Kinh nghiệm đi du lịch thác Bản Giốc, Cao Bằng

14/08/2023

Đến du lịch ở Cao Bằng, du khách không thể bỏ lỡ thác Bản Giốc. PYS Travel sẽ chia sẻ những kinh nghiệm đi du lịch thác Bản Giốc để bạn có những trải nghiệm tuyệt vời nhất nhé!

1. Đặc điểm, nét thu hút của thác Bản Giốc

Nếu nhìn từ phía dưới chân thác, phần thác bên trái và nửa phía tây của thác bên phải thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; nửa phía đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Thác nằm cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 100km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 400km. Đây là thác nước đẹp nhất Đông Nam Á và lớn thứ 4 toàn thế giới.

thác bản giốc đẹp ngây ngất lòng người
Thác Bản Giốc đẹp ngây ngất lòng người

Giữa bốn bể rừng núi, mây trời Đông Bắc, thác Cao Bằng ấy sừng sững hiện ra như một dải lụa trắng ngần giữa bức tranh thiên nhiên đẹp như trong truyện cổ tích.

Phần thác chính rộng khoảng 100m, cao 70m và sâu 60m. Từ xa đã nghe thấy tiếng ì ầm của thác nước, càng tiến lại gần, âm thanh đó càng rõ hơn, càng dồn dập hơn. Tiếng thác như một bản nhạc của thiên nhiên hòa tấu, mỗi vị trí xa gần lại có một nét riêng. 

2. Nên du lịch thác Bản Giốc vào thời điểm nào?

Ở mỗi thời điểm khác nhau, thác Bản Giốc lại mang đến một vẻ đẹp riêng biệt. Cùng với sự chuyển biến theo mùa, thác Bản Giốc và thiên nhiên nơi đây cũng có những thay đổi tương ứng.

thác bản giốc

(Ảnh: Nông Thanh Toàn)

Tháng 1 - cuối tháng 2, vùng cao sẽ bước vào mùa xuân với dòng chảy dịu dàng hơn, nước xanh trong như ngọc, cây cối bắt đầu đâm chồi và hoa nở trắng rừng.

Tháng 6 - 8 là thời điểm bắt đầu mùa mưa tại Cao Bằng, thác nhiều nước với sức tuôn lớn. Bạn sẽ bắt gặp từng đợt thác đổ bọt tung trắng xóa.

Tháng 9 - 10 là lúc Trùng Khánh vào mùa lúa chín. Đến Bản Giốc vào mùa này, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn thác nước hùng vĩ được điểm tô bởi sắc vàng của ruộng đồng cực thơ. Tháng 10 cũng là mùa lễ hội của người dân địa phương, rất đáng để trải nghiệm.

thác bản giốc mùa lúa chín

(Ảnh: Internet)

Tháng 11 - 12 là thời điểm núi rừng Cao Bằng vào mùa thay lá. Đặt chân đến đây vào khoảng đầu đông, bạn sẽ ngắm thác Bản Giốc hiền hòa, bao quanh là sắc vàng sắc đỏ của cây rừng cực kỳ lãng mạn.

Người ta thường chia vẻ đẹp thác Bản Giốc thành 2 mùa: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa nước đổi màu đỏ rực, dữ dội, tung những bọt trắng xóa tạo nên khung cảnh hùng vĩ. Mùa khô, thác Bản Giốc lại khoác lên mình vẻ đẹp hiền hoà, dòng nước êm đềm trôi, xanh mát. 

thác bản giốc yên ả
Ảnh: Check in Vietnam)

Không chỉ khác biệt giữa các mùa, thác Bản Giốc còn mang những dáng vẻ khác nhau tùy vào thời tiết trong ngày. Vào những hôm trời tạnh ráo, ánh nắng mặt trời chiếu qua dòng thác bụi nước mịt mù, tạo thành những chiếc cầu vồng lung linh. Hay vào những ngày sương mù, thác nước chìm trong vẻ lãng đãng mờ sương, tựa như tiên cảnh.

3. Cách di chuyển đến Cao Bằng và thác Bản Giốc

Tuỳ vào địa điểm khởi hành, mục đích của chuyến đi mà các du khách có thể lựa chọn phương tiện đi lại sao cho hợp lý nhất.

3.1. Phương tiện di chuyển đến Cao Bằng

Máy bay

Đối với các tỉnh thành phía Nam, du khách sẽ đi máy bay đến Hà Nội, mỗi chuyến chỉ hơn 2 tiếng, sau đó sẽ di chuyển đến Cao Bằng bằng xe khách hay các phương tiện khác. Giá vé máy bay chỉ từ 800.000 đồng/ chiều trở lên, du khách có thể đặt vé trên các app hay đặt vé khứ hồi để chi phí được tiết kiệm phần nào.

sân bay Tân Sơn nhất đến sân bay Nội Bài

Quãng đường 1160km từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Nội Bài (Ảnh: vha.vn)

Xe khách

Từ Hà Nội đến Cao Bằng, du khách có thể di chuyển bằng xe khách với giá dao động 200.000-400.000 đồng/người. Xe khách Hà Nội vô cùng đa dạng từ giá cả, địa điểm xuất phát, thời gian xuất phát để bạn có thể lựa chọn sao cho chuyến đi an toàn, thoải mái nhất.

xe khách Hà Nội- Cao Bằng

(Ảnh: Internet)

Từ các tỉnh thành miền Bắc khác hay miền Trung đến Cao Bằng cũng có các chuyến xe khách nhưng không nhiều như ở Hà Nội, giá cả dao động từ 200.000-500.000 đồng/người.

Tự điều khiển xe ô tô, xe máy

Để chủ động lịch trình, tiết kiệm chi phí hơn, các bạn trẻ rất yêu thích việc thuê xe ô tô hay đi xe máy để di chuyển đến Hà Giang. Hơn hết, việc tự điều khiển phương tiện đi lại giúp du khách có nhiều thời gian hơn để phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn vẻ đẹp trên đường đi.

phượt bằng xe máy

(Ảnh: Hoàng Bảo Long)

3.2. Phương tiện di chuyển đến thác Bản Giốc

Để di chuyển đến thác Bản Giốc dễ dàng, giá cả phù hợp, việc lựa chọn đi xe buýt đang ngày càng phổ biến. Đi từ bến xe Cao Bằng, bạn sẽ bắt xe buýt di chuyển nội tỉnh và dừng chân tại điểm dừng cuối cùng - ngay tại cổng vào của thác.

xe buýt Cao Bằng

(Ảnh: Internet)

Một cách khác là bạn tiếp tục điều khiển phương tiện cá nhân hoặc thuê xa máy tại Cao Bằng với chi phí từ 100.000 đồng/ ngày (chưa kể đổ xăng). Là tỉnh thành với nhiều đồi núi cao hiểm trở, các cung đường đèo cheo leo, khi tự điều khiển phương tiện cá nhân các bạn phải vô cùng cẩn thận khi kiểm tra phương tiện cũng như trong việc lái xe.

4. Nơi lưu trú khi đến thác Bản Giốc

Trước kia, khu vực Bản Giốc hầu như không có cơ sở lưu trú, du khách tới đây thường đi về trong ngày hoặc nghỉ đêm tại Trùng Khánh rồi hôm sau vào thác. Ngày nay khi tới thác Bản Giốc, các bạn có thể dễ dàng tìm cho mình một hình thức lưu trú sao cho phù hợp với cá nhân.

4.1. Homestay

Nếu muốn trải nghiệm các phong tục tập quán, đồ ăn của người dân nơi đây, du khách nên thuê các homestay để lưu trú. Các homestay này do chính người dân địa phương mở ra, nằm rải rác từ đường Trùng Khánh vào thác. Vì vậy giá cả ở homestay cũng rất hợp lý, chỉ từ 250.000 đồng/ ngày.

homestay thác bản giốc

(Ảnh: Internet)

4.2. Khách sạn

Xung quanh Bản Giốc có một số khách sạn khá lớn với cơ sở vật chất đầy đủ, dịch vụ ăn uống khá ổn và còn hỗ trợ các thông tin về phương tiện đi lại cho du khách. Giá phòng chỉ từ 400.000 đồng/ ngày thật sự quá rẻ đúng không nào?

khách sạn bản giốc

(Ảnh: Internet)

5. Những thú vui chơi khi du lịch thác Bản Giốc

Tránh xa thành thị xô bồ nhiều lo lắng, du khách có thể khám phá nhiều hoạt động và hòa mình cùng thiên nhiên. 

5.1. Đi thuyền trên thác

Ngồi trên chiếc thuyền máy, bạn sẽ được trực diện ngắm dòng thác chảy xiết từ độ cao hàng chục mét, cảm nhận từng khối nước lớn đổ ầm ĩ xuống mặt sông phẳng lặng. Đây là lúc bạn cảm nhận trọn vẹn sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, sự hoang dại của dòng chảy đối lập với khung cảnh đất trời, cỏ cây yên bình. 

đi thuyền máy trên thác bản giốc

Ngắm nhìn thác Bản Giốc bằng thuyền máy (Ảnh:PYS Travel)

5.2. Cắm trại

Dựng lều trại ngay bên cạnh thác nước, vừa nhâm nhi tách trà thơm, tận hưởng khoảnh khắc yên tĩnh hiếm hoi, vừa ngắm thác nước và cây rừng đẹp như mơ thì không còn gì thảnh thơi hơn.

cắm trại thác bản giốc

(Ảnh: Internet)

5.3. Chụp ảnh tại cột mốc biên giới

Với các bạn yêu thích du lịch khám phá, khi tới các tỉnh vùng cao phía Bắc hầu hết đều rất muốn tới tham quan và tìm hiểu về đường biên giới thông qua hệ thống các cột mốc. Khu vực thác Bản Giốc hiện có mốc 836(2) mà bạn có thể dễ dàng tiếp cận chụp ảnh mà không cần xin phép như các khu vực khác (dọc theo bờ sông Quây Sơn các bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều mốc chạy dọc bờ sông, đây là đoạn biên giới tự nhiên giữa 2 nước).

chụp ảnh cột mốc 836

(Ảnh: PYS Travel)

Mốc 836(2) là mốc đôi cùng số, đặt bên bờ phía Việt Nam. Các bạn nhìn thẳng sang bên kia phía Trung Quốc sẽ có một mốc tương tự, đấy là mốc 836(1). 

5.4. Chùa Trúc Lâm Bản Giốc

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, Trùng Khánh của tỉnh Cao Bằng. Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng tại nơi biên cương Tổ quốc, khánh thành ngày 15/12/2014, rộng khoảng 3ha. Ngôi chùa tựa lưng vào núi Phia Nhằn nên có thể nhìn ngắm toàn cảnh thác Bản Giốc hùng vĩ, núi non điệp trùng từ trên cao. Từ thác Bản Giốc đến ngôi chùa này chỉ khoảng 500m,  do đó bạn đừng quên đến đây để tận hưởng sự thanh bình, yên tĩnh miền đất Phật nhé. Từ nhà lễ, lầu, nhà thờ, đền thờ hay các chi tiết nhỏ khác đều mang dấu ấn quen thuộc, rất tỉ mỉ, công phu mang nét uy nghiêm, thanh tịnh.

chùa trúc lâm bản giốc

(Ảnh: Internet)

6. Món ngon của người dân tại Bản Giốc

6.1. Các món ăn ngon khi du lịch Bản Giốc

Bánh cuốn Cao Bằng

Du lịch thác Bản Giốc hay bất cứ nơi nào ở Cao Bằng không thể thiếu món bánh cuốn Cao Bằng được. Bánh cuốn nóng hổi, "chấm" vào tô nước xương ngọt lịm, có sẵn trứng gà hồng đào, một ít rau thơm và một cây chả đã khéo léo đặt bên trong. Người Cao Bằng chính gốc còn ăn bánh cuốn với măng muối chua cùng trái mắc mật. Măng phải là măng tươi, đem về ngâm, luộc rồi mới muối cay với thật nhiều ớt. Có khi họ bỏ hẳn vào trong tô.

bánh cuốn cao bằng

(Ảnh: Quả Dứa)

Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống từ lâu đời của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Xôi thường được làm vào các dịp lễ, tết bốn mùa trong năm và trong những dịp hiếu, hỷ. Xôi ngũ sắc có năm màu chủ đạo (đỏ, đen, tím, trắng, vàng), có thể thay bằng màu xanh, màu cam tùy theo sở thích của người chế biến. Hiện nay, Cao Bằng trở thành một vùng đất du lịch thu hút khách thập phương nên xôi ngũ sắc đã trở thành món ăn mà bất cứ du khách nào cũng muốn thưởng thức khi đến Cao Bằng.

xôi ngũ sắc cao bằng

(Ảnh: Internet)

Măng nhồi thịt

Cao Bằng được thiên nhiên ưu đãi có nhiều đồi núi là điều kiện thuận lợi để các loại măng mọc, đặc biệt vào mỗi dịp đầu xuân. Người dân Cao Bằng có nhiều cách chế biến măng, trong đó có món măng nhồi thịt. Măng tươi mua về bóc vỏ, luộc để nguyên cả cây rồi chẻ đôi thành bản to, khía những đường nhỏ theo thân măng hoặc có thể vẫn để nguyên cây măng, khoét phần đặc bên trong thành khoảng rỗng để nhồi thịt. Thịt băm ướp các loại gia vị, rau thơm…, đem nhồi vào thân măng đã khoét rỗng hoặc cây măng chẻ đôi có đường khía. Sau đó cho vào nồi hấp chín mang ra ăn. Khi ăn, măng bọc ở ngoài giòn, ngấm nước ngọt của thịt và gia vị, miếng măng có vị măng tươi giòn và ngọt thơm của thịt.

măng nhồi thịt

(Ảnh: Internet)

Vịt quay Trùng Khánh

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe tới món vịt quay Trùng Khánh đúng không nào ? Đây cũng là một món ăn làm nao lòng những người có tâm hồn ăn uống. Giống vịt cỏ huyện Trùng Khánh có nguồn gốc từ vịt trời, qua quá trình thuần hóa tự nhiên tạo thành giống vịt cỏ thích nghi với việc chăn thả tự nhiên và được người dân trên địa bàn chăn nuôi từ nhiều đời nay. Thịt vịt cỏ nơi đây có vị ngọt, độ dai vừa phải nên rất được người dân Cao Bằng ưa chuộng.

vịt quay trùng khánh

(Ảnh: Internet)

6.2. Thức quà mang về ở Bản Giốc

Hạt dẻ Trùng Khánh

Ngày nay, thứ quả đặc sản này đã xuất hiện ở rất nhiều nơi. Tuy nhiên, những hạt dẻ đó không phải chính gốc hạt dẻ Trùng Khánh của Cao Bằng.  Đặc biệt, điều dễ nhận biết nhất là hạt dẻ nhái bán quanh năm, mùa nào cũng có mà để bao lâu cũng không bao giờ sợ bị thâm bị thối. Còn nếu là hạt dẻ Trùng Khánh xịn thì vỏ phải cứng, dày và có nhiều lông tơ. Khi  đem luộc, hấp hoặc mang vào lò nướng chín, sẽ có hương thơm tự nhiên rất đặc trưng. Hạt dẻ này có vị ngọt bùi rất tự nhiên. Chỉ cần ngậm một lúc, tự nó mềm ra như bột bánh khảo. Nó từ từ chín một lần nữa trong miệng. Hơn nữa, hạt dẻ Trùng Khánh không hề xuất hiện quanh năm mà chỉ xuất hiện vào dịp cuối thu mà thôi. Các bạn nên lưu ý khi chọn mua hạt dẻ nhé!

người dân bán hạt dẻ Trùng Khánh

Người dân bán hạt dẻ Trùng Khánh (Ảnh: VnExpress)

Bánh khảo Thông Huề

Những ai đã đặt chân đến mảnh đất Cao Bằng và thưởng thức hương vị bánh khảo hẳn sẽ không thể quên hương vị đậm đà của món bánh này. Trước kia, bánh được dùng thay kẹo trong mỗi dịp lễ, Tết của đồng bào Tày. Ngày nay, cùng với sự yêu thích của thực khách, nghề làm bánh khảo phát triển rộng hơn, nhiều nơi trên mảnh đất Cao Bằng, nhân dân đã sản xuất bánh hàng ngày phục vụ nhu cầu mua làm quà của du khách. Song ngon nhất, đậm đà nhất, có hương vị riêng biệt nhất vẫn phải kể đến bánh khảo xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh - nơi được xem là khởi nguồn làm bánh khảo ở Cao Bằng.

bánh khảo thông huề

(Ảnh: Internet)

Cốm Trùng Khánh

Cứ mỗi độ cuối tháng 7, đầu tháng 8 Âm lịch hằng năm, khi tiết trời chuyển sang thu, cũng là lúc người dân Trùng Khánh được thưởng thức hương vị của cốm, thứ quà bình dị mà thanh tao.

cốm Trùng Khánh

(Ảnh: Báo Cao Bằng)

Trên đây là các món ăn, các thức quà PYS Travel gợi ý cho các bạn khi du lịch thác Bản Giốc. Ngoài ra, Cao Bằng cũng có rất nhiều món ngon như bánh trứng kiến, bò gác bếp, bánh áp chao, nằm khau, tương Mẹc Cảng,...

Những kinh nghiệm du lịch thác Bản Giốc PYS Travel chia sẻ ắt hẳn đã giúp cho các bạn hiểu thêm và tự tin hơn để khám phá vùng đất xinh đẹp này đúng không nào?

Khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của Thác Bản Giốc và Hồ Ba Bể ngay thôi

Tour Thác Bản Giốc 3 ngày 2 đêm

Tour Thác Bản Giốc 4 ngày 3 đêm

Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây

Đăng ký nhận ưu đãi

Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn

Gọi tổng đài
Chat ngay
Gọi tổng đài
Chi nhánh HN
Chi nhánh HCM