Hoàng Su Phì - một nơi tựa bức tranh tuyệt đẹp nhất định bạn không nên bỏ qua khi tới Hà Giang. Vậy bạn đã trang bị cho mình những kinh nghiệm du lịch Hoàng Su Phì chưa nào? Nếu chưa thì cùng PYS Travel tìm hiểu chi tiết nhé!
Huyện Hoàng Su Phì nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, nằm trên thượng nguồn sông Chảy và sông Bạc, cách thành phố Hà Giang 100 km về phía Tây.
- Phía Đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang
- Phía Tây giáp huyện Xín Mần
- Phía Nam giáp huyện Quang Bình
- Phía Bắc giáp Trung Quốc với đường biên giới 41,421 km.
Hiện tại, huyện Hoàng Su Phì gồm có 23 xã và 1 thị trấn. Đây là nơi sinh sống của 12 dân tộc khác nhau, trong đó chiếm đa số là dân tộc Nùng, Mông, Tày, Dao và La Chí.
Nằm ở thượng nguồn của sông Chảy nên địa hình của Hoàng Su Phì bị nhiều con suối chia cắt. Cũng chính vì vậy mà địa hình ở đây có độ dốc lớn.
Tây Côn Lĩnh là đỉnh núi được coi là nóc nhà của vùng núi Đông Bắc Việt Nam. Bắt đầu từ thượng nguồn sông Chảy, dãy núi thuộc địa phận 2 huyện là Hoàng Su Phì và Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang.
Tây Côn Lĩnh ở độ cao 2419 mét với địa hình núi cao đặc trưng, chân núi nhiệt đới ẩm gió mùa còn đỉnh núi mang khí hậu ôn đới núi cao. Nhiệt độ giảm dần theo độ cao nên đỉnh núi luôn chìm trong sự lạnh giá, sương mù và mây giăng mắc bốn bề.
Để chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi bạn phải mất hơn 3 giờ bởi địa hình khá phức tạp, không khác gì Fansipan của Lào Cai. Nếu chinh phục đỉnh núi này vào mùa hè thì thời tiết mát mẻ như tiết trời thu, cảnh sắc như mùa xuân, còn vào mùa đông thì trời cực kì lạnh giá. Dọc theo đường lên núi, bạn có thể thấy những cánh rừng già nguyên sinh với một quần thể thực vật phong phú, đặc biệt là có nhiều loài cây quý hiếm như cây Tống Quán Sủ, cây chè Shan tuyết, cây kim tuyến…
Vào những ngày trời quang, mây tạnh, bình minh lên, ánh nắng mặt trời len lỏi như rót mật nhuộm vàng từng vạt núi, thì ngọn núi “Chín tầng thang” này mang một vẻ đẹp tuyệt diệu hiếm có với khung cảnh núi non trùng điệp, biển mây bồng bềnh.
Bản Phùng là một xã nằm gần biên giới với Trung Quốc. Từ trung tâm thị trấn Vinh Quang, các bạn phải men theo một con đèo nhỏ dài gần 30 km vắt ngang núi mới đến được trung tâm xã.
Không có những thung lũng rộng như Cao Phạ hay Mường Hoa, ruộng bậc thang ở Bản Phùng nằm cheo leo trên những sườn núi dốc đứng. Cùng với Bản Luốc, đây là nơi có những thửa ruộng bậc thang cao nhất Việt Nam.
Hiện nay, trên các sườn núi thuộc địa bàn xã Bản Phùng, Bản Máy huyện Hoàng Su Phì và xã Bản Díu huyện Xín Mần hiện vẫn tồn tại hàng trăm ngôi mộ cổ nằm rải rác theo một đường vòng cung trong một khu vực hàng ngàn km2 theo sườn núi với kích cỡ mỗi ngôi cao khoảng 1,5m, cá biệt có ngôi cao trên 6m, trải qua hàng trăm năm nhưng những ngôi mộ này vẫn không hề bị mưa nắng mài mòn.
Tương truyền, đây là những ngôi mộ giả của Hoàng Vần Thùng (Tức Hoàng Văn Đồng) là một Thổ tù người địa phương trong thời Nguyễn. Ngoài việc trấn ải khu vực biên thùy, Hoàng Vần Thùng còn cho gia binh khai thác tài nguyên khoáng sản. Đồng thời Ông còn giúp người dân ở khu vực này khai ấp lập làng dạy họ cách trồng ngô, lúa và giúp dân diệt trừ kẻ ác. Sau khi mất, ông được dân làng và con cháu chôn cất theo nhiều của cải tùy táng và đắp lên những ngôi mộ giả này nhằm tránh bị người đời sau đào trộm lấy châu báu, đồng thời lập miếu thờ tại đỉnh núi thôn Lủng Cẩu, xã Bản Phùng của huyện Hoàng Su Phì.
Chợ họp tại thị trấn Vinh Quang đã tồn tại khoảng 200 năm nằm dưới chân dãy núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, chợ phiên Hoàng Su Phì họp vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Hàng hóa trao đổi là những vật phẩm trong sinh hoạt hàng ngày như rau quả, vải vóc, chỉ thêu, vật dụng làm nương rẫy…
Không sầm uất như chợ dưới xuôi, việc trao đổi mua bán ở đây diễn ra khá đơn giản để nhanh chóng nhường chỗ cho phần giao lưu tinh thần. Họ quan niệm đến chợ là phải mặc đẹp, quần áo phải mới tinh tươm nên họ dành những bộ quần áo đẹp nhất để vào chợ. Trên quãng đường đến chợ, họ vẫn mặc quần áo bình thường, đến gần chợ thì thay ra.
Phiên chợ là nơi trai gái gặp gỡ làm quen, người già thì gặp lại bạn cũ, là nơi lòng người được sống lại những kỷ niệm một thời. Đến chợ phiên Hoàng Su Phì, du khách sẽ ngập trong sắc màu sặc sỡ của váy áo và trang sức đặc trưng của các chàng trai, cô gái người Dao, Nùng và người Cờ Lao.
Đền Vinh Quang nằm tại trung tâm thị trấn Vinh Quang huyện Hoàng Su Phì, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Bên cạnh việc thờ một số vị thần thánh khác theo tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương thì đền Vinh Quang còn thờ Hoàng Văn Đăng là Chánh tổng của Hoàng Su Phì.
Theo sử sách ghi lại vào năm 1908, ông đã đứng lên khởi nghĩa chống Pháp, sau đó bị Pháp bắt. Trong tù, ông bị giặc Pháp tra tấn dã man đến chết. Để tưởng nhớ công ơn và khâm phục nghĩa khí của Hoàng Văn Đăng người dân thị trấn Vinh Quang đã lập bài vị thờ ông tại đền, coi ông là vị thần tối linh che chở cho nhân dân trong vùng.
Đồn Pố Lũng thị trấn Vinh Quang hay còn gọi là Bốt Pháp – theo cách gọi của người dân địa phương được người Pháp xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XIX. Đây là quần thể kiến trúc quân sự gồm hầm hào, lô cốt, sân bay liên hoàn trên một ngọn đồi phía đông thị trấn Vinh Quang của huyện Hoàng Su Phì.
Hiện nay, hệ thống lô cốt, hầm hào vẫn giữ gần như nguyên vẹn như một chứng tích chiến tranh và tội ác của thực dân Pháp. Ngoài ra, xung quanh khu vực đồn Pố Lũng đã được tán rừng thông đã phủ kín, tạo cảnh quan thiên nhiên rất hấp dẫn du khách khi đến tham quan.
Xã Bản Luốc và Sán Sả Hồ có địa hình là núi đất và độ dốc vừa phải nên nên nhiều ruộng bậc thang. Nơi đây, đâu đâu cũng có ruộng bậc thang theo hình lượn sóng và cánh cung. Ruộng bậc thang ở đây của người Dao áo dài và người Nùng.
Theo bút tích được ghi trên nó ngôi đền cho thấy ngôi đền được xây dựng từ năm thứ 3 đời Minh Mạng (1793). Đền tọa lạc trên sườn một quả núi thuộc thôn Suối Thầu xã Bản Luốc, xung quanh có những thửa ruộng bậc thang bạt ngàn uốn lượn.
Người dân nơi đây coi đó là một chốn thiêng liêng là nơi thờ tự các vị thần vốn tồn tại trong dân gian như: Ngọc Hoàng, thần nông, thần rừng,… với nhiều câu chuyện huyền bí được truyền lại qua nhiều đời. Ngôi đền cũng là nơi thờ tự thành hoàng Đặng Diễn. Ông là người có công khai rừng lập bản từ xa xưa và là quan sắc cai quản vùng đất này. Vào ngày 1/7 âm lịch hàng năm, người dân ở đây tổ chức cúng lễ với mong muốn về một năm mùa màng tốt tươi, mưa nắng thuận hòa, người dân mạnh khỏe.
Hồ Thầu là một xã của Hoàng Su Phì, cách ngã 3 xã Nậm Dịch khoảng 16km. Ruộng bậc thang ở Hồ Thầu của người dân tộc Dao đỏ. Người dân ở đây có có lệ, cứ mỗi khoảng ruộng chừa ra một khoảng rừng nhỏ vây quanh để giữ đất khỏi bị sạt lở.
Ruộng bậc thang Hồ Thầu mênh mông, cao ngút tầm mắt với những ngọn đồi làm ruộng có độ rộng lớn, đều và ít dốc.
Một gia đình trẻ người Dao ghi lại khoảnh khắc mùa vàng tại xã Hồ Thầu
Cổng trời Hoàng Su Phì là các đèo trên Đường tỉnh 177 ở vùng đất huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang.
Hoàng Su Phì là huyện vùng cao có núi non hiểm trở. Việc mở đường và các hoạt động du lịch đã dẫn đến có 3 địa điểm được gọi là Cổng Trời, gồm 2 đèo trên Đường tỉnh 177 và một núi Cổng Trời.
Cùng nằm trên km 24 đường Bắc Quang đi Hoàng Su Phì, ruộng bậc thang Nậm Ty cũng của người Dao đỏ và là một trong các địa điểm được công nhận Di tích Quốc gia ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì.
Nằm ở tả ngạn, nơi hội tụ dòng chảy của 3 con suối lớn: Phìn Hồ đổ xuống, Nậm Ông chảy về và Nậm Khòa dội sang cùng đổ vào một chỗ tạo thành một bình nguyên ngay trên lưng chừng núi. Nhiều người nhận xét rằng, Thông Nguyên là nơi “Quần Sơn – Tụ Thủy”.
Ảnh: VnExpress
Thông Nguyên là một trong những địa điểm ngắm ruộng bậc thang tuyệt đẹp ở Hoàng Su Phì, đoạn đẹp nhất các bạn có thể dừng lại chụp ảnh là khoảng km24 đường từ Bắc Quang đi Hoàng Su Phì.
Nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì khoảng 40 km, thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên là nơi sinh sống của 37 hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ.
Nậm Hồng khoe sắc khi mùa lúa chín
Nơi đây có những thửa ruộng bậc thang trải dài trên các sườn đồi đã được công nhận danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia, bên cạnh đó là vùng chè Shan tuyết cổ thụ Phìn Hồ cùng với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao.
Người dân háo hức thu hoạch chè Shan Tuyết
Khi nhắc đến những món ăn nhất định phải thử tại Hoàng Su Phì thì không thể bỏ lỡ qua món cơm lam được. Cơm lam là một món ăn giản dị, độc đáo và luôn tạo được sự bất ngờ cho người ăn. Món cơm tưởng chừng rất đơn giản trong nguyên liệu và cách làm nhưng ngược lại là cả một nghệ thuật, một ý tưởng của người vùng cao về sự hòa quyện giữa nước, lửa và những ống nứa non.
Cũng giống người Thái ở Mường Lò, Yên Bái hay người Kinh ở Hà Nội… họ sẽ làm cốm vào mùa thu khi tiết trời se lạnh. Hạt nếp sau khi rang, sẽ được giã và đãi vỏ, gói trong lá chuối để giữ hương vị thơm ngon và lâu hơn. Người La Chí thường sử dụng món này để đón khách quý hoặc trong những dịp lễ đặc biệt của gia đình.
Không chỉ là vùng đất của những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, bồng bềnh trong mây, uốn lượn theo dáng núi làm bao du khách mải mê chiêm ngưỡng, mà đến Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín du khách còn bị níu chân bằng món ẩm thực vô cùng thú vị, đậm chất quê: Cá chép ruộng bậc thang.
Phần lớn diện tích lúa nước của Hoàng Su Phì đã được người dân tận dụng nuôi cá chép ruộng nhằm cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập.
Chuột không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà nó còn gắn liền với đời sống thường ngày của người La Chí. Món thịt chuột ở đây vô cùng phổ biến và hầu như có thể dùng quanh năm suốt tháng với vô vàn biến tấu như: chuột nướng, chuột xào, chuột treo gác bếp,… Thịt chuột có vị thơm, mềm hấp dẫn hòa cùng những loại gia vị vùng núi đặc trưng vô cùng ngôn miệng sẽ khiến thực khách khó quên.
Trong bất cứ ngày lễ cúng nào thì loại nguyên liệu này đều là thứ không thể thiếu, bởi người La Chí rất sợ rắn và họ tin rằng nếu dâng món thịt chuột để mời Thần Rắn thì sẽ không bị cắn người và giúp bản làng được no ấm, mưa thuận gió hòa.
Nhiều người khi nhắc tới thịt dê sẽ nghĩ ngay tới Ninh Bình, bởi thịt dê vốn là một đặc sản rất nổi tiếng của vùng đất cố đô. Tuy nhiên, nếu đến Hoàng Su Phì các bạn cũng có thể được thưởng thức món này nhé, dê ở Hoàng Su Phì được nuôi thả tự nhiên trên dãy núi Tây Côn Lĩnh, cùng với khí hậu mát mẻ nên thịt dê ở đây cũng rất thơm ngon.
Thịt gác bếp vốn là đặc sản của hầu hết các tỉnh vùng cao phía Bắc, từ Tây Bắc sang đến vùng Đông Bắc người dân đều thường xuyên chế biến món này. Thịt trâu được róc thành miếng, tẩm ướp gia vị rồi hun bằng khói của than củi đốt từ các loại cây mọc trên núi đá. Đây cũng là món nhắm rượu hàng đầu của người dân ở đây.
Thắng cố có nghĩa là canh xương. Trong nồi thắng cố gồm chủ yếu là xương, thịt gia súc cùng lục phủ ngũ tạng, chủ yếu là thịt ngựa. Chế biến thắng cố thật đơn giản, con bò hoặc ngựa sau khi giết mổ, người ta lọc thăn bắp và các phần nạc riêng ra để bán. Còn phần xương xẩu được chặt nhỏ, gân cốt bạc nhạc, mỡ và các loại thịt vụn được lọc ra cùng với tiết đông cắt thành miếng nhỏ cộng với tim gan phèo phổi thế là đủ nguyên liệu cơ bản để làm nên món ăn này.
Rượu được sản xuất từ thóc và men lá theo phương pháp, ủ và chưng cất truyền thống của người Nùng tại xã Nàng Đôn, Hoàng Su Phì. Đây là một đặc sản làm quà mà các bạn có thể mua về khi du lịch Hoàng Su Phì.
Cây chè Shan tuyết tại Phìn Hồ sống cheo leo ở độ cao hàng nghìn mét trên dãy núi Phìn Hồ có khí hậu quanh năm mát mẻ. Đây là loại chè rất quý hiếm. Uống vào có vẻ chát chát nhưng càng về sau càng thơm, ngon và ngọt miệng.
Quá trình canh tác và chế biến không sử dụng chất hóa học. Hương vị chè tại đây có vị thơm ngon, tinh khiết đặc biệt do thiên nhiên ban tặng bởi khí hậu thổ nhưỡng ở độ cao trên 1300m. Chè được nhiều du khách yêu thích chọn làm quà cho mỗi chuyến đi Hoàng Su Phì.
Mận Chiến Phố (Hoàng Su Phì – Hà Giang) vốn nổi tiếng bấy lâu về màu sắc, hương vị thơm ngon riêng biệt. Loài mận này thường chín vào đầu tháng 6 và chín rộ vào trung tuần tháng 6 đầu tháng 7. Khi chín, quả chuyển từ màu xanh sang sậm đỏ nên còn có tên gọi là mận máu.
Địa hình núi cao lại chia cắt nên khí hậu vùng đất này có sự khác biệt giữa các khu vực. Cũng chính vì vậy mà cảnh quan thiên nhiên ở đây đa dạng, tạo nên một bức tranh muôn màu. Đi Hoàng Su Phì mùa nào cũng đẹp nhưng thường du khách sẽ chọn đi Hoàng Su Phì mùa lúa chín nhiều hơn.
Mùa xuân ở đây diễn ra các lễ hội. Trong dịp này, các vườn đào, vườn lê cũng đua nhau khoe sắc. Bạn cũng có thể tham quan đồi chè nơi đây.
Đồi chè Shan Tuyết sớm ban mai
Mùa hạ (mùa nước đổ): từ tháng 4- 6, đến đây vào thời gian này, bạn sẽ được nhìn ngắm những thửa ruộng bậc thang trong mùa cấy lúa.
Mùa nước đổ ở bản Phùng
Mùa thu (mùa lúa chín): từ tháng 9- 10, đến đây bạn sẽ được chụp những bức ảnh nơi ruộng lúa chín vàng rực.
Du khách của PYS Travel check- in tại ruộng bậc thang
Tầm cuối tháng 10- 11, sau khi những thửa ruộng bậc thang được thu hoạch xong thì cũng là lúc màu vàng của lúa được thay thế bằng sắc màu say đắm của những bông hoa Tam Giác Mạch.
Mùa đông, bạn có thể khám phá và tham quan Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi. Ở những địa điểm này, bạn có thể săn mây hoặc tuyết.
Săn mây trên núi Tây Côn Lĩnh
Từ Hà Nội đến Hà Giang
Từ bến xe Mỹ Đình hàng ngày có rất nhiều các xe khách giường nằm đi Hà Giang, thời gian khởi hành thường khoảng 8- 9h tối, đến khoảng 5h sáng các bạn sẽ có mặt tại bến xe Hà Giang.
Từ Hà Giang đến Hoàng Su Phì
Các bạn có thể lựa chọn thuê xe máy ở Hà Giang, sau khi xe khách đưa các bạn tới bến xe thì nhận xe rồi từ đây di chuyển ngược lại QL2 đi đến Tân Quang thì rẽ vào đường ĐT177 đi Hoàng Su Phì.
Có một tuyến đường khác có thể chạy xe máy tới Hoàng Su Phì là đi lên phía cửa khẩu Thanh Thủy rồi vượt Tây Côn Lĩnh để sang Hoàng Su Phì.
Cung đường này khá dễ đi, để chi tiết hơn bạn có thể tham khảo thêm kinh nghiệm du lịch Đông Bắc.
Hiện nay cung đường Hoàng Su Phì có hệ thống đường xá được cải thiện tốt hơn trước, xe ôtô hoàn toàn có thể lên đến tận nơi. Nhưng do các điểm tham quan không nằm tập trung mà phân bổ đều khắp nơi trong huyện, nên thuận tiện nhất nếu bạn đi xe máy bởi tính cơ động. Đường đi Hoàng Su Phì khá hiểm trở, nhất là vào mùa thu thường xuyên có mưa, do vậy nếu bạn không chắc chắn khi đi xe máy thì cũng có thể lựa chọn các phương tiện khác. Đường lên Hoàng Su Phì chia theo hai ngả:
- Từ đường quốc lộ 2 qua Tuyên Quang đến Hà Giang đi xuyên vào Hoàng Su Phì.
- Hoặc bạn có thể di chuyển từ phía đường Bắc Hà (Lào Cai) qua Xín Mần.
Hoàng Su Phì là một huyện khá hẻo lánh nên chưa có nhiều nhà nghỉ cũng như các khách sạn.Khách du lịch đến với Hoàng Su Phì chủ yếu thường nghỉ lại ở nhà nghỉ trung tâm thành phố Hà Giang. Do vậy các bạn nên tham khảo qua những khách sạn Hà Giang giá rẻ để dễ dàng lựa chọn.
Nhà nghỉ Hoàng Anh
Điện thoại : (0219).3831.133
Địa chỉ : Thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì
Nhà nghỉ Thuận An
Điện thoại : (0219).383.1444
Địa chỉ : Thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì
Nhà nghỉ Sông Chảy
Điện thoại : (0219).383.1246
Địa chỉ : Thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì.
Dao's Homestay
Điện thoại: 094.805.28.89
Địa chỉ: Nậm Hồng, Thông Nguyên, Hoàng Su Phì
Hoàng Su Phì Bungalow
Điện thoại: 0988.070.619
Địa chỉ: Nậm Hồng, Thông Nguyên, Hoàng Su Phì
Bạn có thể tham khảo chi tiết thêm thông tin tại Booking.com để chọn cho mình chỗ lưu trú phù hợp nhé!
Panhou retreat
Khu nghỉ dưỡng Panhou Retreat tọa lạc tại huyện biên giới miền núi Hoàng Su Phì, một "ốc đảo" bao trọn không gian thiên nhiên hoang sơ, nét văn hóa đặc sắc, âm thanh thanh bình của núi rừng trong những ngôi nhà gỗ mộc mạc. Diện tích rộng rãi, thoáng mát, hệ thống phòng ốc cao cấp gần gũi với thiên nhiên. Bên canh đó là sự kết hợp tinh tế giữa nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc bản địa.
Sở hữu nét đẹp như vào chốn thần tiên khi bước nhẹ trên cây cầu gỗ, đón ánh nắng lấp lánh qua tán lá rừng. Khu nghỉ dưỡng Panhou Retreat Hà Giang sẽ mang đến cảm giác nhẹ nhàng, nhắm mắt và tận hưởng trọn vẹn sự bình yên. Ngoài ra, Panhou Retreat coòn tạo ra các chương trình kết hợp tham quan và lưu trú tại nhà người dân tộc, dã ngoại bằng hình thức đi bộ,... Phù hợp với chuyến đi nghỉ dưỡng, thích khám phá, giải tỏa căng thẳng sau nhiều ngày làm việc.
Lagom Hoàng Su Phì
Nép mình sau những rặng sa mộc xanh mát, Lagom mang cho mình một vẻ đẹp bình yên, hiền hoà mà bất cứ kẻ hay mơ nào luôn tìm kiếm. Cách xa trung tâm ồn ã, Lagom là nơi dừng chân hoàn mỹ cho những tâm hồn nhạy cảm, yêu thích sự riêng tư và muốn lắng nghe những thanh âm dịu dàng nhất của cuộc sống.
Quý khách hoàn toàn có thể tham gia những trải nghiệm độc đáo khi lưu trú tại Lagom như tham gia lễ nhảy lửa truyền thống của người Dao, leo núi Chiêu Lầu Thi, săn mây, thăm bản Luốc, tắm suối, cắm trại, picnic,..trong không gian thiên nhiên trong lành và rộn rã tiếng chim.
Một vài lưu ý nho nhỏ dành cho bạn:
- Thời tiết trên Hoàng Su Phì khá lạnh, đặc biệt là khi đêm xuống. Vì vậy bạn cần mang theo đủ áo ấm và các đồ dùng cần thiết
- Nếu đi phượt bằng xe máy bạn cần mang đầy đủ giấy tờ xe và đảm bảo xe được an toàn về mặt kỹ thuật vì đường lên Hoàng Su Phì rất khó đi
- Mang theo chút đồ ăn nhanh bên mình vì ở đây không có nhiều cửa hàng
- Khi đến biên giới, bạn cần gặp các chốt biên phòng để có được sự hướng dẫn và giúp đỡ tốt nhất
Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm du lịch Hoàng Su Phì PYS Travel dành cho bạn. Để có một chuyến đi thật hoàn hảo bạn hãy bớt chút thời gian để tìm hiểu nhé!
Cùng PYS Travel chinh phục Hoàng Su Phì Hà Giang ngay thôi
Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn