Kinh nghiệm đi du lịch Hà Giang từ A đến Z

05:04 14/09/2023


Kinh nghiệm đi du lịch Hà Giang từ A đến Z

Hà Giang - Mảnh đất “Địa đầu Tổ quốc” từ lâu đã nổi tiếng với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh hay những cánh đồng hoa Tam Giác Mạch thơ mộng,... Nếu ai đang có ý định một lần đặt chân đến đây thì đừng bỏ qua các bài viết sau đây nhé.

1. Giới thiệu Hà Giang

Hà Giang là tỉnh toạ lạc tại cực Bắc Việt Nam với phía Đông giáp Cao Bằng, phía Tây giáp Yên Bái - Lào Cao. phía Nam giáp Tuyên Quang và phía Bắc giáp Trung Quốc. Trung tâm của tỉnh là thành phố Hà Giang nằm cách Hà Nội khoảng 320km. Điểm thu hút của Hà Giang đến từ cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với nhiều thắng cảnh như đỉnh Mã Pí Lèng, hẻm vực Tu Sản, núi đôi Quản Bạ,... Chính vì thế mà dù sở hữu địa hình hiểm trở, nhưng Hà Giang vẫn thu hút được rất nhiều du khách ghé thăm.

hà giang
(Ảnh: PYS Travel)

Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nền văn hoá lâu đời thuộc niên đại đồ đồng Đông Sơn, có các di tích người tiền sử ở Bắc Mê, Mèo Vạc. Đây cũng là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thuộc vùng Đông Bắc sinh sống, với 22 dân tộc có nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống và những lễ hội rất sinh động đã làm Hà Giang trở thành nơi hấp dẫn du khách đến tham quan. 


(Ảnh: PYS Travel)

Bên cạnh đó, Hà Giang có cảnh quan môi trường độc đáo của một tỉnh miền núi với những dãy núi cao đá tai mèo ở phía bắc và những cánh rừng bạt ngàn ở phía nam. Năm 2010 Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Tháng 9 năm 2012 Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được công nhận là Di tích quốc gia.

2. Hà Giang mùa nào đẹp

Thời gian lý tưởng nhất là du lịch Hà Giang là từ tháng 9 đến tháng đến khoảng tháng 3 năm sau vì đây không chỉ là mùa lúa chín, mùa hoa nở rợp trời mà còn là thời điểm diễn ra các lễ hội mùa Xuân của đồng bào miền núi. 

Tháng 8 - 10: Là thời điểm đồng loạt các ruộng bậc thang tại Hà Giang được phủ sắc vàng ươm của mùa lúa chín, mà trong đó đẹp nhất chính là khu vực Hoàng Su Phì.


(Ảnh: PYS Travel)

- Tháng 10 - 11: Nếu trót say đắm vẻ đẹp cũng những cánh đồng hoa tam giác mạch, bạn còn chờ gì mà chưa lên kế hoạch đến Hà Giang vào khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11. Đừng quên ghé cột cờ Lũng cú, làng văn hóa Lũng Cẩm - Sủng Là, chân đèo Mã Pí Lèng, Thạch Sơn Thần - Quản Bạ để có view ngắm hoa tam giác mạch xịn nhất nhé! 


(Ảnh: PYS Travel)

- Tháng 1 đến Tết Âm Lịch: Mùa xuân từ tháng 1 đến tháng 3 là mùa Hà Giang ngập tràn màu sắc của đủ các loại hoa như hoa cải vàng, hoa mận trắng, hoa đào hồng. Đây cũng là dịp tập trung nhiều lễ hội đặc sắc nhất của phố núi như Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Lễ hội Lập Tịnh của người Dao,...


(Ảnh: PYS Travel)

3. Cách di chuyển đến Hà Giang

Đoạn đường 280km từ Hà Nội đến Hà Giang sẽ có nhiều cách di chuyển cho bạn lựa chọn.

3.1. Xe khách

- Xe khách: Bến xe Mỹ Đình có nhiều chuyến xe đi Hà Giang, giá vé dao động từ 200.000 - 300.000 đ/ giường. Để tận dụng thời gian, bạn có thể chọn chuyến xe muộn để ngủ một giấc là đến nơi. 


(Ảnh: sưu tầm)

- Xe Limousine: Giá vé Limousine 9 chỗ riêng tư hơn nên giá cũng thường nhỉnh hơn giá vé xe khách, trung bình từ 250.000 - 350.000đ/ vé. Nếu đi theo đoàn trên 8 người, bạn có thể cân nhắc thuê nguyên xe với giá từ 2.800.000 - 3.500.000đ, vừa tiết kiệm, vừa có không gian riêng, lại linh hoạt về thời gian đưa rước.

3.2. Xe máy

Con đường “phượt” từ Hà Nội lên Hà Giang bằng xe máy mất khoảng 6-7 tiếng và có 2 cung đường:

- Từ Hà Nội khởi hành theo hướng cầu Nhật Tân, qua đường Võ Chí Công  - Vĩnh Ngọc. Sau đó, rẽ phải vào Quốc lộ 2A. Tiếp tục đi dọc theo quốc lộ đến thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), rẽ trái vào quốc lộ 2C. Từ đây đi về hướng thành phố Tuyên Quang để đến thị trấn Việt Quang (tỉnh Hà Giang).


(Ảnh: sưu tầm)

- Cung này dài hơn cung trước khoảng 7km nhưng dễ đi hơn 1 chút. Từ Hà Nội khởi hành ra đại lộ Thăng Long. Sau đó, rẽ vào đi Quốc lộ 21, tiếp tục đi rồi rẽ vào quốc lộ 32 theo hướng về cầu Trung Hà, đi qua xã Phú Thọ đến quốc lộ 2C. Từ đoạn này trở đi giống cung đường 1, hướng về thành phố Tuyên Quang, qua thị trấn Việt Quang để đến Hà Giang. 

Dù chọn hướng đi nào thì nhìn chung đường đi Hà Giang khá là quanh co, nguy hiểm. Vì thế hãy đảm bảo mình thật vững tay lái và có kinh nghiệm chạy xe đường trường hoặc đường núi để chuyến du lịch Hà Giang thật an toàn nhé!

4. Lưu trú ở đâu khi đến Hà Giang?

4.1. Resort

Ở Hà Giang chưa có nhiều resort nhưng vẫn có một số nơi mang đến trải nghiệm cực đáng nhớ cho du khách. Du khách tham khảo resort Hà Giang như: P’apiu Resort - cách trung tâm Hà Giang 13km - nơi sẽ dành tặng bạn một tấm vé đi lạc giữa núi non hùng vĩ, giữa những ruộng bậc thang ngút mắt, và giữa mây trời nên thơ của vùng cực bắc Tổ quốc. 

Bên cạnh P’apiu thì 2 cái tên cũng nổi tiếng không kém là Trường Xuân Resort gần khu vực trung tâm, thuận tiện cho những chuyến khám phá; và Hoàng Su Phì Lodge cho những ai đang muốn trải nghiệm mô hình du lịch xanh, được sống những phút giây thư thái giữ thiên nhiên.

4.2. Khách sạn

Loại hình lưu trú phổ biến nhất ở Hà Giang chính là các khách sạn 2-3 sao với mức giá phải chăng, sẵn sàng phục vụ cho nhiều đối tượng khách du lịch từ gia đình, nhóm bạn, đến cặp đôi. Các khách sạn như: Phoenix, Huy Hoàn, Hà Giang Historic House,...

4.3. Homestay

Homestay là lựa chọn lý tưởng cho những bạn trẻ du lịch Hà Giang tự túc, muốn có những trải nghiệm văn hóa bản địa chân thực và gần gũi nhất với chi phí hợp lý. Nhiều homestay do người đồng bào lập ra và có cung cấp dịch vụ nấu bữa ăn chung với gia chủ hoặc gia chủ đích thân nấu cho khách.  

5. Chơi gì ở Hà Giang

5.1. Núi đôi Quản Bạ

Núi Đôi Quản Bạ, nằm cạnh quốc lộ 4C, cách Thành phố Hà Giang 40 km. Giữa núi đá và ruộng bậc thang trùng điệp, nổi lên hai trái núi có hình dáng kỳ lạ, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hóa. Hai trái núi này gắn với truyền thuyết Núi Cô Tiên thi vị.

núi đôi quản bạ
(Ảnh: PYS Travel)

5.2. Rừng Thông Yên Minh

Rừng thông Yên Minh nép mình, phủ xanh kín của một góc trời Hà Giang. Cách thành phố Hà Giang về phía Đông Bắc khoảng 100km, men theo quốc lộ 4C Cán Tỷ chạy qua 3 xã Bạch Đích, Na Khê và Lao Và Chải là có thể đến với rừng thông Yên Minh. 


(Ảnh: sưu tầm)

Nơi đây là những hàng thông xanh thẳng tắp, là những tán lá kim xanh mượt, là những ngọn thông vươn tới tận trời xanh,... đâu đâu cũng là bạt ngàn sắc xanh thông rừng. Trải qua bao phong ba, bão táp, những hàng thông vẫn hiên ngang, thẳng đứng và vươn mình che chở cho người dân nơi đây.


(Ảnh: sưu tầm)

5.3. Thung lũng Sủng Là

Sủng Là nằm trên quốc lộ 4C, cách huyện Đồng Văn 20km và cách thành phố Hà Giang 127 km. Nơi đây được biết đến là một trong những thung lũng ngắm hoa tam giác mạch đẹp nhất của Hà Giang. Sủng Là có nghĩa là “ốc đảo” theo tiếng của người dân tộc. 


(Ảnh: PYS Travel)

Nơi đây như một nàng thơ nằm e ấp giữa núi non trùng điệp của núi rừng hùng vũ. Từ trên cao nhìn xuống, Sủng Là đang nở rộ với những đóa hoa tam giác mạch vô cùng xinh đẹp. Để thấy được cảnh tượng này bạn nên đi lên thị trấn Đồng Văn, đến ngã ba Phó Bảng.

5.4. Dinh thự Vua Mèo

Dinh thự họ Vương được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, đây một trong những công trình xây dựng với quy mô lớn nhất thời bấy giờ. Với thiết kế độc đáo, kết hợp với đặc trưng văn hóa đã tạo nên một dinh thự “Vua Mèo” vô cùng tráng lệ và đậm vết tích lịch sử. 


(Ảnh: PYS Travel)

Ngày nay, Dinh thự Vua Mèo vẫn tọa lạc ở thung lũng Sà Phìn, Lũng Phìn, Đồng Văn, Hà Giang. Công trình này gắn liền với hai cha con họ Vương là Vương Chính Đức và Vương Chí Thành. “Vua Mèo” tên gọi khác của ông Vương Chính Đức, là người đứng đầu chế độ phong kiến của dân tộc Mông. Vương Chí Thành - con trai nhà vua mèo, vì có công với cách mạng nên đã được bầu làm Đại biểu quốc hội với hai nhiệm kỳ đầu tiên.


(Ảnh: PYS Travel)

Dinh thự Vua Mèo được xây dựng vào những năm 1898, bởi những người thợ Vân Nam, Trung Quốc chung tay với những đồng người của dân tộc Mông và được khánh thành 1907. Dinh thự này tiêu tốn của “Vua Mèo” với số tiền là 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương tương đương 150 tỷ đ cho khoảng 1200m2. Lịch sử lâu đời cùng với nét văn hóa đặc trưng của người Mông, kiến trúc này đã được

5.5. Cột cờ Lũng Cú

Tọa lạc ở nơi cao nhất của “mỏm cực Bắc,” Di tích lịch sử Quốc gia Cột cờ Lũng Cú - biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền Tổ quốc Việt Nam, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.


(Ảnh: PYS Travel)

Từ thành phố Hà Giang qua gần 200km đường núi với những đoạn cua tay áo đến chóng mặt, chúng tôi đến địa phận xã Lũng Cú, thuộc huyện Đồng Văn, nơi có Di tích lịch sử Quốc gia Cột cờ Lũng Cú.

 
(Ảnh: PYS Travel)

Với mỗi người dân đất Việt, được đặt chân đến điểm cực Bắc của đất nước, chạm tay vào lá cờ Tổ quốc rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S này là một niềm mơ ước, là vinh dự và tự hào… Từ xa nhìn lại, Cột cờ Lũng Cú sừng sững trên đỉnh núi Rồng, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật trong gió đầy kiêu hãnh.

5.6. Phố cổ Đồng Văn

Phố cổ Đồng Văn ở Hà Giang như nơi dòng chảy thời gian đã xóa nhòa khoảng cách giữa quá khứ hiện thực. Từ những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, những phiên chợ vùng cao nhộn nhịp hay những đêm hội nao nức lòng người,... phố cổ Đồng Văn đã khiến du khách Tour Hà Giang đến một lần mà tương tư cả một đời.


(Ảnh: sưu tầm)

Phố cổ Đồng Văn thuộc huyện Đồng Văn nằm ở độ cao từ 1.000m đến 1.600m so với mực nước biển. Giữa bốn bề là núi rừng trập trùng, phố cổ Đồng Văn ẩn mình trong sự trầm mặc và cổ kính đầy ấn tượng. Không ngoa khi nói rằng vẻ đẹp của khu phố này là điểm nhấn đặc sắc giữa vùng cao nguyên đá khô cằn. Du lịch Hà Giang mà bỏ lỡ cơ hội khám phá nét hoài cổ của phố cổ Đồng Văn thì quả là đáng tiếc.


(Ảnh: sưu tầm)

Từ đầu thế kỷ 20, một vài hộ gia đình người Tày, Hoa, Mông đã di cư đến khu phố này sinh sống và an cư lập nghiệp. Sau này, khu phố trở nên nhộn nhịp hơn khi người Nùng, Dao và Kinh cũng dần dần về đây lập nghiệp.

5.7. Đèo Mã Pì Lèng

Mã Pì Lèng được mệnh danh là vua của các con đèo ở vùng núi Tây Bắc, là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km, thuộc xã Pả Vi và Pải Lủng, huyện Mèo Vạc và xã Tả Lủng huyện Đồng Văn. Đỉnh Mã Pì Lèng nằm ở độ cao 1.200m thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn trên con đường mang tên Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang với các huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. 


(Ảnh: PYS Travel)

Từ trên đỉnh Mã Pì Lèng, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Cao nguyên đá Đồng Văn. Khung cảnh núi non hùng vĩ với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu sông Nho Quế nước xanh màu ngọc bích. 


(Ảnh: PYS Travel)

Du khách có thể đến với Mã Pì Lèng từ tháng 1 đến tháng 3 vì đây là thời điểm của các những mùa hoa như hoa mận, đào, cải, tháng 4 lại thu hút với phiên chợ tình Khâu Vai, tháng 9 hấp dẫn với mùa lúa chín trên Hoàng Su Phì hay tháng 11 và tháng 12 là mùa của hoa tam giác mạch

5.8. Sông Nho Quế - Hẻm Tu Sản

Sông Nho Quế là một địa danh nổi tiếng chắc chắn bạn sẽ được giới thiệu khi đến Hà Giang. Con sông này được bắt đầu từ vùng núi Nghiêm Sơn – Vân Nam (Trung Quốc) chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam về với Việt Nam. Thực ra con sông này không chỉ chảy ở tỉnh Hà Giang mà còn chảy trên địa phận Cao Bằng. Tuy nhiên phần đầu sông chảy từ thôn Séo Lủng xã Lũng Cú đi qua Hẻm Tu Sản lại được xem là đoạn có cảnh sắc ngoạn mục, say đắm lòng người nhất.


(Ảnh: PYS Travel)

Chỉ cần đứng trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng, phóng tầm mắt xuống dưới phía dưới vực sâu là du khách đã có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của dòng sông này rồi. Cả dòng sông như một sợi chỉ xanh uốn lượn mềm mại quanh chân núi.  Lúc này chúng ta chỉ có thể ngồi tận hưởng và ngắm nhìn cảnh hùng vĩ của mảnh đất này.


(Ảnh: PYS Travel)

Được ví von là “đệ nhất hùng quan”, Hẻm Tu Sản là địa điểm du lịch độc đáo và không thể bỏ qua mỗi khi đến với Hà Giang. Hẻm vực mang vẻ đẹp kỳ vĩ với những vách đá cao ấn tượng, bên dưới là dòng sông Nho Quế xanh trong uốn lượn, xứng danh là tuyệt phẩm của tạo hoá. Đến với nơi này, du khách sẽ được đắm chìm trong cảnh sắc tự nhiên của đất trời Hà Giang, thử qua những trải nghiệm mới lạ hay mang về cho mình những tấm hình “sống ảo” cực chất.


(Ảnh: PYS Travel)

5.9. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Nhắc đến tỉnh Hà Giang, chắc hẳn bạn đã được nghe đến ít nhất một lần cái tên ruộng bậc thang, cách người nông dân canh tác lúa nước ở vùng cao của tổ quốc. Ở Hoàng Su Phì, ruộng bậc thang tập trung chủ yếu ở 5 xã, nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang và cách trung tâm thành phố khoảng trên 100km. 


(Ảnh: PYS Travel)

Nhờ vẻ đẹp, sự độc đáo hiếm nơi nào có được và thể hiện sự thông minh, khéo léo của con người để chinh phục thiên nhiên, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã vinh dự được cấp bằng Di tích quốc gia bởi Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch vào năm 2012.


(Ảnh: PYS Travel)

Vào tháng 4 đến tháng 6, di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì phủ một màu xanh của cây mạ non. Đây là lúc nước ở trên các ngọn đồi cao chảy về, lan tỏa ra cả một thung lũng, rồi ánh nắng chói chang chiếu xuống tạo nên một chiếc gương phản chiếu lại cả một bầu trời rộng lớn. 


(Ảnh: PYS Travel)

Đến những độ thu về, tháng 9 đến tháng 10 ở nơi đây sẽ thay một chiếc áo màu vàng óng ả, với những cây lúa chín nghiêng ngả từng đợt theo chiều gió từ trên xuống trông cực kỳ bắt mắt và sống động. Được chiêm ngưỡng những cánh đồng theo từng lớp, trùng trùng điệp điệp, uốn cong mềm mại như một bức tranh thủy mặc chắc chắn sẽ đem lại cho bạn một trải nghiệm vô cùng thú vị.

6. Ẩm thực Hà Giang có gì

6.1. Mèn mén Hà Giang

Mèn mén là tên gọi khác cho món cơm bột ngô hấp truyền thống của người Mông. Sau mỗi mùa ngô, hạt ngô già được để riêng ra, xay nhỏ thành bột trước khi hấp cách thủy. Mèn mén muốn ngon phải được hấp với lửa nhỏ, được thêm đủ nước để không bị khô.


(Ảnh: sưu tầm)

6.2. Cháo Ấu Tẩu

Cháo Ấu Tẩu hay còn gọi là cháo đắng được làm từ củ ấu tẩu có độc có nhiều ở khu vực núi đồi phía bắc. Củ ấu sẽ được ngâm nước vo gạo qua đêm rồi đem ninh  4 tiếng cho đến khi quánh đặc, thường mất khoảng 4 tiếng. Sau đó sẽ đem nấu với nước hầm thịt nạc, chân giò. Cháo Ấu Tẩu ngon phải ăn thật nóng cùng hành lá, tía tô và lòng đỏ trứng sống, thịt băm là đúng bài. 


(Ảnh: sưu tầm)

6.3. Cơm lam 

Bắc mê nổi tiếng với loại gạo nếp thơm ngon, được nướng trên than hồng trong ống tre bịt lá chuối hoặc lá dong tươi. Ống tre được hơ và xoay tròn cho đến khi tỏa ra mùi cơm nếp thơm lừng, ăn vào bùi ngọt. Cơm lam ăn cùng muối vừng, muối riềng hay thịt nước đều là hương vị khó quên của chuyến du lịch Hà Giang.


(Ảnh: sưu tầm)

6.4. Thịt trâu gác bếp

Mang hương vị thơm ngon, đặc trưng núi rừng miền Bắc, lại giữ được lâu, thịt trâu gác bếp là một món hấp dẫn thường được du khách mang về miền xuôi. Xuất phát từ dân tộc Thái, đây là bảo quản thịt trâu tự nhiên bằng cách đặt trên gác bếp, hun khô thịt nhờ nhiệt độ và khói. 


(Ảnh: sưu tầm)

Để tăng thêm hương vị, trước khi đem gác bếp, thịt trâu sẽ được ướp thêm ớt, gừng, tỏi, mắc khén, hạt dổi rừng, rau rừng... Sau 2 tháng hun khói trên gác bếp, thịt trâu ‘ngót” lại thành một khối màu đen với mùi thơm đặc trưng. 

6.5. Thắng cố

Thắng cố có lẽ là một trong những món đặc sản vùng cao nguyên đá nổi tiếng nhất. Nguyên liệu chính của món ăn này là từ thịt và nội tạng của trâu, bò, ngựa, được xào qua rồi ninh trong nhiều giờ với các loại gia vị, thảo quả đặc trưng của núi rừng.


(Ảnh: sưu tầm)

Món ăn này thường có bán ở các chợ phiên. Đừng quên gọi thêm một chén rượu ngô men lá thơm, ngọt để thưởng thức trọn vẹn Thắng cố đúng chuẩn người dân tộc nhé!

6.6. Thắng dền

Thắng dền là món bánh tráng miệng, “ăn chơi” yêu thích của người dân Đồng Văn vào mùa đông. Nhìn thoáng qua liên tưởng đến món chè hạt sen táo Tàu với phần bánh tròn như bánh trôi nước miền Nam nhưng phần nhân được làm từ dừa, đậu phộng và vừng. Bánh sẽ được luộc chín rồi đem thắng trong nước đường hoa mai với gừng để có độ ngọt và cay nồng ấm bụng. Bánh được dùng nóng, rắc thêm chút nước dừa và đậu phộng rang.


(Ảnh: sưu tầm)

6.7. Bánh tam giác mạch

Hạt Tam giác mạch nhỏ bằng một nửa hạt đậu thông thường sau khi được thu hoạch sẽ được phơi khô rồi xay bằng tay cho đến khi mịn. Nhào bột này với nước, đóng thành những khuôn tròn, dẹt, to bằng hai bàn tay. 


(Ảnh: sưu tầm)

Bánh sẽ được hấp trước khi nướng để tạo nên lớp vỏ nâu đẹp mắt giòn thơm, bên trong mềm xốp, rất phù hợp để ăn dằn bụng dọc đường “phượt” hoặc đem về làm quà cho người thân. Bánh thường được bán ở các chợ phiên với giá từ 10/000 -15.000 đ/ chiếc.

Trên đây là tất tần tật kinh nghiệm du lịch Hà Giang mà PYS Travel muốn chia sẻ đến bạn. Còn chần chờ gì nữa mà không "xách balo" lên và đi ngay thôi nào. Chúc bạn có một chuyến đi thật vui vẻ và ý nghĩa trên mảnh đất này.

Khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của Hà Giang cùng PYS Travel ngay thôi

Tour du lịch Hà Giang 3 ngày 2 đêm từ Hà Nội

Tour du lịch Hà Giang 4 ngày 3 đêm từ TP.HCM

Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây

Đăng Ký Nhận Ưu Đãi

Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn