẽ được đốt lên lần lượt ở trên 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng một giờ đồng hồ. Đây chính là hình ảnh tuyệt vời giữa đêm mùa hè của Cố đô Nhật.

15. Ngày lễ tạ ơn người lao động

Ngày lễ vốn bắt nguồn từ lễ hội Niinamesai - nghi lễ dùng để cảm tạ thần linh đã ban cho mùa vụ thu hoạch lúa tốt. Nghi lễ sẽ dùng lúa hoặc các loại ngũ cốc đã thu hoạch được trong năm để dâng tế thần linh và tỏ lòng thành. Thiên hoàng Nhật Bản cũng dùng giống lúa thu hoạch để cảm tạ Thiên Chiếu Đại Thần, tự mình ăn giống gạo đó trong dịp sự kiện cung đình này và lưu truyền nghi lễ quan trọng đến ngày nay. Đến năm 1873, ngày lễ được quyết định đặt vào ngày 23/11. Ở thời điểm hiện tại, nhiều chùa đền lớn tại Nhật Bản cũng thực hiện nghi lễ Niinamesai này.

Ngày lễ tạ ơn Nhật Bản

Sau chiến tranh, để tách ly nghi lễ cung đình Niinamesai và sự kiện quốc dân, ngày lễ được đổi tên thành Ngày cảm tạ lao động vào năm 1948. Mang ý nghĩa “Tôn kính lao động, chúc mừng sinh sản, toàn dân tỏ lòng biết ơn cho nhau”, ngày lễ dần ngấm sâu vào văn hóa Nhật Bản.

Người Nhật trước khi ăn thường nói câu “Itadakimasu” ("cảm ơn vì bữa ăn" hoặc "xin phép được dùng bữa"), sau bữa ăn sẽ nói “Gochiso samadeshita”. Câu nói nhằm bày tỏ lòng cảm ơn đến những người góp phần làm nên bữa ăn, cũng như thực phẩm do thiên nhiên ban tặng. Lòng biết ơn đến mọi thứ xung quanh luôn được thể hiện qua cuộc sống thường ngày.

Tỏ lòng cảm ơn đến những người góp phần làm nên bữa ăn

Ngày cảm tạ lao động vào 23/11 không chỉ để cảm ơn đến bữa ăn hàng ngày mà còn để bày tỏ lòng thành đến những cố gắng mà mọi người cùng nhau xây dựng qua từng ngày cho xã hội. Quả thật là một ngày lễ có ý nghĩa đúng không nào! Mong là mọi người truyền đạt được lòng cảm ơn của mình đến gia đình, bạn bè xung quanh và thắt chặt tình thân hơn vào ngày này nhé.

Các bạn thấy thế nào? Chắc hẳn sẽ có rất nhiều người ngạc nhiên về những ngày lễ ở Nhật bản phải không? Khi du lịch ở Nhật Bản, hãy kiểm tra thật kỹ xem lịch trình của mình có trùng với các ngày lễ của Nhật không, nếu trùng thì bạn nên đi những đâu để tránh tình trạng tắc nghẽn. Hoặc du khách muốn tận mắt trải nghiệm lễ tại đây thì có thể lên tour du lịch Nhật Bản ngay nhé. 

Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây

Đăng ký nhận ưu đãi

Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn

Gọi tổng đài
Chat ngay
Gọi tổng đài
Chi nhánh HN
Chi nhánh HCM