Nếu có cơ hội đến ngắm những ruộng bậc thang đẹp bậc nhất miền núi phía Bắc Hoàng Su Phì Hà Giang, du khách đừng bỏ qua lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn (sống ở huyện Bắc Quang và Quang Bình, giáp với huyện Hoàng Su Phì)
Du khách có thể được chiêm ngưỡng Lễ hội Nhảy lửa này vào hai dịp trong năm đó là vào thời khắc giao thừa năm cũ và năm mới, hoặc nếu bỏ lỡ cơ hội ngắm Hoàng Su Phì Hà Giang, thì vào 16/10 âm lịch hàng năm, sau khi vụ mùa thu hoạch xong, những đống củi đỏ lửa lại được thắp sáng lên một lần nữa, chuẩn bị cho một Lễ hội Nhảy lửa đầy háo hức.
(Ảnh: Sưu tầm)
Các thầy cúng trong Lễ hội Nhảy lửa là nhân tố quan trọng nhất trong cả lễ hội, bởi đây là cầu nối, nối liền thế giới của các vị thần với nhân gian trần tục. Bởi vậy, nhảy lửa cũng gắn liền với nghề truyền thầy cúng – những người tham gia nhảy lửa sẽ là người học trò có thể được truyền nghề.
Trong tiếng Pà Thẻn, lễ hội này được gọi là “Po ding họn a tờ” hay còn gọi với cái tên dễ gọi hơn là Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn. Lễ vật tương đối đơn sơ: một con gà trống, một bát gạo, hương, một chai rượu, tiền giấy,… Những lễ vật này thường do một họ chuẩn bị, những họ còn lại sẽ chuẩn bị củi khô. Đa phần đều là cây nhà lá trồng, gần gũi với cuộc sống người dân tộc Pà Thẻn, không hề cầu kì, cao sang, ngay cả những nhạc cụ mà thầy cúng sử dụng cũng hết sức sơ sài, bởi lẽ nhân vật quan trọng nhất của lễ hội chính là thầy cúng (Pác mân) và các học trò (Tô thích). Tuy nhiên, ngày nay, số lượng người muốn học nghề thầy cúng đã ít đi, do vậy, chỉ cần là trai tráng trong làng là có thể tham gia nhảy lửa.
(Ảnh: Sưu tầm)
Lễ hội chính thức bắt đầu vào lúc 8h tối, tuy nhiên, thầy cúng thì đã chuẩn bị từ 2h chiều để lễ hội diễn ra suôn sẻ nhất. Mở đầu, thầy cúng thắp nến và bày lễ vật lên mâm cúng, rồi thắp ba nén hương, sau đó cắm vào bát hương trên bàn, tiếp tục cắm ba nén hương khác xuống bát hương dưới đất bên cạnh ghế của thầy ngồi. Sau khi ngồi xuống ghế cúng, thầy bắt đầu bài cúng. Một tay cầm que, một tay lắc chiếc vòng Pà Sán Tẩu, vừa gõ vào đàn Pàn dơ, vừa lắc vòng. Khi ấy, người thầy bắt đầu run bần bật lên theo từng nhịp đánh, luôn miệng đọc bài cúng.
(Ảnh: Sưu tầm)
Đầu tiên sẽ là lý do mà lễ hội diễn ra: có thể là dịp giao thừa, cũng có thể là khi thu hoạch vụ mùa xong. Sau đó, thầy sẽ sai học trò nhóm lửa, châm đống củi giữa hội, rồi thầy cầm bát nước thơm đi vẩy vào bốn góc của đống lửa và vẩy lên các học trò. Sau đó, thầy tiếp tục tiến về chỗ ngồi, miệng đọc bài cúng không ngừng. Khi này chính là lúc để thầy có thể xuất hồn lên trời chầu các quan, phật, vua, … mời họ về với con dân người trần mắt thịt, mời các quân, binh về nhập vào trai tráng của dân làng. Người thầy liên lục lắc lư, rung lên bần bật, khi ấy, dân làng kháo nhau rằng, thầy cúng đã “xuất hồn” chu du sang thế giới bên kia nhờ sự phù hộ, dẫn dắt của các ma “âm binh”.
(Ảnh: Sưu tầm)
Qua bài cúng và nhạc điệu, người Pà Thẻn cho rằng, con đường đi tìm thần về nhảy lửa của thầy cúng thật lắm gian lao, vất vả, có khi phải đi qua cả hang quỷ. Do vậy, thầy cúng phải là thầy cao tay, có nhiều phép thuật và quân binh mới làm được.
Sau 20, 30 phút những trai tráng chờ nhảy cúng bắt đầu có những biểu hiện khác. Cơ thể họ rung lên từng nhịp liên hồi, đôi mắt nhắm nghiền, khuôn mặt đã chuyển sang một sắc thái rất lạ, như biến thành con người khác. Người Pà Thẻn cho rằng, các thần đã nhập vào những người đó. Thế rồi họ lao vào đống lửa, làm những tia lửa đỏ rực bắn tung tóe lên trời cao. Họ lao vào như đó chỉ là nơi để nhảy múa chơi đùa chứ không phải là ngọn lửa mà khiến vạn vật phải khiếp sợ. Cứ liên tục, từng người từng người nhảy vào chơi đùa hăng say, mệt lả ra nghỉ rồi lại tiếp tục lao vào như chưa có chuyện gì xảy ra. Cảnh người lao vào đống than đỏ, sáng cả vùng trời, những ánh lửa tàn bay vút lên trời cao. Kì lạ thay, là dù lao vào than đỏ, nhưng bất kể quần áo, hay da thịt những người trai tráng ấy lại chẳng hề có lấy nổi một vết thương, hay cháy xém. Sau khi kết thúc, họ lại trở về là mình, bình tĩnh, sảng khoái, lành lặn. Lễ hội kết thúc, thầy cúng đọc bài cúng cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cho dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.
(Ảnh: Sưu tầm)
Lễ hội Nhảy lửa Pà Thẻn ở Bắc Quang, Quang Bình, cách Hoàng Su Phì Hà Giang không xa, là lễ hội có lịch sử lâu đời, đến nỗi chẳng ai biết được nó bắt đầu từ đâu, duy trì qua bao nhiêu thế hệ. Với họ, đây là lễ hội lớn nhất của dân tộc mình, là lúc mà họ có thể gửi lời cảm ơn sâu sắc đến thần linh vì đã cho họ một mùa màng bội thu, một sức khỏe dồi dào, bảo vệ họ khỏi bệnh tật, khổ đau.
(Ảnh: Sưu tầm)
Lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân Pà Thẻn, không chỉ vậy, lễ hội còn có những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học to lớn. Do vậy Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1, tháng 12/2012) nhằm bảo tồn và phát huy một lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa tộc người và thu hút được đông đảo cộng đồng tham gia.
Như vậy, nếu như trót bỏ lỡ những cánh đồng lúa chín Hoàng Su Phì - Hà Giang đẹp nức lòng. Bạn cũng có thể đến Pà Thẻn, ngắm cảnh núi non hùng vĩ, những con người chân chất, mộc mạc và thử tự mình tận mắt chứng kiến lễ hội Nhảy lửa của người dân Pà Thẻn – một lễ hội kì bí, linh thiêng, đậm đà bản sắc dân tộc và văn hoá con người.
Khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của Hà Giang cùng PYS Travel
Tour du lịch Hà Giang từ Hà Nội (3 ngày 2 đêm)
Tour du lịch Hà Giang từ TP.HCM (4 ngày 3 đêm)
Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn