Khám phá Top 10 lễ hội ấn tượng nhất của Nepal

06/08/2024

Nepal, một quốc gia nhỏ bé nhưng đầy sức sống nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá văn hóa và lễ hội. Mỗi mùa trong năm, Nepal lại ngập tràn sắc màu với những lễ hội độc đáo khác nhau, phản ánh sâu sắc văn hóa truyền thống và tôn giáo đa dạng ở đất nước này.

Đặc biệt, Nepal sử dụng nhiều loại lịch để phục vụ các nhu cầu khác nhau của cộng đồng. Lịch chính thức và phổ biến nhất là Vikram Samvat (tên khác: Bikram Sambat), có từ năm 57 TCN, với thời gian bắt đầu năm mới là từ giữa tháng 4 (Dương lịch). Ngoài ra, người dân Nepal còn sử dụng lịch Nepal Sambat (bắt đầu năm từ giữa tháng 10 Dương lịch), lịch Tây Tạng, lịch Hindu và lịch Dương.

Các lễ hội đặc trưng của Nepal được tổ chức theo các loại lịch này, mang đậm dấu ấn văn hóa và tôn giáo. Ví dụ, theo lịch Vikram Samvat, lễ hội Dashain được tổ chức vào tháng Ashwin (tháng 9 - 10 Dương lịch), hay lễ hội Holi diễn ra vào tháng Falgun (tháng 2 - 3 Dương lịch). Vì vậy, cũng không khó hiểu khi có đến bốn lễ hội đón mừng năm mới được tổ chức ở Nepal. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng PYS Travel khám phá Top 10 lễ hội ấn tượng nhất của Nepal nhé.

1. Lhosar - Tết của người Tây Tạng

Thời gian: Tháng 12 đến tháng 2 (phụ thuộc vào từng dân tộc)

Địa điểm: Các vùng tập trung nhiều cộng đồng người Tây Tạng

Lhosar, hay còn gọi là Tết Tây Tạng, là một lễ hội năm mới truyền thống đặc sắc của các cộng đồng gốc Tây Tạng tại Nepal như Tamang, Sherpa, Gurung, và Thakali. Lễ hội này không chỉ là dịp để cùng nhau tụ họp đón chào năm mới, cầu chúc an lành, mà còn là thời điểm quan trọng để các cộng đồng này tôn vinh văn hóa và di sản của mình. Đặc biệt, Tamu Lhosar, Sonam Lhosar, và Gyalpo Lhosar là ba 3 lễ hội nổi bật với những đặc trưng riêng. 

Tamu Lhosar là lễ hội của người Gurung vùng Dhaulagiri và Annapurna, diễn ra vào giữa tháng 12 hoặc tháng 1. Người dân thường dựng tượng Phật trong nhà, đốt nhang, tổ chức tiệc với các món ăn truyền thống như Sel Roti (bánh gạo tròn), Achar (dưa chua), và rượu nhà làm. Ở các vùng nông thôn, họ tụ tập tại sân nhà để vui chơi, còn tại thành phố, họ diễu hành qua các con phố, tạo nên một không khí lễ hội náo nhiệt.

Tamu Lhosar

Người Gurung diễu hành qua các con phố trong lễ hội Tamu Lhosar (Ảnh: sưu tầm) 

Sonam Lhosar của người Tamang diễn ra từ tháng 1 đến giữa tháng 2, kéo dài 15 ngày. Người Tamang dọn dẹp và trang trí nhà cửa, thăm các tu viện và tòa tháp trong trang phục truyền thống. Những điệu múa mặt nạ được biểu diễn để xua đuổi tà ma và mang lại điều tốt lành. Cửa ra vào và cửa sổ cũng được trang trí bằng giấy màu và vải, cùng các món ăn như thịt lợn, vịt, gà hay các món ngọt đặc trưng.

Gyalpo Lhosar được tổ chức bởi người Sherpa vùng Himalaya vào tháng 2. Người dân dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị các món ăn như súp Guthuk, chứa những vật ngẫu nhiên như gỗ, giấy, sỏi để người ăn có thể dự đoán về năm mới. Trong lễ hội, các điệu múa và nghi lễ được thực hiện để tưởng nhớ cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, cùng với các màn trình diễn truyền thống hấp dẫn.

Guthuk

Người Sherpa nấu súp Guthuk trong lễ hội Gyalpo Lhosar (Ảnh: sưu tầm) 

2. Maha Shivaratri - Tôn vinh Thần Shiva

Thời gian: Tháng 2 hoặc tháng 3

Địa điểm chính: Đền Pashupatinath ở Kathmandu

Maha Shivaratri là một lễ hội Hindu quan trọng, được tổ chức để tôn vinh Thần Shiva - vị thần đại diện cho sự hủy diệt và tái sinh, một trong ba vị thần chính của đạo Hindu. Tên gọi "Shivaratri" có nghĩa là "Đêm của Shiva", tượng trưng cho dịp đặc biệt để tôn vinh vị thần thiêng liêng này. Lễ hội này diễn ra khi mùa xuân đến, đánh dấu sự ra đời của Thần Shiva và sự khởi đầu mới mẻ, ấm áp cho Trái Đất. Ngoài Nepal, Maha Shivaratri còn được tổ chức tại các quốc gia có đông đảo cộng đồng Hindu giáo, bao gồm Ấn Độ, Mauritius, Indonesia và Malaysia.

Maha Shivaratri

Lễ hội Maha Shivaratri ở Kathmandu (Ảnh: sưu tầm) 

Trong ngày lễ này ở Nepal, các tín đồ sẽ nhịn ăn suốt cả ngày và thực hiện các nghi lễ (puja) để tôn vinh Thần Shiva. Họ tới các ngôi đền, đặc biệt là Đền Pashupatinath, dâng lên hoa quả, lá bael, đèn dầu, tạo nên không khí tâm linh sâu sắc. Sau khi nhịn ăn suốt cả ngày, các gia đình sẽ chuẩn bị những món ăn truyền thống như trái cây, bánh kẹo và các món đặc sản khác để cùng chia sẻ với nhau trong buổi canh thức đêm.

Trong Đêm Canh Thức (Jagran), việc tụng kinh "Om Namah Shivaya" có ý nghĩa đặc biệt, giúp thanh tẩy linh hồn và mang lại những phước lành từ Thần Shiva. Người dân còn cùng tụ tập thắp lửa trại, cầu nguyện, hát nhạc thánh và kể chuyện tôn giáo suốt đêm. Nghi lễ thắp đèn vào buổi tối tại Đền Pashupatinath cũng thu hút hàng ngàn tín đồ. Khung cảnh rực rỡ ánh đèn và tiếng tụng kinh tạo nên một không gian tâm linh đầy cảm hứng.

Pashupatinath

Đêm Canh Thức ở Đền Pashupatinath (Ảnh: sưu tầm) 

Xem thêm >> Du lịch Nepal có cần xin visa không? 

3. Holi - Lễ hội của những sắc màu

Thời gian: Tháng 2 hoặc tháng 3

Địa điểm: Trên khắp cả nước (nổi bật như Thung lũng Kathmandu, Thành phố Pokhara, Thành phố Biratnagar…)

Holi, còn được biết đến với tên gọi "Fagu Purnima", là một trong những lễ hội Hindu vui nhộn và ấn tượng nhất, mang đến trải nghiệm du lịch không thể bỏ qua ở Nepal. Lễ hội này đánh dấu sự chuyển giao từ mùa đông lạnh giá sang mùa xuân tươi mới, với sắc màu rực rỡ biểu tượng cho sự sống và thịnh vượng. Holi cũng là dịp gắn kết cộng đồng, khi mọi người từ nhiều độ tuổi và tầng lớp xã hội cùng nhau tham gia vào lễ hội. Ngoài Nepal, Holi còn được tổ chức vô cùng sôi động ở Ấn Độ và một số quốc gia khác.

Lễ hội Holi

Hoạt động ném bột màu và bóng nước trong lễ hội Holi (Ảnh: sưu tầm)  

Vào đêm trước Holi, người dân tập trung đốt lửa Holika Dahan, tượng trưng cho sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Vào ngày chính của lễ hội, mọi người cùng nhau ca hát, nhảy múa, tham gia ném bột màu và bóng nước, biến các con phố thành bức tranh rực rỡ. Người dân thường mặc trang phục màu trắng để làm nổi bật màu sắc của bột màu, và chuẩn bị các món ăn đặc sản của lễ hội như Gujiya, Bhang Lassi, Malai Peda để thưởng thức.

Lễ hội Holi

Người dân cùng ca hát và nhảy múa trong lễ hội Holi (Ảnh: sưu tầm)  

4. Bisket Jatra - Lễ hội mừng năm mới Nepal

Thời gian: Tháng 4 

Địa điểm chính: Bhaktapur, Thimi, Bode, Nagadesh, Dhapasi, Tokha,...

Bisket Jatra diễn ra vào dịp Tết Nepal, ngày đầu tiên của năm mới theo lịch Vikram Samvat, là dịp để người dân tạ ơn các vị thần, cầu nguyện cho một năm mới may mắn, thịnh vượng. Bisket Jatra luôn thu hút hàng ngàn người từ khắp nơi đến tham gia. Đây không chỉ là sự kiện chào đón mùa xuân, mà còn là lễ hội mang nhiều ý nghĩa văn hóa, tôn giáo sâu sắc. 

Theo truyền thuyết, lễ hội bắt nguồn từ câu chuyện về một nàng công chúa bị nguyền rủa, chồng nàng sẽ chết ngay sau đêm tân hôn. Một hoàng tử dũng cảm đã phá giải lời nguyền này bằng cách tiêu diệt hai con rắn chui ra từ mũi nàng công chúa. Để kỷ niệm chiến thắng này, người dân đã bắt đầu tổ chức Bisket Jatra. 

Lyo Sin Dyo Bisket Jatra

Lyo Sin Dyo là điểm nhấn của lễ hội Bisket Jatra (Ảnh: sưu tầm) 

Một trong những điểm nhấn của lễ hội này là “Lyo Sin Dyo”, một cây cột cao chọc trời được dựng lên vào ngày cuối cùng của năm cũ và hạ xuống vào ngày đầu năm mới, mang ý nghĩa tiêu diệt kẻ thù. Người dân tin rằng, ai nhìn thấy cột này bị hạ xuống, kẻ thù của họ cũng sẽ gặp bất hạnh. Ngoài ra, lễ hội còn trở nên sôi động hơn khi các cỗ xe của Thần Bhairava và Nữ Thần Bhadra Kali được kéo qua các con phố. 

Bisket Jatra

Bisket Jatra

Các cỗ xe của Thần Bhairava và Nữ Thần Bhadra Kali được người dân cùng nhau kéo qua các con phố (Ảnh: sưu tầm) 

Ở Thimi, lễ hội Sindoor Jatra với màn diễu hành của 32 chiếc xe chở tượng thần và nữ thần, cùng với việc ném bột màu đỏ (sindoor), tạo nên cảnh tượng rất náo nhiệt. Ở Bode, lễ hội xuyên lưỡi là một phần không thể thiếu, nơi một người dân xuyên lưỡi bằng chiếc gai sắt và diễu hành với ngọn đuốc trên vai, ý nghĩa mang lại may mắn và phước lành cho cả thành phố.

Sindoor Jatra

Sindoor Jatra

Hoạt động ném bột màu đỏ trong lễ hội Sindoor Jatra ở Thimi (Ảnh: sưu tầm)

Tham khảo ngay các tour Nepal của PYS Travel

Tour du lịch Nepal

5. Buddha Jayanti - Lễ Phật đản

Thời gian: Tháng 5

Địa điểm chính: Lumbini và Kathmandu

Lễ hội Phật Đản được tổ chức vào ngày trăng tròn tháng Baisakh theo lịch Vikram Samvat (tháng 4-5 Dương lịch), nhằm để tưởng nhớ sự ra đời của Đức Phật - một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Phật giáo. Đây cũng là cơ hội để người dân Nepal thể hiện tinh thần đoàn kết và lòng biết ơn đối với những giáo lý, di huấn của Đức Phật.

Lễ Phật đản

Lễ Phật đản ở Đền thờ Hoàng hậu Maya - mẹ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Ảnh: sưu tầm)  

Lễ Phật đản là một lễ hội quan trọng, diễn ra ở nhiều nơi có Phật giáo phát triển mạnh như Ấn Độ, Hong Kong, Macau, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ở Nepal - đất nước nơi Đức Phật sinh ra, lễ hội này được tổ chức khắp toàn quốc nhưng đặc biệt tập trung chủ yếu ở Lumbini - nơi Đức Phật đản sinh (Đền thờ Hoàng hậu Maya, Vườn Lâm Tỳ Ni…), và các địa điểm linh thiêng ở thủ đô Kathmandu (Chùa Khỉ Swayambhunath và Bảo Tháp Boudhanath).

Trong lễ hội Phật Đản, người dân tham gia các hoạt động tôn giáo như thắp đèn bơ, dâng hoa và tụng kinh. Các chương trình nghệ thuật như biểu diễn văn học, hát ca và múa lân cũng được tổ chức để tôn vinh Đức Phật.

Lễ Phật đản Boudhanath

Lễ Phật đản ở Bảo Tháp Boudhanath (Ảnh: sưu tầm)  

Xem thêm >> Giải đáp thắc mắc: “Du lịch Nepal tự túc bao nhiêu tiền?”

6. Gai Jatra - Lễ hội Bò

Thời gian: Tháng 8 hoặc tháng 9

Địa điểm chính: Thung lũng Kathmandu

Diễn ra vào tháng Bhadra theo lịch Vikram Samvat, Gai Jatra không chỉ là một lễ hội của cộng đồng Newar, mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa của toàn bộ người dân Nepal. Lễ hội này là dịp để tưởng nhớ những người đã khuất, là một hành trình tượng trưng cho sự dẫn đường đưa các linh hồn về cõi vĩnh hằng, với sự hiện diện của những con bò thiêng liêng trong Hindu giáo.

Lễ hội Bò Gai Jatra

Lễ hội Bò ở Nepal (Ảnh: sưu tầm) 

Trong ngày này, những gia đình có người thân qua đời trong năm vừa qua sẽ tham gia vào đoàn diễu hành lớn trên các con phố. Các bé trai được trang điểm hài hước và mặc trang phục đa dạng, từ hình ảnh của con vật như bò đến những nhân vật thần thánh và huyền thoại. Những đoàn diễu hành này không chỉ là cách để tôn vinh người đã khuất, mà còn mang lại tiếng cười và niềm vui, giúp làm dịu đi nỗi đau của những người đang tiếc thương.

Bé trai gai jatra

Bé trai Gai Jatra

Các bé trai được trang điểm và mặc trang phục đa dạng trong lễ hội Gai Jatra (Ảnh: sưu tầm) 

7. Teej - Lễ hội gió mùa

Thời gian: Tháng 8 hoặc tháng 9

Địa điểm: Trên khắp cả nước, nổi bật là tại đền Pashupatinath

Lễ hội Teej, còn được gọi là Haritalika Teej, một trong những lễ hội quyến rũ nhất tại Nepal, là lễ hội dành riêng cho phụ nữ nơi đây. Sự kiện này là dịp để các chị em gặp gỡ, chia sẻ, vui chơi và cùng cầu nguyện cho hạnh phúc gia đình. Lễ hội Teej được tổ chức để tôn vinh Nữ Thần Parvati và sự kết hợp của bà với Thần Shiva, biểu tượng của tình yêu và hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân. Đây cũng là một trong những lễ hội quan trọng nhất của người Ấn Độ - nơi đạo Hindu phát triển rất mạnh mẽ.

Teej saree đỏ

Phụ nữ Nepal mặc saree đỏ trong lễ hội Teej (Ảnh: sưu tầm)  

Lễ hội Teej kéo dài ba ngày với nhiều hoạt động phong phú. Ngày đầu tiên - Dar Khane Din, phụ nữ Nepal khoác lên mình những bộ saree đỏ rực, đeo trang sức lộng lẫy, cùng nhau nhảy múa, hát dân ca và thưởng thức bữa tiệc Dar. Ngày thứ hai là ngày tuyệt thực, nơi phụ nữ thức dậy sớm, tắm rửa sạch sẽ, mặc saree đỏ, đeo trang sức, tụ tập tại các đền thờ Thần Shiva để cầu nguyện cho sức khỏe và hạnh phúc của người chồng. 

Ngày cuối cùng - Rishi Panchami, phụ nữ Nepal sẽ tắm trong bùn đỏ từ rễ cây Datiwan, dâng lễ vật cho các thánh nhân Rishis và Thần Ganesh, với hy vọng những ước nguyện của họ sẽ được thực hiện. Các món ăn đặc biệt như súp đậu hay súp thịt cừu là những món không thể thiếu trong ngày này.

Lễ hội Teej

Hoạt động dâng lễ và nguyện cầu cho gia đình hạnh phúc, bình an (Ảnh: sưu tầm) 

Chính phủ Nepal đã công nhận Teej là ngày lễ quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy nét đẹp văn hóa này.

8. Indra Jatra - Tôn vinh Thần Indra

Thời gian: Tháng 9

Địa điểm chính: Kathmandu, đặc biệt là khu vực Quảng trường Durbar 

Indra Jatra là một trong những lễ hội tôn giáo quan trọng nhất của người Newar ở Kathmandu, kéo dài tám ngày để tưởng nhớ và tôn vinh Thần Indra - vị thần của mưa và trời. Lễ hội này bắt nguồn từ một truyền thuyết thú vị, khi Thần Indra bị bắt giữ lúc xuống trần gian tìm hoa Parijat cho mẹ. Sau khi mẹ của Thần giải thích và cầu xin, người dân thả Thần đi với điều kiện Ngài sẽ quay lại mỗi năm bảy ngày. Lễ hội này không chỉ để tôn vinh Thần Indra và mẹ của Ngài, mà còn là dịp người dân cầu nguyện cho một mùa màng bội thu và cuộc sống bình an.

Nữ thần Kumari Indra Jatra

Cuộc diễu hành rực rỡ với cỗ xe chở Nữ Thần Kumari ở Indra Jatra (Ảnh: sưu tầm)  

Nữ thần Kumari Indra Jatra

Bé gái được chọn làm Nữ Thần Kumari (Ảnh: sưu tầm)  

Điểm nhấn của Indra Jatra là các cuộc diễu hành rực rỡ với cỗ xe chở Nữ Thần Kumari – Nữ Thần Sống, cùng các cỗ xe chở Thần Ganesh và Bhairav, thu hút hàng ngàn người dân và du khách. Lễ hội còn nổi bật với những điệu múa truyền thống như Majipa Lakhey và Sawa Bhakku, nơi người biểu diễn đeo mặt nạ và trình diễn động tác mô phỏng các vị thần và quỷ. Một phần quan trọng khác là lễ dựng cột Yasin hoặc Linga tại Quảng trường Durbar, biểu tượng của cột cờ mà Thần Vishnu tặng cho Thần Indra, được làm từ gỗ thông đặc biệt mang về từ rừng Nala.

Sawa Bhakku Indra Jatra

Điệu múa truyền thống Sawa Bhakku trong lễ hội Indra Jatra (Ảnh: sưu tầm)  

Xem thêm >> Cẩm nang du lịch Nepal

9. Dashain - Lễ hội lớn nhất Nepal

Thời gian: Tháng 9 đến tháng 10 

Địa điểm: Trên khắp cả nước

Dashain là lễ hội lớn nhất và được chào đón nhiều nhất trong văn hóa Hindu của Nepal, tương tự như Tết Nguyên Đán ở Việt Nam, mang đến sự đoàn viên, vui vẻ và đầy ý nghĩa tâm linh. Kéo dài trong 15 ngày, lễ hội này tôn vinh chiến thắng của cái thiện trước cái ác, được thể hiện qua chiến thắng của Nữ Thần Durga trước quỷ dữ Mahishasura, và của Vua Rama trước quỷ dữ Ravana trong câu chuyện Ramayana.  

Dashain Nepal

Làm xích đu là một trong những hoạt động đặc trưng trong lễ Dashain (Ảnh: sưu tầm)  

Xuyên suốt lễ hội Dashain là nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa như: thăm viếng đền thờ, sum họp gia đình, nhảy múa, thả diều, làm xích đu truyền thống, mặc quần áo mới và trao nhau những món quà. Các gia đình sẽ chuẩn bị những bữa tiệc thịnh soạn với nhiều món ăn truyền thống như sel roti và cà ri dê. Người lớn bôi Tika (hỗn hợp từ sữa chua, gạo và bột đỏ) lên trán những người trẻ tuổi, cùng với Jamara (cỏ lúa mạch), như một biểu tượng của sự bảo vệ và may mắn. Ngoài ra, để tôn vinh Nữ Thần Durga, người dân còn hiến tế các con vật như dê, trâu, hoặc gà. Thịt cũng sẽ được chia sẻ và cùng nhau thưởng thức trong các bữa tiệc.

Tika Jamara Dashain Nepal

Hoạt động bôi Tika và Jamara lên trán như biểu tượng của sự bảo vệ và may mắn (Ảnh: sưu tầm) 

10. Tihar - Lễ hội ánh sáng

Thời gian: Tháng 10 hoặc tháng 11

Địa điểm: Trên khắp cả nước

Tihar, còn được gọi là lễ hội ánh sáng, là một trong những lễ hội đẹp và lãng mạn nhất của Nepal. Tương tự như lễ hội Diwali ở Ấn Độ, Tihar là lễ hội tôn vinh Nữ Thần Laxmi - nữ thần của sự giàu có và thịnh vượng. Lễ hội này kéo dài năm ngày, và là một trong những lễ hội lớn nhất của người Hindu tại Nepal, chỉ sau Dashain. Đây không chỉ là dịp để gửi gắm tinh thần tâm linh, mà còn giúp giữ gìn bản sắc, làm phong phú thêm di sản văn hóa Nepal.

Tihar Nepal

Đền Maitidevi rực rỡ ánh sáng trong lễ hội Tihar (Ảnh: sưu tầm) 

Lễ hội Tihar nổi bật với việc thắp sáng đèn dầu, nến và đèn trang trí khắp nơi, tượng trưng cho chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối và cái thiện trước cái ác. Mỗi ngày trong lễ hội đều có ý nghĩa và hoạt động riêng biệt. Ngày đầu tiên (Kaag Tihar), người dân dâng cúng lương thực cho quạ, sứ giả của Thần Chết Yama. Ngày thứ hai (Kukur Tihar), tôn vinh loài chó bằng cách cho chúng đeo những vòng hoa, bôi tika và thưởng thức những món ăn ngon.

Kukur Tihar Nepal

Người dân đeo vòng hoa và bôi tika lên những chú chó trong ngày Kukur Tihar (Ảnh: sưu tầm)  

Ngày thứ ba (Gai Tihar và Laxmi Puja), người dân tôn vinh bò - biểu tượng của sự sung túc và là vật cưỡi của Nữ Thần Laxmi, và thực hiện nghi lễ Laxmi Puja để cầu nguyện sự thịnh vượng, tài lộc. Ngày thứ tư (Goru Puja, Govardhan Puja và Mha Puja), tôn vinh bò đực và tổ chức các nghi lễ truyền thống như lễ thanh tẩy linh hồn Mha Puja. Ngày cuối cùng (Bhai Tika), là dịp để các anh chị em bày tỏ tình cảm và cầu nguyện cho nhau, với nghi lễ bôi tika và trao quà.

Laxmi Puja

Nghi lễ Laxmi Puja để cầu nguyện sự thịnh vượng, tài lộc (Ảnh: sưu tầm) 

Nepal không chỉ nổi tiếng với những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi nền văn hóa đa dạng, phong phú. Các lễ hội tại Nepal mang đậm dấu ấn truyền thống và tôn giáo, mỗi lễ hội đều có những ý nghĩa sâu sắc và nét độc đáo riêng. Đến với Nepal trong mùa lễ hội, du khách không chỉ được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm thú vị mà còn có cơ hội hiểu rõ hơn về cách sống, về tâm hồn của người dân nơi đây. 

Tham khảo các Tour du lịch Nepal của PYS Travel:

Tour Hành hương Ấn Độ - Nepal 7 ngày 7 đêm từ TP.HCM

Tour Hành hương Ấn Độ - Nepal 7 ngày 7 đêm từ Hà Nội

Bản Quyền Hình Ảnh: PYS Travel luôn tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ về tác phẩm nhiếp ảnh, ảnh chụp của các cá nhân và tổ chức. Chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực liên hệ với tất cả các tác giả có ảnh được sử dụng để xin sự cho phép sử dụng ảnh. Nếu có sự sơ suất hay thiếu sót nào, chúng tôi xin được gửi lời xin lỗi tới các tác giả, chủ sở hữu hình ảnh. Các anh/chị cũng vui lòng gửi phản hồi lại cho PYS Travel: https://pystravel.vn/ban-quyen-hinh-anh

Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây

Đăng ký nhận ưu đãi

Mỗi ngày chúng tôi đều gửi đến khách hàng của mình những tin tức thú vị, những ưu đãi hấp dẫn