Cẩm nang du lịch Bhutan 2020 từ A đến Z

19/02/2020

Thế gian này vẫn còn tồn tại một vương quốc rồng sấm thật bình dị và êm đềm, hoàn toàn trái ngược với địa hình khắc nghiệt của dãy Himalaya bao quanh. Nếu có ý định ghé thăm nơi đây, cẩm nang du lịch Bhutan 2020 sẽ giúp các bạn có một cái nhìn tổng quan hoàn chỉnh nhất.

Nền văn hóa Phật giáo lâu đời, môi trường sống xanh cùng cảnh quan hoang sơ tuyệt đẹp, đó là tất cả những điều lý tưởng mà vương quốc này mang lại cho du khách. Hãy cùng PYS Travel khám phá cẩm nang du lịch Bhutan 2020 từ A đến Z để có được chuyến hành trình trọn vẹn nhất.

Tổng quan về Bhutan

Vương quốc nhỏ Bhutan thuộc khu vực Nam Á, theo chế độ quân chủ lập hiến có vua và nghị viện. Diện tích vào khoảng 47.500km2, nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Bhutan có địa thế cô lập với địa hình chủ yếu là đồi núi, không có biển.

Những đỉnh núi cao nhất tại vương quốc được mệnh danh rồng sấm nằm trên dãy Himalaya, cao trên 7000m. Để nói về quốc gia này, người ta tường miêu tả đến nền văn hóa Himalaya truyền thống duy nhất còn sót lại. Bhutan cũng nổi tiếng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Thời điểm nên đi du lịch Bhutan

 du-lich-bhutan.jpg

Khí hậu của quốc gia này thay đổi theo độ cao và sở hữu 4 mùa rõ rệt: Mùa xuân (cuối tháng 3, 4, 5), mùa hè (tháng 6, 7, 8), mùa thu (cuối tháng 9, 10, 11) và mùa đông (tháng 12 đến giữa tháng 3). Mùa mưa ở Bhutan bắt đầu từ khoảng tháng 6 đến tháng 9, hầu như mỗi đêm đều có mưa.

Thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Bhutan chính là vào mùa thu (cuối tháng 9 – cuối tháng 11) bởi tiết trời lúc này rất trong xanh. Ngoài ra còn có mùa xuân (từ tháng 3 – tháng 5) cũng là khoảng thời gian tuyệt vời không kém. Dù có thể bắt gặp nhiều cơn mưa hơn mùa thu, nhưng bù lại chúng ta sẽ được nhìn ngắm hoa đào, hoa phượng tím, hoa đỗ quyên… khắp các thung lũng ngày xuân.

Tiền tệ và ngôn ngữ

Tiền tệ

Tiền Bhutan gọi là Ngultrum (Nu), 1 Đô la Mỹ tương đương 71,30 Ngultrum Bhutan. Trước khi đến du khách nên lưu ý rằng có rất ít ngân hàng tại Bhutan, do đó chúng ta nên mang theo Đô la Mỹ để chi tiêu. Phần lớn các cửa hàng tại đây cũng chấp nhận thanh toán bằng tiền đô.

Khi tới sân bay, bạn nên đổi một ít tiền Bhutan từ đồng $50 hoặc $100, để được tỷ giá tốt hơn so với đồng $20 hoặc nhỏ hơn. Ở Bhutan cũng có rất ít máy rút tiền tự động ATM, hầu hết chúng được phục vụ dân địa phương. Thẻ tín dụng cũng không được dùng rộng rãi, hơn nữa còn bất tiện bởi phí cao và mất thời gian, chỉ xác nhận thanh toán từ 9h sáng tới 5h chiều.

Ngôn ngữ

Tiếng Dzongkha là ngôn ngữ quốc gia của Bhutan, được phổ biến giáo dục từ năm 1971. Chữ viết Dzongkha, hay còn gọi là Chhokey ("Ngôn ngữ Đạt ma"), đồng nhất với hệ chữ viết tiếng Tạng cổ điển.

Xin visa Bhutan

 may-bay-bhutan.jpg

Chính phủ không khuyến khích chúng ta đi du lịch Bhutan tự túc, mà cần thông qua một công ty du lịch bảo lãnh visa. Thế nên gần như không có khách balo đến đây, dẫn tới du lịch Bhutan tự túc cũng khó làm visa hơn nhiều. Bạn bắt buộc phải xin thị thực trước khi đến, cũng không thể xin thị thực tại sân bay như Ấn Độ, Nepal hay đến lãnh sự, đại sứ quán.

Cách duy nhất là chúng ta cần thông qua các công ty du lịch lữ hành. Một khi đã có visa, bạn sẽ được gửi email bản sao thị thực. Hãy in bản sao đó ra mà mang đến sân bay làm thủ tục. Tất nhiên điều tiên quyết là bạn nên chắc chắn rằng hộ chiếu vẫn còn hạn trên 6 tháng.

Yêu cầu thông tin và giấy tờ để có visa Bhutan theo tour:

  1. Scan bản sao hộ chiếu
  2. Thông tin địa chỉ, nghề nghiệp

Di chuyển đến Bhutan

Đi Bhutan chúng ta cần quá cảnh ở Bangkok hoặc Nepal. Từ Việt Nam nên bay đi Bangkok, ngủ lại một đêm và sáng hôm sau khởi hành, bay mất 6 tiếng đến Bhutan. Hiện tại chỉ có một hãng hàng không duy nhất là DrukAir (hãng hàng không hoàng gia Bhutan) có thể bay đến vương quốc này.

Sân bay Paro là sân bay quốc tế duy nhất ở Bhutan, nằm cách thủ đô Thimphu chừng 65km. Nó nằm trong thung lũng và có đường băng ngắn, các phi công chỉ có thể cất cánh hạ cánh ban ngày. Hơn nữa máy bay của DrukAir là Airbus A319 còn có ưu điểm là nhỏ, với động cơ được thiết kế riêng và đội ngũ phi công dày dặn kinh nghiệm.

Sau khi đến nơi rồi thì phương tiện di chuyển chính tại đây chính là các loại xe. Phần lớn đường Bhutan khá nhỏ, nhưng bởi mật độ xe ít nên đi lại khá an toàn. Thậm chí tại thủ đô Thimpu còn không có đèn giao thông mà chỉ có một trụ cảnh sát, với nhiệm vụ điều tiết vào giờ cao điểm.

Thưởng thức ẩm thực Bhutan

am-thuc-bhutan.jpg

Bhutan sở hữu nền văn hóa mang đậm nét truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Nhưng không bởi thế mà chúng ta mặc định rằng mọi người dân nơi đây đều ăn chay. Ngược lại, dân ở vùng đồi núi cao Bhutan ăn nhiều thịt, nhất là bò và gia cầm.

Mùa lạnh người ta thường thích ăn những món súp thịt nấu gạo và rau khô, nêm nhiều gia vị cay, Đặc biệt các thực phẩm chế biến từ sữa như bơ và pho mát cũng được tiêu thụ rất nhiều. Nói đến đồ uống thì ngoài trà dân địa phương còn uống nhiều rượu gạo và bia nữa.

Ema Datshi: Ema Datshi là món ăn nổi tiếng nhất Bhutan, được nấu với ớt và phô mai. Thành phần ớt trong Ema Datshi có thể là ớt tươi hoặc ớt khô. Mỗi người lại có công thức nấu khác nhau, chẳng hạn như có người nấu khá nhạt và lỏng, trong khi người khác thì nấu dính và béo.

Shakam ema datshi: Shakam ema datshi có nguyên liệu chính là khô bò nấu với bơ. Thịt bò được sấy khô, nhờ lát cắt sày hơn nên nó không quá khô mà vẫn còn lưu giữ độ ẩm, tạo hương vị thơm ngon đặc trưng. Đây là món ăn có vị ngọt của bò và béo ngậy của bơ cùng phô mai.

Mì Puta: Đây là một trong những món ngon truyền thống nổi tiếng của người Bhutan, đặc biệt phổ biến ở vùng Bumthang. Puta là mì ăn liền được làm từ kiều mạch, loại cây có thể sinh trưởng ở độ cao lớn. Mì kiều mạch Puta có thể được phục vụ bằng cách luộc chính, hay xào trong dầu mù tạt với chút muối và hạt tiêu Tứ Xuyên.

Trà bơ Suja: Dân địa phương Bhutan rất thích uống trà bơ Suja vào những buổi sáng lạnh lẽo. Nguyên liệu chính của trà bơ là lá trà thông thường, đôi khi có thêm những loại thảo mộc của núi được khuấy tan cùng bơ và một ít muối. Trà bơ Suja vừa có vị thơm của trà, vị béo của bơ và cả vị mặn mặn của muối nữa.

Điểm tham quan nổi tiếng

Pháo đài Trongsa

phao-dai-trongsa-bhutan.jpg

Đây là nơi ở của các vị vua Bhutan từ năm 1907 và cũng là pháo đài lớn nhất của cả nước. Trongsa được xây dựng tại ngọn núi phía trên đập sông Mandge Chu, để có thể kiểm soát giao thương từ nhiều thế kỷ trước. Hiện tại du khách có thể đến đây tham quan, thậm chí tháp canh Ta Dzong còn trở thành một bảo tàng.

Tu viện Taktsang

tu-vien-taktsang-bhutan.jpg

Tu viện Taktsang, hay tu viện Hang Cọp là một trong những điểm đến linh thiêng và có kiến trúc hấp dẫn bậc nhất cả nước. Tu viện nằm trên vách đá cao 900m so với thung lũng Paro.  Cả quần thể được xây dựng vào những năm 1692 và tương truyền là nơi vào thế kỷ thứ 8 Guru Padmasambhava đã ngồi thiền trong ba năm, ba tháng, ba tuần, ba ngày ba giờ.

Pháo đài Punakha

phao-dai-punakha-bhutan.jpg

Pháo đài này được xây dựng từ năm 1637 và là nơi chính quyền Bhutan đặt trụ sở cho đến giữa thế kỷ 20. Punakha đã bị tàn phá rất nhiều qua bao biến động của lịch sử. Tuy nhiên sau đó nó đã được quốc vương Bhutan trùng tu lại. Ngày nay khách du lịch Bhutan có thể ghé thăm và ngắm nhìn trung tâm hành chính của Punakha, được mệnh danh là một trong những pháo đài đẹp nhất nước này.

Tháp Khamsum Yulley namgyal Chorten

thap-khamsum-yulley-namgyal-chorten-bhutan.jpg

Ngọn tháp tuyệt đẹp này nằm ngay trên một đỉnh núi ở Kabisa Gewong, Punakha. Có thể nói công trình này chính là thứ phản ánh nét kiến trúc và truyền thống nghệ thuật đặc trưng của người Bhutan. Mục đích xây dựng nên ngọn tháp là để phòng thủ quân xâm lược, và những người thợ đã mất đến 9 năm để hoàn thành.

Tượng Phật Dordenma

tuong-phat-dordenma-bhutan.jpg

Tượng Phật này là một trong những bức tượng Phật lớn nhất trên thế giới, với độ cao 51m và nằm ở thành phố Thimpu. Đặc biệt hơn nữa là trong tượng Phật Dordenma chứa đến 125.000 tượng Phật nhỏ. Toàn bộ đều được đúc bằng đồng và mạ vàng hệt như tượng Phật lớn.

Mua gì về làm quà?

qua-luu-niem-bhutan.jpg

Thứ đầu tiên bạn nên mua khi đi du lịch Bhutan chính là mật ong. Có 2 loại được bán trên thị trường là mật ong đóng chai có tem mác của nhà nước, thương hiệu Bumthang honey và mật ong đất của người dân. Cẩm nang du lịch Bhutan 2020 khuyên bạn nên mua mật ong đất được đóng trong chai nhựa, có màu đặc đen sánh tốt hơn nhiều so với mật ong rừng.

Thứ hai chính là dầu sả, đem về xịt phòng giảm stress vô cùng hiệu quả bởi thành phần hoàn toàn tự nhiên. Ngoài ra bơ – pho mát, các loại bột nghệ, hoa quả khô như nho khô, óc chó khô, táo sấy khô… cũng là mặt hàng thực phẩm rất đáng mua. Đặc biệt đồ thủ công mỹ nghệ của Bhutan cũng rất tinh xảo, chẳng hạn như chuỗi hạt handmade, tranh Thangka Phật pháp, cài áo…

Lưu ý khi đi du lịch Bhutan

Cẩm nang du lịch Bhutan 2020 cũng lưu ý bạn nên tránh chụp hình ở những nơi nhạy cảm như cung điện hoàng gia. Ngoài ra việc tham quan các đền chùa tuy được phép nhưng chúng ta không được chụp ảnh nội thất. Khách du lịch Bhutan cũng phải chú ý mặc trang phục chỉnh tề, với quần dài, áo có cổ và mang giày có vớ. Khi vào trong phải tháo giày ra.

Đặc biệt thuốc lá là thứ bị cấm hoàn toàn ở Bhutan, nếu bạn vi phạm sẽ bị phạt từ 2 cho đến 5 năm tù. Những hành vi như bắt cá, giết thú, chặt cây… có thể khiến người dân phiền lòng và mang đến cho bạn rắc rối không đáng có khi các nhà chức trách chú ý đến.

Hy vọng nhờ có cẩm nang du lịch Bhutan 2020 kể trên bạn đã bỏ túi cho mình được nhiều thông tin hữu ích trước khi đến với vương quốc rồng sấm. Bhutan hiền hòa cũng là nơi hội tụ những điều hạnh phúc ban sơ nhất của loài người, thứ chúng ta khó lòng tìm được trong cuộc sống hằng ngày.

Xem thêm: Tour HCM - Ấn Độ - Bhutan 6N6Đ (DELHI – AGRA – PARO - THIMPHU)

Hotline: 028.44 50 60 70

Tour nổi bật tại Bhutan

Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây

Đăng ký nhận ưu đãi

Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn