Lễ hội Tết Nguyên đán truyền thống - Nét văn hoá Việt

17/10/2023

Trong thời tiết chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới người dân Việt Nam thường có thói quen đi du xuân trẩy hội với mong muốn có một năm được an bình, làm ăn phát đạt. Đó cũng chính là những nét đẹp vô giá về tinh thần, tâm linh. Vậy có những lễ hội ở Việt Nam nào tiêu biểu trong dịp Tết.

1. Nguồn gốc Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền lớn và lâu đời nhất nước ta, đồng thời có phạm vi cực kỳ phổ biến và rộng rãi từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau của Tổ Quốc. Đây được coi là một ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp nhất của cả dân tộc. Nhưng ít ai biết rằng, từ những thế kỷ trước, bắt đầu từ thời Lý – Trần – Lê, ông cha ta đã cử hành lễ Tết hàng năm một cách vô cùng trang trọng và linh thiêng.

tết nguyên đán
Hình ảnh những ông đồ ngày Tết đã in sâu vào tâm trí người dân Việt Nam (Ảnh: Sưu tầm)

Theo truyền thuyết và lịch sử của nước ta thì từ thời họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang đến thời Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân rồi vị thần này kết hôn với Âu Cơ sinh ra Hùng Vương thì từ ngày ấy, người Việt ta đã ăn Tết. Minh chứng rõ nhất cho việc này đó là sự xuất hiện của bánh chưng, bánh dày – nhờ sáng kiến của Lang Liêu – con trai thứ 18 của đời Hùng Vương thứ 6.

Gói bánh chưng ngày Tết
Gói bánh chưng ngày Tết (Ảnh: Sưu tầm)

Từ đó, có thể thấy rằng nước Việt ta đã sớm hình thành một nền văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng của người Việt – với những đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước, cùng những sản vật từ lúa, gạo. Gạo – sản vật chính nuôi sống con người, trong đó có gạo nếp thơm ngon nhất nên được chọn làm thành các thứ bánh dành cho việc cúng tế tổ tiên trong ngày đầu năm.

2. Ý nghĩa Tết Nguyên Đán

Với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa,... Theo quan niệm phương Đông, đây là khoảng thời gian trời đất có sự giao hòa và con người trở nên gần với thần linh.

Bắn pháo hoa Tết Nguyên Đán
(Ảnh: Sưu tầm)

Tết Nguyên Đán xưa là dịp để người nông dân bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời,... và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. 

Bên cạnh đó, đây còn được coi là ngày “làm mới”, ngày để mọi người có thể hy vọng vào một năm mới an lành, sung túc, thuận lợi trong cả năm và gác lại mọi điều không may mắn trong năm cũ. Do vậy, vào dịp Tết, nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, sắm sửa, trang hoàng nhà cửa cho thật đẹp.

tết nguyên đán
Gia đình sum họp ngày Tết (Ảnh: Sưu tầm)

Đây cũng là dịp mọi người làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần để mối liên hệ với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn. Trong dịp Tết, các gia đình thường tụ họp chúc Tết nhau, cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, tạ ơn ông bà, tổ tiên đã phù hộ trong suốt một năm qua. 

3. Các lễ hội truyền thống ngày Tết

Lễ hội ngày Tết là một trong những nét đẹp truyền thống trong văn hóa dân gian của người Việt Nam. Trong những ngày đầu xuân năm mới, ngập tràn không khí vui tươi phấn khởi của thiên nhiên đất trời chính là thời điểm thích hợp để nhiều lễ hội truyền thống trên khắp đất nước bắt đầu khai hội phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân và cũng để đón du khách về tham quan, chiêm bái.

3.1. Lễ hội Chùa Hương

Thời gian:   từ 6/1 đến 18/2 Âm lịch

Địa điểm tổ chức: khu danh thắng chùa Hương (hay Hương Sơn) thuộc Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Lễ hội Chùa Hương
(Ảnh: Sưu tầm)

Chùa Hương là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn miền Bắc đặc biệt là dịp đầu xuân năm mới. Lễ hội kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch thu hút phật tử và khách du lịch từ khắp nơi. Khai hội chính thức bắt đầu vào mùng 6 tháng Giêng, ngày mở cửa rừng của người dân. Lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch nhưng đỉnh cao là từ rằm tháng Giêng đến 18 tháng 2 Âm lịch. Trong đó, riêng mùng 5 có khoảng hơn 4 vạn khách từ mọi miền đất nước.

3.2. Hội Lim

Thời gian: từ ngày 9 đến 14 tháng Giêng Âm lịch

Địa điểm tổ chức: huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh

Lễ hội Lim là một trong những lễ hội ngày Tết truyền thống nổi tiếng của người dân Bắc Ninh. Lễ hội này  được xem là tinh hoa của văn hóa vùng Kinh Bắc. Kể từ ngày ra mắt lễ hội Lim cho đến nay, từ khâu chuẩn bị cho đến khâu cử hành nghi lễ thường sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 14 tháng giêng âm lịch. Trọng tâm của lễ hội sẽ được tiến hành vào buổi sáng ngày 13 tháng giêng âm lịch.

Hội Lim
(Ảnh: Sưu tầm)

Đặc trưng nổi bật nhất của Hội Lim là hát quan họ. Lúc này liền anh khăn xếp áo the, liền chị áo mớ ba mớ bảy, nón thúng quai thao đến hẹn lại lên, gặp gỡ, đón tiếp nhau thân tình, nồng hậu, tinh tế và lịch lãm theo lề lối của người hát Quan họ, bằng làn điệu dân ca đạt tới trình độ nghệ thuật cao, là sự kết hợp nhuần nhuyễn, mê đắm của thơ ca và nhạc điệu nhằm bày tỏ tình yêu trong sáng, hết lòng vì người kia, chung thủy một lòng chờ đợi của tình yêu đôi lứa.

Hội Lim 
Các liền anh, liền chị tại hội Lim 
(Ảnh: Sưu tầm)

3.3. Lễ hội Yên Tử

Thời gian: ngày 10 tháng Giêng tới hết 3 tháng mùa xuân

Địa điểm tổ chức: chùa Trình, Yên Tử, tình Quảng Ninh

Yên Tử là một di tích kết hợp hài hòa giữa chiều sâu lịch sử và cảnh đẹp kỳ bí của thiên nhiên. Vào mỗi độ xuân sang, du khách thập phương lại tấp nập về Hội xuân Yên Tử lễ Phật, du xuân cầu may và thành tâm chiêm bái chốn Tổ Thiền Trúc Lâm, thăm Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh nổi tiếng của vùng Đông Bắc của Tổ quốc, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Lễ hội Yên Tử
Phần lễ vô vùng nhộn nhịp của lễ hội Yên Tử 
(Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm, Văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, Văn hóa tâm linh, Những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính, Lễ khai ấn "Dấu Thiêng Chùa Đồng", múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian…

3.4. Lễ hội Gióng đền Sóc

Thời gian: mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Giêng Âm Lịch

Địa điểm tổ chức: xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội

Lễ hội Gióng đền Sóc là một lễ hội lớn và quan trọng của Hà Nội, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Lễ hội thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách thập phương tham gia.

Lễ hội Gióng đền Sóc
Lễ rước kiệu Thánh Gióng về dự hội (Ảnh: Báo tin tức)

Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi thức, hoạt động khác nhau, bao gồm:
- Lễ khai quang: Đây là nghi thức mở đầu của lễ hội, được thực hiện vào sáng ngày mùng 6 tháng Giêng. Lễ khai quang nhằm báo cáo với các vị thần linh về việc mở hội.
- Lễ rước kiệu: Đây là một nghi thức quan trọng nhất của lễ hội. Lễ rước kiệu được thực hiện vào sáng ngày mùng 7 tháng Giêng, với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương. Lễ rước kiệu mang ý nghĩa rước Thánh Gióng về dự hội.
- Lễ tế: Lễ tế được tổ chức tại đền Sóc, với sự tham gia của các quan chức, nhân dân địa phương và du khách thập phương. Lễ tế là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính đối với Thánh Gióng.
- Lễ hội văn hóa: Lễ hội văn hóa là dịp để du khách thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam, như ca trù, hát chèo, múa rối nước,...

3.5. Lễ hội chùa Ba Vàng

Thời gian: mùng 1 đến ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch

Địa điểm tổ chức: chùa Ba Vàng, núi Ba Vàng, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh

Lễ hội chùa Ba Vàng
(Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội Ba Vàng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, là dịp để người dân cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc. Lễ hội gồm nhiều hoạt động phong phú, như:

Lễ khai hội: Đây là nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội, được tổ chức vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán. Lễ khai hội gồm các nghi thức như: rước kiệu, dâng hương, cầu an.

Lễ hội cầu an: Đây là hoạt động chính của lễ hội, được tổ chức vào các ngày từ mùng 2 đến mùng 10 Tết Nguyên đán. Lễ hội cầu an gồm các nghi thức như: cúng dường, tụng kinh, niệm Phật.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ: Ngoài các nghi lễ truyền thống, lễ hội Ba Vàng còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú, như: biểu diễn nghệ thuật truyền thống, hát quan họ, hát chầu văn,...

3.6. Lễ hội Căm Mường

Thời gian: tháng Giêng đến 3/3 Âm lịch

Địa điểm tổ chức: Lai Châu

 Dân tộc Lự ở Lai Châu mang trong tâm thức tín ngưỡng về thần sông, thần núi …. mong rằng cuộc sống của họ có được sự ấm no, đầy đủ và nhờ các vị thần che chở. Vì thế họ đã tổ chức lễ hội Căm Mường để dâng lễ vật tạ ơn thần linh và cầu nguyện cho một năm sung túc.

 

 

Lễ hội Căm Mường
(Ảnh: Sưu tầm)

Được coi là một lễ hội truyền thống Việt Nam đặc sắc của người dân vùng cao mà rất nhiều du khách mong muốn được chứng kiến một lần trong tiết đầu xuân. Tại đây mỗi năm rất thu hút du khách tham quan. Khách du lịch trong những ngày này có thể chứng kiến các nghi lễ truyền thống đặc sắc lần đầu tiên trong đời. Thế nhưng người Lự lại kiêng không cho người lạ vào nhà nên du khách sẽ phải thuê khách sạn để ở lại xung quanh đó. Vì thế bạn vẫn được tự do tham gia phần hội vui tươi và sôi động đúng chất ở núi rừng.

3.7. Lễ hội xuống đồng 

Thời gian: ngày 8 tháng Giêng

Địa điểm tổ chức: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La

Lễ hội xuống đồng là một trong các lễ hội vùng Tây Bắc của đồng bào Tày, Nùng được chia thành 2 phần chính: phần lễ, phần hội. Phần lễ là phần mang các nghi thức tâm linh như tục rước đất, tục rước nước, lễ cúng và cày đồng,… Tục rước đất, và rước nước sẽ được tổ chức từ lúc sáng sớm.

Lễ hội xuống đồng
(Ảnh: Sưu tầm)

Phần hội sẽ bao gồm các tiết mục văn nghệ vô cùng đặc sắc và các trò chơi truyền thống trong văn hóa người Tày, người Dao. Các điệu nhảy sạp, các điệu múa xòe hòa trong tiếng kèn, tiếng trống hay màn tái hiện phần phong tục đặc sắc “đám cưới đồng bào Dao đỏ”…

Những trò chơi dân gian quen thuộc, như ném còn, hay đẩy gậy, kéo co, đánh bóng, đánh quay, leo cột mỡ, bịt mắt bắt dê… rất vui nhộn.

3.8. Lễ hội nhảy lửa

Thời gian: cuối năm Âm lịch đến rằm tháng Giêng

Địa điểm tổ chức: Hà Giang, Tuyên Quang

Lễ hội nhảy lửa được diễn ra từ cuối năm âm lịch cho đến rằm tháng giêng.Theo quan niệm của người Dao đỏ và người Pà Thẻn lễ hội nhảy lửa là để dân bản tạ ơn thần linh vì đã phù hộ cho bản làng một năm có mưa thuận gió hòa và mùa màng tươi tốt, đồng thời cầu mong thần linh sẽ tiếp tục che chở cho bản làng phòng tránh mọi tai ương, có cuộc sống ấm êm và no đủ.

Lễ hội nhảy lửa
Những người đàn ông khoẻ mạnh tham gia lễ hội nhảy lửa (Ảnh: Sưu tầm)

Người tham gia trong lễ hội nhảy lửa sẽ là cánh đàn ông con trai trong bản. Nhìn chung, các nghi thức của lễ hội nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn cũng khá tương tự như của dân tộc Dao đỏ. Lễ hội này thường được tổ chức ở trên một địa điểm thoáng đãng ví như khoảng sân rộng.

3.9. Lễ hội đền Đức Thánh Trần

Thời gian: ngày 8 đến 10 tháng Giêng

Địa điểm tổ chức: đền Đức Thánh Trần ở TP Hồ Chí Minh

Những ngày lễ hội là tấm lòng tri ân công đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời giáo dục truyền thống, lịch cho thế hệ trẻ.

Lễ hội đền Đức Thánh Trần
(Ảnh: Sưu tầm)

Từ Bắc vào Nam, những lễ hội ở Việt Nam trong dịp Tết còn rất nhiều, chúng tôi đã khái quát lại những lễ hội nổi bật nhất để các bạn có thêm kiến thức bổ sung vào danh sách cho các bạn trẩy hội dịp Tết đến xuân về.

3.10. Lễ hội Núi Bà Đen

Thời gian: mùng 4 Tết Nguyên Đán đến hết tháng Giêng

Địa điểm tổ chức: Núi Bà Đen thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, tỉnh phố Tây Ninh

Lễ hội xuân núi Bà Đen được khai mạc đúng mùng 4 Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng Giêng nhưng lễ hội chính diễn ra từ 15 đến 18/1 Âm lịch. Theo truyền thuyết, có một người con gái tên là Đênh (sau gọi là Đen) sùng Đạo Phật và là con của một vị quan lớn. Khi trưởng thành, cô bị ép duyên với con một vị quan khác, nàng bỏ nhà lên núi xuất gia và chết ở đó. Sau này, triều đình nhà Nguyễn cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”.

Lễ hội Núi Bà Đen
Người dân nô nức đến hội xuân núi Bà Đen (Ảnh: Sưu tầm)

3.11. Lễ hội Dinh Cô

Thời gian: mùng 10 tháng Giêng tới ngày 12/2 Âm lịch

Địa điểm tổ chức: thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Lễ hội Dinh Cô được xem là lễ hội lớn nhất vùng biển Nam Bộ. Cứ mỗi lần gần tới lễ hội thì rất nhiều người dân địa phương và du khách tìm đến Dinh Cô dự lễ hội để cầu mong những điều an toàn cho cuộc sống và thưởng ngoạn phong cảnh sơn thủy hữu tình.

Lễ hội Dinh Cô
 Đoàn người đưa ghe ra bờ biển, hướng mũi vào Dinh Cô (Ảnh: Sưu tầm)

Trước ngày chánh lễ (mùng 10 và 11/2 âm lịch) có những đêm hội hoa đăng trên biển. Hàng vạn ghe thuyền kết hoa đăng rực rỡ đậu kín bên bờ biển, hướng mũi vào Dinh Cô. Từ ngày chánh lễ (12/2 âm lịch), từ sáng sớm các ghe thuyền quay hướng ra biển làm lễ Nghinh Cô. Một chiếc ghe của dân chài được coi là đi biển giỏi nhất trong năm được chọn dẫn đầu, trên có ngai, long vị Cô cùng các vị trong ban nghi lễ, các bô lão cao niên với lễ phục trang nghiêm và đội lân sư rồng. Đoàn ghe thuyền nối nhau ra khơi trong tiến trống vang trời. Đi khoảng 2-3 hải lý, nhắm chừng tới nơi Cô tử nạn ngày xưa, ông chánh bái bắt đầu nghi lễ rước Cô cùng các vị thần linh, ông bà tổ tiên cùng về dinh ăn giỗ.

3.12. Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu

Thời gian: ngày 14 và 15 tháng Giêng âm lịch

Địa điểm tổ chức: Chùa Bà Thiên Hậu, số 04 đường Nguyễn Du, thành phố Thủ Dầu Một và tại phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương

Trước Tết Nguyên đán, khuôn viên chùa Bà Thiên Hậu sẽ được trang hoàng bằng cờ và các loại đèn lồng đặc trưng, kéo dài từ cửa tam quan vào đến bên trong điện thờ. Trong đó có 12 chiếc lồng đèn lớn nhất, được trang trí rất cầu kỳ, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, treo thành một hàng dài rực rỡ ngay trước chánh điện.

Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu
(Ảnh: Sưu tầm)

Hàng năm, chùa Bà Thiên Hậu tổ chức lễ hội rước kiệu Bà, đây được xem là lễ hội lớn nhất ở Bình Dương, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong tỉnh và từ các tỉnh thành lân cận đến hành hương. Lễ vật dâng lên Bà Thiên Hậu sẽ bao gồm lợn quay, gà, ngỗng cùng trái cây, bánh, hoa. 

3.13. Lễ hội Cầu Ngư

Thời gian:  ngày 12 tháng Giêng Âm lịch

Địa điểm tổ chức: các làng chài miền Trung

Diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng Âm lịch, tại đây những ngư dân khu vực miền Trung sẽ chuẩn bị cho lễ hội cầu ngư, một nghi lễ quan trọng cầu cho sóng yên biển lặng, tôm cá đầy ghe và cuộc sống người chài lưới thêm sung túc. Phần hội ở đây rất đặc biệt với nhiều trò diễn hài hước và phóng khoáng nhưng lại tái hiện được toàn bộ cuộc sống của người dân nơi đây. Tại sân đình, người dân diễn trò bủa lưới, trò quệ, giạ xúc ruốc, bủa lưới nậu lưới…

Lễ hội Cầu Ngư
(Ảnh: Sưu tầm)

Trẻ nhỏ trong làng sẽ mặc trang phục hóa trang thành những con cá nhỏ còn người lớn thì quây thành vòng tròn tượng trưng cho hình ảnh những ngư dân đánh bắt được cá và không để cho cá được thoát ra. Sau khi đánh bắt cá sẽ được đem ra chợ bán, người dân sẽ tái hiện lại cảnh những chợ cá tấp nập người mua kẻ bán, trả giá, trả tiền, chia tiền bán được xôn xao, tấp nập….

3.14. Lễ hội vật Làng Sình

Thời gian: mùng 10 tháng Giêng Âm lịch

Địa điểm tổ chức: Làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế

Hội Vật làng Sình là nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy suốt mấy trăm năm qua kể từ thời chúa Nguyễn. Làng Sình cũng là địa chỉ cuối cùng về phương Nam còn lưu giữ truyền thống vật võ. 

Hội vật làng Sình ngoài yếu tố tâm linh truyền thống còn là một hoạt động vui, khoẻ đầy tinh thần thượng võ. Kích thích việc rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí, nhất là với lớp trai trẻ. Hội vật cũng nhằm mục đích lưu giữ truyền thống vật võ - Một sinh hoạt văn hoá đặc trưng của người Việt với niềm mong ước cho dân khoẻ, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc muôn người.

Lễ hội vật Làng Sình
Hai đô vật tranh tài quyết liệt (Ảnh: Sưu tầm)

Cùng với Sới vật chính, đêm hôm trước và suốt ngày hội, khắp nơi trong làng các quán hàng ăn: bún bò, bánh bèo, bánh nậm, bán bột lọc, cháo lòng, bánh canh, chè… các gian trò chơi thu hút đông đảo khách chơi xuân. Cho đến khi tắt nắng, cuộc vui mới chịu dừng. Và, hôm sau mọi việc trở lại nhịp đời thường. Một năm làm lụng mới lại bắt đầu.

3.15. Lễ hội Vía Bà

Thời gian: ngày 16-19 tháng Giêng âm lịch

Địa điểm tổ chức: thôn Liêm Lợi, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định

Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ công ơn đức độ của bà Đỗ Thị Tân và cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, đời sống no ấm.

Lễ hội Vía Bà
(Ảnh: Sưu tầm)

Để tưởng nhớ công ơn đức độ của bà, dân làng lập miếu thờ ngay trên mảnh đất nơi bà sinh sống ngày xưa với tên gọi Miếu Bà hay Hội Sản Nương Thần Miếu. Năm 2006 đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận Miếu Bà là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Các lễ hội ngày Tết Nguyên Đán đều có những bản sắc và dấu ấn riêng của từng vùng miền. Những lễ hội ở Việt Nam còn rất nhiều nhưng sẽ không thể giới thiệu hết trong một vài trang viết. Mong bài viết trên đây đã cho bạn thêm những kiến thức bổ ích về lễ hội ngày Tết của Việt Nam. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khoẻ và bình an trong những ngày nghỉ Tết Nguyên Đán.


Chùm tour tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 Trong Nước và Nước Ngoài của PYS Travel:

Chùm Tour tết Nguyên đán 2024 từ Hà Nội

Chùm Tour tết Nguyên đán 2024 từ TP.HCM

Chùm tour Outbound Tết Nguyên Đán 2024 từ HN

Chùm tour Outbound Tết Nguyên Đán 2024 từ HCM

Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây

Đăng ký nhận ưu đãi

Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn