Những điều cần biết khi du lịch Trùng Khánh Cao Bằng

14/08/2023

Có dịp du lịch Cao Bằng, bạn nhớ dành thời gian khám phá vẻ đẹp của huyện Trùng Khánh nhé, nơi có thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao tuyệt đẹp.

Miền Bắc nước ta có hai vòng cung với địa thế hiểm trở nhưng thiên nhiên tươi đẹp, có cả núi non, hệ thống hang động và hồ nước. Nếu vòng cung Tây Bắc nổi tiếng với các tỉnh Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Lào Cai thì vòng cung Đông Bắc cũng có 2 tỉnh Hà Giang và Cao Bằng với cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ. 

1. Sơ nét về Trùng Khánh Cao Bằng

Trùng Khánh nằm ở phía đông của tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm thành phố khoảng 60 km. Thời tiết ở Trùng Khánh mang đặc trưng khí hậu của vùng núi cao Đông Bắc với bốn mùa rõ rệt là Xuân, Hạ, Thu và Đông. Mỗi mùa ở Trùng Khánh lại có một vẻ đẹp riêng để bạn khám phá và chiêm ngưỡng. 

trùng khánh

Vẻ đẹp của Trùng Khánh Cao Bằng (Ảnh: Internet)

2. Top 5 địa điểm tham quan ở Trùng Khánh Cao Bằng

2.1. Thác Bản Giốc

Thác Bản Giốc nằm tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng và cách trung tâm huyện khoảng 20 km. Đây là một cụm thác nước nằm trên dòng sông Quây Sơn, nằm ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Khi nhìn từ dưới chân thác, phần thác bên trái và một nửa phía tây của thác bên phải thuộc sự quản lý của Việt Nam, trong khi một nửa phía đông của thác bên phải thuộc sự quản lý của Trung Quốc.

Với góc độ toàn cảnh từ xa, thác nước đổ xuống tạo một vùng bọt nước trắng xoá. Mang cho ta cảm giác hoang sơ nhưng vô cùng tráng lệ. Phần giữa con thác, một mô đá nhô lên, được bao phủ bởi những cành cây khô đã xẻ dòng nước thành ba luồng như ba dải lụa trắng vắt ngang núi rừng. Thác Bản Giốc còn gắn với chuyện tình đẹp nhưng có kết thúc buồn của đôi trai gái người Tày.

thác bản giốc nhìn từ xa

Thác Bản Giốc nhìn từ xa (Ảnh: Internet)

2.2. Chùa  Phật Tích Trúc Lâm

Một địa điểm tham quan khác cũng ở xã Đàm Thuỷ nhất định bạn phải đến khi du lịch Trùng Khánh Cao Bằng chính là chùa Trúc Lâm. Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng tại nơi biên cương Tổ quốc, khánh thành ngày 15/12/2014, rộng khoảng 3ha. Ngôi chùa tựa lưng vào núi Phia Nhằn nên có thể nhìn ngắm toàn cảnh thác Bản Giốc hùng vĩ, núi non điệp trùng từ trên cao. Từ thác Bản Giốc đến ngôi chùa này chỉ khoảng 500m và miễn phí khi vào, do đó bạn đừng quên đến đây để tận hưởng sự thanh bình, yên tĩnh miền đất Phật nhé. Từ nhà lễ, lầu, nhà thờ, đền thờ hay các chi tiết nhỏ khác đều mang dấu ấn quen thuộc, rất tỉ mỉ, công phu mang nét uy nghiêm, thanh tịnh.

chùa phật tích trúc lâm

(Ảnh: Internet)

2.3. Động Ngườm Ngao

Động Ngườm Ngao mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí và có hình dáng rất đặc biệt nên được mọi người ưu ái gọi là “dấu chân địa đàng” của vùng non nước Cao Bằng.

động ngườm ngao

(Ảnh: Internet)

Động Ngườm Ngao thuộc bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Nó ẩn mình trong trong một ngọn núi hùng vĩ và cách thác Bản Giốc chừng 3km.

Ngay từ khi bước chân đến đây, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi cảnh đẹp được tạo nên bởi một khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng để du khách thỏa sức sáng tạo và khám phá. Vì mới khai thác du lịch chưa lâu nên động Ngườm Ngao vẫn giữ trọn vẹn nét đẹp hoang sơ vốn có của mình, vô cùng tráng lệ, hùng vĩ và thu hút du khách.

bên trong động ngườm ngao

(Ảnh: Internet)

Vé vào tham quan động Ngườm Ngao dang động từ 20.000-40.000 đồng/ người và chỉ mở từ 7h đến 18h, thường đông khách lúc 11h. Các bạn nên lưu ý thời gian khi tham quan nơi đây để có trải nghiệm tốt nhất nhé.

2.4. Làng đá Khuổi Kỵ

Ngoài hai điểm đến kể trên, huyện Trùng Khánh còn có một địa điểm đẹp và độc đáo khác chính là làng đá Khuổi Kỵ. Ngôi làng đá này nằm giữa hai địa điểm du lịch là thác Bản Giốc và Động Ngườm Ngao thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.

làng đá khuổi kỵ

(Ảnh: Kiến trúc& Đời sống)

Cao Bằng là miền đất mà rừng núi chiếm đến 90% diện tích. Ở nơi này đâu đâu cũng thấy núi đá hoặc đất xen núi đá. Cũng bởi vậy mà một ngôi làng đá đã được hình thành trong tiến trình lịch sử. Đó là làng đá Khuổi Ky, một ngôi làng truyền thống của người Tày. Ngôi làng cổ nổi tiếng có tuổi đời hơn 400 năm, đã đứng vững chãi chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử diễn ra nơi đây.

nét văn hoá làng khuổi kỵ

Nét văn hoá ở làng Khuổi Kỵ (Ảnh: Internet)

2.5. Hồ Bản Viết 

Hồ Bản Viết là một hồ nước ngọt nhân tạo nằm ẩn sâu trong cánh rừng tự nhiên thuộc địa phận hai xã Phong Châu và Tân Phong. Hồ rộng tới 5ha, dài hơn 6km với hệ sinh thái và thảm thực vật đa dạng, phong phú.

hồ bản viết đẹp như trong tranh

(Ảnh: Internet)

Các hoạt động như cắm trại, nhóm lửa, hát ca hoặc đạp xe quanh hồ giúp chúng ta tận hưởng sự thư thái, yên bình. Nếu muốn trải nghiệm cảm giác mạnh hơn, du khách có thể trekking đường rừng. Còn gì thú vị hơn khi chân được bước lên những đám lá khô lạo xạo trong rừng vắng, mũi được hít hà mùi của cây cỏ, tai được lắng nghe chim hót véo von trên những tầng cây cao đầy nắng.

Hãy thử một lần trải nghiệm các hoạt động dưới nước tại hồ Bản Viết. Trên những chiếc bè mảng, du khách được người dân địa phương dẫn lối trên hồ để vào chốn thần tiên. Giữa mênh mang non nước, ánh nắng lấp lánh chiếu qua hàng cây, soi bóng mặt hồ xanh biếc phản chiếu dãy núi trùng điệp và những đám mây trắng lững lờ trôi.

cắm trại hồ bản viết

(Ảnh: Internet)

3. Văn hóa và ẩm thực đặc trưng

3.1. Văn hoá đặc trưng của Trùng Khánh

Trùng Khánh vẫn là vùng đất cổ, nơi đây lưu giữ rất nhiều văn thơ, lịch sử như: Thị trấn Cổ Sầu, chợ Bản Rạ, chợ Thông Hoa… Trùng Khánh là nơi sinh ra, sinh sống chủ yếu của người Tày, có những nét giao thoa với văn hóa người Hoa. 

du khách được tham gia vào văn hoá người tày

Du khách được tham gia các nét văn hoá người Tày (Ảnh: Internet)

Song song với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh là kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc như: phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, và nhiều loại hình văn hóa phi vật thể khác được bảo tồn và phát huy.

hội co sầu

(Ảnh: Báo Cao Bằng)

Cứ đến ngày 15/2 âm lịch, du khách thập phương lại rủ nhau đến Trùng Khánh trẩy hội Co Sầu. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của huyện Trùng Khánh.

3.2. Ẩm thực đặc trưng của Trùng Khánh

Văn hóa ẩm thực có vai trò nhất định trong hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch địa phương. Ẩm thực không chỉ đơn thuần đóng vai trò phục vụ nhu cầu ăn uống mà trở thành mục đích của du khách trong hành trình khám phá, thưởng thức những hương vị truyền thống đặc sắc. Văn hóa ẩm thực cũng là điểm nhấn quan trọng trong giá trị văn hóa ở huyện Trùng Khánh như: xôi ngũ sắc, vịt cỏ, hạt dẻ, gạo nếp Ong, thạch trắng, tương mạch, đậu phụ chao, bánh khảo… Chắc hẳn các bạn không xa lạ gì với hạt dẻ Trùng Khánh, xôi ngũ sắc hay vịt quay Trùng Khánh, cho nên hôm nay PYS Travel sẽ giới thiệu thêm cho các bạn các món ngon khác nhé!

Gạo nếp ong

Gạo nếp ong (tên địa phương là Khẩu Phẩng) là đặc sản nổi tiếng của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Cây lúa đặc sản này được trồng chủ yếu ở các xã Ngọc Côn, Ngọc Khê, Phong Châu, Đình Phong, Chí Viễn… Người dân Trùng Khánh vẫn giữ nếp thu hoạch lúa nếp ong theo phương pháp cổ truyền, cắt từng bông lúa, gom lại, buộc thành từng bó nhỏ mang về. Gạo nếp ong khi nấu thành xôi có hương vị rất thơm ngon và có thể để từ sáng đến tối mà vẫn dẻo. Ngoài ra, gạo nếp ong còn được dùng để làm các loại bánh, đồ lễ dùng để dâng cúng tổ tiên, ông bà, nhất là trong các dịp lễ, Tết.

gạo nếp ong được đóng gói thành túi

Gạo nếp ong được đóng gói thành túi (Ảnh: Báo Nông Nghiệp)

Đậu phụ chao

Phố chợ Thông Hoa (Trùng Khánh – Cao Bằng) từ lâu đã được biết đến với nhiều món ăn độc đáo, trong đó không thể không kể đến nghề làm đậu phụ chao. Món ăn này vô cùng bình dân mà lại kết hợp được với nhiều loại thức ăn khác nhau.

đậu phụ chao được dùng trong các bữa cơm

(Ảnh: Internet)

Đậu đang nóng hôi hổi được ăn kèm với tương sẽ có sự khác biệt.

Đậu nấu canh thịt cho thêm tỏi lá vào ăn nóng cũng rất ngon.

Một món ăn truyền thống mà trong bữa cơm bình dân hay khi làm cỗ, người dân thường nhồi đậu với thịt.

Đối với người Nùng ở miền Đông, vào dịp mùng 3 tháng Ba âm lịch, nhiều gia đình làm món đậu nhồi thịt để cúng gia tiên và đãi thực khách.

Bánh khảo

bánh khảo thông huề

(Ảnh: Internet)

Bánh khảo là một trong những đặc sản nổi tiếng của Cao Bằng được nhiều người ưa chuộng. Nguyên liệu làm bánh là loại gạo nếp ngon, thơm, hạt tròn mẩy đều. Đường dùng làm bánh khảo thường là đường kính hoặc đường phên. Nhân bánh có vị bùi của lạc, vừng, vị béo ngậy của mỡ lợn. Khi ăn ta cảm nhận được vị ngọt thanh của đường, vị thơm của bột nếp rất đậm đà.

Trên đây là những điểm nổi bật tại huyện Trùng Khánh của tỉnh Cao Bằng, hy vọng bài viết này cũng đã cho bạn biết thêm  thông tin về những địa điểm du lịch tại Trùng Khánh để bạn có một chuyến đi du lịch Cao Bằng trọn vẹn.

Khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của Cao Bằng ngay thôi

Tour Cao Bằng - Bắc Kạn 3 ngày 2 đêm

Tour Thác Bản Giốc 4 ngày 3 đêm

Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây

Đăng ký nhận ưu đãi

Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn

Gọi tổng đài
Chat ngay
Gọi tổng đài
Chi nhánh HN
Chi nhánh HCM