Giai thoại: Bát cháo sữa của nàng Sujata và sự kiện Đức Phật thành đạo

22/08/2023

Thời kỳ tu khổ hạnh trong suốt 6 năm, Thái tử Tất Đạt Đa đã hành xác khắc nghiệt khiến ngọc thân của Ngài bị vắt kiệt sức lực. Tuy nhiên, nhờ bát cháo sữa nàng Sujata cúng dường, Ngài đã hồi phục sinh lực. Sau đó, ngài thức tỉnh và tìm ra con đường giác ngộ đúng đắn. Vậy câu chuyện này cụ thể ra sao, cùng PYS Travel tìm hiểu ngay nhé.

Sự kiện bát cháo sữa nàng Sujata dâng lên Đức Phật đã trở thành sự kiện quan trọng giúp Ngài tìm ra con đường tu luyện chính quả đúng đắn nhất. Nhưng tại sao lại có sự kiện đặc biệt này, mọi thắc mắc sẽ được PYS Travel giải đáp qua bài viết dưới đây nhé.

1. Thời gian tu luyện 6 năm khổ hạnh của Đức Phật

Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia tu học với hai vị thầy Bà la môn theo đạo Hindu danh tiếng là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Họ hướng dẫn Ngài quán chiếu về sự hư ảo của vạn pháp và thiền tĩnh trụ. Nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn, Thái tử đã nhận ra rằng những giáo lý này sẽ không thể chấm dứt được khổ đau của ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới. Vậy nên Thái tử đi đến khu rừng bên bờ sông Ni Liên Thiền (Neranja) và nhập vào nhóm năm tu sỹ khổ hạnh gồm Kiều Trần Như (Anjanata), A Thuyết Thị (Ashvajit), Bà Sư Ba (Vaspa), Ma Ha Nam (Mahanama) và Bạt Đề (Badrika). Những người này về sau trở thành năm đại đệ tử đầu tiên của Đức Phật.

thời gian tu luyện khổ hạnh của đức phật

Thái tử Tất Đạt Đa đã có khoảng thời gian 6 năm tu luyện vô cùng khổ hạnh (Ảnh: sưu tầm)

Thời gian này, Thái tử nghiêm ngặt áp dụng phương pháp tu tập ép xác khổ hạnh, thiền định về trạng thái tỉnh giác rộng lớn như hư không. Kinh điển ghi lại rằng, trong hai năm đầu, Ngài gần như không ăn gì ngoài vài hạt mè; trong hai năm kế tiếp, Ngài chỉ uống nước và hai năm cuối Đức Phật không hề dùng thực phẩm gì. Trong suốt thời kỳ khổ hạnh cực kỳ khắc nghiệt đó, thân thể Ngài trở nên gầy mòn, đen đúa như bộ xương khô, mọi người gọi Ngài là Hắc Mâu Ni. Ngài không hề dịch chuyển, chỉ ngồi thiền tĩnh lặng như một tảng đá, đến nỗi kiến còn làm tổ ngay dưới chỗ ngồi của Ngài. Trâu nước và tụi trẻ chăn trâu đều vô cùng ngạc nhiên khi thấy vị Hắc Mâu Ni kỳ quái này. Vài đứa nghịch ngợm còn đốt nóng que cời bằng sắt và đâm vào lỗ tai Ngài để trêu chọc.

thời gian tu luyện khổ hạnh của đức phật

Khoảng thời gian này Ngài trở nên kiệt quệ, thiếu sức sống khi không ăn không uống (Ảnh: sưu tầm)

Trong suốt sáu năm tu khổ hạnh, Bồ Tát Tất Đạt Đa chỉ mở lời một lần duy nhất, để khuyên nhủ chư thiên đừng buồn rầu lo lắng cho Ngài, vì Ngài sẽ sớm đạt thành Chính giác. Đến cuối thời kỳ sáu năm thực hành miên mật, Bồ Tát tự hỏi vì sao mình nỗ lực hành đạo theo con đường cực đoan, bởi đạo khổ hạnh không hề cho thấy chút khả năng nào mang lại hỷ lạc hay trợ duyên giác ngộ. Do vậy, Ngài đã từ bỏ lối tu khổ hạnh và sự hành xác tới gần như kiệt quệ. Ngài cũng nhận ra rằng nếu chỉ thiền định an trụ tâm trong hư không vô biên, như các bậc thầy tu khổ hạnh đã dạy Ngài, sẽ không bao giờ chấm dứt khổ đau trong ba cõi. Vì vậy, Thái tử quyết tâm đi theo con đường Trung đạo của chính mình.

2. Sự kiện bát cháo sữa của nàng Sujata khiến Ngài hồi phục sinh lực

Bên bờ sông Ni Liên Thiền, gần nơi Đức Phật tu khổ hạnh suốt sáu năm, có một ngôi làng lớn. Hai thiếu nữ xinh đẹp, nhỏ tuổi hơn Thái tử Tất Đạt Đa một chút, tên gọi Sujata và Supriya, sống trong làng. Họ đã được nghe kể rất nhiều điều kỳ diệu về Thái tử Tất Đạt Đa như Thái tử dung mạo tuấn tú phi phàm, tài năng xuất chúng trong tất cả sáu mươi tư loại hình nghệ thuật và có tấm lòng vô cùng nhân từ, độ lượng. Trong suốt mười hai năm, hai nàng giữ gìn phẩm hạnh đoan trang, khuôn phép lễ giáo và âm thầm cầu nguyện rằng một ngày nào đó sẽ được tuyển làm phi tần của Thái tử mà không hay biết rằng Thái tử đã xuất gia xả bỏ đời sống thế tục.

bát cháo sữa của nàng sujata

Bát cháo sữa của nàng Sujata đã tạo ra một thay đổi quan trọng đối với Đức Phật (Ảnh: sưu tầm)

Một hôm, hai nàng nhận được lời sấm cát tường từ chư thiên, mách bảo họ hãy cúng dường thực phẩm lên hai vị tu sĩ khổ hạnh, để được viên mãn ước nguyện. Hai cô gái vô cùng hân hoan khi nghe được lời truyền dạy, vì ước mơ của họ sắp trở thành sự thực. Họ liền vắt sữa từ năm trăm con bò lông đỏ, nấu một nồi cháo sữa và ủ nóng trọn một đêm trong một góc nhà sạch sẽ. Sáng hôm sau, nồi cháo sữa thơm ngon tuyệt hảo, trên bề mặt kem sữa mịn màng nổi lên hình Tám tướng Cát tường linh thiêng thù thắng.

bát cháo sữa của nàng sujata

(Ảnh: sưu tầm)

Hai vị Thiên Vương là Phạm Thiên và Đế Thích liền hóa thành hai vị tu sĩ khổ hạnh, và hai cô gái tưởng họ chính là những người cần được cúng dường thực phẩm theo lời sấm truyền. Tuy nhiên, hai vị thiên tử liền hiện nguyên hình và đồng giảng: "Nếu các cô cúng dường thực phẩm này lên Bồ Tát Tất Đạt Đa, người đang tu hành khổ hạnh bên bờ sông Ni Liên Thiền, công đức tích lũy được sẽ tăng lên gấp bội và mọi ước nguyện đều sẽ được viên mãn". Theo lời dạy, hai nàng đựng cháo sữa vào một chiếc tô quý báu nhất để cúng dường Bồ Tát. Khi họ tìm thấy Ngài, thân xác gầy gò, kiệt quệ, hai mắt nhắm nghiền, hơi thở mong manh, yếu ớt. Hai nàng vô cùng hoan hỷ vì họ biết đã tìm được đúng vị Bồ Tát như chư thiên mách bảo, họ liền dâng cúng chiếc tô quý báu đựng đầy cháo sữa thơm ngon.

bát cháo sữa của nàng sujata

Bát cháo sữa của nàng Sujata đã giúp Thái tử hồi phục sinh lực (Ảnh: sưu tầm)

Ngài tiếp nhận thực phẩm cúng dường và trả lại chiếc tô quý giá. Sau khi thọ dụng bát cháo sữa ngọt lành, Bồ Tát hỏi hai cô gái: “Các con mong muốn thành tựu nguyện ước gì khi dâng cúng cháo sữa cho ta?”. Không hề biết rằng Bồ Tát chính là Thái tử, hai nàng cung kính trả lời: “Thưa Bậc chân tu tôn quý, chúng con chỉ mong nguyện được trở thành phi tần của thái tử Tất Đạt Đa ở vương quốc Ca Tỳ La Vệ”. Bồ Tát hỏi: “Vậy hai người không biết Thái tử đã xuất gia hay sao?”. Hai cô gái sửng sốt, im lặng một lúc rồi phát nguyện: “Vậy chúng con nguyện cho Thái tử sớm đạt thành giác ngộ”. Nhờ bát cháo cúng dường, thân thể Bồ Tát nhanh chóng hồi phục lại sinh lực, da dẻ trở nên tươi sáng, đẹp đẽ như dát ánh vàng.

3. Con đường tu luyện thành đạo của Đức Phật

Sau khi hồi phục sinh lực, trạng thái trở nên khỏe mạnh hơn thì Đức Phật đã thức tỉnh, tim đập trở lại, khỏe mạnh tỉnh táo hơn. Ngay giây phút ấy, Ngài nhận ra con đường tu đúng đắn là con đường trung đạo. Rồi Ngài ăn uống trở lại, đi khất thực, ngày ăn một bữa. 

sự kiện đức phật thành đạo

(Ảnh: sưu tầm)

Thái tử đã xuống tắm ở dòng sông Ni Liên Thiền, Ngài thả bình bát xuống sông và phát nguyện sẽ đến chỗ cội Bồ đề để ngồi thiền định: “Nếu dưới cội cây kia, mà Ta đắc thành quả vị Chính Đẳng Giác, thì xin bát vàng này trôi ngược dòng sông. Bằng không thể đắc quả Phật, thì bát vàng này sẽ trôi xuôi”. Sau đó, Ngài chậm rãi thả chiếc bát xuống dòng sông. Chiếc bát từ từ trôi ngược dòng, được một lúc thì chìm hẳn.

sự kiện đức phật thành đạo

Đức Phật tìm ra được con đường giác ngộ đúng đắn (Ảnh: sưu tầm)

Biết lời nguyện của mình sẽ thành tựu, Ngài từ bờ sông Ni Liên Thiền trở về cội cây Bồ đề, dũng mãnh phát lời thề nguyện: “Dù máu huyết khô cạn, dù chỉ còn gân, xương và da; Ta quyết không rời khỏi chỗ này nếu Ta chưa đắc thành quả Phật”. Sau đó, Ngài ngồi thiền, nhập định trong tư thế kiết già. Sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ đề, đầy đủ túc duyên, đến đêm thứ 49 Ngài chứng được Tam minh, Lục thần thông và chứng đắc đạo quả Vô thượng Bồ đề. 

sự kiện đức phật thành đạo

(Ảnh: sưu tầm)

Ngài đã đạt được mục đích của mình, Ngài biết rõ Ngài đã giải thoát thật sự, không còn một cái gì có thể trói buộc, làm khổ Ngài được nữa. Đức Phật thực sự minh triết, Ngài nhận ra được và chỉ lại cho mọi người con đường trung đạo đệ nhất để đưa chúng sinh đi đến sự giác ngộ. Ngài dạy chúng ta phải xa rời hai cực đoan: Thứ nhất là đắm say hưởng thụ lạc thú, những dục lạc thấp hèn thì không đưa đến giác ngộ. Thứ hai là hành thân hoại thể, khổ hạnh một cách cực đoan cũng không thể dẫn chúng sinh đi đến giác ngộ. Đức Phật thực hành lối tu trung đạo từ thân cho đến tâm và con đường này mới dẫn đến sự giác ngộ. 

Sự kiện Đức Phật thành đạo đã mở ra con đường thoát khổ cho tất cả chúng sinh, vì vậy, chúng ta hãy hướng tâm tôn kính Ngài vì nếu không có Đức Phật thì chúng ta không thể có đạo, không có Phật Pháp để tu hành. Cũng qua sự kiện này, chúng ta càng thêm kính trọng, lòng từ bi bao la của Đức Thế Tôn - để giáo hóa chúng sinh vào nẻo thiện mà Ngài luôn tinh tấn tu hành không nhàm mỏi. 

Bạn là một người tôn sùng tín ngưỡng Phật giáo và mong muốn một lần đến thăm nơi Phật thích ca đã tu luyện thành đạoh thì hãy tham khảo một số tour du lịch hành hương Ấn Độ của PYS Travel ngay sau đây nhé.

Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây

Đăng ký nhận ưu đãi

Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn

Gọi tổng đài
Chat ngay
Gọi tổng đài
Chi nhánh HN
Chi nhánh HCM