Đi du lịch Nhật Bản mùa lễ hội, tại sao không ?

07/05/2022

Nhắc đến du lịch Nhật Bản có lẽ mọi người sẽ nghĩ đến đất nước mặt trời mọc, ngọn núi Phú Sĩ hùng vĩ, những bộ trang phục Kimono truyền thống, những bông hoa anh đào nở rực rỡ. Ngoài ra Nhật Bản còn được biết đến với nền văn hóa từ lâu đời, đậm đà bản sắc và độc đáo của Phương Đông.

Bốn mùa tại Nhật Bản đều mang những nét đẹp và nét đặc trưng riêng. Tuy nhiên 2 mùa đẹp nhất ở Nhật Bản để bạn có thể đi du lịch là mùa xuân và mùa thu. Vào mùa xuân, Nhật Bản khoác lên mình màu hồng nhẹ nhàng, mơ mộng của hoa anh đào, còn mùa thu Nhật Bản lại đặc sắc với sắc vàng sắc đỏ vô cùng rực rỡ.

Nhật Bản có rất nhiều những lễ hội và những dịp nghỉ lễ vô cùng đặc biệt. Lễ hội là một phần tạo nên nét độc đáo riêng biệt cho văn hóa Nhật Bản và cũng là điểm thu hút đối với những du khách đến du lịch Nhật. Tại đất nước mặt trời mọc mỗi năm có vô vàn những lễ hội truyền thống được tổ chức ở khắp nơi luôn hiện hữu sự sôi động, đông vui. Và dưới đây là 5 lễ hội lớn tại Nhật Bản trong năm mà bạn hãy tham gia nếu ghé thăm quốc gia này.

1. Lễ hội mừng năm mới Oshogatsu

Ở Nhật Bản, người dân đón năm mới không giống như ở Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc hay một vài nước châu Á khác. Người Nhật Bản đón Tết Nguyên Đán vào ngày 1 tháng 1 dương lịch hàng năm. Người Nhật gọi dịp này là “Oshogatsu” và đây là sự kiện để nghênh đón vị thần Toshigamisama.


Người dân Nhật Bản đón Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán của người Nhật thường diễn ra từ ngày 1 - 3/1 hàng năm. Người dân Nhật Bản chuẩn bị cho lễ hội từ ngày 8/12 đến 12/12. Vào những ngày này, mọi gia đình đều dọn dẹp sạch sẽ, chuẩn bị đồ dùng và trang trí nhà cửa đón năm mới như đặt cây thông Kadomatsu hoặc treo dây Shimekazari trước cửa nhà.

Cũng như Tết cổ truyền ở Việt Nam, người Nhật sẽ đi chùa vào những ngày đầu năm mới, ăn bữa cơm tất niên cùng những món ăn truyền thống, lì xì đầu năm và trẻ em Nhật thì tham gia những trò chơi dân gian như Takoage và cầu lông Hanetsuki.

Món ăn quan trọng nhất của năm mới là “món Tết”. Các món ăn ngày tết được gọi là osechi. Đó thường là món ăn ngọt, làm bằng các nguyên liệu thông thường như rễ cây ngưu báng, trứng cá, tảo ăn, khoai lang, hạt dẻ… Người Nhật dùng những món ăn đơn giản nhưng giàu ý nghĩa tượng trưng này để ăn tết là xuất phát từ tâm lý cầu ước vạn sự tốt lành.


Những món ăn truyền thống của ngày Tết Nguyên Đán Nhật Bản

2. Lễ hội hoa anh đào Hanami

Tên lễ hội là Hanami có ý nghĩa là ngắm hoa. Đây là lễ hội ngắm và thưởng ngoạn hoa, mà mùa xuân Nhật Bản thì chủ yếu đó là hoa anh đào. Truyền thống ngắm hoa anh đào có từ thời Nara dành cho các vua chúa, nhưng càng về sau, lễ hội này càng trở lên phổ biến đến tận bây giờ với sự tham gia của tất cả mọi người. Đây được coi là lễ hội truyền thống lâu đời nhất ở Nhật Bản và được coi là quốc lễ của đất nước này.


Mùa hoa anh đảo nở rực tại Nhật Bản

Lễ hội hoa anh đào Hanami truyền thống của Nhật Bản được diễn ra vào tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Và thời gian cuối tháng 3 trong khoảng 10 - 15 ngày là thời gian mà hoa anh đào nở rộ đẹp nhất. Khoảng thời gian hoa anh đào nở rộ khắp đường phố Nhật Bản, mang lại một khung cảnh yên bình, lãng mạn và những trải nghiệm khó quên cho người dân và khách du lịch khi tới đây.


Sắc hoa anh đào phủ kín Nhật Bản vào cuối tháng 3

Lễ hội anh đào Hanami không cố định địa điểm tổ chức cụ thể. Hoa anh đào ở Nhật Bản thường nở từ miền Nam Nhật Bản trước rồi đến miền Bắc. Chính vì vậy, lễ hội này được tổ chức kéo dài khắp trên mọi miền đất nước mặt trời mọc cho đến khi hết mùa. Người dân Nhật Bản đã lấy dấu mốc cây hoa anh đào ở đền Yasukuni bắt đầu nở hoa, lễ hội mới chính thức bắt đầu.


Những hoạt động trong ngày hội ngắm hoa anh đào

Lễ hội không chỉ là thời gian để du khách ngắm hoa mà còn là thời gian để mọi người cùng nhau quây quần, tổ chức các buổi picnic với gia đình, bạn bè cùng nhau ăn uống, vui chơi. Trong dịp lễ này, người Nhật sẽ ngồi dưới những tán hoa anh đào tuyệt đẹp, tổ chức tiệc tùng, cùng nhau hát hò, nhảy múa và bình phẩm về vẻ đẹp của hoa. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp người Nhật mặc áo kimono truyền thống, cùng nhau chia sẻ những bữa cơm ấm áp với những món ăn truyền thống như cơm hộp bento, sushi và rượu sake.

3. Lễ hội đèn lồng Obon

Lễ hội đèn lồng Obon là lễ hội truyền thống của người dân Nhật Bản, đó cũng được xem là Đại lễ Vu Lan báo hiếu của người Nhật Bản. Lễ hội Obon Nhật Bản diễn ra vào tháng 8 dương lịch hàng năm. Đây chính là dịp để con cái bày tỏ lòng hiếu thảo và biết ơn với ông bà, bố mẹ và tổ tiên.


Lễ hội lồng đèn tại Nhật Bản

Obon là từ viết tắt của Ullambana, có nghĩa là “treo ngược lên”, dùng để chỉ một sự giải thoát to lớn. Người Nhật tin rằng vào ngày này những người chết có thể thoát khỏi cảnh khổ cực của việc bị treo ngược lên dưới địa ngục do những tội ác mà họ đã làm.

Ở mỗi vùng miền của Nhật lại có những ngày tổ chức khác nhau. Vào những ngày đầu tiên của lễ, người ta thường treo đèn lồng trước cửa nhà để tổ tiên có thể về viếng thăm, đi thăm viếng, tu sửa lăng mộ. Vào ngày cuối cùng của lễ hội Obon, người ta đem lồng đèn đến thả ở các sông, hồ, các bờ biển, xem như là để tiễn đưa linh hồn của người quá cố về với thế giới của họ. Thông thường, trong đêm thả lồng đèn, người ta còn đốt pháo hoa.

Cùng với lễ hội này, rất nhiều hoạt động ngoài trời được tổ chức chào mừng. Lớn nhất phải kể đến sự kiện dâng lửa để soi đường cho các linh hồn tìm đường về nhà. Sự kiện này bắt đầu vào lúc 20h ngày 16 tháng 8 tại Kyoto. Năm ngọn lửa sẽ lần lượt được đốt lên trên 5 ngọn núi quanh Kyoto, kéo dài khoảng 1 giờ. Các đám lửa được xếp thành hình chữ Hán với bốn chữ: Đại, Diệu, Pháp, Thuyền.


Ngày lễ hội đèn lồng cũng được coi là ngày lễ Vu Lan báo hiếu tại Nhật Bản

Cũng trong ngày lễ này thì không thể thiếu được sự xuất hiện của điệu nhảy Bon Odori. Và còn có rất nhiều hoạt động khác như các trò chơi dân gian và quan trọng sau dùng chính là nghi thức thả đèn trôi trên sông, thật ra là thả các thuyền giấy với những ngọn nến nhỏ cho trôi trên sông ý nghĩa cho việc đưa tiễn linh hồn trở về nơi thuộc về chính họ.

4. Lễ hội cá chép Koinobori

Koinobori trong tiếng Nhật có nghĩa là cờ cá chép, với người Nhật, cá chép tượng trưng cho lòng dũng cảm và tính ngoan cường như sự tích cá chép vượt ngũ môn hóa rồng ảnh hưởng từ văn hóa của Trung Quốc, vì vậy Koinobori cũng có nghĩa là Lễ hội của các bé trai.

Trước kia, Lễ hội cá chép diễn ra vào đúng ngày 5 tháng 5 âm lịch, tức trùng với Tết Đoan Ngọ của Việt Nam, tuy nhiên, hiện nay người Nhật đã lấy ngày 5 tháng 5 dương lịch làm ngày hội cá chép Koinobori. Vào những dịp lễ này, cờ cá chép đã được treo khắp các cung đường của Nhật từ trước 2 tháng.

Ngoài việc trước các cửa nhà được trang trí bằng những dải cờ cá chép đủ màu sắc mang theo đó là những ý nghĩa khác nhau như màu đen biểu hiện cho mặt nước mùa đông tĩnh lặng, màu đỏ là màu lửa vào mùa hạ, màu tượng trưng cho người mẹ, màu xanh là màu của cây cỏ mùa xuân đâm chồi nảy lộc, vươn thẳng, biểu hiện cho sự phát triển của trẻ em.


Những dải cờ cá chép đủ màu sắc

Trong lễ hội này người ta hay làm Bento truyền thống và những món ăn mô phỏng hình cá chép, làm Chimaki, Kashiwa mochi… cho con để cầu chúc và mong muốn cho con mình được mạnh khỏe và phát triển tốt.

5. Lễ hội Gion

Nhắc đến Lễ hội Gion, đối với người Nhật đây là một trong ba tam đại lễ hội kiệu rước gồm có lễ hội Gion ở tỉnh Kyoto, lễ hội Takayama ở tỉnh Gifu và lễ hội Chichibu ở Saitama.

Lễ hội Gion được tổ chức ở đền Yasaka vào tháng 7 hằng năm. Với ý nghĩa cầu sức khỏe và xua tan bệnh dịch, người dân đã tổ chức những buổi lễ tế để giữ cho tinh thần vượt qua sầu muộn, sự sợ hãi và luôn được thoải mái, thanh tịnh.

Lễ hội Gion Matsuri được diễn ra trong suốt một tháng kể từ ngày 01/07 đến 31/07 hàng năm. Một trong những hoạt động độc đáo nhất của lễ hội chính là lễ diễu hành Yamaboko Junko vào ngày 17/07 qua các đường phố náo nhiệt của Tokyo. Ngoài lễ diễu hành, Gion cũng có nhiều hoạt động chuẩn bị, vui chơi, hội họp rất phong phú như nghi thức thánh tẩy Mikoshi, lễ dựng kiệu Hoko và Kama.


Nghi thức rước kiệu trong lễ hội Gion tại Nhật Bản

Chi phí du lịch Nhật Bản không phải quá cao, bạn có thể tìm hiểu cách săn những chuyến đi Nhật Bản giá rẻ để khám phá nơi đây. Bên cạnh những địa điểm tham quan tại Nhật Bản thì trên đây là những lễ hội lớn tại Nhật Bản mà nếu có dịp bạn nên thử tham gia một lần nhé. Hy vọng đây sẽ là trải nghiệm thú vị đối với mỗi du khách.

Còn chờ gì nữa cùng nhau khám phá những lễ hội độc đáo tại Nhật Bản thôi

Tour du lịch Nhật Bản xinh đẹp

Diệu Linh

Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây

Đăng ký nhận ưu đãi

Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn

Gọi tổng đài
Chat ngay
Gọi tổng đài
Chi nhánh HN
Chi nhánh HCM