Vùng Đông Bắc là nơi giao thoa nhiều nền văn hoá từ các dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S - Việt Nam. Văn hóa vùng Đông Bắc luôn là những điều bí ẩn mà du khách nào đến đây cũng đều muốn khám phá.
Văn hóa vùng Đông Bắc - kho tàng khổng lồ về cả giá trị văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể của Việt Nam. Những nét văn hoá đặc trưng được thể hiện qua các nghi lễ, tục lệ, cách sinh hoạt văn hoá hàng ngày của người dân tộc vùng núi phía Bắc:Tày, Nùng, Mông, Dao,...sẽ được PYS Travel tổng hợp dưới đây. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Các tỉnh vùng núi Đông Bắc tiếp giáp với:
- Trung Quốc (Phía Bắc)
- Vịnh Bắc Bộ thuộc Quảng Ninh (Phía Đông)
- Khu Việt Bắc giáp với sườn phía Tây dãy núi cánh cung Ngân Sơn và sườn Bắc của dãy Tam Đảo.
- Vùng đồi thấp giáp đồng bằng sông Hồng - phía Nam cùng các dãy núi cánh cung như Đông Triều, Bắc Sơn, Tam Đảo nối với đồng bằng sông Hồng.
Đây cũng là nơi có lợi thế về giao thương với Trung Quốc do có đường biên giới trải dài phía Đông Bắc.
Bản đồ Đông Bắc
Do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên các tỉnh phía Đông Bắc có khí hậu lạnh vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Nhiệt độ trung bình hàng năm dao động trong khoảng 22 đến 23 độ C và các mùa phân chia khá rõ rệt.
Những thời gian lý tưởng để ghé thăm các tỉnh Đông Bắc:
Vào mùa xuân Đông Bắc (tháng 2 - tháng 3) bạn sẽ có cơ hội tham gia vào một loạt các ngày lễ năm mới.
Tháng 11 đây là thời điểm hoa tam giác mạch nở rộ, bạn sẽ ngất ngây với con đường trải thảm hoa tuyệt đẹp.
Tháng 9 khiến bạn phải ấn tượng với cánh đồng lúa chín vàng trên cung đường Hoàng Su Phì, Xín Mần.
Tháng 3 đến tháng 6 cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho du khách có một tour du lịch Đông Bắc 5 ngày 4 đêm mùa hè. Bởi vì lúc này, thời tiết mát mẻ, thuận tiện cho các hoạt động tham quan.
Khí hậu Đông Bắc khá dễ chịu
>> Xem thêm: Cẩm nang du lịch Đông Bắc mùa nào đẹp nhất?
Dân số của các tỉnh Đông Bắc là 12.208.830 người (chiếm 14,23% của cả nước) và bao gồm 32 dân tộc khác nhau cùng sinh sống. Bởi vậy, nơi đây mang nét văn hoá vùng Đông Bắc rất đa dạng và phong phú.
Đông Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc ít người như Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Dìu, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, La Chí, Pu Péo, Cờ Lao….trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Các dân tộc này đến nay vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc rất riêng.
Vị trí địa lý: Hà Giang là một tỉnh của miền Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội khoảng 300km và là một thiên đường núi nằm trên Cao nguyên đá Đồng Văn ở miền Bắc Việt Nam.
Với 43 dân tộc khác nhau đã cùng sinh sống trên vùng đất đá này từ thời xa xưa. Hầu hết người dân trong các bản họ thường di chuyển bằng xe máy băng qua những con đường mòn trên núi, hoặc đi bộ trên ruộng bậc thang để làm nương. Đó là những sinh hoạt đời thường của cuộc sống hàng ngày đối với họ.
Vùng địa đầu Tổ quốc luôn thu hút du khách ghé thăm
Địa điểm du lịch văn hoá nổi tiếng:
Làng văn hóa Lũng Cẩm
Làng văn hóa Lũng Cẩm nằm cách thị trấn Đồng Văn khoảng 25 km. Đó là một địa điểm tốt để dừng chân sau khi thưởng ngoạn tại Cổng Trời Quản Bạ. Một chuyến tham quan cho phép du khách khám phá từng nghề thủ công trong mỗi ngôi nhà nhỏ trong làng bản.
Dinh thự Vua Mèo
Dinh thự Vua Mèo (Vua H'Mông) từng phục vụ và bảo vệ chúa Vương Chính Đức và dòng họ Vương có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 19. Một chuyến tham quan khu biệt thự cho thấy thiết kế độc đáo ảnh hưởng bởi kiến trúc Baroque của Trung Quốc và Pháp. Đây là một cơ hội tuyệt vời để bạn biết về nguồn gốc, lịch sử và tổ tiên của một dân tộc.
Du khách check-in tại Dinh thự Vua Mèo
Chợ phiên Mèo Vạc
Nằm ngay tại trung tâm của thị trấn Mèo Vạc, Hà Giang, từ trung tâm thành phố Hà Giang, bạn cần chạy xe khoảng hơn 4 tiếng (141km) sẽ đến phiên chợ Chủ nhật Mèo Vạc. Chợ được họp duy nhất 1 lần/ tuần vào các sáng chủ nhật (khoảng 4 - 5 giờ sáng) .
Ngoài việc trao đổi giao thương những mặt hàng như nông sản và còn là đầu mối cung cấp bò cho các thương lái. Hình ảnh khiến bạn hào hứng khi đến đây: những người phụ nữ vùng cao xúng xính trong bộ quần áo thổ cẩm sặc sỡ màu sắc; bên kia, những người đàn ông cầm trên tay điếu thuốc lào và cười nói rôm rả.
Chợ tình Khâu Vai
Chợ tình Khâu Vai, huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang. Phiên chợ được tổ chức hàng năm, đây cũng là dịp đặc biệt dành cho các nam thanh nữ tú đến đây để tìm hiểu và kết duyên. Ngoài ra đây cũng là dịp gặp gỡ ôn lại kỷ niệm hay chia sẻ cuộc sống cá nhân của mỗi người với bạn bè. Sự kiện được tổ chức vào ngày 26 tháng 3 âm lịch và kết thúc vào đầu tháng 5.
Phiên chợ tình kết duyên của người Hà Giang
Vị trí địa lý: Nếu bạn là người ưa thích khám phá thì nhất định không thể bỏ qua “Viên ngọc xanh” vùng Đông Bắc Việt Nam - tỉnh Cao Bằng. Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi Cao Bằng chung đường biên giới với Bắc Kạn, Lạng Sơn & Trung Quốc và nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 218 km.
Địa hình Cao Bằng khá phức tạp nên các phương giao thông đi lại bị hạn chế. Sử dụng xe máy là phương tiện di chuyển phổ biến và ưa chuộng nhất của người dân nơi đây.
Thác Bản Giốc nổi tiếng ở Cao Bằng
Địa điểm du lịch văn hoá Cao Bằng:
Suối Lênin: Cách Thành Phố Cao Bằng Khoảng 55km - là di tích văn hoá lịch sử nổi tiếng ở Đông Bắc, nơi Bác Hồ chọn làm nơi làm việc và trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Suối Lê-Nin là địa danh rất đỗi quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam.
Một địa điểm du lịch văn hoá vùng Đông Bắc, suối Lênin - thắng cảnh tuyệt đẹp với núi non trùng điệp, suối mát, non nước hữu tình, bầu không khí mát mẻ, rất thích hợp để vừa dạo chơi vừa biết thêm kiến thức…
Khu di tích lịch sử Pác Bó: là khu tưởng niệm và bảo tàng được thành lập trên địa điểm nơi Bác Hồ bắt đầu cuộc cách mạng của mình. Đây là một điểm hành hương không thể bỏ qua đối với người Việt Nam mỗi khi dừng chân ở Pác Bó để bày tỏ lòng tôn kính với vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam.
Một tour du lịch di tích Pác Bó
Vị trí địa lý: Bắc Kạn cách Hà Nội khoảng 150km theo quốc lộ 3 qua Thái Nguyên. Trước đây, từ Hà Nội đến Bắc Kạn thường mất khoảng 4-5 tiếng do tuyến đường 3 khá nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới đã được thông xe nên thời gian đến Bắc Kạn chỉ còn khoảng 2 giờ đồng hồ.
Địa điểm du lịch văn hoá Bắc Kạn
Khu di tích lịch sử ATK Bắc Kạn
Những ai yêu thích lịch sử Việt Nam thì không thể bỏ qua khu di tích mang đậm giá trị lịch sử này đâu. Vì đây là nơi Bác Hồ và các chiến sĩ yêu nước đã sinh sống để bàn bạc về cuộc chiến. Đến đây để ngắm nhìn và hồi tưởng lại ngôi nhà sàn cổ kính, nơi Bác đã từng sống và làm việc.
Bản Pác Ngòi
Trong một chuyến du lịch văn hoá Đông Bắc bạn không thể bỏ qua Làng văn hóa du lịch Pác Ngòi, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Đó là ngôi nhà sàn của người Tày bên bờ sông Leng sát hồ Ba Bể. Ngôi làng này đa số là người dân tộc Tày, bên trong làng có một số ngôi nhà có kiến trúc rất độc đáo.
Giờ đây Bản Pác Ngòi đã phát triển và trở thành ngôi làng làm du lịch về văn hoá của vùng Đông Bắc. Nếu bạn có đến chơi tại Vườn Quốc gia Ba Bể, bạn có thể ở lại 1 hoặc 2 đêm tại ngôi làng này.
Vị trí địa lý: Lạng Sơn là một tỉnh Đông Bắc, nằm trên đường biên giới Việt - Trung trên một đoạn đường dài 253km. Nằm ở tả ngạn sông Kỳ Cùng, đối diện thị trấn và phía xa sông là chợ Kỳ Lừa. Đứng trên cầu Kỳ Cùng, du khách có thể nhìn thấy đỉnh núi cao có hình một người phụ nữ đang địu con trên tay, gắn với một sự tích nổi tiếng của người Việt Nam.
Địa điểm du lịch văn hoá nổi tiếng:
Thành nhà Mạc
Thành nhà Mạc là chứng tích lịch sử cho biết bao trận chiến với giặc nội, thù trong. Được dựa lưng vào núi và địa hình hiểm trở, nếu chinh phục được ba tầng bậc của tường thành, bạn sẽ có được tầm nhìn toàn cảnh thành phố Lạng Sơn tuyệt đẹp. Sau quá trình trùng tu và bào mòn của cơn lốc thời gian, thành nhà Mạc vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính.
Thành nhà Mạc vẫn giữ dáng vẻ cổ kính
Ải Chi Lăng
Ải Chi Lang - địa danh lịch sử vẻ vang của dân tộc ta. Nổi bật với sự trong lành, hoang sơ của núi rừng, sừng sững giữa núi non sông nước, Ải Chi Lăng là điểm nhấn trong bức tranh sơn thủy hữu tình của Lạng Sơn. Dành cho những ai yêu thích khảo cổ học vì nó mang những giá trị quan trọng về mặt thời gian: nhiều mảnh gốm, vật dụng bằng đá,... đã được khai quật. Đó là minh chứng rõ ràng cho một nền văn minh cổ đại vô cùng thịnh vượng đã từng tồn tại nơi đây.
Chùa Tam Thanh
Không còn nghi ngờ gì khi Chùa Tam Thanh là địa điểm du lịch văn hoá tâm linh là nổi bật nhất Lạng Sơn. Nằm trong Động Tam Thanh, sự giao thoa giữa đất trời và thiên nhiên khiến ngôi chùa mang màu sắc tâm linh diệu kì. Chùa Tam Thanh khiến bạn như du hành ngược thời gian về quá khứ với nhiều dấu tích văn hoá - lịch sử được lưu giữ nơi đây.
>> Xem thêm: Bản đồ du lịch Đông Bắc đầy đủ và chi tiết nhất
Khu vực dân cư: Dân tộc Tày đa số sinh sống tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Thái Nguyên…
Dân tộc Tày là dân tộc thiểu số được biết tới sớm nhất ở Việt Nam (có thể từ nửa cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước Công Nguyên). Ngoài ra, họ cư trú trong những thung lũng ở khu vực Tây Bắc ở Sa Pa.
Văn hoá các tín ngưỡng: Người Tày thờ cúng tổ tiên, linh hồn nhà, linh hồn bếp và linh hồn hộ sinh.
Lễ hội: Đến với du lịch văn hoá vùng Đông Bắc không thể bỏ qua lễ hội đặc trưng của người dân Tày, Nùng ở Cao Bằng như Lễ ăn hỏi, Lễ cưới, Cây hoa báo hiếu, Lễ hội Hội tranh đầu pháo, Hội Lồng Tồng, Tết Đoan Ngọ, Tết Rằm tháng bảy.
Nghi lễ than Khoăn dân tộc Tày
Đặc sản của người Tày:
Bánh Gio: Bánh gio là món ăn không thể thiếu trong bản đồ ẩm thực của Người Tày. Bánh gio có vị thanh mát, dịu ngọt của mật ong hòa quyện với hương lá dong. Đây là món ăn rất dễ ăn, bạn có thể mua bánh tại các chợ địa phương về làm quà cho bạn bè và người thân.
Xôi ngũ sắc: Xôi ngũ sắc được tạo bởi từ 5 loại xôi, với 5 màu khác nhau tượng trưng cho ngũ hành: trắng, xanh,đen, đỏ, vàng tương ứng với kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Để tạo ra món xôi độc đáo này này cho món xôi, người Tày sử dụng các nguyên liệu từ tự nhiên để tạo màu: lá gừng, vỏ bưởi, vỏ măng đắng, lá cơm,…
Thịt trâu gác bếp: Có thể nói đây là một trong những đặc trưng không thể thiếu khi nói đến ẩm thực dân tộc Tày. Thịt trâu sau khi đã được mổ, người ta đem từng tảng thịt to đi chế biến cho chín rồi tẩm gia vị để ăn, món ăn này có thể để lâu ăn dần. Ngoài vị cay đặc trưng, bạn sẽ cảm nhận được vị bùi ngậy của thịt trâu hòa quyện với các loại rau thơm.
Khu vực cư trú: Với gần 100.000 người Dao cư trú trên địa bàn, Tuyên Quang là địa phương duy nhất của cả nước quy tụ đầy đủ chín ngành Dao: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc Mùn, Dao Quần Chẹt, Dao Ô Gang (có nơi gọi là Lồ Gang), Dao Cóc Ngáng, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài.
Nghi thức - Lễ Cấp sắc: là một trong những nét văn hóa vùng Đông Bắc đặc sắc nhất của dân tộc Dao. Lễ cấp sắc của người Dao thường được tổ chức vào tháng 11, 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, một nghi lễ quan trọng đối với con trai người Dao. Nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành của họ, phải gánh vác trách nhiệm trong dòng tộc. Mang những giá trị đặc sắc, nghi lễ cấp sắc của người Dao đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ cấp sắc của người Dao
Hát Páo Dung: một trong những báu vật mang giá trị văn hóa lớn của dân tộc Dao. Những những làn điệu Páo Dung của đồng bào Dao ở Tuyên Quang đều có nét chung là đề cao lẽ sống, cách ứng xử, ca ngợi thiên nhiên và vẻ đẹp lao động. Vì vậy, nghệ thuật hát Páo Dung độc đáo cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội: Lễ cấp sắc của các ngành Dao thực hiện một số nghi lễ: lễ nhận thầy; lập bàn thờ mới; mời thần linh nhà thầy cúng đi làm lễ; mời thần linh, tổ tiên nhà người được cấp sắc về làm lễ; lễ cấp đèn; lễ đặt tên; lễ dạy làm thầy - truyền phép…
Đặc sản của người Dao:
Thịt chua: Trong kho tàng món ăn phong phú, bạn không thể không kể đến thịt lợn muối chua - món ăn đặc sản của người dân tộc Dao Tiền. Ngoài ra, người Dao Tiền ở Tuyên Quang có rất nhiều món ăn nổi tiếng khác như mắm cá, mắm tép, thịt lợn gác bếp, thịt lợn nướng, lợn muối…
Bánh chưng đen: Loại gạo nếp được sử dụng là loại lúa nếp nương thơm ngon, còn phần rơm mới được dùng để tạo màu đen cho bánh. Đặt rơm vào một chiếc chậu sạch, đốt cháy thành tro. Sau khi tro rơm nguội hẳn thì đổ vào cối giã cùng gạo nếp đã được ngâm nước vài tiếng trước đó và vo sạch, sau đó đem sàng để phần tro không bám vào gạo. Nghe các bước làm thôi đã khiến các bạn tò mò và muốn thử rồi phải không?
Mèn mén: Cơm mèn mén của người Dao cơ bản cũng được chế biến như mèn mén của người Mông. Tuy nhiên, để bày ra đĩa món mèn mén hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều bước làm cầu kỳ và kỹ lưỡng bởi bàn tay khéo léo của người Dao và hương vị cũng rất riêng không giống như khi bạn thử Mèn mén của người Mông.
Khu vực cư trú: Hiện nay, người H'mông ở Việt Nam cư trú chủ yếu trên vùng núi cao của các tỉnh phía Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang), Quang), một số tỉnh miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An...) và Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông…).
Lễ hội:
Lễ hội Nào Sồng
Một nghi lễ rất quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc H’mông. Lễ hội Nào Sồng giống như một dịp hội họp, được tổ chức vào đầu năm nhằm đưa ra các quy định, quy ước bởi các già làng trong bản cho công việc của cả làng trong suốt một năm.
Sau phần lễ là đến phần hội, mọi người hòa mình trong tiếng khèn, tiếng trống cùng những bài hát, điệu khèn cùng các trò chơi dân tộc. Lễ hội Nào Sồng mang giá trị cao về văn hoá vùng Đông Bắc.
Lễ hội Nào Sồng là dịp hội họp của người Mông
Lễ hội Gầu Tào
Đây là một trong những lễ hội hiếm hoi còn được giữ lại được bởi những giá trị truyền thống và đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông. Lễ hội có ý nghĩa cầu phúc hoặc cầu mệnh, mong mọi người trong gia đình đều được khỏe mạnh xin đuổi hết bệnh tật ốm đau. Đôi nét giống với tục lệ đi chùa đầu năm của bà con dưới miền xuôi Bắc Bộ phải không?
Lễ hội cúng rừng
Lễ hội cúng rừng của đồng bào Mông thể hiện nét sinh hoạt văn hóa, tôn thờ các vị thần thiên nhiên như thần suối, thần núi, thần rừng, thần cây…
Đồng thời, đây cũng là cách nhắn nhủ mỗi người dân địa phương nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng, tạo nguồn sinh thủy phục vụ đời sống, sản xuất, cải tạo môi sinh…
Đặc sản độc đáo của người H'mông:
Thắng cố: một món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông, có lịch sử lâu đời khoảng 200 năm của người dân tộcMông.
Sở dĩ món thắng cố của người H’Mông đặc biệt bởi cách chế biến của nó. Món ăn truyền thống này được người Mông chế biến từ thịt ngựa và đã trở thành món ăn đặc sản ngon nhất của bà con dân tộc H’Mông.
Rượu ngô: Nghe tên thôi các bạn cũng đoán được rượu được làm từ gì rồi đúng không? Ngô là nguyên liệu chính để nấu rượu. Nhờ kỹ thuật ủ cái rượu và chưng cất rượu qua nhiều thế hệ mà người H’Mông đã cho ra một loại rượu có hương vị thơm ngon của riêng của mình. Rượu là thức uống được người H’Mông sử dụng hàng ngày và không thể thiếu trong các dịp lễ Tết để cúng tổ tiên hay dùng để nhâm nhi hàn huyên tâm sự.
Phở chua : Một món ăn đồng quê không nên bỏ qua là Phở chua. Khác với phở Nam Định hay phở Hà Nội, phở chua cần có bánh phở, nước chua, dưa chua, nước tương, lạc rang, tương ớt. Sở dĩ nói là món ăn địa phương là do bánh phở được làm bằng gạo địa phương, đặc biệt là nước tương được coi là linh hồn của món ăn, phải mất đến ba tháng mới có được một hũ nước tương...
Bài viết trên đây đã mang đến cho bạn từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với vô số nghi lễ, tục lệ hay ẩm thực đặc biệt chỉ có ở các tỉnh vùng núi Đông Bắc. Đi dạo một lượt về những văn hoá vùng Đông Bắc, một khu vực chứa đầy những kho báu khổng lồ mang cả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể lớn nhất quốc gia. Nếu bạn muốn biết thêm những điều thú vị về văn hoá của các dân tộc nơi đây này hãy cùng PYS Travel thực hiện một tour du lịch Đông Bắc lần này nhé!
Tham khảo ngay chùm tour du lịch đang HOT của PYS Travel
Khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Đông Bắc cùng PYS Travel qua tour:
Tour Đông Bắc: Hà Giang - Cao Bằng - Bắc Kạn 5 ngày 5 đêm từ TP.HCM
Tour Hà Giang - Sông Nho Quế hùng vĩ 3 ngày 2 đêm từ Hà Nội 2024
Tour Hà Giang - Sông Nho Quế 4 ngày 4 đêm từ TP.HCM: Trải nghiệm văn hóa miền đá
Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn