Món bánh chưng gù Hà Giang không quá mới nhưng lại rất được yêu thích, nhìn chiếc bánh nhỏ bé xinh xinh, dễ ăn, dẻo thơm và ngon. Có ai thắc mắc chữ "gù" của chiếc bánh chưng này là như thế nào không? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết này của Bếp Bụng Bự nhé.
Đi khắp dải đất hình chữ S bạn sẽ thấy rằng có rất nhiều loại bánh chưng khác nhau như bánh chưng vuông của miền Bắc, bánh tét hình trụ dài từ xứ Nghệ đến đất Mũi Cà Mau, bánh chưng đen, bánh chưng gù của đồng bào vùng núi phía Bắc… mỗi loại bánh tượng trưng cho bản sắc văn hóa riêng biệt của từng dân tộc.
Nhắc đến mảnh đất địa đầu của Tổ quốc người ta sẽ nghĩ ngay đến bánh chưng gù – đặc sản nổi tiếng vùng cao nguyên đá.Vậy món bánh chưng gù Hà Giang có gì đặc biệt so với các vùng khác, hãy cùng Bếp Bụng Bự tìm hiểu ngay nhé!
Bánh chưng gù được biết đến là món ăn nổi tiếng của đồng bào Dao Đỏ nói riêng và vùng đất Hà Giang nói chung. Nét độc đáo của bánh chưng gù Hà Giang so với các vùng khác phải kể đến đầu tiên đó chính là ở tên gọi.
Tên gọi bánh chưng gù bắt nguồn từ nét đẹp văn hóa tôn vinh người phụ nữ vùng cao chăm chỉ, cần cù.
Hà Giang là nơi cư trú của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Tày, Dao, Nùng. Với địa hình 3/4 là núi đá, khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống cư dân nơi đây rất vất vả. Đến với Hà Giang bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ đeo gùi trên lưng vượt đèo, lội suối, làm nương rẫy, lưng gù xuống để làm việc, địu nặng lúa, ngô trên vai. Chính vì vậy, người Dao Đỏ đã lấy hình tượng đó để đặt tên cho chiếc bánh chưng gù của đồng bào mình với ý nghĩa ca ngợi sự chăm chỉ của con người nơi đây và đặc biệt chính là người phụ nữ.
Bánh chưng có nguồn gốc từ truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giày” và do đặc điểm, điều kiện sống, văn hóa bản địa của người Dao Đỏ ở Hà Giang mà họ đã biến tấu tạo nên những chiếc bánh chưng gù độc đáo. Bánh chưng gù có kích thước nhỏ, được gói bằng một lớp lá do vậy việc bóc bánh khá dễ dàng.
Để có những chiếc bánh chưng gù thơm ngon, đạt chuẩn thì công đoạn chọn nguyên liệu làm bánh cần tỉ mỉ, và kỹ lưỡng nhất. Nguyên liệu để làm ra món bánh chưng gù bao gồm gạo nếp nương, đỗ xanh loại nhỏ, thịt lợn đen nuôi chính bởi dân địa phương, lá dong, lạt buộc.
Để tạo ra chiếc bánh chưng thơm ngon đòi hỏi sự tỉ mỉ, bàn tay khéo léo của người phụ nữ vùng rẻo cao. Gạo được vo kĩ và ngâm qua đêm để khi cho bánh vào luộc có độ mềm, dẻo.
Nét độc đáo của bánh chưng gù Hà Giang so với các vùng khác chính là ở khâu chuẩn bị gạo nếp. Gạo được ngâm với nước lá riềng xay lọc sạch để gạo có màu xanh tự nhiên, khi luộc bánh sẽ tỏa ra mùi thơm đặc trưng của bánh chưng gù Hà Giang.
Bánh được gói bằng lá dong rừng, gạo nếp dải đều trên lá dong sau đó cho thêm đỗ và thịt ba chỉ kèm theo các gia vị, gấp hai mép của lá dong lại để tạo nên hình dáng của chiếc bánh. Sau khi gấp mép sẽ dùng lạt buộc lại rồi cho luộc khoảng 8-10 tiếng để đạt được độ chín vừa vặn, gạo nếp dền dẻo, đỗ xanh mịn bùi, thịt lợn thơm. Người dân địa phương luộc bánh bằng bếp củi truyền thống không dùng bếp điện. Tiêu và muối trong phần nhân thịt đỗ được ướp vừa vặn, thịt tơi, mềm bánh ăn rất ngon không lo bị lại gạo. Vì vậy, bánh chưng gù có hương vị rất đặc trưng của vùng núi không nơi đâu sánh bằng.
Bánh chưng gù có khá nhiều ưu điểm như:
Bánh chưng gù có kích thước nhỏ khá vừa đủ xinh. Bánh nho nhỏ cầm trong lòng bàn tay có cảm giác múp míp, đầy đặn, giống như chiếc lu đất đựng nước ngày xưa.
Nhưng trên thực tế, hình dáng bánh chưng gù tượng trưng cho 1 người phụ nữ Dao đang đeo gùi trên lưng. Hình ảnh khi họ cúi xuống hái lúa, hái ngô trên nương rẫy đã tạo nên hình dạng của chiếc bánh chưng này.
Dù sao đi nữa, đây cũng là điểm cộng đầu tiên lý giải nguyên nhân bánh được dân văn phòng khá ưa chuộng. Bánh rất dễ mang theo, dễ bỏ túi, dễ ăn vào những lúc không đúng bữa mà đang đói.
Bánh chỉ có 1 lớp lá gói thay vì 4 – 5 lớp như bánh chưng xanh truyền thống của người Kinh. Nhờ vậy, việc bóc bánh khá dễ dàng và nếu khéo léo bạn hoàn toàn có thể không dính tay một chút nào.
Nhìn chung, bánh không quá khác biệt so với bánh chưng vuông trừ kích cỡ nhỏ xinh, hình dáng thon dài. Phần vỏ cũng được làm bằng gạo nếp và phần nhân với đậu xanh, thịt mỡ. Phần vỏ bánh được làm từ gạo nếp nương và ngâm với nước lá dong riềng trước khi gói nên có màu xanh đều từ trong ra ngoài. Vỏ bánh khá dày và dẻo có thể là do bánh không bị nén như bánh chưng thông thường.
Phần đậu bùi bùi kết hợp với thịt ba chỉ có tỉ lệ khá hợp lý. Tiêu và muối trong nhân thịt đỗ được ướp vừa vặn, không bị hắc khi ăn. Thịt tơi, mềm màu đỏ rượu, dễ sắn chứ không bị cứng, cục.
Thêm vào đó, do chiếc bánh chưng nhỏ hơn, lượng nhân cũng ít hơn nên khi ăn bánh sẽ cho cảm giác dễ chịu hơn, đặc biệt là với những người sợ…mỡ.
Bánh nào cũng vậy, có ưu điểm và nhược điểm, với chiếc bánh chưng gù này cũng có một số vấn đề như bánh dẻo, hơi nhão nên khó bảo quản. Nguyên nhân đều do cách làm bánh: Bánh không được nén để giữ hình dáng “lưng gù” nên phần nếp khá tơi và dính. Nếu không gói đủ chặt tay, phần vỏ ngoài của bánh bị nhão hoặc xô gạo trong quá trình luộc bánh.
Cũng chính vì lí do này, bánh thường được làm và gửi cho khách sử dụng trong ngày. Bạn cũng không nên luộc lại bánh do dễ bị “lại gạo” khiến lớp vỏ ăn bị sượng và không ngon như ban đầu.
Nếu bạn muốn có chiếc bánh để ăn tạm khi đói, hoặc cũng có thể ăn trong mâm cỗ gia đình thì bánh chưng gù cũng là sự lựa chọn để bữa ăn thêm “đẹp” hơn!
Khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của Hà Giang cùng PYS Travel
Tour du lịch Hà Giang từ Hà Nội (3 ngày 2 đêm)
Tour du lịch Hà Giang từ TP.HCM (4 ngày 3 đêm)
Hòa Vũ
Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn